Nắng và lá cây xanh
Tặng cụ Know và MTP, và các cụ quan tâm đến thiền quán.
Đoạn này em trích từ "Trái tim mặt trời - từ Chánh niệm đến Thiền quán" của thầy Thích Nhất Hạnh.
Em nghĩ cứ giản gị như thế này nó dễ cho tất cả, vì đa số chúng ta đều là người bình thường, nên hướng tới những điều giản gị ...
Người tập thiền thường nghĩ rằng phải làm bặt tăm (im lặng) hết mọi tư
tưởng và cảm giác (mà người ta gọi là vọng tâm) để làm điều kiện thuận lợi
cho định tuệ xuất hiện (tức là chân tâm) xuất hiện. Nghĩ như vậy cho nên
mới tìm áp dụng những thủ thuật như các phép chỉ quán và sổ tức quán để
ngăn chận tạp niệm và vọng tưởng. Chỉ quán và số tức quán là những phép
tu rất hay nhưng không nên đem dùng với mục đích là đàn áp tạp niệm và
vọng tưởng. Như ta đã biết, hễ có đàn áp là có sự phản kháng. Vọng tâm và
chân tâm là một, bỏ vọng tâm thì mất chân tâm. Đàn áp vọng tâm cũng là
đàn áp chân tâm. Tâm của ta không thể đàn áp. Tâm của ta chính là ta. Ta
phải đối xử với ta một cách kính trọng, hòa nhã và tuyệt đối bất bạo động.
Ta nào đã biết mặt mũi của tâm ta ra sao mà bảo nó là chân hay vọng mà đàn
áp với không đàn áp. Điều duy nhứt mà ta có thể làm là ta đốt lên một mặt
trời ý thức. Để soi rõ tâm. Để nhìn mặt tâm.
Tâm không phải chỉ là những hiện tượng tâm lý như nhận thức, cảm xúc, tư
tưởng mà ta thấy xuất hiện trong ta. Những nhận thức, cảm xúc và tư tưởng
ấy chỉ là một phần của tâm, như hoa lá làmột phần của cây, như sóng nước
là một phần của dòng sông. Hoa lá chỉ là biểu hiện tất nhiên của cây cũng
như sóng nước chỉ là biểu hiện tất nhiên của những con nước cuồn cuộn
trong lòng sông. Đàn áp chúng không có lợi ích gì cả, mà đàn áp cũng không
được. Hãy chỉ quán sát chúng. Chính nhờ có chúng mà ta sẽ thấy được và
tìm về được gốc của chúng, nghĩa là của ta.
Mặt trời quán niệm cũng được ta lấy từ trong lòng của Tâm ra để chiếu sáng
lại Tâm. Nó soi tỏ không những mọi tư tưởng và cảm giác có mặt mà còn tự
soi tỏ lấy mình nữa.
Tôi trở lại câu chuyện về sự an tĩnh của ly nước táo. Dòng sông tâm tưởng
của ta còn trôi chảy đó, nhưng vì mặt trời ý thức đã lên và đang chiếu dọi
xuống cho nên nó trôi hiền hòa và do đó ta có sự an tĩnh. Sự liên hệ giữa
dòng sông tâm lý và mặt trời vật lý không giống sự liên hệ giữa dòng sông
vật lý với mặt trời vật lý. Dù đang nửa đêm hay giữa trưa đứng bóng, sông
Đồng Nai vẫn là sông Đồng Nai, trôi chảy như nhau. Như khi mặt trời ý
thức lên, dòng sông tâm tưởng thay đổi một cách lạ kỳ bởi vì nó cùng một
bản chất tâm như là mặt trời ý thức. Bạn thử nghĩ đến liên hệ giữa màu lá
cây với ánh sáng mặt trời, hai thứ cùng một bản chất. Bây giờ là nửa đêm,
ánh sáng sao trăng chỉ cho phép ta thấy được hình dạng của những bụi cây
và khóm lá ngoài sân. Nhưng nếu mặt trời mọc lên, chiếu rạng, thì tự khắc ta
thấy màu sắc trên lá cây biến đổi hẳn. Cái màu lá xanh mơn mởn của tháng
tư ấy sở dĩ có ra cũng là nhờ vừng mặt trời kia. Có một hôm ngồi trong rừng
tôi viết nhại theo Tâm Kinh Bát Nhã:
Nắng là lá cây xanh
Lá cây xanh là Nắng
Nắng chẳng khác lá xanh
Lá xanh chẳng khác nắng
Bao nhiêu mầu sắc kia
Cũng đều như vậy cả. (1)
Có mặt trời ý thức thắp lên thì đã có sự thay đổi lớn rồi. Ngồi thiền là để
thắp mặt trời cho dễ, để nhìn cho rõ. Ta thấy như khi ta quán niệm ta có đến
hai tâm: một dòng sông tư tưởng và cảm giác trôi chảy và một mặt trời quán
niệm soi sáng. Tâm nào là của ta, tâm nào chân, tâm nào vọng, tâm nào
chính, tâm nào tà? Hãy thong thả thưa bạn. Hãy buông lưỡi kiếm khái niệm
xuống, đừng vội chém tâm bạn làm hai. Cả hai đều là tâm. Không bên nào
chân, không bên nào vọng. Nếu vọng là vọng hết, nếu chân là chân hết.
Ta đã biết rằng ánh sáng với màu sắc không phải là hai thì dòng sông tâm và
mặt trời tâm cũng vậy, không phải là hai. Bạn ngồi lại với tôi đi, miệng giữ
nụ cười hàm tiếu, thắp mặt trời của bạn lên và nếu cần thì nhắm mắt lại để
nhìn tâm cho rõ. Mặt trời quán chiếu của bạn cũng chỉ làmột con nước trong
các con nước khác của dòng sông tâm, có phải không? Nó cũng chịu luật
sinh diệt như mọi hiện tượng tâm lý khác. Muốn quan sát những đối tượng
dưới kính hiển vi, nhà bác học phải chiếu ánh sáng vào các đối tượng quán
sát. Muốn quán niệm tâm cũng vậy, bạn phải thắp mặt trời ý thức lên. Mặt
trời ý thức ấy nhà Phật gọi là chánh niệm. Vừa rồi tôi có khuyên bạn buông
thanh kiếm khái niệm xuống, đừng chém tâm ra làm hai. Thật ra dù bạn có
muốn chém tâm bạn ra làm hai, bạn cũng không chém được. Bạn nghĩ bạn
có thể tách rời ánh sáng mặt trời và mầu xanh của lá cây không? Nếu không
thì bạn cũng không thể tách rời tâm năng quán và tâm sở quán (l’ esprit
observateur et l’esprit observé) được. Khi mặt trời quán chiếu có mặt, tự
thân của các tư tưởng và cảm giác biến đổi hẳn. Cũng như mầu xanh trên lá
cây, chúng mang màu sắc quán chiếu của mặt trời chánh niệm, chúng trở
thành một với tâm năng quán. Một mà vẫn là khác, bạn đừng từ cái lưới hai
mà nhảy vào cái lưới một một cách vội vã. Chính cái mặt trời quán niệm kia,
có mặt trong thời gian, cũng là đối tượng của chính nó, cũng như cây đèn tự
soi sáng mình. “Tôi biết là tôi biết”. “Tôi có ý thức là tôi đang có ý thức…”
Khi mà bạn khởi niệm: “Mặt trời quán niệm đã tắt mất trong tôi” thì đồng
thời mặt trời ấy được thắp lại với một tốc độ mau hơn cả tốc độ ánh sáng.