8 điểm lý do khiến chứng khoán hấp dẫn nhà đầu tư lúc này
(08-03-2012)
CTCK Bản Việt tính toán, cuối tháng 2/2012, các chỉ số định giá thị trường vẫn ở mức rẻ tương đối so với quá khứ, khi chỉ số P/E trung bình trên HOSE khoảng 9 lần và P/B vào khoảng 1,48 lần.
“Thị trường đầu cơ sinh ra trong sự ảm đạm, lớn lên bằng sự hoài nghi…”, câu nói của Sir John Templeton có đúng với diễn biến TTCK Việt Nam thời gian qua, hay sự phục hồi của thị trường là do nhiều yếu tố cơ bản hỗ trợ? ĐTCK đã ghi nhận được 8 yếu tố hỗ trợ cho TTCK.
1. Giá cổ phiếu xuống rất thấp
Trong báo cáo chuyên đề “TTCK Việt Nam tìm kiếm những NĐT mạo hiểm”, CTCK Bản Việt thống kê tại thời điểm cuối năm 2011, có hơn một nửa trong số 700 mã chứng khoán niêm yết có thị giá thấp hơn mệnh giá, 80% cổ phiếu giao dịch dưới giá trị sổ sách (P/B). Trong lịch sử sàn HOSE, chỉ số P/B trung bình dao động từ 1,20 lần đến 4,59 lần. Cuối năm 2011, chỉ số này là 1,23 lần, chỉ cao hơn một chút so với mức đáy 1,20 lần vào tháng 2/2009. Tương tự, chỉ số P/B trung bình của sàn HNX vào cuối năm 2011 là 0,71 lần, thấp nhất trong lịch sử (cao nhất là 5,38 lần).
Hiện tại, dù thị trường phục hồi rất mạnh, thậm chí nhiều mã chứng khoán đã tăng trên 100%, nhưng CTCK Bản Việt tính toán, cuối tháng 2/2012, các chỉ số định giá thị trường vẫn ở mức rẻ tương đối so với quá khứ, khi chỉ số P/E trung bình trên HOSE khoảng 9 lần và P/B vào khoảng 1,48 lần. TTCK Việt Nam chịu nhiều sức ép trong cả năm 2011, đặc biệt là áp lực bán của các CTCK và ngân hàng nhằm thu hồi nợ cuối năm, nên sự phục hồi mang tính kỹ thuật sau khi đã giảm rất sâu cũng là điều bình thường.
2. NĐT nước ngoài lạc quan
Hành trình đi lên vừa qua của thị trường chủ yếu được dẫn dắt bởi khối ngoại. Tính riêng trong tháng 2, khối ngoại đã mua ròng gần 60 triệu USD, tập trung vào 24 cổ phiếu blue-chip trong “rổ” VN30. Sự hưng phấn này giảm sút vào những ngày đầu tháng 3, khi thị trường tăng mạnh. Nhưng trong một thời gian ngắn liên tục xuất hiện các dự báo lạc quan cho TTCK Việt Nam. Nhật báo Phố Wall chạy tít: “Buy now… or you will be sorry” (tạm dịch: Không mua bây giờ sẽ hối hận”), với những lời có cánh: “TTCK Việt Nam được coi như là một điểm sáng trong những thị trường sơ khai trong năm 2012, kể cả khi mức giá các cổ phiếu đã tăng 20% từ đầu năm thì giá hiện tại vẫn là rất thấp”.
Không chỉ giới truyền thông lạc quan, Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Rating vừa nâng mức xếp hạng kinh tế Việt Nam lên B+, với đánh giá triển vọng kinh tế ổn định, dựa trên yếu tố lạm phát hạ nhiệt và sự cải thiện của cán cân thương mại. Áp lực thoái vốn của khối ngoại vẫn hiện hữu và gây áp lực không nhỏ trong trung hạn, nhưng trong ngắn hạn, một số quỹ đóng đã chuyển đổi thành công thành quỹ mở và quay lại thị trường.
3. Cổ phiếu ngân hàng hâm nóng thị trường
Tâm điểm chú ý của thị trường vài tuần gần đây là nhóm cổ phiếu “vua” - ngân hàng với những câu chuyện về chủ đề thâu tóm. Sẽ không hợp lý khi áp đặt câu chuyện này với nhóm cổ phiếu “vua”, do Sacombank là ngân hàng hội tụ nhiều yếu tố ngẫu nhiên để rơi vào hoàn cảnh hiện tại. Tuy nhiên, “hiệu ứng Sacombank” tác động đến nhóm cổ phiếu đang chiếm tỷ trọng lớn trên TTCK ở một khía cạnh khác: tâm lý phòng thủ của một số ngân hàng niêm yết để tránh gặp phải tình trạng giống như Sacombank, do cổ phiếu lùi quá sâu dưới mệnh giá; nhóm NĐT ăn theo trên thị trường hy vọng có một Sacombank thứ hai; động thái chạy đua ghế HĐQT nhằm kiểm soát quyền lực giữa các nhóm cổ đông lớn trong ngân hàng trước kỳ ĐHCĐ khiến giá cổ phiếu tăng mạnh… Bên cạnh Sacombank liên quan đến hoạt động thâu tóm, nhiều cổ phiếu “vua” khác phục hồi là bệ đỡ quan trọng cho thị trường.
4. Các kênh đầu tư khác bế tắc
Phần lớn kênh đầu tư đang tỏ ra thất thế so với chứng khoán. Tỷ giá USD/VND khá ổn định trong nhiều tháng qua. Giá vàng chủ yếu đi ngang trong thời gian dài, khiến giới đầu cơ mất một kênh “lướt sóng”. Thị trường BĐS vẫn rơi vào trạng thái tê liệt thanh khoản, nên không thu hút được dòng tiền nhàn rỗi. Tiền gửi ngân hàng vẫn đang là kênh đầu tư có vị thế lấn lướt, nhưng ưu thế này có thể sớm đánh mất khi lạm phát đi vào quỹ đạo kiểm soát. Nhiều kênh đầu tư cùng lúc tắc nghẽn, việc đầu tư vào cổ phiếu giá thấp trở nên hấp dẫn, dù vẫn hiện hữu rủi ro.
5. TTCK nhận được sự quan tâm từ nhiều cấp quản lý
Mặc dù TTCK còn đối diện với nhiều thách thức trong trung hạn, nhưng chưa bao giờ thị trường nhận được nhiều sự quan tâm như hiện nay. Lần lượt các lãnh đạo cao nhất của UBCK, Bộ Tài chính đăng đàn có những phát ngôn trấn an, ổn định thị trường.
6. Lộ trình tái cấu trúc TTCK
Cuối năm 2011, cơ quan quản lý phát đi thông điệp trọng tâm năm 2012 sẽ đi sâu vào tái cấu trúc TTCK, xoay quanh 4 vấn đề nổi cộm: tái cấu trúc các trung gian tài chính, thị trường hàng hóa, cầu đầu tư và các CTCK. UBCK đã chuẩn bị xong đề án tái cấu trúc TTCK. Hầu hết giải pháp tái cấu trúc thị trường chỉ có thể phát huy tác dụng trong trung và dài hạn, nhưng ngắn hạn tạo ra hiệu ứng tâm lý “TTCK không phải là đứa con bị bỏ rơi”.
7. Kỳ vọng giảm lãi suất
Diễn biến trong quá khứ cho thấy, xu hướng tăng giảm của chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hai yếu tố vốn ngoại và chính sách tiền tệ trong nước. Suốt một thời gian dài, lãi suất đứng ở mức cao tạo nên gánh nặng vượt quá sức chịu đựng của nhiều DN. Chiều 6/3, NHNN đã chính thức công bố hạ trần lãi suất huy động từ 14%/năm xuống còn 13%/năm. Với động thái này và lãi suất huy động trái phiếu chính phủ ngày càng giảm, các DN và nền kinh tế kỳ vọng sẽ có một mức lãi suất cho vay “dễ thở” hơn trong thời gian tới.
8. Tâm lý NĐT hồi phục
Dù trạng thái tâm lý rất dễ thay đổi, nhưng suốt một năm qua, NĐT trong nước luôn lưỡng lự giữa hai thái cực tâm lý lạc quan trong thận trọng về các định hướng chính sách của Chính phủ và bi quan về các thực tại bất ổn của nền kinh tế nói chung, sự tuột dốc của TTCK nói riêng. Tâm lý này đã phản ánh vào giá cổ phiếu, khiến thị trường trượt dốc. Tuy nhiên, sự quan tâm của cơ quan quản lý, sự quay lại của NĐT nước ngoài, cộng với một số chỉ số vĩ mô cải thiện đã khiến tâm lý giới đầu tư dần phục hồi. Bộ phận môi giới nhiều CTCK lớn phản ánh, nhóm NĐT bảo thủ đứng bên lề làm quan sát viên đã quay trở lại thị trường với tâm lý hưng phấn.
9. Ẩn số lạm phát
Đây được nhận diện là thách thức lớn nhất với xu hướng phục hồi trung hạn của TTCK, vì liên quan chặt chẽ đến chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, ẩn số này không chỉ phụ thuộc vào các nhân tố trong nước như lộ trình tăng giá điện, giá than, mà cả nhiều biến động khách quan bên ngoài như giá xăng dầu và giá nhiều nguyên liệu cơ bản.