GÁNH NẶNG VÀ NHỮNG TOAN TÍNH
Chiều cuối thu hiu hắt. Câu chuyện càng thêm ưu tư khi tôi hỏi anh, một lãnh đạo của DN lớn ngành giấy, về định hướng phát triển cho năm tới và những năm tiếp theo. Trong cái nhìn chất chứa nhiều tâm sự, anh chia sẻ với tôi sự tiếc nuối về những thiếu hụt khi không kịp chuẩn bị để ứng phó với tình hình mới.
Gánh nặng…
Thực trạng nền kinh tế:
Hiện trạng doanh nghiệp đang hết sức khó khăn, điều đó đã rất rõ ràng. Câu chuyện bây giờ chỉ còn là nỗi niềm và nguyên cớ. Sự căng thẳng của doanh nghiệp chỉ biết trút lên những biến động như dây chun của chính sách, lên sự yếu kém của hệ thống ngân hàng, và một loạt những bất ổn chung của thị trường. Số khác lại tự đặt câu hỏi cho chính mình về khả năng dự báo biến động của môi trường vĩ mô, khả năng hoạch định chiến lược doanh nghiệp, là những băn khoăn về khả năng chuẩn bị và ứng phó trước những biến động thường xuyên hơn của thời cuộc.
Bàng quan với những tâm trạng đó, nền kinh tế vẫn chạy trên lộ trình tất yếu của nó. Tổng kết 6 tháng đầu năm, có 26.324 doanh nghiệp đăng ký giải thể và ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Số doanh nghiệp không xác minh được trạng thái hoạt động còn cao hơn nữa, 92.710 doanh nghiệp. Theo dữ liệu mà cá nhân người viết có được, con số này còn tiếp tục tăng thêm gần 30.000 doanh nghiệp nữa trong 2 tháng tiếp theo.
Sự khó khăn của doanh nghiệp cũng phản ánh rõ nét trên những con số thống kê về thu ngân sách của Chính phủ. Số thu ngân sách 9 tháng đầu năm của ngành Hải quan đạt khoảng 142.134 tỷ đồng, chỉ bằng 63,5% so với dự toán năm. Con số thu chung cũng giảm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/9/2012 ước tính đạt 468.600 tỷ đồng, giảm 0,32%, bằng 63,3% dự toán năm. Những nguồn thu đạt mức chỉ đạt được mức rất thấp so với kế hoạch là thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 84.4 00 tỷ đồng, bằng 54,8%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 54.900 tỷ đồng, bằng 56,2%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 61.300 tỷ đồng, bằng 55,1%.
Ngược lại với con số thu ngân sách, chi ngân sách lại lên tới 606.300 tỷ đồng, tăng 18,51% so với cùng kỳ năm trước, và đẩy mức thâm hụt ngân sách trong 9 tháng đã lên tới 137,7 nghìn tỷ đồng. Như vậy, so với năm trước thì con số này tăng gần gấp 3, và đạt mức 6,98% GDP, và bằng 29,38% thu ngân sách. Đây là một con số khá ấn tượng và hiện đã vượt lên đứng đầu bảng mức thâm hụt trong những năm gần đây.
Thật dễ lý giải cho việc thâm hụt ngân sách tăng cao, khi Chính phủ đang phải thực thi việc hoãn, giãn thuế cho doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để tháo gỡ khó khăn trước mắt. Nhưng khi khó khăn của doanh nghiệp không còn là vấn đề ngắn hạn, vấn đề thâm hụt ngân sách cũng không còn là câu chuyện đơn giản nữa. Đó là khi Chính phủ phải đương đầu với câu hỏi: nếu tiếp tục như vậy, họ sẽ làm gì để bù đắp thâm hụt trong những năm tiếp theo?
