@Bon Bon : Bon đọc bài này sẽ giải thích phần nào thắc mắc của bạn
(Trích 1 bài giảng của đạo sư Garchen)
'...Đôi khi người ta nghĩ Tịnh Độ có thể là một cõi giới vật chất nào đó, nhưng thực sự nó không phải là như vậy. Ở trong bài nguyện này có viết một câu rằng
“cõi Tịnh Độ Cực Lạc không thể nhìn thấy được bằng mắt phàm, nhưng có thể nhìn được bằng tâm thanh tịnh.” Điều này mang một ý nghĩa rất sâu sắc bởi vì đây không phải là một cõi vật chất nhìn được bằng mắt phàm, mà chúng ta chỉ có thể nhìn được cõi này và cảm ứng được cõi này thông qua tâm thanh tịnh của chúng ta. Khi tâm chúng ta thanh tịnh, có được tri kiến thanh tịnh thì chúng ta tức khắc sẽ nhìn được cõi Tịnh Độ.
Thầy kể lại câu chuyện về một người đệ tử của Thầy, cô tên là Emily, cô đã từng tu tập ở trên núi thiêng Lapchi, và cô kể lại chuyện rằng… Đôi khi trong lúc cô thiền định, toàn bộ núi thiêng Lapchi hiện ra như một cõi Tịnh Độ và nó thực sự hiện ra như vậy trước mắt cô. Nhưng đôi khi cõi Tịnh Độ lại biến mất, và Lapchi lại chỉ như là núi Lapchi mà thôi, không có gì đặc biệt cả. Điều này càng chỉ cho chúng ta thấy rằng xuyên qua tri kiến thuần tịnh mà chúng ta có thể thấy được cõi giới đó hiện hữu như thế nào. Vì vậy, thực sự là cõi Tịnh Độ có liên hệ mật thiết với tâm thức bên trong của chúng ta chứ không phải là một cõi giới vật chất nào đó ở bên ngoài. Nếu hiểu được cõi Tịnh Độ có thể cảm ứng và thể nhập xuyên qua tâm thanh tịnh thì chúng ta sẽ không còn hoài nghi là liệu Cõi Tịnh Độ có thực sự hiện hữu hay không. Chúng ta sẽ tin rằng cõi Tịnh Độ là có thật. Làm sao để cắt bỏ được sự hoài nghi này? Điều này thật vô cùng quan trọng và do đó, Thầy hy vọng chúng ta sẽ đọc đi đọc lại tuyển tập này của Chagme Rinpoche.
Thầy nói đôi khi có một số người đã mắc phải một lỗi lầm to lớn. Đó là họ có sự hoài nghi không biết cõi Tịnh Độ có thực sự hiện hữu hay không, cũng giống như không biết cõi địa ngục có thực sự hiện hữu hay không. Tuy rằng họ có phát khởi tín tâm với cõi Tịnh Độ, nhưng họ lại chưa thực sự tin là cõi Tịnh Độ có thể thực sự hiện hữu vì họ cho rằng cõi Tịnh độ là một cảnh giới được thiết lập qua tâm [chỉ là do tâm tưởng], chứ không đích thực hiện hữu. Mà nếu chỉ là to tâm tưởng thì cõi ấy không thể là một thực tại, không thực sự hiện hữu, mà nếu không thực sự hiện hữu [như một thực tại sống động] thì nó đâu có mang được lợi lạc gì đâu? Nhưng chúng ta cần phải hiểu cho thấu đáo tường tận về điều này để giúp chúng ta đến được nơi cõi ấy. Chúng ta cần phải hiểu như sau.
Bây giờ giả sử chúng ta nghĩ đến [và đem cõi thế gian này của chúng ta ra so với] cõi Tịnh Độ. Cuộc đời này, cảnh giới phàm phu này đây, cũng đã được thiết lập bởi tâm của chúng ta, do tâm của chúng ta tạo ra, nhưng cho dù một mặt là do tâm tưởng [nghĩa là mang tánh huyễn ảo] thì mặt khác, cuộc đời này vẫn đang là một thực tại hiện hữu đối với chúng ta. Đúng là đối với một người không bám chấp, không có một chấp trước nào cả, thì họ sẽ thấy cõi này chỉ là môt cõi hư huyễn do tâm tạo mà thôi. Vì tâm tạo ra tất cả nên vào thời điểm chúng ta chưa được sinh ra, chúng ta vẫn còn trong thân trung ấm thì chính tâm thức ở trong thân trung ấm đã tạo ra thân này của chúng ta. Rồi sau đó chính thân này của chúng ta mới tạo ra cõi giới này mà chúng ta hiện đang sống.
Cõi thế gian này có rất nhiều chúng sinh sống trong đó, đều là do cộng nghiệp. Do bởi chúng sinh có những nghiệp giống nhau nên mới cùng sinh vào cõi giới này. Nhưng mặt khác, chúng sinh cũng lại có các biệt nghiệp, hay nghiệp cá nhân khác nhau, nên những đau khổ của chúng sinh lại khác nhau. Dù là biệt nghiệp hay cộng nghiệp, nếu nói cõi thế gian này là do tâm tạo thì coi như cõi thế gian này mang tánh chất hư ảo, không có thật.
Nhưng tuy nói là hư huyễn, nhưng đồng lúc cõi thế gian lại thực sự hiện hữu đối với chúng ta, chúng ta vẫn phải sinh vào đó, vẫn sống trong đó và nó vẫn là một thực tại đối với chúng ta. Nghĩa là tuy cõi thế gian này mang tánh chất huyễn hóa, nhưng chúng ta vẫn
hiện hữu sinh tồn trong đó. Vậy thì đối với cõi Tịnh Độ chúng ta cũng cần phải suy diễn theo lối nghĩ y như thế. Nghĩa là không khác cõi thế gian, cõi Tịnh Độ mang tánh huyễn hóa nhiệm mầu, nhưng đồng thời, cũng không khác cõi thế gian, cõi Tịnh Độ vẫn là
một thực tại, nơi mà chúng ta có thể trải nghiệm và sinh vào.
Tuy là một thực tại nhưng cõi thế gian này sau 100 ngàn năm thì có khi cũng sẽ biến mất, hệt như bong bóng nước. Như vậy nó có thực hay là không có thực? Hiện tại thì nó đang có thực đối với chúng ta [nên ngang đây, ta không thể hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu của nó]. Nếu hiểu như vậy về cõi thế gian thì cũng có thể hiểu y như thế về cõi Tịnh Độ.
Cõi Tịnh Độ là một sự phản chiếu của tâm. Vậy nếu tâm của chúng ta tràn đầy vô minh, sân hận và oán ghét, thì tâm ấy sẽ phóng chiếu ra các cõi địa ngục, ngạ quỷ và các cõi thấp khác [chứ chẳng thể phóng ra được cõi Tịnh Độ để cho chúng ta có thể sinh vào]. Còn ngược lại nếu tâm chúng ta thanh tịnh thì cõi Tịnh độ chắc chắn sẽ xuất hiện. Khi chúng ta có lòng từ bi, có tâm Bồ Đề, thì tâm Bồ Đề sẽ phóng chiếu ra cõi Tịnh Độ, và chúng ta cũng có thể hiện hữu trong cõi Tịnh Độ đó y hệt như chúng ta đang hiện hữu trong cõi thế gian. Do đó cái mà chúng ta cần tập trung vào là làm sao để phát khởi được một tri kiến thuần tịnh và làm sao để có thể đóng những dấu ấn hết sức thanh tịnh và từ bi lên trên dòng tâm thức của mình....'