Một đêm hè, Năm rủ tôi đi câu đêm. Ánh trăng vằng vặc. Chiếc phao câu phát sáng trên mặt hồ dập dềnh như những con đom đóm. Bất chợt lão dốc bầu tâm sự: "Anh về già, cô đơn lắm chú ạ".
Năm là con cả trong một gia đình thuần nông. Nhà đông con nên lớn lên, lão xung phong đi bộ đội để bớt đi một miệng ăn trong nhà. Vào bộ đội, vì người lão nhỏ nhắn nên được làm anh nuôi. Sau mấy năm nghĩa vụ, lão xuất quân về địa phương. Bố mẹ bắt lão lấy vợ để có con nối dõi tông đường. Cô vợ ấy do chính bố mẹ lão mai mối. Chưa kịp có con thì lão lại được tiêu chuẩn đi hợp tác lao động ở Đức. Để lại người vợ mới cưới, lão lên đường sang trời tây với bao nhiêu mơ ước của tuổi thanh niên.
Hàng ngày, lão chăm chỉ đi làm. Đến cuối tuần, lão đi mời những người Đức mà lão quen trong quán bar hay hàng xóm may quần áo bò. Lão chỉ đi tìm khách lấy số đo để ăn hoa hồng. Công việc mang lại món tiền khá. Lão tằn tiện trong chi tiêu cố gắng dành dụm một khoản tiền làm vốn khi hồi hương.
Nước Đức thống nhất, lão cũng ở lại như bao người. Tuy nhiên, thay vì lao xuống đường buôn bán thuốc lá, kinh doanh quần áo, lão chỉ đi làm trong các quán ăn, nhà hàng rồi xin được việc ở Frankfurt và lão chuyển sang đó ở cho đến nay.
Năm 1991 lão về nước, dùng toàn số tiền ky cóp được mua một mảnh đất ở ngoại ô Hà Nội với mong muốn sau này vợ chồng lão sẽ lên thủ đô làm ăn buôn bán. Cũng sau lần về phép đó, vợ lão mang thai đứa con gái đầu lòng.
Vì đi xa, thương vợ nên lão không cho vợ đi làm những công việc của một người nông dân bình thường. Lão gom góp gửi tiền về để vợ lão ăn sung mặc sướng, dưỡng thai đứa con mà lão hằng mong đợi.
Sau khi sinh con gái, sẵn tiền mà lại nhàn rỗi, vợ lão bắt đầu lao vào lô đề, cờ bạc. Trong khi đó, lão vẫn hàng ngày đi làm trên những chuyến xe xuôi ngược và nuôi hy vọng dành dụm đủ tiền để đón cả hai mẹ con sang Đức đoàn tụ.
Số tiền mà vợ lão cần ngày càng nhiều thì những con số trong sổ tiết kiệm của lão ngày càng ít. Mỗi lần lão về phép lại bị vợ cằn nhằn là vô dụng bất tài, không bằng thiên hạ. Vì hạnh phúc gia đình, lão nhẫn nhịn cho mọi chuyện êm đẹp. Rồi thằng con trai thứ hai chào đời, lão vui vì có người nối dõi bao nhiêu thì nỗi buồn trong lòng lão lại càng nặng bấy nhiêu.
Ngôi nhà ngày nào lão mua còn là ngoại ô nay đã lên quận mới của Hà Nội, nhưng vợ và các con lão "bất nông, sành thị", làm nông thì không biết nhưng cái dở của thành thị thì vợ con lão lại rất rành. Rồi vợ lão vay lãi để thoả mãn thú vui, khi khả năng thanh toán không còn thì mang nhà ra gán. Lão lại dồn tất cả tiền và vay mượn bạn bè chuộc lại ngôi nhà cho vợ con có chỗ nương thân.
Chưa trả nợ xong số tiền mới vay thì lão lại nghe tin vợ con đã bán ngôi nhà đó và trở về quê sinh sống. Nhưng nỗi buồn lớn nhất trong lòng của lão chính là hai đứa con đã nghe theo mẹ, khinh khi lão ra mặt. Cứ trải qua mỗi một nỗi đau, lão lại trở nên lầm lì ít nói hơn.
Giờ đến tuổi xế chiều vẫn sống một mình ở Franfurt, trong lòng lão chỉ hy vọng có ngày các con hiều được lòng cha.
Một hôm nghe tin lão Năm ốm nằm viện, tôi vội vã sang thăm. Trên giường bệnh, mặt lão vốn nhàu nhĩ nay trông lại càng khắc khổ, đôi mắt vằn lên những tia đỏ. Lão thều thào "Sắp mất nốt nhà rồi". Ngôi nhà còn lại ở quê cũng đã bị mang đi cầm cố ngân hàng. Đôi mắt lão nhìn vô định và bất lực. Bên ngoài cửa sổ, những chiếc lá vàng như sắp rụng trong chiều mùa thu.
Nếu ai có dịp đi qua sông Main, nhìn thấy bóng một người đàn ông người Việt nhỏ bé câu cá mỗi chiều, rất có thể đó là lão Năm, người gần 30 năm sống tha hương và cô quạnh.