KINH TẾ VIỆT NAM-VŨNG LẦY 2013
Hơn một năm qua. Đã có quá nhiều những hội nghị bàn luận về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, có quá nhiều câu chuyện tái cấu trúc khối ngân hàng, tái cấu trúc nền kinh tế, và xa hơn nữa là một cuộc đổi mới lần hai, đưa đất nước vượt qua khó khăn, bước sang trang mới. Nhưng giữa lời nói và kết quả thực tế luôn có những khoảng cách. Sau những chờ đợi mòn mỏi, chúng ta có thể xác nhận độ vênh của khoảng cách ấy. Kết quả cũng đủ rõ ràng để mỗi doanh nghiệp có thể tự trả lời câu hỏi “ Chúng ta phải làm gì?”
Những biến cố khó lường thị trường hàng hóa
Cuộc họp thượng đỉnh thường niên của giới tài chính tại Jackson Hole năm nay không có nhiều tuyên bố ồn ào. Người ta nghi ngờ khả năng để FED đưa ra một gói kích thích kinh tế vào thời điểm khá nhạy cảm này, dù việc sẽ có QE3 là khá rõ ràng. Thế nhưng sau đó, Bernanke đã dẹp tan mọi đồn đoán bằng tuyên bố chính thức trong cuộc họp của FED ngày 13/9 khi quyết định đưa ra gói kích thích để tạo động lực mới cho nền kinh tế, cải thiện thị trường lao động.
Thông thường, những gói kích thích kinh tế sẽ là những cú hích mạnh, đẩy giá của hàng hóa cơ bản tăng vọt sau khi dòng tiển chảy ra thị trường. QE1, QE2 đã làm được như thế nhưng QE3 có lẽ sẽ khác. Với hiện trạng èo uột của EU, sự suy giảm của Trung Quốc và khó khăn của Nhật Bản sẽ hạn chế sự leo thang bất thường của giá cả các loại hàng hóa. Có lẽ chúng ta sẽ vẫn chứng kiến sự tăng giá nhưng có phân hóa theo đặc thù thị trường của từng nhóm hàng hóa và diễn biến nguồn cung ngắn hạn.
Tuy nhiên thị trường hiện tại là ẩn số cực kỳ khó lường khi EU đã chấp nhận bơm tiền không giới hạn để ngăn cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng. Trung Quốc cũng đã có kế hoạch cho một gói kích thích kinh tế mới với khoản đầu tư khổng lồ vào hệ thống hạ tầng công cộng. Để đối phó với những diễn biến trên thị trường tiền tệ, sẽ có rất nhiều quốc gia tìm cách hạ giá đồng nội tệ của mình nhằm tạo vị thế cân bằng trên thị trường xuất khẩu. Đây là những yếu tố làm cho thị trường hàng hóa có thể có thay đổi lớn về giá cả. Cuộc rượt đuổi tỷ giá hoàn toàn có thể cho những kết quả rất bất ngờ, và làm xáo trộn những lộ trình đang được dự báo bấy lâu nay.
Đi theo những biến động trên, có thể nói thị trường hàng hóa sẽ có diễn biến hết sức phức tạp, khó dự đoán. Những biến động của nó sẽ tác động mạnh lên hoạt động dự báo và xây dựng các kế hoạch phát triển của từng quốc gia. Với riêng Việt Nam, quá trình tăng giá cũng sẽ ảnh hưởng lớn khi nền kinh tế đang trên đà đi xuống, sản xuất đình đốn, lạm phát đang manh nha quay trở lại. Việc tăng giá của dầu mỏ và lương thực là điều chắc chắn sẽ thấy, và sẽ là bài toán không đơn giản trong thời gian tới.
