Rất vui được cùng tranh biện với bác. Em xin tiếp tục, nhưng em cũng xin bác hiều trước giùm em là em sẽ nói những điều mình hiểu và nhận được và cùng đem giải bày để cùng chia sẻ chứ không có hàm ý nói em đúng bác sai hay ngược lại nhé.
Em cũng thích nói về giáo lý nhà Phật để hiểu như là một hệ thống "triết lý" hoàn mỹ, đầy đủ và trọn vẹn chỉ cho nhân sinh qui luật vận động của vũ trụ. Chỉ ra con đường giải thoát khỏi con đường sanh tử luân hồi gắn liền với cái khổ, hay cũng tôn trọng chính sự chánh báo thọ báo của mỗi cá nhân trong vũ trụ này (ai muốn thành Phật- tu Phật, thành tiên - tu tiên, thành thần -tu thần) hơn là nhìn thấy đạo Phật góc độ cứu cánh màu nhiệm "theo cơ chế xin cho". Mặc dù rất chắc chắn là trên con đường tu đến chính quả, bản thân mỗi chúng ta sẽ được chứng nghiệm sự nhiệm màu bất khả tư nghì.
Xinn trích kinh Như Lai Tạng "...Thần thánh hóa đối với đạo Phật chưa phải là mục đích của Đạo Phật, đíchnơi đạo Phật hóa giải mê tín đem con người đến Chánh tín".
Đời đúng là bể khổ....
Được cái em "vô tư" chả thấy khổ gì. Kiếp này cứ đón nhận tất cả, kiếp sau phân loại. :))
Ngũ thừa -Thập địa - Kiếp
Ngũ thừa là 5 cổ xe vận chuyển người vào bến bờ định hướng. Thừa có nghĩa là cái xe chuyên chở đưa người đi tới nơi chốn. Trong Phật giáo, thừa dùng chỉ cho giáo pháp để người tu đạt đến quả vị giải thoát.
Thập-địa hay còn gọi là Thập-trụ là 10 giai đoạn tu đạt được của 3 thừa : Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-Tát
Chữ kiếp thường dùng để chỉ kiếp sống con người, tức khoảng thời gian lâu dài mà chúng ta không biết được đích xác là bao nhiêu năm
Chữ A-tăng-kỳ có nghĩa là vô số, dùng để chỉ cho số nhiều như số cát sông Hằng không thể nào tính đếm hết được.
A-tăng-kỳ kiếp là kiếp sống hay sự tồn tại của thế giới qua hàng ngàn triệu năm.
NGŨ THỪA TRONG PHẬT GIÁO LÀ NHỮNG GÌ ?
Ngũ thừa là : Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-Tát thừa.
1- Nhân thừa : Do tu hành theo năm giới mà được làm người ở trong cõi nhân gian.
2- Thiên thừa : Do tu theo 10 điều thiện để được sinh lên các cõi trời.
3- Thanh-văn : Tu theo pháp tứ đế cầu đạt đến quả A-la-hán.
4- Duyên-giác : Tu theo pháp 12 nhân duyên hoàn thành quả Bích-chi-Phật.
5- Bồ-Tát thừa : Tu theo pháp Lục-độ mà chứng được đạo mầu giải thoát.
Trong năm thừa gồm chung cả hàng Đại-thừa và Tiểu-thừa. Nói một cách khác, năm thừa còn phân loại theo cách thứ hai như :
- Bồ-Tát
- Duyên-giác
- Thanh-văn
- Các loài hữu tình tánh căn chậm, lẹ khác nhau.
- Nhân Thiên thừa.
Như trong kinh Đại-Thừa Trang-Nghiêm Công-Đức và kinh Lăng-Già thì phân 5 thừa như cách trình bày thứ nhất ở trên.
Giữa Bồ-Tát và Phật do tu nhân hành theo nhân quả "quyền", trong khi đó Phật tu hành theo nhân quả "Thật" và do đó có sự tu chứng đạt ngộ cũng khác nhau. Ngoài ra, các thừa khác chỉ biết áp dụng giáo lý của Phật một cách triệt để theo mẫu mực sẳn có, còn Bồ-Tát biết quyền do sức sáng tạo trong việc tu hành, nên quả vị tu chứng không đồng nhau.
