Đây chỉ là một cách nhìn hợp với căn duyên của ông Trần đình Hòanh. Ông ấy đi từ Trí tuệ sau đó đến giới, đến định, vì ông ấy xuất thân từ trí thức, chỉ làm điều gì sau khi đã hiểu nguyên lý, và đồ hình trên là cách ông ấy ghi vào trí não của ông ấy con đường sẽ đi, tựa như trader lập kế họach kinh doanh, phân tích SWOT và phân tích các yếu tố liên quan vậy(mindmapping).
Nhưng thực ra chữ Huệ nó không có nghĩa giống chữ Tuệ, mà nó là dạng chân lý tối thượng. Vì thế ông ấy hơi lẫn một chút về khái niệm. Thực ra có thể coi Giới-Định-Tuệ giống như ba cái tay cầm trên một bánh xe, hành giả do căn duyên của mình mà nắm vào cái tay cầm nào trước, sau đó quay bánh xe thì chuyển sang tay cầm khác. Nó như cái vô lăng xe hơi của bạn, có 3 cái chạc. Khi bạn đi bạn phải đánh vô lăng để xe đi tới mà không đụng vô đâu. Chỉ khi giác ngộ bấy giờ tổng hòa của rất nhiều cái Tuệ mới thành cái Huệ.
Chữ Định không hòan tòan là tập trung, nó còn có nghĩa là không bị lay chuyển, không bị xô đổ té ngã, cũng có nghĩa là an bài.
Chữ Giới không bị trói buộc trong đạo đức, mà nó là tổng hợp của các quy tắc, các luật lệ cần theo, những giới hạn không được vượt qua. Khi đã đắc Không mà ở lỳ trong tính Không tạm thời, không chịu tinh tấn tiếp thì cũng là phạm giới, dù rằng khi đó không hề vi phạm đạo đức theo nghĩa thông thường. Có chuyện kể về công án nhà sư cứu một cô gái rơi xuống nước, cứu xong ông thản nhiên bỏ đi. Người đời trách ông phạm giới, ông nói ông không phạm... Vậy nên chữ Giới nên hiểu theo nghĩa rộng để không sa vào chấp ngã tự trói buộc mình.
Và đồ hình cũng vậy. Các bác đọc thì đừng chấp ngã, hãy coi đó là cách bác Hòanh đi, còn cách của các bác có thể không giống thế nhưng vẫn đến bến giác. Phật dạy có 84000 pháp khác nhau để đến với ngài. Và tôi cũng không ngạc nhiên nếu một ngày kia ông Hoành thay đổi đồ hình theo dạng khác, đó là thể hiện ông đã thay đổi trạng thái.