Lưu Công Danh là Đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam, biệt danh là “ông Phật sống”, sinh ngày 29-12-1900. Lưu Công Danh làm nghề múc kinh xáng vùng Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên.
Từ năm 1926 - 1927, Lưu Công Danh tham gia phong trào thanh niên do Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở Long Xuyên, Châu Đốc lãnh đạo. Cuối năm 1931, Lưu Công Danh phải đi làm thuê, làm mướn để nuôi sống gia đình, vợ con. Năm 1933, Lưu Công Danh làm thuê ở Campuchia, làm phu khuân vác lúa gạo ở Batđombong, sau đó làm phiên dịch cho một người chủ Ấn Độ rất giàu có ở Nam Vang. Có lần người chủ bỏ quên ở nhà một va-li tiền có giá trị rất lớn, với bản chất không tham lam Lưu Công Danh đã trao lại cho chủ. Được chủ tín nhiệm và nhận làm con rể.
Sau đó, Lưu Công Danh được chủ và gia đình chọn đi Tây phương Phật, đi bằng chân đất men theo ngọn núi của rặng Hymalaya thăm thẳm rừng già. Trong 10 năm, đi qua 10 chùa trong rừng hoang, vừa phải ngồi thiền, học thuộc các kinh, vừa học Đông y, cuối cùng đến chùa Tây Phương được vị hòa thượng Vua Phật công nhận đắc đạo thành “ông Phật sống”.
Sau đó, “Phật sống” Lưu Công Danh về Tân Cương được Sứ quán Anh đưa xe về Thượng Hải, Hồng Kông qua Luân Đôn rồi về Nam Vang, trụ trì ở chùa Prệp Prạ gần 5 năm. Khi Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, Lưu Công Danh về Châu Đốc thăm nhà và được gặp đồng chí Ung Văn Khiêm, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ tại Long Xuyên và theo cách mạng từ đó. Lưu Công Danh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam cuối năm 1947.
Tháng 7-1954 tập kết ra miền Bắc. Sau đó đi học Học viện Quân sự, chính trị ở Liên Xô, làm ở Cục Giao tế Bộ Ngoại giao.
Năm 1962, lúc này Lưu Công Danh 62 tuổi, được phân công qua nghiên cứu Đông y Bộ Y tế.
Sau ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975, về đến Rạch Giá, Lưu Công Danh lại tự nguyện nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ và nhân dân, đề nghị với Tỉnh ủy và Ty Y tế cho lập Phòng trị bệnh thuốc nam trực thuộc Ty Y tế, góp phần thành lập Bệnh viện Y học Dân tộc của tỉnh.
19 giờ ngày 31-5-2003 Lưu Công Danh từ trần, thọ 103 tuổi.