Theo trình độ và căn cơ của mỗi chúng sinh tu tập mà quả vị có cao thấp cũng đều do sức cố gắng là nhân đưa đến quả hiển nhiên.
THẬP ĐỊA LÀ GÌ ? HÃY PHÂN BIỆT CHỖ KHÁC NHAU GIỮA QUAN NIỆM CỦA BA THỪA ?
Bồ-Tát thừa quan niệm về Thập-địa như sau :
1/. Hoan-hỉ-địa. 2/. Ly-cấu địa. 3/. Phát-quang-địa. 4/. Diệm-huệ-địa. 5/. Cực-ly-thắng-địa. 6/. Hiện-tiền-địa. 7/. Viễn-hành-địa. 8/. Bất-động-địa. 9/. Thiện-huệ-địa và 10/. Pháp-vân-địa.
Ngoài ra, còn một cách phân chia khác :
1/. Càng-huệ-địa, càng là khô khan. Dùng phép quán ngũ đình tâm (bất tịnh quán, từ bi quán, nhân duyên quán, giới phân biệt quán, sổ tức quán, tức quán hơi thở).
2/. Tinh-địa, từ nơi phàm phu mà thành.
3/. Nhẫn-địa, do nhẫn nhục mà đạt được chân lý.
4/. Kiến-địa, đoạn được kiến hoặc của 3 cõi và ngộ được chân lý của pháp Tứ-đế.
5/. Bất-địa, đoạn lìa các dục vọng của Dục-giới, chứng được Nhất-lai tức là quả Tư-đà-hàm và còn phải sanh trở lại nơi đời một lần nữa.
6/. Ly-dục-địa : Chứng quả A-na-hàm hay Bất-hoàn và không còn sanh vào thế gian nầy nữa.
7/. Dĩ-biện-địa : Đã trừ được kiến-hoặc và tư-hoặc trong 3 cõi, chứng thành A-la-hán.
8/ Chi Phật-địa : Tức quả Bích-chi-Phật của hàng Tiểu-thừa.
9/ Bồ-tát-địa : Do tụ lục độ, vạn hạnh trải qua vô số kiếp đã tròn đủ và chứng được quả vị Bồ-tát.
10/ Phật-địa : Thân rốt sau của Bồ-Tát được hoàn toàn giác ngộ. Còn nếu phân chia theo Thanh-văn-thừa Thập-địa lại là quy y Tam- Bảo, Tấn, Tín-pháp, Nội-phàm-phu, Học-tín-giới, Bác-nhân-địa, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán.
Nhưng đối với hàng Duyên-giác lại quan niệm Thập-địa có khác :
1.- Khổ hạnh đầy đủ
2.- Ngộ pháp 12 nhân duyên
3.- Ngộ được pháp Tứ-đế
4.- Trí tuệ thậm thâm
5.- Chứng được cửu thánh
6.- Quan sát tường tận cỏi hư không pháp giới và cõi chúng sinh
7.- Nhập vào chỗ tịch tĩnh an vui
8.- Đạt được 6 phép thần thông
9.- Thấu triệt được chân lý bí yếu của vạn pháp
10.- Tập khí và tưởng nghĩ của kiếp hiện tại còn lại một ít nơi tâm niệm.
Tóm lại, 10 cấp bậc tu chứng nầy chung cho cả hàng Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-Tát đã dày công tu tập trong nhiều đời mà thành tựu Phật đạo.
KIẾP LÀ GÌ ? CÓ KHÁC VỚI ĐỜI KHÔNG ?
