CHỜ ĐỢI GÌ, VIỆT NAM 2014
Bài viết này được viết vào cuối 2013 và đăng trên FB cá nhân chia xẻ với mọi người. Nay arrow xin phép đăng lại ở đây để nối mạch dự báo về vĩ mô 2014.
Năm 2013 đã khép lại với nhiều lo toan bộn bề. Sau những cố gắng chật vật, chúng ta lại được nghe báo cáo thành công vào cuối năm của Chính phủ và những hứa hẹn về một năm mới khởi sắc. Nền kinh tế thế giới đã thoát ra khỏi khủng hoảng khi kinh tế Mỹ dần hồi phục, châu Âu đã vơi bớt gánh nặng nợ công và có thêm nhiều điểm sáng. Ở bên những hy vọng nhỏ nhoi đó, kinh tế Việt Nam vẫn vật lộn với các vấn đề nội tại, khi kinh tế đang suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao và còn rất nhiều tồn tại trong hệ thống.
Thực tại của nền kinh tế:
Qua một năm khó khăn, độ sóc nẩy của nền kinh tế đã giảm và đi vào quỹ đạo bình ổn. Thị trường tiền tệ đã cắt cơn co giật, lãi suất hạ và cung tiền dồi dào hơn. Tuy nhiên, những vấn đề chính như nợ xấu ngân hàng, sựsuy giảm của các ngành sản xuất vẫn chưa có lối ra. Những yếu kém tích tụ dần trở thành lực cản, tạo sức ép cho quá trình suy giảm và tụt hậu của Việt Nam trước áp lực cạnh tranh lớn dần trong thời kỳ hội nhập.
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, năm 2013, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam là 5,42%, với mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 132,2 tỷUSD, kim ngạch nhập khẩu đạt 131,3 tỷ USD, tuy chưa đạt mục tiêu GDP năm là5,5% nhưng cao hơn mức 5,25% của năm 2012 và có số liệu phục hồi theo từng quý.
Phía sau những con số có tính khích lệ là một bức tranh hỗn độn nhiều hình thái. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu có tăng trưởng nhưng trong tổng số 132,2 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 43,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 88,4 tỷ USD. Như vậy, sự tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu dồn vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, với sự đóng góp rất ít ỏi cho nền kinh tế do chủ yếu sản xuất dưới hình thức chế xuất, gia công được hưởng ưu đãi. Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước được xem là một bước thụt lùi khicon số cuối cùng đã thể hiện sự suy yếu rõ nét so với đà tăng những năm trước.
Tổng thu ngân sách, theo báo cáo cuối cùng, đã bất ngờ vượt kế hoạch 16.000 tỷ đồng vào phút chót.Tuy nhiên sau báo cáo ấy là những cố gắng khổ sở của các cơ quan trực thuộc BộTài chính. Nổi bật nhất là việc thu vào ngân sách trên 20.000 tỷ đồng cổ tức của doanh nghiệp nhà nước và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Những nỗ lực,sáng tạo ấy chỉ chứng minh rằng nguồn lực của hệ thống doanh nghiệp trong cả nước đang bị bào mòn và suy yếu. Và điều cần hơn lúc này là những chính sách mạch lạc,mạnh dạn của Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp thoát khó, đi lên dài hạn chứ không chỉ thuần túy là những sáng tạo, mẹo mực để xử lý những vấn đề trước mắt.
Xử lý nợ xấu, sau nhiều hô hào của Chính phủ, thực chất không tiến triển bao nhiêu. Cuối 2013, các ngân hàng lại đua nhau thực hiện các nghiệp vụ đảo nợ để có sổ sách đẹp. Sở dĩ có việc này là do các ngân hàng cũng hạn chế việc bán nợ xấu cho VAMC. Điều kiện mua nợ của VAMC là sẽ mua một khoản nợ có tài sản tốt đi kèm một khoản nợ có tài sản xấu. Ngân hàng bán món nợ đó sẽ được nhận lại giấy tờ có giá để có thể dùng thế chấp vay lại NHNN khi có nhu cầu,và ngân hàng đó buộc phải nhận lại nợ sau 5 năm. Tuy nhiên, món nợ đã bán cho VAMC hoàn toàn có thể bị VAMC thanh lý khi có thể. Do vậy, ngân hàng không muốn rơi vào cảnh,món nợ tài sản tốt bị VAMC bán, còn sẽ phải nhận lại món nợ tài sản xấu sau 5 năm nữa. Điều đó đã thành rào cản trong quá trình thanh lọc hệ thống ngân hàng.