Thách thức WTO:
Hãy quay trở lại với câu chuyện về ngành giấy để có cái nhìn rõ hơn khó khăn trong quá trình hội nhập. Năm 2008, trong cơn bão tăng giá của các loại nguyên vật liệu, ngành giấy đã xin Chính phủ giảm thuế nhập khẩu giấy và bột giấy để tạm thời cân bằng thị trường. Thuế nhập khẩu đã được giảm trước hạn trong lộ trình mở cửa, theo đó, thuế suất sẽ ưu đãi cho khối ASEAN và ở mức rất thấp. Mọi diễn biến đều rất bình thường, nhưng chỉ có một điều mà các cán bộ ngành giấy và các quan chức chính phủ bỏ quên, đó là sau khi ra nhập WTO, thuế suất đã giảm thì không thể tăng trở lại nữa. Một điều nguy hiểm hơn là các bạn láng giềng của chúng ta cũng có ngành công nghiệp giấy khá mạnh.
Như một kết quả tất yếu, sau quyết định giảm thuế của Bộ Tài chính, sản lượng tiêu thụ giấy nội địa giảm mạnh và không thể tăng trở lại nữa. Ngành giấy hứng chịu cú đòn nặng, bất ngờ, choáng váng và dường như không có sự phản kháng nào đáng kể. Họ đã phải chia tay ánh hào quang của một thời vàng son rất chóng vánh, không kịp có sự chuẩn bị nào, dù là nhỏ nhất. Hành động duy nhất có thể làm được là việc Hiệp hội Giấy có công văn phản đối quyết định của Bộ tài chính để xét lại mức thuế suất nhập khẩu. Nhưng những cố gắng đó là vô ích, vì cam kết của WTO đâu chỉ đơn giản là lời nói chơi. Kết cục của ngành giấy đã mở ra mặt khác của WTO, đó là sự khắc nghiệt của thị trường mở, nơi đòi hỏi trình độ và sự nghiêm túc trong công việc luôn ở trạng thái cao nhất. Mỗi sai sót, dù nhỏ nhất, sẽ phải trả bằng cái giá quá đắt.
Câu chuyện ngành giấy đã là một kỷ niệm buồn. Vậy sẽ có bao nhiêu kỷ niệm nữa trong những ngày sắp tới? Điểm hẹn 2015 sẽ là mốc thời gian đáng nhớ, khi mà Hiệp đinh thương mại tự do ASEAN +1 (ASEAN+Trung Quốc) hoàn toàn có hiệu lực. Lúc đó sẽ có rất nhiều hàng rào thuế quan sẽ phải dỡ bỏ giữa các nước trong hiệp định. Thị trường sẽ rộng hơn, nhưng sự cạnh tranh sẽ càng gay gắt hơn.
Trong khi các nước bạn đang có sự chuẩn bị rất tốt cho các doanh nghiệp của họ bằng những chính sách cụ thể thì chúng ta vẫn còn loanh quanh với các vấn đề nội tại mà gần như không có sự chuẩn bị cần thiết nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thích ứng thị trường. Năm 2012 cũng là một mốc quan trọng để cắt giảm thuế trong lộ trình cam kết nhưng cũng không thấy có báo cáo của các cơ quan quản lý đánh giá ảnh hưởng đến từng ngành nghề cụ thể. Có lẽ chúng ta đã thừa tự tin rằng doanh nghiệp có thể tự đứng trên đôi chân của mình trong cuộc chơi khó khăn đó?
Sau hiệp định ASEAN+1 sẽ là hiệp định ASEAN+3, ASEAN+6, TPP (Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương), cánh cửa ngày càng mở rộng hơn cho các đối thủ. Chúng ta sẽ vươn lên hay lại có thêm nhiều câu chuyện mang tên kỷ niệm buồn để kể lại cho lớp trẻ? Câu hỏi này đành để thời gian trả lời vậy…
Và những toan tính…
Một kịch bản vĩ mô cho 2013 là cần thiết và giờ này có lẽ đã hình thành tương đối rõ nét trong kế hoạch của các cơ quan quản lý.
Tâm điểm của thị trường vẫn là nợ xấu của khối ngân hàng và phương án xử lý. Hơn một năm qua, việc tìm kiếm nguồn vốn ngoại để xử lý nợ xấu đã có câu trả lời. Có quá nhiều điểm nhạy cảm trong nợ xấu để ngân hàng không muốn bán nó, hoặc chỉ phát một mức giá quá vô lý làm nản lòng các đối tác. Xét ở góc độ Chính phủ, việc tìm kiếm một khoản vay lớn từ các tổ chức tài chính quốc tế vấp phải vấn đề là yêu cầu can thiệp quá sâu vào các chính sách kinh tế việc giám sát chặt chẽ quá trình điều hành kinh tế sau khi chúng ta nhận tiền. Không thể dùng ngoại lực, chúng ta buộc phải tự thân vận động để có phương án giải quyết bài toán nan giải của nền kinh tế.