Thế giới thành hình và hoại diệt luôn luôn xoay chuyển không ngừng. Mỗi một thế giới đều trải qua bốn thời kỳ là thành, trụ, hoại, không hay thành hình, tồn tại trong một thời gian, thay đổi và tiêu diệt. Mỗi thời kỳ đều có 20 tiểu kiếp, mỗi tiểu kiếp độ khoảng 16,000,000 năm. Chữ kiếp nói đủ, theo tiếng Phạn là Kiếp-ba (Kalpa) nghĩa là thời phận, tức việc phân chia ranh giới của thời gian có hai trường hợp : Đại thời và Trường thời.
Kiếp-thành là thời kỳ thế giới thành lập. Kiếp-trụ là sau khi thế giới đã thành hình và có các loài hữu tình chung sống lẫn lộn ở đó. Kiếp-hoại là giai đoạn phá hủy và kiếp không là thời kỳ bị tiêu diệt hoàn toàn không còn lại gì cả. Do đó, khi nói tới một kiếp là chỉ cho khoảng thời gian lâu xa thăm thẳm ! Các vị Bồ-Tát tu hành từ lúc phát tâm cho tới khi chứng quả phải trải qua 3 a-tăng-kỳ kiếp mới thành Phật. Một kiếp khoảng thời gian đã lâu, lại còn phải qua 3 lần nhiều hơn như thế để hành giả thực hành đạo giải thoát, đủ cho thấy rằng công phu tu tập lâu xa đến chừng nào !
Tóm lại, một đại kiếp gồm có 4 thời kỳ tức là 4 trung kiếp. Mỗi thời kỳ có 20 tiểu kiếp. Mỗi tiểu kiếp là 16,000,000 năm. Như vậy, số năm của một đại kiếp là :
Đ = tk x Tk = (20 x 4) = 80 x 16,000,000 = 1,280,000,000 năm.
(một ngàn hai trăm tám mươi triệu năm)
A TĂNG LÀ GÌ, SỐ LƯỢNG CÓ THỂ TÍNH ĐẾM ĐƯỢC KHÔNG ?
Theo như sự ước tính của khoa học thì một đại kiếp gồm có 4 trung kiếp, một trung kiếp có 20 tiểu kiếp và một tiểu kiếp là 16,000,000 năm. Như vậy, câu nói 3 a-tăng-kỳ kiếp gồm một tiểu kiếp, một trung kiếp và một đại kiếp mà thành. Số năm giữa một kiếp với a-tăng-kỳ kiếp khác nhau hàng triệu triệu năm vậy.
Đức Phật mỗi khi thuyết pháp gặp con số nhiều thường ví với số cát của sông Hằng hay là a-tăng-kỳ kiếp. A-tăng-kỳ kiếp là khoảng thời gian để cho các hàng Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-Tát tu tập đạt đến đạo giải thoát, và như thế số năm trong thời gian thực hành Phật giáo phải dài lâu biết bao nhiêu !
Chúng sanh vì không thấy được hết sự cấu tạo nên thế giới vũ trụ và do đó cũng lại càng mù mịt hơn khi nói tới niên số để hình thành các cõi. Con người chỉ biết hạn hẹp trong phạm vi nơi thế giới đang tồn tại, ngoài ra chung quanh chúng ta còn có biết bao nhiêu thế giới khác cũng hoạt động và người ta phải đợi đến một giai đoạn mà khoa học tiến bộ như ngày nay mới khám phá ra được màn bí mật của vũ trụ ! Nhưng khoa học cũng chưa đạt được tới chỗ sau cùng của những công cuộc thăm dò, thám hiểm, tìm tòi ... mà hiện còn có vô lượng vô số thế giới đang trãi qua các thời kỳ thành hình, tồn tại, hoại diệt và không. Chư Phật và các vị Bồ-Tát nhờ dày công tu luyện đã chứng minh được sự hiện hữu của muôn ngàn cõi khác nhau và số lượng niên đại trong mỗi thời kỳ mà con mắt thường của chúng sanh không thể hình dung hay tính đếm được.
Con người chỉ biết được khoảng thời gian qua các thế hệ (một thế hệ 30 năm), đời, thế kỷ chứ không thể nào xác định rõ được số năm nhiều hơn ở mỗi thời kỳ thành hình của các thế giới khác nhau.
SƯU TẦM.