Tiêu điểm:
Những kỳ vọng:
Kinh tế thế giới đã đi qua thời kỳ khó khăn nhất. Kinh tế Mỹ đang hồi phục và châu Âu đã giảm bớt sức ép từ nợ công. Điều này hỗ trợ một nền kinh tế hướng về xuất khẩu của Việt Nam. Giới doanh nghiệp xuất khẩu đang trông chờ vào quá trình đàm phán TPP để có thể tìm kiếm cơ hội mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hy vọng trong 2014 là chúng ta tiếp tục phát huy thế mạnh vốn có về xuất khẩu thủy, hải sản, nông lâm sản và cải thiện chỉ tiêu các ngành về may mặc, da giày, điện tử, nhựa.
Vấn đề lớn nhất của nền kinh tế vẫn là nợ xấu. Nợ xấu của Ngân hàng không thể tự mất đi, nó chỉ được cân bằng khi có một nguồn tiền mới.Việc lựa chọn khấu trừ lợi nhuận tương lai của ngân hàng là giải pháp yếu về thựctiễn. Khi không xử lý được nợ xấu thì nền kinh tế đi xuống. Khi nền kinh tế suy yếu, khối ngân hàng yếu kém có rất ít cơ hội để kiếm được lợi nhuận lớn bù đắp lại những khoản nợ xấu của quá khứ.
Sự tham gia của nguồn vốn mới trong quá trình tái cơ cấu làcần thiết. Cổ phần hóa, bán tài sản Nhà nước tại những doanh nghiệp không cầngiữ tỷ lệ chi phối, việc chấp nhận cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hệ thống thông qua nới room ở một số ngân hàng là một trong những giải pháp đang được đề cập thời gian qua. Tuy nhiên việc tiến hành quá chậm và việc thiếu một chính sách đột phá, một hành lang pháp lý đầy đủ có lẽ sẽ làm cản trở quá trình, thậm chí sẽ chẳng đưa nổi những dự định trên đến đích. Tất cả những gì chúng ta đang có là chờ đợi và kỳ vọng.
Chính sách chính phủ:
Không có một chính sách thật rõ nét cho năm 2014 để định hướngcho nền kinh tế vượt bão. Quyết sách có ảnh hưởng nhất chỉ là việc nới trần chi tiêu chính phủ, để có thêm ngân sách tăng cường cho đầu tư công. Để có thêm tiền cho chính phủ, kế hoạch huy động từ trái phiếu chính phủ đang được đẩy lên mạnhmẽ.
Con số huy động từ trái phiếu chính phủ đang tăng nhanh và lũy kế lớn dần theo từng năm. Nếu như 2011, Chính phủ chỉ phát hành 82.000 tỷ trái phiếu thì 2012 con số này là 168.000 tỷ và 2013 là 194.000 tỷ. Chỉ tiêu phát hành cho năm 2014 sẽ còn tăng và thậm chí còn tăng nhiều nếu tham chiếu qua tờ trình đề xuất phát hành 360.000 tỷ trái phiếu cho giai đoạn 2014-2016.
Năm 2014 sẽ có 132.000 tỷ trái phiếu chính phủ và tín phiếu đáo hạn. Với bối cảnh nguồn thu khó khăn, các lãnh đạo đã khẳng định sẽ pháthành thêm trái phiếu để trả nợ. Do vậy, lượng trái phiếu chính phủ sẽ gia tăngmạnh để đáp ứng cả hai nhu cầu: trả nợ và tăng cường đầu tư.
Trong bối cảnh nợ xấu còn chồng chất, việc huy động lượng tiền lớn từ hệ thống ngân hàng không phải là một hoạt động phù hợp với logic. Theologic đơn giản, khi nợ xấu chưa được xử lý thì thanh khoản các ngân hàng yếu,hoạt động hút lượng tiền lớn trên hệ thống là không hợp lý. Ngoài ra, khi cần hút lượng lớn trái phiếu, hệ thống lãi suất sẽ bị ảnh hưởng. Hiện tại, NHNN đang nỗ lực để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng nhu cầu hút lượng lớn tiền sẽ giữ hoặc đẩy mặt bằng lãi suất lên, trực tiếp cản trở khả năng hạ lãi suất.
Cảm nhận cá nhân:
Chúng ta đang rơi vào một vòng xoáy luẩn quẩn. Việc tăng cườngchi tiêu chính phủ sẽ làm gia tăng nợ, lũy kế lên nhanh chóng. Càng ngày, chúng ta lại phải đối mặt với áp lực trả nợ trong điều kiện kinh tế đang khó khăn. Với nhóm giải pháp mang tính chất đối phó, việc tăng vay nợ để đáo nợ sẽ càng làm tình thế bí bách hơn và có thể làm nền kinh tế suy yếu kéo dài.
Với hoạt động tăng cường trên thị trường trái phiếu, mặt bằng lãi suất khó giảm và hệ thống doanh nghiệp sẽ không có thêm sự hỗ trợ trong nămtới. Chính sách tín dụng sẽ vẫn bó buộc khi các ngân hàng vẫn còn phải xoay sở với các vấn đề nội tại của chính mình.
Việc đàm phán TPP sẽ không mang tới nhiều ưu thế cho ViệtNam khi các ngành nghề về xuất khẩu thủy sản, nông, lâm thổ sản đã có những hiệp định thương mại tương đối rõ nét trong quá trình tham gia WTO. Ngành dệt may và da giày cũng không khá hơn khi vị thế hiện tại của Việt Nam chỉ là gia công và chúng ta không có một ưu thế nào cụ thể về nguyên vật liệu sản xuất. Ngoài ra, việc đàm phán TPP khả năng sẽ kéo dài khi phần lớn các nội dung đàm phán có liên quan đến những vấn đề Việt Nam còn rất yếu như sở hữu trí tuệ, bản quyền, vấn đề nhân quyền…
2014 sẽ là một năm suy yếu kế tiếp của nền kinh tế Việt Nam và chưa thấy có tín hiệu rõ nét nào từ hệ thống chính sách cũng như các hoạt động điều chỉnh chiến lược. Chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục suy giảm trong một vài năm tới vớinhững vấn đề nội tại âm ỷ. Kịch bản xấu hơn là áp lực của nợ công gia tăng có thể đẩy chúng ta trệch đường ray trên con đường phát triển.
Với chứng khoán:
Thị trường tiền tệ đang có một cỗ máy bơm hút khổng lồ. Có một luồng tiền rất lớn chạy trong thị trường và được điều tiết bơm và hút trên tất cả các kênh có thể để đảm bảo thanh khoản cho một hệ thống ngân hàng yếu kém và cố gắng để lạm phát không quay trở lại. Chúng ta đang có một cung tiền mạnh, có điều tiết và động lực của cung tiền ấy đang tạo ra sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. Có thể tham chiếu những con số ý nghĩa: Từ 15/03/2012 đến nay, NHNN đã phát hành 425.988 tỷ tín phiếu, đã có 418.039 tỷ tín phiếu đáo hạn. OMO hoạt động mạnh, ngày 27/01 vừa rồi, NHNN bơm ròng 18.884 tỷ qua OMO. Sau đó hoạt động hút về và bơm ra với khối lượng lớn được diễn ra liên tục cho đến nay. Thị trường tín dụng không quá nóng vì lượng DN đi vay vẫn giảm nhưng vẫn đang có dòng tiền lớn chảy trong nội tại.
Nhưng để thị trường đi lên bền vững, chúng ta cần nhiều hơn thế. Thị trường sẽ trả lại bộ mặt thật khi nền kinh tế không có biến đổi cụ thể.Nhưng đó là vấn đề của dài hạn, ngắn hạn chúng ta cứ vui với nhịp tăng của thịtrường trong vài ba tháng tới…