Với khó khăn chồng chất của doanh nghiệp, với sự suy yếu của nội lực và mức thâm hụt ngân sách mỗi năm một tăng, phương án khả dĩ nhất có thể nhìn thấy là chấp nhận in tiền để tạo nguồn cho xử lý nợ xấu.
Hệ thống ngân hàng đang suy yếu do tác động của nợ xấu trong thời gian dài. Có một nguồn tiền ổn định, lâu dài tiếp sức sẽ giúp khôi phục phần nào khả năng hỗ trợ thị trường. Có thêm nguồn vốn, việc huy động sẽ tránh được cảnh phá rào, vượt trần lãi suất, giữ bình ổn chung thị trường tài chính. Các ngân hàng sẽ chủ động hơn trong việc cho vay, và lãi suất cho vay sẽ thực sự ở mức hợp lý cho toàn bộ các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn đi vay, chứ không còn hiện tượng mức lãi suất cho vay bị chia nhóm cho các đơn vị khách hàng khác nhau.
Tín dụng ổn định, khởi sắc sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tổ chức sản xuất kinh doanh, giúp khai thông sự ách tắc trong nền kinh tế và tạo động lực mới cho quá trình hồi phục. Song hành với nó là việc điều tiết chính sách tài khóa, đảm bảo mức đầu tư sẽ tạo ra nguồn việc ổn định, hỗ trợ nhịp đập của sự phục hồi và tiếp thêm nguồn năng lượng cho khối doanh nghiệp.
Tuy nhiên trong bối cảnh lạm phát đang nhăm nhe quay trở lại, nền kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, có những tác động khó lường đến Việt Nam, thì quy mô lượng tiền đưa ra thị trường là bài toán khá hóc búa. Bài học gói kích cầu 2009 đủ giúp chúng ta nhận thức rõ về hậu quả của việc bơm tiền không kiểm soát. Vì thế lượng tiền phục vụ cho xử lý nợ xấu sẽ chỉ là một phần trong khối nợ mà chúng ta đang còn phải ước đoán tổng giá trị của nó.
Vì bản chất của nợ xấu đang được các ngân hàng che đậy, cộng thêm áp lực của việc kiểm soát lạm phát nên nguồn tiền dùng cho xử lý nợ xấu không thể dùng lượng lớn, mà chỉ giới hạn trong việc xử lý từng phần hoặc cục bộ để đảm bảo an toàn cho một hệ thống mà các tổ chức tín dụng được phép không thể phá sản.
Việc sử dụng nguồn tiền có hạn để xử lý vấn đề của một hệ thống với các ngân hàng sở hữu chéo chằng chịt, thì hoạt động mua bán nợ sẽ chỉ diễn ra trong góc độ là hỗ trợ những ngân hàng có tiềm năng lấy lại được vị thế ổn định hoặc cung cấp nguồn lực để giải tỏa những điểm nóng trên hệ thống vào những thời điểm căng thẳng để giữ trạng thái cân bằng theo thời điểm. Điểm an ủi duy nhất là với quy mô và cách thức bơm tiền như vậy, NHNN hoàn toàn có thể chủ động điều tiết cung tiền để ngăn ngừa lạm phát thông qua các công cụ sắn có trong tay.
Như vậy nợ xấu về cơ bản sẽ không được giải quyết triệt để. Giải pháp in tiền chỉ đủ để cân bằng trạng thái hệ thống tạm thời. Các ngân hàng buộc phải tự lựa chọn cách xử lý cho hiện trạng của chính mình. Đây sẽ là cuộc thanh lọc kéo dài, khi các ngân hàng yếu kém sẽ phải tìm giải pháp sáp nhập, trong khi đó, các ngân hàng khác cũng phải cơ cấu nợ của mình thông qua tự cân đối lợi nhuận và tài sản.