>> Các ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất cho vay
>> Lãi suất sẽ hạ trong vài ngày tới
Cùng chiều ngày 12/3, ngay sau khi NHNN công bố hạ lãi suất, ngân hàng TMCP Đại Dương OceanBank đã phát đi thông báo hạ lãi suất theo quy định mới.
Theo đó, kể từ ngày 13/3, lãi suất cho kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng tại đây là 13 % năm. Các kỳ hạn trên 12 tháng lãi suất được áp dụng ở mức 12,8% và 12%/năm. Các kỳ hạn 1 tuần đến 3 tuần cùng có mức lãi suất 5%/năm.
Tiếp theo OceanBank là công bố của TienPhong Bank với biểu lãi suất huy động mới có mức lãi suất cao nhất là 13% cho các kỳ hạn tiết kiệm từ 1 tháng trở lên. Đối với hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và kỳ hạn tuần mức lãi suất tối đa quy định là 5%. Trước đó TienPhong Bank đã công bố gói tín dụng với lãi suất ưu đãi 15-18% trị giá 1000 tỷ đồng dành cho nhóm khách hàng đầu tư, sản xuất máy móc, hàng công nghệ, nghiên cứu công nghệ cao và kinh doanh xuất khẩu.
SeABank cũng điều chỉnh lãi suất tiếp kiệm cho cá nhân với mức lãi suất cao nhất là 13% cho các kỳ hạn từ 01 tháng đến 13 tháng. Thấp nhất là 3,6% cho loại không kỳ hạn và 5% cho loại kỳ hạn từ 01 tuần đến 03 tuần.
Biểu lãi suất tại Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng được điều chỉnh kể từ ngày hôm nay (13/3). Theo đó, mức lãi suất tiền gửi tối đa cũng có mức 13%/năm. Mức còn lại từ 3,6% và 4,2% cho đến 5% cho các hạn ngắn từ 1 tuần đến 3 tuần.
Trước đó, để chuẩn bị cho đợt giảm lãi suất huy động một số ngân hàng trên cũng đã giảm lãi suất cho vay bằng các gói tín dụng ưu đãi lớn. Theo OceanBank, ngân hàng này đã giảm lãi suất cho vay bằng việc dành dành một gói tín dụng ưu đãi trị giá 500 tỷ đồng với lãi suất cho vay khoảng 17%/năm cho một doanh nghiệp ở phía Nam. Trong tháng 3 OceanBank cũng giảm 1,5% lãi suất cho khách hàng cá nhân là phụ nữ với các khoản vay tiêu dùng.
TienPhong Bank cũng đã công bố gói tín dụng với lãi suất ưu đãi 15-18% trị giá 1000 tỷ đồng dành cho nhóm khách hàng đầu tư, sản xuất máy móc, hàng công nghệ, nghiên cứu công nghệ cao và kinh doanh xuất khẩu.
Cùng hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã giảm lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh 1,5%/năm so với lãi suất hiện hành cho chương trình "Ưu đãi lãi suất kinh doanh". Khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể có nhu cầu vay vốn bổ sung kinh doanh bằng VND đáp ứng điều kiện vay vốn của ABBANK có thể được hưởng mức lãi suất ưu đãi này.
Tại ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), mức lãi suất cho vay được giảm cao nhất là 2%/năm. Ngoài ra VPBank còn đưa ra một gói tín dụng ưu đãi, với lãi suất cho vay đặc biệt, thấp hơn 3% so với các khoản vay thông thường cho các khách hàng thuộc đối tượng ưu đãi nhằm phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và DN xuất khẩu, sản xuất kinh doanh, với tổng hạn mức 5.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chương trình là 6 tháng.
Bình luận về quyết định hạ lãi suất của NHNN, bà Nguyễn Thị Mai Hương, PTGĐ OceanBank cho biết: “Theo tôi, mức lãi suất huy động 13% là phù hợp điều kiện kinh tế vĩ mô, tốc độ lạm phát hiện nay và quyết tâm chính trị của nhà nước. Vấn đề lúc này chính là ở chỗ các ngân hàng cần chuẩn bị sẵn sàng để bước vào một cuộc "chạy đua" lành mạnh về chất lượng và dịch vụ hiện đại. Tạo được sự tiện lợi cho khách hàng với chất lượng dịch vụ tốt sẽ là chìa khoá để giữ và thu hút khách hàng"
Cũng theo bà Hương, trước đây khách hàng có thể chia năm sẻ bảy đồng vốn của mình để gửi ở một vài ngân hàng có lãi suất cao, nhưng giờ đây, với việc thực hiện trần lãi suất này, khách hàng có xu hướng cơ cấu lại danh mục tiết kiệm theo hướng “gom trứng vào một giỏ” để quản lý tập trung dòng tiền. Với mặt bằng lãi suất hiện nay, cộng với dự báo lãi suất có thể tiếp tục giảm trong những quý tiếp theo, khách hàng sẽ có xu hướng gửi tiền với các kỳ hạn dài, thay cho việc gửi kỳ hạn ngắn theo kiểu “lướt sóng lãi suất” như trước kia”.