Thất bại của chính sách:
Quay trở lại với 2009, đã có nhiều bài viết trên báo nước ngoài tỏ ra ngạc nhiên với chính sách kích cầu mạnh mẽ của Việt Nam khi vừa mới trải qua cú sốc lạm phát kỷ lục năm 2008. Vào thời gian đó, đã có những dự báo bi quan về việc chúng ta đã đi trệch đường ray trên con đường tăng trưởng bền vững. Hiện tại, có thể thấy Việt Nam đã thực sự đánh mất đi cơ hội lớn nhất để ổn định vĩ mô, thích nghi nhanh với biến động của nền kinh tế thế giới. Đây sẽ là bài học cay đắng cho quá trình hội nhập WTO. Chúng ta bước ra một sân chơi lớn mà thiếu đi sự cẩn trọng, sự chuẩn bị kỹ càng cũng như một hệ thống quản lý đủ tầm gánh vác công việc.
Cho đến lúc này, Việt Nam đã ở khung giới hạn cho các chính sách tiền tệ. Với thực trạng hiện nay, chúng ta không thể sử dụng bất kỳ công cụ chính sách nào để kích thích kinh tế hay hỗ trợ tăng trưởng. Sự suy yếu nhanh chóng là kết quả của việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng không hiệu quả nhiều năm, thiếu đi sự định hướng chính xác cũng như sự quản lý chặt chẽ quá trình đầu tư. Kèm theo đó, sự xuất hiện của các nhóm lợi ích luôn tìm cách tác động đến chính sách khiến các quyết định trở nên lệch lạc, méo mó không ăn khớp với thị trường. Ngoài việc lái chính sách đi trệch đường ray, những nhóm lợi ích còn là trở lực rất lớn cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.
“ Đổi mới lần 2” là một cụm từ thường được nhắc tới trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nó chỉ là một cụm từ sáo rỗng nếu không có hành động cụ thể thật quyết liệt. “ Đổi mới lần 1” là quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường. Cái cốt lõi nhất của đổi mới là sự chuyển đổi về quan niệm kinh tế, tư tưởng là làm việc. Lúc đó, dư địa cho việc áp dụng các công cụ chính sách phù hợp với kinh tế thị trường còn rất rộng. Còn hiện tại, khi chúng ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, những sai sót dài hạn sẽ còn rất ít đất để dùng chính sách điều chỉnh. Với thực trạng hiện nay, đã đến lúc cần suy nghĩ nghiêm túc về việc tìm kiếm những khoản vay nước ngoài hợp lý, hoặc chấp nhận bán một số tài sản quốc gia có thể bán, cổ phần hóa những DN lớn trong điều kiện TT chứng khoán ảm đạm…để có được nguồn tài chính cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu không có những công cụ đủ quyết liệt, e rằng chúng ta còn tiếp tục trượt dài trên đà suy thoái.
Năm 2013 ảm đạm:
Thật buồn khi phải nói trước những gì đang đến trong tâm thế như vậy. Thực trạng sản xuất đình đốn, doanh nghiệp đóng cửa đã có những tác động đầu tiên đến nền kinh tế. Kết quả thu ngân sách của các địa phương, đặc biệt là địa phương lớn tụt giảm nghiêm trọng. Đà Nẵng 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức thu 30% kế hoạch cả năm. Những địa phương khác như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đều có mức thu tụt giảm tương ứng. Đây là những tín hiệu xác nhận sẽ không có một chính sách kích thích nào khả thi trong thời gian tới. Nó cũng là cảnh báo cho hàng loạt khó khăn trong chi tiêu 2013, khi mà các tỉnh nhỏ ngoài nguồn thu ngân sách của tỉnh mình, còn phải trông đợi rất nhiều vào nguồn phân bổ của Bộ Tài chính, lấy từ nguồn thu thặng dư của các tỉnh lớn. Bây giờ nguồn thặng dư đó đang cạn, trong khi các tỉnh lại chưa hề có kế hoạch dự phòng nào cho kịch bản như vậy.
