CHÍNH SÁCH VÀ NHỮNG TRĂN TRỞ
Ngày 12/03, NHNN đã công bố giảm đồng loạt 1% với các loại lãi suất: tái cấp vốn, cho vay thanh toán qua đêm, tái chiết khấu và trần lãi suất huy động VND. Liền theo đó, NHNN cũng chỉ định 5 ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hạ lãi suất cho vay. Đó là những nỗ lực của NHNN trong việc điều tiết lãi suất, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Vậy việc điều chỉnh đó sẽ tác động thế nào đến thị trường?
Hiện trạng thị trường vốn:
Thanh khoản các NH sau khi hạ trần lãi suất huy động xuống 13% không có nhiều biến động. Theo báo cáo của các NH thì lượng huy động thời gian qua không sụt giảm, lượng tiền gửi vẫn được duy trì ổn định. Hiện tượng một số NH huy động vượt trần vẫn còn, nhưng lãi suất vượt trần có xu hướng hạ. Chỉ tồn tại hãn hữu một vài NH yếu thanh khoản vẫn huy động ở mức cao. Như vậy, thanh khoản toàn thị trường cho tín hiệu tích cực với việc hạ lãi suất.
Từ trước khi NHNN quyết định giảm lãi suất, hàng loạt các Ngân hàng TM đã công bố các gói tín dụng ưu đãi với nhiều loại quy mô. Bên cạnh đó, thị trường vốn từ sau Tết đã cởi mở hơn, khi các doanh nghiệp dần dần tiếp cận được với tín dụng, cho dù lãi vay vẫn còn khá cao. Điều đó đã phần nào giải tỏa áp lực về vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm bớt sức ép từ muôn vàn khó khăn mà doanh nghiệp đang phải hứng chịu.
Hiện tại, đối với các NH dồi dào về nguồn vốn như BIDV, Vietcombank, cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất đi vay rộng mở với lãi suất khá dễ chịu, quanh 17%. Những NH lớn như ACB, Sacombank, Eximbank vẫn duy trì chính sách cho vay với các doanh nghiệp sản xuất, thậm chí bắt đầu mở cửa cho tín dụng tiêu dùng. Các NHTM cổ phần nhỏ cũng dần nới chính sách để người vay tiếp cận với nguồn vốn dễ hơn, dù lãi suất vẫn còn cao. Trong ngắn hạn, điều này mang lại tâm lý lạc quan hơn cho các doanh nghiệp sau thời gian dài hoạt động trong điều kiện tín dụng bị thắt chặt.
Những khó khăn tồn tại:
Với một quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, cái nhìn chung về thị trường thế giới rất quan trọng với chính sách kinh tế. Tuy nhiên, những bất ổn từ cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu cùng với những biến động của Trung Đông đang tác động nhiều đến thị trường xuất khẩu. Xuất khẩu 2 tháng đầu năm có biểu hiện sụt giảm, tuy chỉ là tín hiệu ban đầu, nhưng rất đáng để lưu tâm vì hiện trạng mất ổn định của nền kinh tế thế giới có thể kéo dài. Nếu tình hình xuất khẩu còn tụt giảm, việc phá giá VND gần như tất yếu sẽ xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta không thể chắc chắn biên độ giới hạn phá giá từ 2-3% như thống đốc đặt chỉ tiêu cho 2012 có đủ để hỗ trợ để cải thiện xuất khẩu hay không.
Chỉ số CPI tháng 3 cả nước sẽ khá thấp, bước đầu tạo sự lạc quan về mục tiêu giữ lạm phát dưới 10% trong năm nay. Nhưng nếu nhìn theo phương pháp so sánh với con số năm trước (year to year) thì lạm phát y-t-y đến cuối tháng 2 là 16,44%, vẫn là con số cao nhất trong 5 năm gần đây. Trong bối cảnh một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, bắt đầu nới lỏng tiền tệ, thì thị trường hàng hóa được giữ giá. Bên cạnh đó, tình hình chính trị bất ổn của Trung Đông sẽ tiếp tục duy trì giá dầu ở mức cao. Trong vòng 3 tháng nữa, nếu giá dầu không hạ so với thời điểm hiện tại sẽ tiếp tục gây sức ép tăng giá xăng dầu trong nước. Như vậy khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng thì kỳ vọng giảm giá sẽ rất khó khăn.
