BÀI VIẾT NÀY CÓ THỂ KHÁI QUÁT PHẦN NÀO CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ SẮP TỚI CỦA VN, VÌ BTC HẦU HẾT NẰM TRONG TỔ TƯ VẤN KINH TẾ, CS TIỀN TỆ:
Thiết lập bộ đệm tăng sức chống chịu trước biến động kinh tế thế giới
Thứ Hai, 13/6/2022 08:18
(ĐTTCO) - Bức tranh kinh tế toàn cầu đã được các chuyên gia kinh tế phác họa lại, từ đó chỉ ra sức chịu đựng rủi ro của Việt Nam và đưa ra các hàm ý chính sách. Đó là nội dung chính của Hội thảo “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam - lần 2”, do Trường Đại học Kinh tế TPHCM, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng và Báo ĐTTC phối hợp tổ chức vào cuối tuần qua.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Mức độ rủi ro tăng lên trên toàn cầu
Nhận định về kinh tế thế giới, TS. Nguyễn Đức Kiên đã chia sẻ tại hội thảo, bối cảnh đã có những thay đổi đáng kể trong vài năm qua. Năm 2020, các yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế thế giới là đại dịch Covid-19, bất ổn chính trị, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
Cuối năm 2021, triển vọng kinh tế vĩ mô thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo theo xu hướng tích cực, khi mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19 đã được giảm nhẹ, các biện pháp phòng chống dịch không còn nghiêm ngặt như trước, cùng với đó là sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh và mở cửa lại nền kinh tế tại nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đã xuất hiện thêm nhiều yếu tố mới mang tính căn bản đối với nền tảng phát triển kinh tế xã hội của thế giới, đó là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, kéo theo lạm phát gia tăng và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm.
Chính sách tiền tệ các nước đối mặt với lựa chọn giữa mục tiêu phục hồi kinh tế và kiềm chế lạm phát.
Minh chứng là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine nổ ra từ ngày 24-2-2022, đã tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu. Những tác động này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Xung đột quân sự và các biện pháp trừng phạt liên quan, đã làm gián đoạn nguồn cung ứng và tăng giá nhiều mặt hàng chiến lược, như dầu mỏ và khí đốt, lương thực, thiết bị công nghệ cao. Bởi lẽ Nga và Ukraine chiếm khoảng 40-50% xuất khẩu khí gas Neon toàn cầu, là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất chip của thiết bị điện tử và ô tô, dẫn đến sự khủng hoảng thiếu chip trên thế giới.
Xung đột quân sự và gián đoạn chuỗi cung ứng đã khuếch đại ảnh hưởng của biến động giá cả lên chỉ số giá tiêu dùng, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu. Lạm phát đạt mức kỷ lục tại nhiều nước phát triển. Lúc này thị trường tài chính biến động, tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng nợ tại một số nền kinh tế mới nổi. Đồng thời, chính sách tiền tệ các nước đối mặt với lựa chọn giữa mục tiêu phục hồi kinh tế và kiềm chế lạm phát.
Cùng lúc đó, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách zero-Covid và thực hiện các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản sau giai đoạn tăng trưởng nóng, trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã có dự báo không mấy khả quan, tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 3,6% trong năm 2022 (giảm 0,8% so với mức dự báo hồi tháng 10-2021) và năm 2023 cũng ở mức 3,6% (giảm 0,2% so dự báo). Đồng thời, áp lực lạm phát lớn tại các nền kinh tế mới nổi lần lượt là 8,7% và 6,5% cho năm 2022 và 2023.
TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, mức độ rủi ro tổng thể thị trường tài chính toàn cầu đang tăng lên, trong đó có rủi ro vỡ nợ. Như các ngân hàng thương mại (NHTM) châu Âu chịu rủi ro vỡ nợ từ Nga, Ukraine (Nga nợ các NHTW châu Âu khoảng 135 tỷ USD, trong đó Italia, Pháp và Áo là 3 chủ nợ lớn); các NHTW trong thế tiến thoái lưỡng nan giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng; xu hướng tăng lãi suất là chủ đạo sẽ tác động mặt bằng lãi suất, tỷ giá, lạm phát, dòng vốn, nghĩa vụ trả nợ; các nước thắt chặt tài chính (trừ Trung Quốc) khiến dòng tiền rẻ không còn nữa…
Hiện nợ toàn cầu lên mức kỷ lục 256% GDP năm 2021. Tỷ lệ nợ/GDP của hộ gia đình, cá nhân tăng mạnh, lên tới 70,7% GDP toàn cầu năm 2021; nhiều nước có tỷ lệ nợ tư nhân/GDP cao (>100% GDP) như: Australia, Canada, Đan Mạch, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Na Uy, Hà Lan…
Theo đó, rủi ro vỡ nợ tăng khi lãi suất tăng. Thực tế, Srilanka tuyên bố vỡ nợ vào tháng 4-2022, 70 quốc gia (chủ yếu các quốc gia thu nhập thấp, nghèo) trong tình trạng nguy hiểm nợ (debt distress) như Pakistan, Ghana, El Salvador, Tunisia, Ai Cập…
Tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Trung Quốc ở mức kỷ lục 23,3 tỷ USD năm 2021 và dự báo sẽ tăng 10-30% năm 2022 (trong đó, tỷ lệ vỡ nợ TPDN bất động sản tăng 28-32%).
Sớm trám rủi ro của thị trường tài chính trong nước
TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, các vấn đề nói trên cũng đặt ra nhiều rủi ro và thách thức đối với thị trường tài chính Việt Nam. Trên thị trường tài chính, áp lực gia tăng nợ và nghĩa vụ trả nợ, nhất là TPDN cũng đang hiện hữu. Thị trường chứng khoán (TTCK) có hiện tượng 4đ (điều chỉnh, đầu cơ, đòn bẩy, đám đông); tính minh bạch chưa cao, chất lượng doanh nghiệp/nhà đầu tư còn thấp, một số vi phạm trên TTCK ảnh hưởng đến niềm tin thị trường, tăng rủi ro hệ thống…
Khu vực NH luôn chịu áp lực tăng vốn; đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cao hơn; nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn tăng. Đặc biệt, đang có rủi ro từ bộ tứ liên thông: NH - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản.
Việt Nam thắt chặt tín dụng quá mức sẽ không giải quyết được vấn đề lạm phát, nhưng nó có thể kéo nền kinh tế đi vào suy thoái lâu dài và rất tốn kém để thoát ra.
Nhắc đến vấn đề rủi ro của bộ tứ liên thông, TS. Trần Du Lịch cho rằng, có thể gom bộ tứ này lại thành sự liên thông giữa 2 thị trường tài chính (gồm NH, bảo hiểm và chứng khoán) và thị trường bất động sản. Và ông Lịch ví von, một thị trường tài chính có 2 chân là thị trường vốn thông qua TTCK huy động vốn trung và dài hạn, và thị trường tiền tệ thông qua hệ thống các NHTM.
Nhưng trong quá trình dài, hệ thống NH Việt Nam gánh cả vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và TTCK không phát triển được, tức thị trường tài chính chỉ đi trên một chân. Trong những năm gần đây, TTCK đã phát triển, đặc biệt là TPDN. Và sự quan trọng của TPDN nằm ở chỗ, chuyển dần việc huy động vốn thông qua trung gian NH sang huy động vốn trực tiếp.
Vì vậy, những DN phát hành TPDN sai phải xử lý, nhưng đừng vì một vài DN sai mà làm ngưng trệ cả thị trường TPDN như thời gian qua là không nâng vai trò của thị trường vốn được.
Theo TS. Trần Du Lịch, những vấn đề phát sinh bất cập về liên thông giữa 2 thị trường này, xuất phát từ lý do mô hình giám sát thị trường tài chính Việt Nam bất cập hoàn toàn với sự phát triển. Hiện nay, NHNN và Bộ Tài chính quản lý từng nhóm riêng. Khi việc quản lý riêng biệt dẫn đến khó phát triển thị trường tài chính. Do đó bài toán lớn nhất về trung hạn, dài hạn là phải xem lại, tổ chức lại mô hình giám sát thị trường tài chính một cách khoa học.
Những tiêu cực hiện nay của thị trường tài chính và thị trường bất động sản là có, cần chấn chỉnh, nhưng phải trên nền tảng phát triển các thị trường này, vì hiện nó đã tốt hơn so với 10-15 năm trước, tức phát triển bền vững mà không phải băn khoăn, dè chừng.
Cụ thể hơn, TS. Dương Quốc Anh đã chỉ ra hiện nay NHNN có cơ quan thanh tra giám sát nhưng chỉ giám sát các tổ chức tín dụng, còn Bộ Tài chính giám sát các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm. Nhưng trên thực tế, có nhiều tập đoàn tài chính lớn có sự luân chuyển lòng vòng vốn giữa NH - công ty chứng khoán - công ty bảo hiểm, và DN đứng sau là các "ông chủ" trong hệ sinh thái của họ mà không ai giám sát.
TS. Trương Văn Phước đã ví von: “Thị trường tài chính như môn thể thao bóng đá, gồm có các cầu thủ và trọng tài, nhưng cầu thủ hiện nay chơi bóng bằng tay hơi nhiều và trọng tài thổi lại đánh trọng tài”. Ví von này để nói lên vấn đề thể chế và luật của chúng ta vẫn còn bất cập và thiếu chất lượng, thiếu thực quyền.
Ông Phước đề xuất cần có một cơ quan giám sát đủ quyền lực thực thi vấn đề này, như NHNN và Bộ Tài chính phải phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện thị trường tài chính. Có như vậy mới tăng khả năng chống chịu trước những biến động của thị trường tài chính thế giới