Khống chế lạm phát có thể coi là bước đầu thành công của năm 2012. Chỉ số CPI đã giảm, ổn định, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát quay lại rất lớn. Giá cả hàng hóa thực sự không giảm nhiều mà sự suy giảm CPI phần lớn do tác động động thái thắt chặt tiêu dùng. Quá trình điều chỉnh chính sách lãi suất từ đầu năm đến giờ được đánh giá là khá mạnh mẽ. Lãi suất huy đông và cho vay hạ liên tục nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng đó cũng là bước đà ban đầu để lạm phát có thể nhòm ngó tính đường quay lại.
Tác động của gói kich thích kinh tế QE3 cũng cần được tính đến trên phương diện các quốc gia cố gắng điều chỉnh đồng nội tệ theo hướng có lợi khi đồng USD đang hướng đến việc giảm giá. Khi đó thị trường tiền tệ có những xáo trộn lớn và tác động ngược đẩy giá cả hàng hóa đi xa. Chưa thể khẳng định loại hàng hóa nào sẽ tăng giá, nhưng dầu mỏ và lương thực sẽ là những hạng mục có thể nhìn thấy xu hướng tăng rõ nét.
Sức ép tăng giá dầu sẽ có tác động rất lớn đến chỉ số CPI của Việt Nam. Giá dầu tăng ảnh hưởng đến hàng loạt hệ thống chi phí của các ngành sản xuất. Ngoài ra, với nhiều đơt tăng giá trong năm, việc tăng giá dầu gây hiệu ứng tâm lý xã hội không tốt khi người dân chỉ mong muốn giá dầu giảm. Trong khi đó, với những khó khăn đặc thù của ngành, giá điện và than có thể vẫn tiếp tục được các tập đoàn xin điều chỉnh tăng để chống chọi với những khó khăn, thiếu hụt trước mắt của họ. Đây là vấn đề được nhận diện sẽ gây nhiều khó khăn trong quá trình quản lý và tác động mạnh đến toàn bộ hoạt động SXKD của xã hội.
Với những khó khăn chồng chất như vậy, năm 2013 sẽ chứng kiến đợt rơi mạnh của bất động sản khi thời kỳ chịu tải đã đi qua mà chủ đầu tư chưa có được nguồn tiền cần thiết để cân đối hoạt động của mình. Theo đó sẽ là hệ lụy của khối ngân hàng, khi rất nhiều dự án BDS đang vay tiền của ngân hàng mà chưa có giải pháp trả nợ. Chúng ta đã có rất nhiều bàn luận về tái cấu trúc Ngân hàng, nhưng suốt 1 năm qua, kết quả chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Và hệ thống không thể tiếp tục duy trì mãi như vậy được, nó sẽ đi đến kết quả tất yếu mà nó phải có.
Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải làm gì trong năm 2013? Với câu hỏi này tôi đã nhận được câu trả lời như vậy từ một chuyên gia tài chính. Với một thị trường mà niềm tin bị bào mòn, các yếu tố rủi ro biến động quá lớn, sự hỗ trợ từ chính sách không có, doanh nghiệp nên sớm xác định một chiến lược phù hợp để đảm bảo duy trì hoạt động và an toàn trong kinh doanh.
Lúc này, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp buộc phải dựa vào chính mình. Những điều chỉnh chính bản thân doanh nghiệp để thích nghi với tình hình mới là cần thiết và phải làm ngay. Phải luôn có sự chuẩn bị trước tình huống đối phó cho những kịch bản xấu để đảm bảo sự thích ứng kịp thời khi có những biến động.
Tập trung nguồn tiền, tăng cường nội lực, xây dựng hệ thống phân tích môi trường kinh doanh, hệ thống cảnh báo rủi ro.v.v..sẽ có rất nhiều khuyến nghị được đưa ra cho doanh nghiệp. Nhưng thực chất không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện để làm được tất cả những điều đó vì những hạn chế về nguồn lực, quy mô, con người. Vậy chỉ xin kết lại bằng một câu ngắn gọn: “ Có thật nhiều khó khăn đang chờ đợi ở phía trước, hãy thận trọng trong từng bước đi…”