Vào lúc này, nợ xấu là bài toán nan giải nhất cho hệ thống Ngân hàng. Những món nợ quá hạn đang được hỗ trợ xử lý với các hoạt động như cho khách hàng đảo nợ, ngân hàng tự đảo nợ cho khách, hoặc mua bán chuyển đổi lòng vòng. Bản chất các khoản nợ xấu chỉ thay áo, nó vẫn tồn tại trong hệ thống ngân hàng và chưa được giải quyết triệt để. Khi còn duy trì trạng thái như vậy thì nợ xấu vẫn còn nguyên rủi ro tác động ngược lại ngân hàng, ảnh hưởng đến sự an toàn chung của cả hệ thống.
Chính sách mới và những điều trăn trở:
Những hướng đi trước mắt:
Con số 79.014 doanh nghiệp giải thể đến hết 2011 có thể phản ánh đôi điều về những khó khăn mà nền kinh tế đang chịu tải. Điều đó dễ lý giải việc Chính phủ muốn NHNN giảm lãi suất trong khi thống đốc rất muốn giữ ổn định lộ trình chính sách của mình, hay hiểu theo nghĩa khác là NHNN chưa thực sự sẵn sàng cho việc giảm lãi suất.
Căn cứ trên dữ liệu thanh khoản ổn định sau khi điều chỉnh 1 điểm % các loại lãi suất, có thể thấy hiện tại NHNN đang chịu sức ép để tiếp tục có những điều chỉnh về lãi suất. Có thể rất sớm, chúng ta sẽ sẽ bàn tới chuyện hạ tiếp lãi suất huy động về 12%. Khó khăn của các doanh nghiệp là sự thực hiện hữu, và với mong muốn luôn giữ được nhịp tăng trưởng của Chính phủ thì việc điều chỉnh chính sách để hỗ trợ nền kinh tế là điều tất yếu.
Liên quan đến vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, có thể tới đây NHNN sẽ thực hiện tái cấp vốn cho những NH lớn. Sau khi hạ lãi suất huy động, động thái này tiếp sức cho các NH lớn về thanh khoản, giúp duy trì được mức lãi suất cho vay ổn định và giảm dần. Đi theo việc hạ lãi suất cho vay, sẽ có thêm sự dịch chuyển của khách hàng từ NH nhỏ sang NH lớn và tạo một sức ép lớn lên các NH yếu kém trong vấn đề sát nhập.
Với khó khăn của thị trường bất động sản, những động thái gần đây cho thấy Chính phủ đang hướng tới việc tìm kiếm một giải pháp khả thi để hỗ trợ thị trường. Với những tín hiệu đó, có thể thấy việc xử lý đang hướng tới hai vấn đề: Chính phủ khơi thông nguồn vốn trong Thị trường Chứng khoán để doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng có thể huy động vốn từ dân; Chính phủ hỗ trợ một phần khi mua lại những dự án có khả năng thương mại hoặc có khả năng chuyển đổi cho một số mục đích nhất định. Xét về mặt lý thuyết, đây là tư duy đúng nhưng hiệu quả thực tại đến đâu chúng ta phải chờ những bước đi cụ thể trong diễn biến cụ thể của thị trường trong thời gian tới.
…và những điều trăn trở:
Sau 3 tháng đầu năm 2012, có thể nói lạm phát đang giảm dần và tình hình vĩ mô dần ổn định hơn. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng đó là kết quả của chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm 2011. Với những bước điều chỉnh chính sách ở trên, có thể thấy rõ việc bắt đầu nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ thị trường và kích thích tăng trưởng. Liệu đó có phải là liệu pháp đúng với hiện trạng nền kinh tế Việt Nam vào lúc này?
Một nội dung được giới phân tích tranh luận nhiều trong thời gian qua là liệu có nên chấp nhận thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát hay tạm thời dùng những biện pháp kích thích ngắn hạn để giữ nhịp tăng trưởng và kết hợp các công cụ quản lý để điều tiết, chống lạm phát một cách linh hoạt. Cụ thể hơn hoặc phải chấp nhận chính sách thắt lưng buộc bụng, hy sinh tăng trưởng, đồng nghĩa phải cơ cấu lại nền kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp trong một vài năm tới sẽ tăng lên; hoặc phải dùng các chính sách kích thích để tạo động lực cho hệ thống doanh nghiệp, chấp nhận rủi ro về lạm phát với giải pháp phòng ngừa là những điều chỉnh chính sách tiền tệ ngắn hạn.
Về phía nhà quản lý, rất dễ hiểu, họ luôn mong muốn đồng thời kiểm soát được lạm phát và vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm.Nhưng hiện thực là bản chất nền kinh tế chỉ cho chúng ta được quyền chọn một trong hai mệnh đề trên. Lạm phát chỉ là biểu hiện bên ngoài về sức khỏe của nền kinh tế, còn nguyên nhân sâu xa những bất ổn và sự suy yếu nhanh chóng của hệ thống doanh nghiệp là hiệu quả sản xuất kinh doanh kém và không có năng lực cạnh tranh thực sự trong một môi trường ngày càng trở nên phẳng hơn.
Với hiệu quả thấp, nền kinh tế luôn có nhu cầu đầu tư cao để duy trì tăng trưởng, tạo công ăn việc làm cho khối doanh nghiệp. Hiện trạng này diễn ra trong một thời gian dài đã gây mất cân bằng giữa đầu tư và tiết kiệm, dẫn đến những bất ổn trong cán cân thương mại, tỷ giá và hàng loạt các bất cập khác của thị trường. Vì vậy, một cuộc hiệu chỉnh, tái cấu trúc lại nền kinh tế là cần thiết. Một vài năm điều chỉnh sẽ giúp vĩ mô ổn định hơn, thị trường được thanh lọc, nâng cao hiệu suất lao động, và nền kinh tế có cơ sở phát triển bền vững.
Quá trình thanh lọc thị trường sẽ đào thải những doanh nghiệp yếu kém, nhưng cũng không loại trừ việc một số doanh nghiệp lành mạnh phải đóng cửa vì những yếu tố bất định trong quá trình điều chỉnh. Tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng nhiều hơn nhưng điều đó là cần thiết cho sự phát triển ổn định lâu dài của nền kinh tế. Nếu chúng ta quay lại với những công cụ kích thích, sự mất cân bằng dài hạn là khó tính toán được. Lạm phát và các bất ổn sẽ nhanh chóng quay lại và làm suy yếu nền kinh tế.
...vài dòng với chứng khoán:
Lộ trình ngắn hạn trong vòng 3-5 tháng tới đã được xác định rõ. Cung tiền nới lỏng và sự hỗ trợ cho chứng khoán sẽ đem lại diện mạo mới cho thị trường. Mong muốn thị trường chứng khoán sẽ là kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp là mong muốn nghiêm túc và đúng đắn. Tuy nhiên, sau nhiều năm với sự quản lý lỏng lẻo và đầy rẫy những bất cập, niềm tin của người dân vào chứng khoán bị xói mòn. Thị trường như một xới bạc và chỉ có những nhà đầu cơ ra vào tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Yếu tố đó không đủ vững bền để duy trì dòng tiền dài hạn. Những yêu cầu cho thị trường lành mạnh như khung pháp lý rõ ràng, tính minh bạch, các điều luật, quy định, chế tài quản lý thị trường là những điều vẫn còn đang thiếu và chưa có dấu hiệu sẽ được bổ sung đầy đủ. Vậy không hiểu các nhà quản lý hy vọng gì vào thị trường, khi những dòng tiền ở đây sẵn sàng rút ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi….