VC - Literature !

CUỐN THỨ XII

I

Tôi và Van-đốc đến biệt thự thì trời đã tối. Trên gác, đèn thắp sáng choang. Tôi thấy có người đứng trước cổng, đến gần mới biết là Mi-gơ-li, ông ta nhìn chúng tôi chằm chằm. Con Kíp mừng rỡ đâm bổ về phía tôi. Tôi vuốt ve con c.hó.

- Kíp ơi! Mày đấy ư?

Van-đốc cũng gọi con c.hó. Hắn ta rút trong túi ra một miếng thức ăn gì đó khá hấp dẫn đút vào mồm con Kíp.

Bác Mi-gơ-li chìa tay cho tôi, giọng xúc động:

- Sem thân mến, cậu đấy à? Mừng thật! Ông Đô-bi lo cho cậu quá…

- Tôi biết ông Đô-bi của ông là người thế nào rồi! – Tôi cất giọng tức tôi và chìa tay ra cho Mi-gơ-li cho lấy lệ.

Bác Mi-gơ-li chăm chú nhìn tôi:

- Cậu biết rồi thì càng hay, cậu Sem ạ! Đáng lẽ cậu nên biết chuyện này lâu rồi cơ… - Ông ta nhìn Van-đốc – Cậu dẫn ai về đấy?

Van-đốc vờ làm bộ ngớ ngẩn, hắn khịt mũi một cái rồi bỗng nhiên giật cái mũ cát-két trên đầu xuống:

- Chào bác! Tôi trước làm thợ mỏ ở Oét-sli. Đầu đuôi là thế này: Hôm qua tôi cứu được Sem của bác ra khỏi hầm lò vì bị sập. Vất vả lắm đấy bác ạ! Không phải Sem đưa tôi đến đây đâu, tôi đòi cậu ta dẫn tôi đến gặp ông chủ đấy. Nói thực với bác, tôi định xin ít tiền uống rượu…

Nhìn cái bi-đông lủng lẳng trên dây thắt lưng bằng da của Van-đốc, bác Mi-gơ-li khẽ thầm thì:

- Tôi phải vào báo cho ông Đô-bi một tiếng chứ. Ông lo cho cậu Sem lắm…

Van-đốc cúi gập lưng lại, giọng rất lễ phép:

- Thưa bác, để bác vào báo với ông Đô-bi thì quả là chúng tôi chẳng dám. Hình như bác đang đứng đây đợi ai phải không ạ?

- Phải, có lẽ thế. – Bác Mi-gơ-li đáp, rồi nhìn về phía con đường nhựa đen thẫm, lúc này dưới chân núi không còn nhìn rõ nữa.

Van-đốc cất giọng ôn tồn:

- Bác thấy chưa? Bác không thể bỏ đây mà đi được. Với lại, nghe nói ông chủ của bác bị bệnh đau tim, thần kinh bị suy nhược. Bây giờ bác báo ngay cho ông biết chuyện Pin-gơ-lơ được cứu, e không tiện…

Nghĩ ngợi giây lát, bác Mi-gơ-li gật đầu, khẽ thở dài:

- Có lẽ anh nói cũng phải đấy. Chà, bao nhiêu là việc! Sem, cậu vào bằng lối nhà bếp ấy nhé. Chìa khóa để ở cửa đấy…

Tôi và Van-đốc bước vào cổng sắt. Bác Mi-gơ-li thì vẫn đứng bên ngoài.

Tôi đang mở cửa bếp thì Van-đốc nói khẽ với tôi, giọng nghiêm trang:

- Anh hãy nghe tôi, nên có lòng thương người một chút. Biết đâu sự trình diện đột ngột của anh chẳng làm cho ông Rôn-sơ chết ngất. Ông ta tưởng rằng ông ta đã hất được anh rồi. Bây giờ anh đưa tôi vào buồng ông ta… Để tôi vào trò chuyện với ông ấy trước cho ông ấy khỏi bất ngờ. Xong đâu đấy, anh hãy vào và…

Van-đốc nói rất có lý. Tôi đáp:

- Được, anh vào trước đi.

Tôi bật ngọn đèn trên hành lang và cùng Van-đốc bước đến chân cầu thang. Tôi bảo:

- Trên gác có ba buồng. Nếu không có trong buồng thứ hai thì ông ấy ở trong phòng thí nghiệm.

Van-đốc lặng lẽ gật đầu. Hắn ta mở cửa gian buồng đầu tiên và ra hiệu cho tôi. Tôi biết ngay là ông chủ của tòa biệt thự đang ở trong gian buồng thứ hai.

Tôi nghe thấy tiếng ông Đô-bi hỏi:

- Bác Mi-gơ-li có phải không? Công việc thế nào rồi?

- Thưa ông, rất trôi chảy. – Van-đốc bình tĩnh trả lời. Hắn ta khẽ dặn tôi ở lại bên ngoài rồi cầm cái mũ cát-két bước vào buồng ông Đô-bi.

Tôi cố ghé sát về phía cửa. Qua cái khe cửa khá rộng, tôi nhìn thấy rõ mọi thứ tôi cần biết. Lửa trong lò sưởi đang cháy rừng rực, ông Đô-bi đang ngồi trước lò sưởi, mặt cạo nhẵn nhụi, đầu tóc mượt mà, mình mặc một bộ đồ du lịch màu xám, đang hút điếu thuốc lá cắm trên đầu píp. Trước lúc Van-đốc xuất hiện, có lẽ ông ta đang lục một số giấy tờ trên chiếc bàn nhỏ nhắn kê bên cạnh, vừa trầm ngâm suy nghĩ vừa xé giấy ném vào lò. Mớ giấy vụn cháy phần phật, hắt ánh sáng lên người Van-đốc. Ông Đô-bi hơi dựa người vào ghế. Tôi thấy nét mặt ông rất sửng sốt. Song vẻ sửng sốt ấy mất đi ngay. Ông ta lại nhìn Van-đốc với ánh mắt gần như dửng dưng.
 
Không trông thấy mặt Van-đốc, nhưng tôi nghe rõ tiếng hắn:

- Chào ông, - Van-đốc chào. Bước đến gần chỗ lò sưởi, hắn ta nhắc lại: - Chào ông! Chào bác sĩ Rôn-sơ!

- Ồ, ra thế! – Ông Đô-bi đáp, mặt hiện rõ nụ cười khó chịu. – Chào ông…

- Bác sĩ Rôn-sơ, thoạt trông tôi đã nhận ra bác sĩ ngay. – Van-đốc ăn nói có vẻ suồng sã. Hắn ta vịn vào thành ghế, rồi không đợi chủ nhà mời, hắn đặt đít ngồi ngay trước mặt con người vừa là bác sĩ Rôn-sơ, vừa là ông Đô-bi ấy.

Ông Đô-bi vẫn đáp lại bằng một giọng chế giễu:

- Phải, chính tôi đây. Van-đốc, qua những cử chỉ của ông, tôi cũng nhận ra ông ngay. Gần đây ông vẫn lượn quẩn quanh bên ngoài ngôi nhà này. Thực ra, tôi cũng đang có ý đợi ông. Tôi biết sớm muộn rồi ông cũng đánh bạo vào đây tìm tôi để tính cho xong chuyện cũ…

Van-đốc nhún vai:

- Lạ nhỉ! Tôi có một đề nghị rất đứng đắn đối với ông cơ mà. Không sao, nếu ông muốn, chúng ta sẽ tính chuyện cũ với nhau vậy. Bác sĩ Rôn-sơ, có điều gì ông cứ nói đi!

Bác sĩ Rôn-sơ nhặt mấy tờ giấy trên bàn, xé vụn ra vứt vào trong lò sưởi và trầm ngâm nhìn ngọn lửa đang nuốt giấy lem lém. Mãi sau, ông mới nheo mắt, cười gượng:

- Mặt ông biến dạng, tôi không chịu bất cứ một trách nhiệm nào về việc ấy, cái đó là tại ông cả thôi. Về điểm này, ông cũng biết rất rõ. Van-đốc, có gì ông nói cho nghe đi!

Lần này đến lượt Van-đốc cười nhạt:

- Ông đã tạo ra một tấn trò để bắt tôi chịu tội mưu sát ông…

- Đã không bị đưa ra xét xử, ông còn đòi gì ở tôi nữa? – Bác sĩ Rôn-sơ cười nhạo – Ông coi trọng lý luận nhưng lại xa rời thực tế quá! – Rôn-sơ vờ thở dài rồi nói tiếp – Mọi chuyện chả yên ổn cả đấy thôi?

Van-đốc lắc đầu, vẻ giễu cợt:

- Không đâu bác sĩ ạ! Tôi là người coi trọng thực tế, song tôi cũng rất thích lý thuyết. Có một việc rất nhỏ nhặt làm tôi cảm thấy lý thú, do vậy tôi mới đến quấy quả ông giữa lúc bất tiện như thế này. Xin lỗi, tôi rất lo mình chậm chân. Có những cái buộc tôi phải đến đây gấp… Hiện giờ, tiết trời rất ấm áp, nhưng đứng dưới phố nhìn lên ống khói tòa biệt thự của ông, tôi thấy nó đang bốc khói nghi ngút như ống khói của nhà hỏa táng vậy. Người ở của ông đang nóng lòng chờ ô-tô đánh đến. Có lẽ độ một giờ nữa, tôi sẽ không gặp được ông ở đây nữa.

Bác sĩ Rôn-sơ đặt tẩu thuốc lá xuống, gõ ngón tay lên mặt bàn:

- Đấy là loại chuyện khác. Ồ.. tính chất của cuộc nói chuyện đã đổi khác rồi. Tôi thích cái gì cũng rạch ròi, sòng phẳng. Ông Van-đốc, ông có biết tôi chán ghét ông thế nào không? Ngay từ khi ông xuất hiện đột ngột ở Ma-sát-lan và van nài tôi giữ ông lại hầu hạ tôi, tôi đã biết ngay, à không, tôi đã đoán ra ngay ông muốn biết cậu tôi hiện đang ở đâu. Nhưng tôi không thể nói lung tung như thế được, tôi đã hứa với cậu tôi như thế…

Van-đốc hỏi với giọng tức tối:

- Thế ông không định cho biết hả?

- Không, dù ông tìm cách dọa dẫm, tôi cũng không nói đâu. Tôi không phải là thằng hèn. Nếu ông muốn đánh gục tôi thì chủ bài cũng không nằm trong tay ông. Ông chưa kịp đánh “Át-rô” ra, tôi đã chìa chủ bài ra rồi. Ông Van-đốc, tôi ngấy ông lắm rồi. Ông định xem trộm thư từ của tôi, nhưng không một lá thư nào của cậu tôi lọt vào tay ông. Có phải thế không nhỉ? Mọi thư từ của cậu tôi đều được gói trong bao thuốc lá. Những bức thư ấy đều do chú bé Pê-đơ-rô em trai của một tiểu thư xinh đẹp – đưa từ quán bán hàng đến cho tôi… Ông còn xem kỹ những dòng quảng cáo trên những tờ báo bưu điện đưa đến cho tôi. Tôi dùng bút chì gạch dưới một số câu, số chữ để cố ý trêu chọc ông, thế là ông miệt mài suy luận ý nghĩa của những chố ấy… Ông Van-đốc, tôi thấy ông quá nực cười! Ông ngấm ngầm để ý đến công việc nghiên cứu của tôi, ai ngờ ông đã mắc phải một sai lầm rất lớn. Ông lén lút lục lọi trong phòng thí nghiệm của tôi. Ông vẫn nhớ rõ sự việc xảy ra sau khi ông đến ở nhà tôi một tuần đấy chứ? Ông đã đánh vỡ cái bình đựng siêu vi trùng ở trong buồng tôi, ông đã bị lây bệnh, và cho đến nay, ông vẫn bị trừng phạt. Ông cần nhớ rằng: khi làm việc với một nhà vi sinh vật học hoặc một nhà hóa học, muốn tránh những điều tội vạ thì phải nghe lời họ. Ông mang bệnh là tại ông cả thôi.Vì đã lường trước điều đó nên tôi mới đưa ra điều kiện tôi cắt tóc cho ông. Tôi đã hành động rất đúng, vừa phát hiện thấy ông hủy hoại số siêu vi trùng tôi đã thu lượm và hủy hoại khuôn mặt của ông, tôi đã lấy cớ tiêm phòng cho ông, nhưng ông từ chối.

Van-đốc ngồi đực ra. Nấp sau cánh cửa, tôi thầm nghĩ cái tay bẫy chim này đã không đưa chủ bài ra trong lúc hắn nói chuyện với tôi ở ngoài bãi tha ma.

- Ông Van-đốc, lúc ấy tôi muốn trừng phạt ông tức khắc, đấy là cách trừng phạt làm cho ông khó chịu nhất. Ông hiểu rõ ý tôi nói chứ? – Bác sĩ Rôn-sơ cất giọng da diết.

- Chưa biết ai là kẻ bị trừng phạt thực sự, ông Rôn-sơ ạ! – Van-đốc nói giọng da diết hơn. Hắn ta ưỡn thẳng lưng trên ghế. – Tôi cũng chán ghét ông, tuy vậy, nếu ông cho tôi được gặp cậu ông, tôi sẽ xin hầu hạ ông.

- Tôi không cần ông hầu hạ! – Ông Rôn-sơ nổi giận và ngao ngán trả lời.

Van-đốc châm chọc:

- Đừng nổi nóng, ông ạ! Và, cũng chẳng nên khăng khăng như thế. Hãy cho tôi biết địa chỉ đi, tôi sẽ không làm phiền ông nữa.

Rôn-sơ cười nhạt:

- Nếu tôi không nói thì sao?

Van đốc xô ghế đứng dậy và cất giọng quỷ quyệt:

- Nếu vậy tôi sẽ báo cho nhà đương cục biết ông đã chôn sống người của ông là Pin-gơ-lơ dưới gầm mỏ.
 
Rôn-sơ chồm lên:

- Ông nói láo! Chưa bao giờ tôi ăn ở tồi tệ với anh ta. Tôi không có lý do gì để chôn sống anh ta cả.

Tôi sửng sốt trước những lời đối đáp như vậy. Mọi nỗi bực tức của tôi đều tan biến mất. Ông Rôn-sơ đưa hai tay lên ôm đầu.

- Chà chà! Nói thế có nghĩa là không tìm thấy một đốt xương nào của anh ta nữa chứ gì? Tôi đã nhờ một người thợ mỏ xuống tìm anh ta. Anh chàng tội nghiệp thật!

- Nhưng, đối với ông, không thừa nhận tội giết hại Pin-gơ-lơ, thì quả là khó khăn đấy, có lẽ khó hơn cả khi tôi không chịu nhận tội giết ông trong lúc bị cảnh sát tóm được ở Ma-sát-lan. Kìa! Hãy cầu Chúa cho linh hồn người đã chết đi, ông Rôn-sơ! – Van-đốc đổi giọng. – Ông bác sĩ, cho tôi biết địa chỉ của cậu ông đi.

Nghe đến đây, không chịu được nữa, tôi liền đẩy cửa bước vào. Tôi bảo:

- Thôi đủ rồi, Van-đốc ạ, đừng lừa bác sĩ nữa. – Tôi cúi chào bác sĩ Rôn-sơ và rút cái tẩu trong túi ra. - Chào ông Rôn-sơ, tôi xin gửi lại ông cái này!

Rôn-sơ sửng sốt dang rộng hai tay ra:

- Trời ơi! Sem đấy ư? Tôi rất mừng! Anh đã làm tiêu tan bao lo lắng trong lòng tôi.

Ông nắm chặt lấy hai vai tôi, đôi mắt nghiêm nghị của ông lúc này rơm rớm lệ, trông vừa nhân từ vừa hoan hỉ.

- Đúng rồi!... Đúng Sem rồi… Ông quay mặt về phía Van-đốc. – Ông là người quá tồi tệ. Sao có thể bỡn cợt được như thế nhỉ? Ngồi xuống! Đừng hòng chuồn, tôi không để cho ông thoát đâu! Nào Sem… ngồi xuống! Hãy kể đi! Tôi xin nhận là đã không phải với anh… Đáng lý tôi không nên để anh chui xuống hầm lò Mũi Dài, không nên buộc dây lỏng quá!

Tôi nói:

- Ông đừng ngại, thưa ông. Có điều tôi muốn hỏi: người thợ mỏ ông cử xuống tìm tôi ấy đi vào lò bằng đường nào?

Bác sĩ Rôn-sơ đáp:

- Đường lò chính, phía bên phải. Chỗ ấy rất rộng và bằng phẳng, than đã được khai thác hết.

Tôi giải thích:

- Tôi ra theo ngách lò phía tay trái. Ở chỗ ấy có những tầng than rất dày, toàn là loại than tốt…

Bác sĩ vui mừng ra mặt:

- Hay lắm… Kể đi, Sem!

Tôi hất hàm về phía Van-đốc:

- Khoan đã! Hãy để ông ấy kể cho bác sĩ rõ ở Ma-sát-lan, ông ta đã bắt ai thế mạng cho cảnh sát?

Tôi giật cái mũ cát-két ra khỏi tay Van-đốc:

- Đứng dậy! Không được chạy! Phải nói thật đi!

Đôi mắt gian hùng của Van-đốc chơm chớp:

- Sao lại nhắc đến chuyện ấy! Thôi được, tôi sẽ nói. Ông Rôn-sơ ạ, tôi trốn khỏi Ma-sát-lan được là do lấy Pin-gơ-lơ thế chân tôi…

Ông Rôn-sơ quát lên:

- Thế nào cơ? Sem chưa hề nói với ta về điều đó… Van-đốc, nhà ngươi phải rửa tội đi! Sao nhà ngươi lại đẩy chàng trai vô tội vào tay cảnh sát để thế mạng cho mình?

- Tôi đã sám hối rồi ạ! – Van-đốc lúng túng trong mồm và nhìn tôi bằng đôi mắt van xin. – Nếu ông muốn…

Sau đó hắn ta kể hết mọi việc đã xảy ra với chúng tôi khi ông Rôn-sơ rời khỏi Ma-sát-lan. Tôi đứng cạnh nghe và bổ sung thêm.

Lúc này Van-đốc đã hoàn toàn yên tâm. Cũng như lúc nãy, hắn lại dùng cái giọng đùa cợt để chấm dứt câu chuyện của hắn.

- Có điều, màn kịch ông bị mưu sát đã được ông trình diễn một cách quá nóng nảy, ông Rôn-sơ ạ!

Ông Rôn-sơ đấm vào tay vịn trên ghế:

- Thật giá áo túi cơm! Bọn họ chậm chân quá! Tôi đã gọi dây nói cho Đen A-rôn-đô và lãnh sự rất sớm, đòi họ đến ngay để tóm gọn Ca-nhê-rô…

Van-đốc hí hửng:

- Ông nhầm rồi! Ông nhắc đến Ca-nhê-rô làm gì? Cứ nghe thấy tên hắn, các ngài cảnh sát ở đấy đã sợ run lên rồi. Tôi nói để ông hay, họ đã chuẩn bị suốt ba giờ đồng hồ để bao vây ngôi nhà của ông. Thật phúc đức cho tôi. Ông Rôn-sơ ạ, tôi xin thề với ông rằng: đáng lẽ tôi đuổi kịp ông ở Hô-li-út rồi…

Ông Rôn-sơ chữa lại lời hắn:

- Nếu như ta không nhảy tàu ở chỗ cầu Mây-sơ-pơ-rinh. Vậy là anh chưa hiểu rõ ta rồi!

Van-đốc cười:

- Nhưng tôi đã đuổi kịp ông trên chuyến bay ở Đê-tơ-rôi-tơ.
- Nhầm rồi! Nhà ngươi đã kịp lên chuyến máy bay số 11, mà khi đó ta đã đáp chuyến máy bay 99 của tư nhân bay qua hồ lớn và thác Ni-u-ga-ra để lên hướng bắc… Xuống đến đất, hành động của nhà ngươi càng tai quái. Nhà ngươi luôn luôn chen lấn đến chỗ cửa bán vé hoặc chỗ quầy hàng. Hành vi đó hết sức hèn mạt. Lần cuối cùng ở văn phòng Công ty tàu biển Sao Trắng, ta trông thấy nhà ngươi huých khuỷu tay vào người xung quanh, thật không ra thể thống gì cả… - Ông Rôn-sơ chau mày.

Van-đốc cười khềnh khệch:

- Nhưng tôi đã mua được vé tàu thủy tàu A-lát-sca ngay sau khi ông vừa mua xong. Nhưng…

Ông Rôn-sơ cả cười:

- Nhưng… trong túi ta đã có sẵn vé tàu Kê-tu-kin. Van-đốc, nhà ngươi sợ chưa… Đừng có há hốc mồm ra như thế! Ta muốn hỏi Sem một việc: Tại sao anh không nói gì về Ma-sát-lan? Anh nói rất nhiều về ông cậu ruột của bác sĩ Rôn-sơ, nhưng lại không đả động tí gì đến người cháu ngoại của ông ta cả. Anh còn nhớ có lần tôi đã nói với anh về ông ta đấy thôi?

Tôi nhớ có lần ông Đô-bi đã nói cho tôi nghe về người bạn trẻ ấy của ông. Quả thật lần ấy ông gợi chuyện rất khôn khéo.
 
WP_20140501_005_zps297f5345.jpg
 
Tôi đáp:

- Thưa ông, trong hợp đồng quy định tôi không được hỏi quá nhiều. Tôi nghĩ rằng đây là bổn phận của tôi trong những ngày ở với ông.

- Ồ… Anh nói rất đúng. – Đáp xong, ông Rôn-sơ khẽ gật đầu với Van-đốc. – Nhà ngươi đã rõ mọi việc trước sau rồi chứ? Theo ta thì chưa đâu. Vậy ta sẽ làm cho nhà ngươi thêm ngạc nhiên nhé… Van-đốc, trên bờ biển Ê-xu-ô-rơ, nhà ngươi lại làm ta chán ngấy một lần nữa. Ta có phải là một hành tinh đâu mà sao ngày nào nhà ngươi cũng bắc ống nhòm để quan sát ta… Đang đêm nhà ngươi còn lẩn vào sân của ta làm cho bác Mi-gơ-li phải một mẻ sợ. Nếu không có Sem, ta đã tóm được nhà ngươi và nện cho nhà ngươi một trận nên thân rồi… Hôm ấy, tự dưng Sem muốn đi dạo trong sân nên đã ăn hộ nhà ngươi mấy quả đấm.

Quả thực, lúc này tôi chỉ muốn nện cho Van-đốc một trận. Tôi huơ nắm đấm lên trước mặt hắn. Bác sĩ Rôn-sơ lúc này đã cất giọng nghiêm trang:

- Nhà ngươi hãy khai thật xem tại sao nhà ngươi cứ săn lùng ta như vậy? Có phải vì muốn biết địa chỉ của cậu ta không? Nhà ngươi cứ việc không nói, ta cũng không cần đến câu trả lời của nhà ngươi. Ta nói cho nhà ngươi biết, nhà ngươi theo dõi ta thì trái lại cũng có những người trung thành với ta theo dõi nhà ngươi. Sem, ý kiến anh thế nào, có nên cho hắn biết địa chỉ cậu tôi không nhỉ? Nói cho hắn biết thì hắn sẽ lùng đến nơi ấy, và sẽ đỡ bận bịu cho tôi và anh.

Nói thực tình, không chỉ riêng Van-đốc muốn tìm ông cậu của bác sĩ Rôn-sơ, mà cả tôi nữa. Tôi ao ước được gặp “Giáo sư nuôi rắn” để kể lại đầu đuôi cho ông ấy rõ.

Tôi ưng thuận ngay:

- Vâng, thưa bác sĩ, xin ông cứ cho anh ta biết địa chỉ.

Cảm thấy sắp thành công đến nơi, Van-đốc xoa xoa hai bàn tay, chăm chú lắng nghe. Đang ngồi trên ghế phô-tơi, bác sĩ Rôn-sơ rướn người lên, gật đầu với tôi, rồi bảo:

- Được… Thưa các ngài…. Người đang ngồi trước mặt các ngài đây chính là giáo sư Min-rôi-sơ.

Van-đốc rùng mình trước sự việc bất ngờ ấy. Còn niềm vui mừng và sự sửng sốt của tôi thì không diễn tả hết được. Tôi thốt lên:

- Sao cơ! Bác sĩ là giáo sư Min-rôi-sơ thật ư? Sao tôi không nhận ra? Giáo sư cũng tự thay đổi hình dạng ạ? Sao giáo sư không nói từ trước? Thì ra mọi việc xảy ra đều khác nhau cả.

Giáo sư Min-rôi-sơ bảo:

- Sem, đừng sốt ruột. Anh nói đúng, trên đời này thiếu gì việc chưa hẳn đã ăn khớp với trí tưởng tượng của anh… Song cuộc sống được tạo nên bởi vô vàn mắt xích chằng chịt với nhau. Sem, anh cứ bình tĩnh! Tôi phải tính chuyện cũ với Van-đốc đã. – Nói rồi, ông đứng dậy, bước đến trước mặt người đánh bẫy chim đang ngồi ngây ra trên ghế. – Nào, ông Van-đốc kính mến, ông muốn biết sự thật hử? Trước đây ba năm rưỡi sau khi gặp tôi trên phố số 7 của thành phố Niu-oóc, ông không ngừng theo dõi tôi.

- Vâng, đúng. Tôi trông thấy ông từ Công ty Lô-u-gơ-rây LI-mi-tét bước ra – Van-đốc trả lời lí nhí.

- Đúng, đúng… Trước khi đi Miến Điện, tôi đã ký hợp đồng cung cấp nọc rắn cho Công ty ấy. Nhưng ông cũng theo sang Miến Điện, làm tôi ghét vô chừng. Ông mua rắn cát-nhĩ của người Miến Điện với giá năm pai-sơ một con để bán lại cho chúng tôi ba pai-sơ một con. Tất nhiên, tấm lòng hào hiệp và vị tha ấy của ông đã khiến chúng tôi vô cùng khâm phục. Đối với ông, việc buôn bán này quả là thua lỗ. Ông làm thế không phải vì tiểu thư Li-dơ có đối mắt tuyệt vời. Lúc đầu tôi tưởng nhầm như vậy, vì lúc bán rắn cho tiểu thư Li-dơ, ông đã tán tỉnh cô ta rất trắng trợn. Nhưng rồi có một lần, tại nhà bưu điện Răng-gun, cô Li-dơ đã trông thấy ông đánh một bức điện mật cho một Công ty mà cả tôi với ông đều biết…

Những lời cuối cùng, giáo sư Min-rôi-sơ nhấn mạnh từng chữ một. Trước ánh mắt c hăm chú của giáo sư, Van-đốc phải gục đầu xuống.

- … Lúc ấy, sự nhìn nhận của tôi đối với ông không giống trước nữa rồi. Tôi biết rõ ông đang làm nghề gì. Tôi nhớ lại những việc ông đã làm ở hải cảng Ben Kha-rơ-bo, ông còn săn đuổi tôi ngay trên bãi tắm. Trong lúc đang bơi giữa bao nhiêu người, tôi nhìn thấy ông ngồi trên bãi cát, mắt hướng về phía tôi. Lúc ấy tôi nảy ra ý nghĩ: làm thế nào để đánh lừa được ông. Nếu tôi giả vờ chết đuối, ca-nô sẽ cứu tôi và đưa tôi đi…

- Thưa giáo sư, không phải giáo sư sắp chết đuối thật à? – Tôi cất tiếng hỏi và đồng thời nhớ đến cảnh tượng tôi đã nhìn thấy trong lúc đứng trên cầu nhảy.
- Tôi không có ý định ấy, Sem ạ. Nhưng lúc ấy anh túm chặt lấy tóc tôi, đau quá tôi vội kêu toáng lên, nên đã uống mất vài ngụm nước. Sem! Tôi cảm ơn anh về sự giúp đỡ đó. Những người trên ca-nô không ai không cho tôi là người sắp chết đuối cả. Sao hôm đó anh lại ở đấy?

Tôi buộc phải kể cho giáo sư Min-rôi-sơ nghe cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tôi và Van-đốc: hắn ta bắt tôi phải trèo lên nhảy cầu bằng cách bịa ra một tên Rắn Đen nào đó để trêu tức tôi.
 
Van-đốc chau mày, im lặng. Còn giáo sư Min-rôi-sơ thì cười:

- Chắc lúc này ông Van-đốc sẵn lòng muốn biết cuộc gặp gỡ thứ hai của tôi và người đã cứu tôi chứ? Đã nói thì phải nói cho đến đầu đến đũa. Hôm ấy tôi định đi Na-cu-hát mua mấy con chuột vàng về làm thí nghiệm. Dân đi săn vùng ấy thường bẫy được loại chuột này. Van-đốc bám theo gót tôi. Hồi ấy, vùng Na-cu-hát đang có nạn dịch hạch. Nếu ông theo tôi vào làng ấy thì thế nào ông cũng lây bệnh, ông Van-đốc ạ. Tôi đã tiêm phòng dịch từ trước. Nếu tôi gặp ông trong cái làng đang có nạn dịch ấy, tôi sẽ không ngần ngại gì mà không cho ông lên thiên đàng, ông Van-đốc ạ. Tôi đã đi qua mấy túp lều đang mắc dịch và trông thấy một chàng trai đang ngồi giữa đường. Thoạt đầu tưởng nhầm là ông nên tôi nghĩ bụng: chuyến này tôi và ông có thể vạch trần mọi việc ra. Ai ngờ con người đang ngồi run cầm cập trên mặt đường đầy đất cát ấy lại là anh chàng Sem, người đã liều mình cứu tôi trên cảng Ben Kha-rơ-pho dạo trước. Sau đó anh ấy cũng nhận ra tôi. Tôi phải cứu Pin-gơ-lơ. Anh ấy đã tiếp xúc với người đang mắc dịch. Cần tiêm thuốc trừ dịch cho anh ấy, nhưng lúc đó tôi chỉ mang loại thuốc trừ dịch Va-ba. Tôi tiêm cho anh ấy. May cho anh ấy là làng Na-cu-hát hồi đó đang mắc dịch Va-ba, chứ không phải là dịch Ma-ri. Chúng tôi phải nán chờ trong vòng đai phong tỏa nạn dịch một lúc. Sau nhờ trung sĩ Bô-rô thương tình giúp tôi đưa anh chàng Sem đang kiệt sức trong cuộc hành trình và trong nỗi khiếp sợ này về trạm nghiên cứu khoa học của tôi. Để cẩn thận hơn, về đến trạm, tôi lại tiêm huyết thanh trừ nạn dịch Ma-ri cho Sem.

Tự nhiên tôi buột mồm:

- Một lần nữa, tôi xin cảm ơn giáo sư.

Nhưng giáo sư Min-rôi-sơ chau mày:

- Sem, về phần tôi, tôi vẫn nghĩ rằng anh là kẻ vô công. Rắn cát-nhĩ trong vườn bắt đầu biến mất, tiếp đó Van-đốc giả dạng nghèo khổ đến tìm Li-dơ để bán rắn, lúc đó tôi quyết định túm cổ anh ta. Tôi và Li-dơ đánh dấu vào đuôi rắn. Quả nhiên mấy hôm sau, Van-đốc lại mang những con rắn có đánh dấu ấy đến! Sem, anh đã phạm sai lầm khi tóm được tên ăn trộm ấy: anh lại không gọi mọi người dậy…

Tôi chỉ Van-đốc và trả lời lắp bắp:

- Tôi thương hại ông ta… ông ta đã bốn ngày không có gì vào bụng…

Giáo sư Min-rôi-sơ cười thành thực:

- Ha… ha… ha…! Bốn ngày không có gì vào bụng. Anh có biết không? Anh ta thường ăn tại những hiệu ăn sang nhất Răng-gun. Đại thể anh ta thuê nhà ỏ mấy nơi, cả thành thị lẫn nông thôn. Lúc đó anh ta nhiều tiền hơn anh, anh ngây thơ quá, anh bạn trẻ ạ! Chúng ta còn phải tìm xem do đâu mà anh ta có nhiều tiền như vậy. Bây giờ anh đã rõ sai lầm anh đã phạm phải trong vườn rồi chứ? Kẻ ăn trộm thì vẫn là kẻ ăn trộm. Tôi có thể lột mặt hắn ngay dạo ấy, chứ không cần để đến bây giờ…

- Vâng, giáo sư nói rất đúng! – Tôi cảm thấy vừa hổ thẹn vừa bối rối. Tôi nhìn Van-đốc với vẻ giận dữ.

Ông Min-rôi-sơ lại bảo:

- Tất nhiên… Điều đó khỏi phải nói… Tôi nhận ra tính chất hai mặt trong hành động của anh. Sem, tôi biết rõ tôi phải bỏ rơi Van-đốc thì bỏ rơi cả anh nữa. Anh đã quen biết Van-đốc. Anh ta có tài đóng kịch để đánh lừa kẻ khác. Anh ta sẽ biến anh thành tay chân của mình. Vốn hiểu biết của anh ta rất có hạn, mà anh thì lại có nhiều tài năng. Do vậy tôi với Li-dơ đã vạch ra một kế hoạch. Hồi đó tôi đã tích được mấy ống nghiệm chứa đầy siêu vi trùng Ba-sơ-ma. Loại siêu vi trùng này anh cũng đã biết. Những lần thí nghiệm trên cơ thể động vật khiến tôi có đủ cơ sở để cho rằng: khi được tiêm loại siêu vi trùng này, hình dáng bên ngoài của con người sẽ chịu ảnh hưởng, nét mặt sẽ có sự thay đổi. Tức thì tôi quyết định mang tôi ra làm thí nghiệm. Li-dơ khuyên tôi không cần thiết phải tự hủy hoại mình như thế, song tôi vẫn cấy vào cơ thể mình loại siêu vi trùng ấy. Câu chuyện cháu ngoại tôi đến thăm tôi hoàn toàn là do tôi bày đặt ra, kỳ thực tôi không có cháu ngoại. Ít ngày sau, siêu vi trùng vừa được cấy bắt đầu gây tác ộng, mặt tôi cũng đa biến dạng. Thanh quản của tôi cũng chịu ảnh hưởng của siêu vi trùng, tiếng nói của tôi thay đổi hẳn, đồng thời tôi cũng bắt đầu ho liên tục… Và thế là tôi quyết định rời khỏi trạm nghiên cứu, đến làm việc tại một nơi yên tĩnh, tránh xa sự theo dõi của Van-đốc, tiêm thuốc chống siêu vi trùng để chạy chữa cho mình. Tôi chọn một thành phố yên tĩnh trên đất Mê-hi-cô rồi rời khỏi nhà “ông cậu tôi” –chính là nhà tôi – để đến chỗ ở mới một cách êm thấm…

Van-đốc bắt đầu l.ồng lộn. Hắn ta vừa tức tối vò đầu vừa đi đi lại lại trong phòng:

- Mình ngu thật ! Có thế mà cũng không nghĩ ra!

Ông Min-rôi-sơ cất giọng giễu cợt:

- Van-đốc! Anh chả nên khiêm tốn quá như vậy. Lúc này anh nghĩ ra thì đã muộn rồi. Vả lại anh cũng chưa nghĩ thấu đáo. Tôi nói tiếp nhé. Lúc rời khỏi trạm nghiên cứu, tôi để Sem ở lại. Tôi mến anh ấy là một thanh niên có đầu óc sáng suốt. Song cuộc sống lưu lạc đã giày vò anh ấy, cần phải hướng sự say mê của anh ấy vào một hướng đi đúng đắn, đó là con đường cần đạt tới của một cậu bé đã tốt nghiệp chương trình sơ cấp của học viện Đi-dan. Một hôm, tôi gửi cho anh ấy một cái đơn để anh ấy vào phòng thí nghiệm pha chế một thứ dung dịch. Tôi làm thế cốt để anh ấy làm quen với nét chữ trong đơn. Anh ấy tưởng đó là chữ tôi, kỳ thực cái đơn ấy là do tay Li-dơ viết. Điều đó rất có lợi cho tôi. Tôi cố gắng làm cho anh ấy yêu khoa học. Quả nhiên anh ấy rất hứng thú trước cuốn sách bàn về vi-rút tôi đưa cho anh. Như vậy là tôi đã đạt được mục đích. Sau đó tôi rời khỏi Miến Điện, nhưng Pin-gơ-lơ tưởng tôi vẫn còn ốm, chưa dậy được. Kỳ thực, ngay hôm Li-dơ lấy danh nghĩa tôi để viết mấy dòng cho Pin-gơ-lơ thì tôi đã lên tàu vượt qua Thái Bình Dương rồi…
Tôi ôn lại mọi việc đã xảy ra hồi tôi ở trong trạm nghiên cứu của “Giáo sư nuôi rắn” và nghĩ thầm: “Hóa ra là như thế. Giáo sư nghĩ ra một kế hoạch như vậy kể cũng xứng đáng: sau thời kỳ ốm là đến thời kỳ dưỡng bệnh… Tiếp đó là cảnh đọc sách ban đêm… Cái bóng đen trên rèm cửa sổ cũng rất giống”.

Van-đốc thở dài thườn thượt:

- “Giáo sư nuôi rắn” cùng người cháu ngoại của ông ta đã ngốn của mình khá nhiều tâm sức…

Tôi có cảm tưởng ngay những lời than thở của anh ta lúc này cũng là đóng kịch, bèn ngắt lời:

- Van-đốc, tôi thấy anh quái ác quá. Anh hãy cho biết, tại sao anh lại theo dõi giáo sư?

Giáo sư Min-rôi-sơ cũng họa theo:

- Van-đốc, anh nói thật đi, ai cử anh theo dõi tôi? Anh ngần ngại à?... Không việc gì phải e dè. Chẳng sao cả đâu! Nếu anh khai thật ra, tôi hứa sẽ hậu đãi anh xứng đáng… À, anh sợ nói ra sẽ mất việc chứ gì? Vậy anh hãy im lặng nghe tôi nói, nếu tôi nói đúng anh chỉ gật đầu, tỏ ra là đồng ý. Sem, anh hãy trông anh bạn của anh nhé! Van-đốc, anh đã gửi những báo cáo dính líu đến giáo sư Min-rôi-sơ về địa chỉ sau đây: “C.C Sở bưu điện thành phố Ê-xu-ô-rơ. Hòm thư lưu”. Có đúng thế không nhỉ?

Van-đốc gật đầu. Trông anh chàng chẳng khác gì pho tượng của viên tư lệnh trong vở ca kịch “Đôn Gioăng” của Mô-da. Giáo sư Min-rôi-sơ ho khan hai tiếng, ông cầm cái tẩu thuốc lá tôi vừa đưa lúc nãy và nhồi thuốc sợi vào. Van-đốc chấm dứt những phút đờ đẫn, anh ta vội vàng đánh bật lửa, chìa cho giáo sư:

- Lửa đây, mời giáo sư!

Giáo sư Min-rôi-sơ cảm ơn, rồi ung dung hút thuốc. Mãi sau ông mới hỏi:

- Nhưng anh không biết ai là người nhận những bản báo cáo ấy phải không? Tôi nói cho anh biết: người ấy là ông Xây-tôn, đại diện văn phòng luật pháp của thành phố Ê-xu-ô-rơ. Không có tôi, chẳng bao giờ anh được biết vì sao ông Xây-tôn cần những bản báo cáo ấy? Tôi cho anh biết thêm, chính ông Xây-tôn cũng không rõ những bản báo cáo ấy nói gì, anh thấy lý thú chưa? Ông Xây-tôn chỉ nhận hộ cho người chủ của tòa lâu đài Ôn-đơ-mau-tơ thôi. Ông ta không được chuyển thư đã bóc khi gửi cho ông chủ tòa lâu đài. Van-đốc, anh có biết gì về chuyện ấy không? Anh là điệp viên số bốn trăm hai mươi một trứ danh của Cục điều tra của thành phố Bốt-stôn cơ mà? Ồ, anh ngờ nghệch quá..!
 
III

Van-đốc liền lẩn ngay vào góc phòng và thọc tay phải vào túi. Tôi đang định xông về phía hắn thì giáo sư Min-rôi-sơ vừa cười điềm tĩnh vừa ngăn tôi lại:

- Khoan, bình tĩnh đã … Ngài điệp viên bốn trăm hai mươi mốt, tôi không có ý định làm hại ngài đâu. Do có những phút ngài sơ ý nên tôi mới tìm ra được biệt danh của ngài. Những bức điện ngài đánh từ Răng-gun đi Bốt-stôn đều ghi hàng chữ số đó. Li-dơ trông thấy ngài ở Sở Điện báo và nhìn thấy hàng chữ số đó trên tờ giấy thấm ở Sở. Cô ấy kể lại cho tôi nghe. Mọi công việc của tôi, cô đều biết rõ. Van-đốc, ngài đến là kỳ cục… Đến lúc cứng lưỡi thì ngài rút súng ra. Ngài hãy đút nó vào túi rồi ngồi xuống hút thuốc đi.

Van-đốc vừa trầm ngâm vừa rít thuốc lá. Mãi sau hắn ta mới lắc đầu:

- Làm quen với một đối thủ như giáo sư, thật không gì thích cho bằng!

Ông Min-rôi-sơ đáp:

- Nếu biết vận dụng tính tháo vát và trí tưởng tượng phong phú thì bao giờ hai đức tính ấy cũng giúp ta trong mọi hoàn cảnh gay cấn. Anh biết rất rõ điều ấy, anh Van-đốc ạ! Với trí tưởng tượng của mình, tôi có thể hình dung: một hôm nào đó, ông Giám đốc Cục điều tra gọi người tay chân tài ba nhất của mình đến và bảo anh ta rằng: “Có một việc rất béo bở. Tôi cử anh theo dõi và giám sát mọi hành động của giáo sư Min-rôi-sơ. Anh muốn chi dùng bao nhiêu tiền cũng được”. Có đúng thế không, anh Van-đốc?

Van-đốc buộc phải trả lời:

- Có lẽ đúng thế!

Giáo sư Min-rôi-sơ mỉm cười thoải mái:

- Van-đốc, mọi việc đều đúng cả chứ? Thôi anh có thể về được rồi đấy…

Van-đốc nhìn giáo sư Min-rôi-sơ. Lần đầu tiên tôi thấy đôi mắt anh ta không có vẻ gian xảo, trái lại nó có vẻ cởi mở, trong sáng một cách thành thật:

- Tôi về đâu bây giờ, thưa giáo sư? Giáo sư nghĩ, tôi sẽ đến gặp ông Xây-tôn để nói với ông ấy rằng: “Thưa ngài, mời ngài hãy đến tòa biệt thự trên núi Hai Đóa Hoa Hồng để tiếp kiến một nhân vật lỗi lạc, nhân vật ấy đã dạy tôi biết quý trọng nhân phẩm của mình”. Không, không đời nào! Thà tôi cứ trở về gặp ông Giám đốc của tôi và thưa rằng: “Ông Giám đốc, tôi xin báo để ông biết: tôi đã chán ngấy cái kiểu lang thang như một cái bóng thế này rồi…”

Giáo sư Min-rôi-sơ ngắt lời Van-đốc:

- Van-đốc, rất hay! Nhìn thái độ của anh, tôi biết anh thành thật. Sem, chúng ta hãy vỗ tay hoan nghênh Van-đốc đi. Đây là một thành công lớn nhất trong đời tôi. Mời cả hai người cùng uống với tôi một chén rượu để chúc mừng sự thành công ấy. Trong suốt cả đời ta, không dễ gì đạt được một thành công như thế này đâu, do vậy chúng ta cần quý trọng nó. Sem, mở tủ lấy rượu ra đây! Tôi ngứa cổ quá. Hút thuốc lá không thấy ngon nữa.

Trong tủ có hai chai rượu nhẹ. Tôi lao xuống gác như một cơn lốc rồi chạy vào buồng ăn lấy ba cái cốc chân cao và cái mở nút chai rồi để vào khay bưng lên gác.

Giáo sư Min-rôi-sơ nháy mắt bảo tôi:

- Kìa, Sem, anh không được lơ là với nhiệm vụ của anh chứ!

Tôi mở nút chai và rót rượu vào các cốc. Giáo sư Min-rôi-sơ nâng cốc lên và nói một cách hơi khách sáo:

- Mời hai ông, chúng ta hãy mừng cho lần thành công này!

Van-đốc cũng khách sáo đáp lại:

- Thưa giáo sư, xin chúc sức khỏe và mừng cho sự thành công của giáo sư!

Uống hết cốc thứ nhất, giáo sư Min-rôi-sơ lại rót luôn cốc thứ hai:

- Van-đốc, lần này xin chúc sức khỏe anh. Nâng cốc lên, Sem! Hãy chúc mừng sức khỏe Van-đốc, một con người cứ tưởng mình được cử đi theo dõi Min-rôi-sơ, nhưng thực ra là theo dõi huân tước Pa-cô-lin-tơn.

Tôi có cảm tưởng chiếc sàn gỗ dưới chân đổ rầm xuống. Còn Van-đốc thì suýt nữa đánh rơi cốc rượu.

Giáo sư Min-rôi-sơ cất giọng nhỏ nhẹ:

- Xin hai ông cẩn thận cho mọt chút. Tôi nói để các ông rõ, ông Xây-tôn chỉ là người môi giới giữa ông Van-đốc và ông Mê-rơ-lin, người chủ nhân hiện thời của lâu đài Ôn-đơ-mau-tơ mà trước đây là huân tước Pa-cô-lin-tơn.Cho đến giờ, ông Mê-rơ-lin vẫn chú ý từng bước chân của huân tước Pa-cô-lin-tơn trước đây. Bởi vì hồi ấy ông ta đã ám hại huân tước Pa-cô-lin-tơn để cướp tòa lâu đài Ôn-đơ-mau-tơ và mọi thứ có trong tay huân tước…
Van-đốc khẽ chửi:

- Mẹ k.iếp, sao lại có thể như thế được nhỉ? Tôi cũng có nghe như thế…

Giáo sư đưa cốc rượu về phía tôi:

- Nhưng huân tước Pa-cô-lin-tơn ngày trước vẫn còn sống, không những thế, ông ta còn đang chạm cốc với Pin-gơ-lơ, người đã được vào học tại Học viện Đi-dan nhờ sự sắp xếp của ông ta.

- Thưa… huân… tước… - Tôi líu lưỡi lại, không biết nói gì. Tôi cảm động, run rẩy đưa tay ra, không tài nào tự chủ được.

Hai cái cốc chạm vào nhau, tiếng thủy tinh kêu lanh canh và tôi lấy lại được bình tĩnh.
 
IV

Uống hết cốc rượu, huân tước Pa-cô-lin-tơn chờ tôi và Van-đốc uống cạn những giọt rượu trong cốc. Ông ngồi vào ghế bành, châm điếu thuốc đã tắt.

Ông nói:

- Các bạn ạ, lúc đó tôi mất hết mọi thứ, bên cạnh tôi chỉ có hai người: đó là ông già Pin-gơ-lơ, văn thư của tôi và ông Min-tông, người quản lý của tôi mà tôi quen gọi từ bé là Mi-gơ-li. Tôi đã từng cung phụng cho con cái hai ông học hành (đó là Sem và cô Li-dơ). Pin-gơ-lơ và Li-dơ chỉ còn biết học tập chăm chỉ để đền đáp lại tôi. Van-đốc, hồi ở Miến Điện, có lần anh đã nhắc đến Li-dơ trong thư của anh. Đến giờ tôi mới hiểu rõ việc tôi giúp đỡ Pin-gơ-lơ và Li-dơ học hành trước khi xảy ra tai biến là một việc tốt lành có một không hai mà tôi đã làm trong cuộc đời tôi. Tôi ham mê đi du lịch và khoa học. Lúc tên tiểu nhân hèn mạt Mê-rơ-lin chiếm đoạt tước vị và lâu đài của tôi, tôi thề sẽ lấy lại tất cả những gì đã mất: danh dự, tài sản và tước vị. Song sau này tôi sẽ không lấy tên là huân tước Pa-cô-lin-tơn nữa mà sẽ lấy tên là huân tước Ê-xu-ô-rơ. Tôi sẽ lấy việc quan tâm đến lợi ích công cộng của thành phố này làm mục đích sống của mình. Tôi sẽ xây một tòa lâu đài mới trên ngọn núi Hai Đóa Hoa Hồng, ngay cạnh cái vách núi tĩnh mịch này và quy mô của tòa lâu đài ấy cũng giống hệt tòa lâu đài Ôn-đơ-mau-tơ. Tôi đã sống ở đây một thời gian không dài, nhưng đó là những ngày hạnh phúc, suốt đời không sao quên được. Tôi tin chắc cuối cùng tôi sẽ giành lại được danh dự và tước vị. Rõ ràng, tôi không thể sống được nếu tôi rời bỏ khoa học. Tôi sẽ giành lại mọi thứ bằng sự nghiệp khoa học. Điều cần biết là tôi đã nghiên cứu bản chất của loại vi-rút thực vật được hai mươi năm rồi. Tôi ham thích nền khoa học bao gồm nhiều mặt phong phú này. Thành tựu của một nền khoa học như vậy không những sẽ thúc đẩy những ngành kỹ thuật và công nghiệp riêng lẻ, mà sẽ còn thúc đẩy toàn bộ phương thức sinh sống của loài người và giải quyết biết bao vấn đề vô cùng quan trọng. Ngành khoa học lớn lao chủ yếu nghiên cứu những hiện tượng sống. Chỉ có chúng mới giúp chúng ta hiểu biết thấu đáo thế giới tự nhiên. Tôi không thích giao cho người khác những việc mình đang làm. Tôi tin rằng, mỗi chúng ta nên tự tay làm lấy những công việc của mình. Tôi chưa có trong tay tờ giấy phép để có thể thực hiện những thí nghiệm nguy hiểm. Mê-rơ-lin đã lợi dụng sự việc ấy. Trong thực tế thì tôi cũng chỉ mới thực hiện hai cuộc thí nghiệm có tính chất nguy hiểm. Cuộc thí nghiệm thứ nhất là ở Miến Điện, thí nghiệm ngay trên cơ thể tôi; cuộc thí nghiệm thứ hai thì được làm ngay ở đây và trên cơ thể Pin-gơ-lơ. Cả hai lần thí nghiệm đều thành công. Tôi thực hiện những cuộc thí nghiệm đó chỉ là vì lợi ích của loài người và của một nền khoa học vĩ đại. Khi công việc nghiên cứu của tôi được coi trọng thì nó sẽ là niềm vinh quang của Tổ quốc chúng ta…

Van-đốc chợt hỏi:

- Thưa huân tước, huân tước có khám phá gì mới phải không ạ?

- Có khám phá mới. Tôi khám phá ra vi-rút là một loại an-bu-min có tính chất sống nhờ. Trạng thái hoạt động của các phân tử của chúng giống với trạng thái hoạt động của các phân tử siêu vi trùng, chủ yếu là…

Van-đốc reo lên:

- Thưa huân tước! Ông nội tôi đã có dạo làm việc trong vườn thực vật Gia-va. Tôi đã được nghe ông tôi kể ít nhiều về siêu vi trùng.

- Hay lắm! Như vậy là anh sẽ không cảm thấy chán ngắt khi nghe tôi nói về vi-rút. Vi-rút, hay còn gọi là siêu vi trùng đã được tinh lọc, thực ra chỉ là một. Ta có thể cải tạo được chúng. Nhà thực vật học có thể nuôi cấy những loại thực vật mới, nhà vi trùng học có thể nuôi cấy những loại siêu vi trùng có tính chất cần thiết cho phòng thí nghiệm. Tôi cũng thế. Sau khi nghiên cứu cấu tạo phân tử của chất an-bu-min có tính chất sống nhờ, tôi đã bắt đầu cải tạo chúng bằng phương pháp hóa học.

Cải tạo vi-rút bằng phương pháp nhân tạo, do một số điều kiện nào đó, chúng sẽ dần dần mất đi tính chất nguy hại do chúng gây ra, và do một số điều kiện khác, chúng còn có thể nảy sinh ra những đặc tính mới về vi sinh vật học. Tôi đã kiểm tra các đặc tính mới ấy bằng cơ thể của tôi. Vi-rút đã làm nét mặt tôi đổi khác. Van-đốc đã không nhận ra tôi, anh ta vẫn tưởng người anh ta gặp là bác sĩ Rôn-sơ, nhưng kỳ thực người đó chính là ông Min-rôi-sơ mà anh ta đang theo dõi. Còn anh, anh Pin-gơ-lơ, anh cũng không nhận ra ông Đô-bi chính là “giáo sư nuôi rắn”. Loại vi-rút này cũng đã làm cho mặt Van-đốc đổi khác. Do vậy mà xảy ra những việc rắc rối. Không phải chỉ mình Sem gặp phải những điều rắc rối ấy. Một vài loại vi-rút đã được tôi cải tạo có thể làm thay đổi toàn bộ sự cấu tạo của chất an-bu-min đang sống. Sem, bệnh sun lá ở khoai tây, ở cây bông, bệnh làm cho cây nứa cong queo và đâm nhiều ngọn, tất cả những điều đó, anh đều biết cả rồi, phải không?
 
Sau đó, ân nhân của tôi nói đến việc ông trở lại phòng thí nghiệm của ông ở Miến Điện như thế nào sau khi ông bị trục xuất ra nước ngoài. Người học trò mà ông rất hài lòng đang làm việc tại phòng thí nghiệm, chính là Li-dơ, con gái bác Mi-gơ-li. Huân tước vẫn phải tận dụng căn phòng thí nghiệm ấy vào việc kiếm tiền để tiếp tục theo đuổi công trình thí nghiệm bị bỏ dở ở lâu đài Ôn-tơ-mau-tơ cổ. Trên đường sang Miến Điện, huân tước qua nước Mỹ, ông ở trong một khách sạn lớn. Trong lúc đăng ký với người thường trực do một phút hớ hênh ông nghĩ bừa ra một cái tên và viết luôn chữ Min-rôi-sơ vào sổ. Đó là tên gọi theo gốc họ mẹ của một vị cử tri đã bỏ phiếu tán thành việc thành lập chế độ cộng hòa ngày 17 tháng 2 năm 1646 hồi Đại Cách mạng Anh. Mê-rơ-lin đọc được cái tên đó trong bản danh sách những người nước ngoài đến nước Mỹ từ ngày 6 tháng 5 đến ngày 6 tháng 6 năm 193… do Giám đốc Cục Điều tra gửi đến cho ông ta. Rồi ông ta đoán Min-rôi-sơ chính là Pa-cô-lin-tơn. Tức thì Cục Điều tra được một món hàng rất bở, và Van-đốc bắt đầu theo dõi ông từ đấy. Loại thuốc của trạm nghiên cứu rắn độc chế ra là loại tốt nhất trên thị trường quốc tế, nhưng chỉ có huân tước và Li-dơ biết rõ cách chế ra loại thuốc này. Số tiền huân tước kiếm được bằng cách nuôi rắn độc nhiều gấp đôi khoản tiền trị giá toàn bộ của cải của tòa lâu đài Ôn-tơ-mau-tơ. Sau đó ít lâu, huân tước phát hiện thấy Van-đốc đang theo dõi mình. Lúc đầu, ông tưởng hắn là người của công ty đang cạnh tranh với ông, cử đến để dò la phương pháp chế thuốc của ông. Tất nhiên ông không thể làm ngơ trước một việc như vậy…

- Sem, tôi cũng đã thử thách anh mấy lần, nhưng sau thấy anh chỉ là một cậu bé tốt bụng và có tinh thần cầu tiến bộ nên không muốn bỏ anh. Biết anh là con trai của bác Pin-gơ-lơ, chứ không phải ai xa lạ… nên tôi dự định kèm cặp anh trong trại nghiên cứu rắn độc…

Van-đốc thổ lộ:

- Suốt đời tôi không quên được cái trạm nghiên cứu ấy. Song có điều tôi đề nghị huân tước giải thích cho: Mở một cái trạm nghiên cứu như vậy liệu có lời lãi nhiều không? Nuôi rắn cát-nhĩ và các loại rắn khác, có lẽ không bở ăn bằng nuôi lợn hoặc nuôi lừa. Song có điều, mở trạm nghiên cứu thì phải học rộng và hiểu biết nhiều, mà điều đó thì tôi xin chịu. Đề nghị huân tước kể tiếp về loại vi-rút chết giẫm ấy. Sao nó có thể làm cho mặt mũi tôi khác đến nỗi Sem không nhận được ra. Nếu tôi về Cục Điều tra, khéo ông Giám đốc của tôi coi tôi là một kẻ giả mạo tên tuổi cũng nên.

Huân tước Pa-cô-lin-tơn giải thích tiếp:

- Van-đốc, những phân tử vi-rút mà tôi đã cải tạo còn một tác dụng nữa. Nó có thể biến một cơ thể sống thành một cơ thể khỏe đến nỗi ngay những loại vi-rút đáng sợ nhất cũng không thể truyền bệnh vào được. Sem, qua lần tiêm chủng ở Na-cu-hát và lần tiêm chủng ở đây, anh sẽ không bao giờ mắc bệnh truyền nhiễm nữa. Dù chó dại, những loại chuột mang bệnh dịch hạch, hay loại muỗi a-nô-phen mang vi trùng sốt rét, cắn hoặc đốt vào người anh đi nữa, thì không một vi-rút nào hay một đơn thể vi trùng nào có thể sống nổi trong cơ thể anh…

Tôi khẽ lẩm bẩm:

- Nhưng không bao giờ tôi lấy lại được nét mặt trước kia nữa.

- Không đâu, Sem ạ. Anh được cấy bằng một loại vi-rút suy yếu, tác dụng của chúng chỉ mang tính chất tạm thời. Anh không việc gì phải lo ngại như thế. Theo tôi, hiện giờ, mọi sự thay đổi trên mặt anh không còn để lại một vết tích nào nữa. Anh hãy đến trước tủ gương mà soi đi!

Tôi soi mặt vào gương. Ồ, tôi có gì khác trước đâu! Trước mắt tôi vẫn là khuôn mặt trẻ trung, hơi gầy và ngăm ngăm đen.

Tôi mừng rỡ reo lên:

- Trời ơi, tôi đây rồi! Huân tước chữa khỏi cho tôi thật rồi! Tôi vô cùng biết ơn huân tước!

- Cho tôi mượn cái gương. – Van-đốc đề nghị - Soi gương xong, anh ta khoát tay. – Ngay cha sinh mẹ đẻ cũng không nhận ra tôi được nữa, trừ khi nhìn cái sẹo sau gáy. Hồi bé, có lần tôi đánh nhau với trẻ con ngoài phố, tí nữa thì bị chúng nó đánh cho vỡ sọ.

Huân tước Pa-cô-lin-tơn bảo với Van-đốc:

- Anh có muốn tôi chữa cho không?

Van-đốc gượng nhẹ đặt cái gương xuống bàn rồi lắc đầu:

- Cảm ơn huân tước. Chữa chạy chẳng bõ. Anh em chẳng có, vợ con cũng khong, cứ thế này sống qua ngày đoạn tháng là được rồi. Thế này là cùng rồi, không thể khổ hơn được nữa.
Huân tước Pa-cô-lin-tơn lại nói tiếp những ý nghĩ thú vị của ông về vi-rút. Ông bảo, có lẽ vi-rút là sự dư tồn của vi trùng, qua quá trình tiến hóa hàng triệu năm, chúng thích ứng với lối sống nhờ và mất đi một số đặc điểm riêng vốn có của vi sinh vật. Loại vi-rút do huân tước nghiên cứu, bước đầu đã “thuần tính” và phục tùng ý chí cũng như trí tuệ của loài người.

Huân tước hào hứng kể cho chúng tôi nghe về vi-rút và về bản thân ông. Vị “giáo sư nuôi rắn” mà lúc nào tôi cũng kính trọng ấy lại ngồi trước mặt tôi, ông chính là người giúp đỡ tôi học tập ở Học viện Đi-dan, ở Miến Điện và ở đây. Nghe ông nói, tôi vui mừng khôn xiết. Tôi có cảm tưởng mỗi lời ông nói đều là một điều mới mẻ đối với tôi.
 
V

Huân tước Pa-cô-lin-tơn bảo, nếu rút được chất an-bu-min trong cơ thể của loài c.hó, tạo cho nó một khả năng sống nhờ bằng phương pháp nhân tạo, sau đó tiêm vào cơ thể của một con mèo, cấu tạo của chất an-bu-min của con mèo sẽ thay đổi, làm con mèo có được những đặc tính riêng của loài c.hó.

- Sem, anh có thấy trong gian chuồng động vật của tôi, những con c.hó mang tính mèo và những con mèo mang tính c.hó đấy không?

Van-đốc đập đánh đét vào trán:

- Những con vật nhỏ nhắn bỗng dưng xuất hiện trong thành phố Ê-xu-ô-rơ hôm kia chính là của huân tước đấy phải không? Những con mèo kỳ quái có hình thù như những con c.hó luôn mồm kêu meo meo, nghe đến là buồn cười.

Huân tước Pa-cô-lin-tơn thừa nhận:

- Rất đáng tiếc. Sem sểnh tay đánh sổng chúng ra khỏi chuồng đấy.

Van-đốc lắc đầu bảo tôi:

- Chà, không ai cảm ơn anh về điều đó đâu. Những con c.hó sư tử mang tính mèo đã gieo rắc bệnh truyền nhiễm. Huân tước có biết ông đại diện cho cơ quan luật pháp, ông quan tòa và bao nhiêu người đã lây bệnh như thế nào không?

Huân tước Pa-cô-lin-tơn đáp:

- Biết! Biết! Ông đừng lo… Những vi-rút nuôi cấy theo phương pháp nhân tạo không ổn định như các anh tưởng đây. Anh dược tá trẻ vẫn đưa thuốc đến cho tôi đã cho tôi biết trong thành phố đang có bệnh truyền nhiễm gì và ông bác sĩ Phơ-lít vất vả như thế nào. Tôi đã xem kỹ đơn thuốc của bác sĩ Phơ-lít cấp cho người bệnh. Ông ấy cấp đơn như vậy là xác đáng. Sem, anh đang cười gì đấy? Anh không nên cười những gì mình chưa hiểu thấu đáo. Ông Phơ-lít là một bác sĩ lâu năm, và giàu kinh nghiệm. Ông ấy đã chẩn đoán ra nguồn gốc của loại bệnh, qua lời người bệnh kể lại, và ông ấy đã dò được nguồn bệnh phát ra từ đâu. Hôm nay tôi đã gặp ông ấy. Chúng tôi đã nhắc đến một loại bệnh kỳ lạ lan truyền ở mặt trận năm 1918. Năm ấy, tất cả các bác sĩ đều cho rằng đây là một loại “sốt nóng không rõ nguyên nhân”. Vì không biết gì về loại bệnh này, nên họ bó tay. Sau có một bác sĩ chỉ qua mười người bệnh ông ấy liền bảo ngay là: “Thưa các bạn đồng nghiệp, đây là một loại cúm thông thường”. Ông bác sĩ ấy nói đúng. Cái bệnh sốt người ta không biết rõ tên ấy, được gọi bừa là “Sốt Tây Ban Nha”, nó lan truyền đi khắp thế giới lúc bấy giờ không phải là một loại bệnh xa lạ mà chính là một loại cúm siêu vi trùng, có điều nó trầm trọng hơn mà thôi. Người bệnh của bác sĩ Phơ-lít đều sẽ khỏi, nhiều người cơ thể dần dần đã trở lại bình thường rồi đấy.

Tôi hỏi huân tước Pa-cô-lin-tơn, tại phòng thí nghiệm này, huân tước đã tiêm loại thuốc gì vào người tôi. Huân tước cho tôi biết:

- Tôi bí mật về nước và trở về Ê-xu-ô-rơ. Lúc này tôi đã hoàn thành hầu hết những công trình thí nghiệm, chỉ còn lại một thí nghiệm cuối cùng và nghĩ cách giành lại tước vị cũ của mình nữa mà thôi. Van-đốc, tôi những tưởng đã bỏ hẳn được anh lại Ma-sát-lan rồi đấy. Thế là ông Min-rôi-sơ biến mất, bác sĩ Rôn-sơ cũng biệt tăm, và ông Đô-bi xuất hiện ở Ê-xu-ô-rơ. Bác Mi-gơ-li trung thành của tôi vẫn ở Oét-sli, gửi tiền cho tôi qua tay con gái bác. Được bác Pin-gơ-lơ giúp đỡ, bác Mi-gơ-li đã xây được ngôi nhà này. Đáng tiếc là ông già Pin-gơ-lơ không còn nữa, tôi chưa kịp gặp lại bác ấy. Sem, bác Mi-gơ-li sẽ kể cho anh nghe về giờ phút hấp hối của ông cụ nhà anh. Trước khi qua đời, ông còn nhắc đến tên mẹ anh và tên anh…

Khi huân tước Pa-cô-lin-tơn nói đến đây, tự nhiên nước mắt tôi trào ra giàn giụa.

Tôi lấy lại được bình tĩnh, huân tước Pa-cô-lin-tơn kể tiếp:

- Mi-gơ-li là người bạn rất trung thực của tôi. Bác đã phát hiện ra hành tung của Van-đốc. Bác ấy điều tra ra Van-đốc thường ngồi viết báo cáo trong quán Hải Vương Tinh, rồi cho vào phong bì đưa ra bưu điện, ngoài bì thư đề gửi ông “C.C”. Qua đó, bác ấy biết ai là người nhận được những bức thư ấy.

Van-đốc thở dài:

- Tuần nào bưu điện cũng nhận thư ở chỗ tôi…
Ông Pa-cô-lin-tơn gật đầu, có vẻ hiểu biết:

- Nhưng bác Mi-gơ-li đã hứa cho lão ta nhiều tiền hơn. Tại sao tôi phải dọn về đây? Tôi phải thực hiện một cuộc thí nghiệm có tính chất kiểm tra. Công trình thí nghiệm ấy phải được thực hiện trên cơ thể người sống. Nội dung của lần thí nghiệm này là dùng loại vi-rút “Bu-sơ-mơ A-gô-gô” đã biến dị để làm thay đổi sự cấu tạo của chất an-bu-min trong cơ thể con người, và sau đó đưa chúng về trạng thái cũ. Mùa thu năm ngoái, trên bờ kênh đào Oét-sli, tôi tìm thấy một cậu bé đang chuẩn bị đâm đầu xuống sông tự tử. Đưa được cậu ta về đây, tôi mới biết cậu ấy là Sem – con ông già Pin-gơ-lơ – người học trò của tôi ở Miến Điện và người đã giúp đỡ tôi ở cảng Ben. Lúc này, tôi cảm thấy lo lắng trong lòng, và cũng là nỗi lo lắng đầu tiên của tôi.

Tôi sợ huân tước ngờ vực giữa tôi với Van-đốc có tư túi gì với nhau, nên vội nói:

- Huân tước đừng nghĩ là tôi cố làm thế để gặp huân tước…

Huân tước Pa-cô-lin-tơn trả lời một cách đơn giản:

- Điệu bộ của anh trong lúc sắp lao đầu xuống sông không làm cho người ta ngờ vực gì cả. Tôi do dự rất lâu, song cuối cùng, lợi ích của khoa học đã thắng thế. Một hôm, anh kêu nhức đầu. Tôi bèn bảo với anh đấy là bệnh sốt phát ban. Anh tin. Lấy cớ chữa bệnh cho anh, tôi tiêm vi-rút vào người anh. Đáng lẽ tôi sẽ hoàn thành mọi công việc của tôi trong lúc anh không hay biết gì cả…
 
Van-đốc vỗ hai tay vào nhau:

- Ồ, thưa huân tước, nếu ở Ma-sát-lan, tôi không làm cho huân tước ngờ vực thì có lẽ huân tước đã tiêm loại thuốc ấy vào người tôi rồi, phải không ạ? Chính vì vậy, huân tước mới giấu hết gương không cho tôi soi và mới tự tay cắt tóc cho tôi hai lần…

Huân tước Pa-cô-lin-tơn cười:

- Anh quả là người nhanh trí! Nhưng anh quá chăm lo cho mình, đến nỗi đánh vỡ cả một ống nghiệm đựng đầy vi-rút. Hôm Sem trốn xuống Ê-xu-ô-rơ, thấy không ai nhận ra mình, tí nữa thì anh làm lộ tất cả. Lúc ấy anh làm ầm lên với tôi, tôi đành đánh trống lảng bằng cách kể chuyện về rắn cát-nhĩ…

Tôi bèn đáp:

- Chuyện đã qua rồi!

- Vậy ta nói đến chuyện hiện tại nhé! – Nói vậy, huân tước Pa-cô-lin-tơn cầm lấy chiếc phong bì rộng có in phù hiệu, và nhìn tôi, - Hãy nghe tôi kể, Sem ạ! Một tháng trước đây, tôi đã gửi công trình nghiên cứu của tôi cho Hội đồng Y học. Tôi trình bày những phát hiện và những cuộc thí nghiệm của tôi và chờ trả lời sự quyết định số phận của tôi. Với những thành tựu tôi đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học, tôi sẽ giành lại được tước vị. Chiều qua tôi nhận được thư trả lời. Đây, anh đọc đi…

Bức thư viết trên một loại giấy nhẵn bóng, dưới hình chiếc huy hiệu là mấy dòng chữ ngắn ngủi:

“ Kính gửi ngài Đô-bi,

Căn cứ vào bản tường trình của Ủy viên thường vụ Hội đồng duyệt phát minh và sáng chế về công trình nghiên cứu bản chất của vi-rút mà ngài đã gửi đến, ngài đã được tặng giải thưởng cao nhất trong giới khoa học về lĩnh vực sinh vật học. Mỗi năm ngài sẽ được hưởng một trăm stec-linh và sẽ được hưởng suốt đời, đó là phần thưởng cao quý dành cho công việc nghiên cứu sinh vật.

Tôi và các ủy viên của Hội đồng, xin gửi lời chào mừng đến ngài và vinh dự báo để ngài rõ: Công trình nghiên cứu vi-rút của ngài đã được đệ trình lên Hội đồng hữu quan và bản quyết định tặng thưởng cũng đã được gửi đến tiểu ban ngân sách tài chính.

Xin gửi lời chào cao quý đến ngài.

Ký tên”.

Đang ngồi trên ghế, Van-đốc đứng bật dậy, và reo lên:

- Tôi đánh cược: người ký tên huân tước… chính là cái lão Mê-rơ-lin ấy!

Tôi nói:

- Không phải, chữ ký không rõ…

Pa-cô-lin-tơn cười:

- Ai ký mà chả thế! Ông Đô-bi muốn lấy tên là Min-rôi-sơ hay Rôn-sơ đều được cả. Nhưng chẳng bao giờ ông ta còn là huân tước Pa-cô-lin-tơn nữa.

Van-đốc đưa tay gãi gáy:

- Thưa huân tước, chơi với cái lão Mê-rơ-lin ấy cũng vất vả đấy. Như cái ông béo ục béo ịch hàng ngày vẫn uống xô-đa trong hiệu thuốc đã nói, bây giờ thì tôi biết rất rõ lão Mê-rơ-lin: “rõ như soi kính hiển vi vậy”. Sem, tí nữa ra khỏi ngôi nhà này, cậu cứ việc nện cho tôi một trận nên thân. Cậu đã đỡ đòn hộ tôi bao nhiêu lần, bây giờ tôi phải để cho cậu nện, nện một trận ra trò. Ai bảo tôi giúp sức cho lão Mê-rơ-lin, tôi nhầm to rồi!

Không ai nói với ai, cái phút im lặng ấy kéo dài suốt một phút đồng hồ, nó mới bức bối làm sao! Sự việc trắng đen thế nào, tôi đều đã rõ. Tôi cảm thấy sâu sắc một niềm luyến tiếc khi nhìn vị huân tước Pa-cô-lin-tơn ngày trước.

Nhưng huân tước đã không chán nản. Huân tước cất giọng hào hứng:

- Nào hai anh! Hai anh hãy vứt cái dấu của huân tước Ê-xu-ô-rơ vào lò sưởi hộ tôi với. Các anh thấy đấy, tôi đã vẽ xong cả hình dáng của con dấu, và viết vào đấy một dòng chữ: “Truyền thống và niềm tin”. Hãy dùng lửa đỏ đốt cháy cái truyền thống và niềm tin đã làm cho sự đố kỵ và sự lầm lạc giành được thắng lợi ấy đi.

Huân tước Pa-cô-lin-tơn cầm chiếc phong bì, lá thư thông bao việc tặng giải thưởng danh dự cho ông, các giấy tờ, tài liệu, những tập bản thảo lộn xộn và tấm ảnh của một người phụ nữ trẻ cổ cao, đeo chuỗi hạt ngọc trai và có khuôn mặt cứng nhắc… vứt cả vào lò sưởi.

Van-đốc quăng vào lò một bức tranh thuốc nước vẽ trên một tấm bìa các-tông cứng, bức tranh cong lên một lúc rồi cháy phần phật, một nửa đã thành than.

Nhìn ngọn lửa trong lò, tôi lẩm bẩm:

- Chả lẽ huân tước đốt cả công trình nghiên cứu của mình ư? Nếu huân tước đã thấy mệt mỏi, không muốn đi sâu vào lĩnh vực khoa học nữa, thì xin huân tước hãy nghĩ đến Li-dơ… nghĩ đến tôi…
Huân tước Pa-cô-lin-tơn cất giọng sôi nổi:

- Anh bạn trẻ ơi, anh bạn nói đúng! Các anh chị đều là học trò của ta. Nhờ các anh chị mà ta cũng thấy trẻ lại. Anh bạn đừng lo, ta chẳng bao giờ rời bỏ công việc đâu. Cũng đừng buồn cho ta. Cái quý báu nhất – công trình khoa học của ta – vẫn còn đây. Ta cũng không cô độc: tuổi trẻ của các anh chị chính là chỗ dựa của ta, là sức mạnh tiềm tàng của ta. Có những cái ấy, ta vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu để chống lại mọi sự phiến diện trong khoa học. Những thứ ta vừa đốt đều là những cái không đáng kể, đều là những thứ riêng của ta. Tất cả tài liệu khoa học của ta đều để ở trạm nghiên cứu bên Miến Điện. Sáng nay ta vừa nhận được điện của Li-dơ, bức điện làm cho ta sốt ruột. Cô ấy bảo có một việc quan trọng cần ta chuyển trạm nghiên cứu và những tài liệu khoa học của ta từ Miến Điện về phía tây. Cô ấy đã chọn được một nơi thích hợp ở phía bắc Pen-đơ-đa. Cô ấy đòi ta phải khởi hành ngay. Ta đã đánh một bức điện khẩn và đang đợi trả lời.

- Tôi sẽ đi cùng với huân tước! – Tôi hăm hở van nài, nhưng tự dưng nghĩ đến Ê-đíp, tôi bèn ngừng lại.

Van-đốc đứng dậy, kính cẩn cúi gập người lại:

- Thưa huân tước, huân tước cho cả tôi đi theo nữa. Tôi đổi nghề thế này có lẽ cũng hơi muộn, nhưng tôi biết cách chăm nom bầy rắn cát-nhĩ. Tôi sẽ giúp huân tước chuyển tất cả số rắn ấy đến bất cứ một nơi nào, kể cả lên đỉnh Hi-ma-lay-a. Xin huân tước cứ yên tâm, tên điệp viên bốn trăm hai mươi mốt đã mãi mãi bị gạch tên khỏi bản danh sách những người đang sống trên trái đất, và bây giờ chỉ còn lại Van-đốc…

Huân tước nghe một cách chăm chú. Một chiếc ô-tô đang bon bon chạy về phía biệt thự.
 
VI

Bác Mi-gơ-li bước vào, tay bê một chiếc khay nhỏ bằng bạc. Bác cất giọng trịnh trọng:

- Thưa huân tước, có điện báo.

Huân tước Pa-cô-lin-tơn nhặt bức điện trên khay, bóc ra đọc, rồi nhanh nhẹn đứng dậy:

- Bác Mi-gơ-li!

- Dạ - Bác Mi-gơ-li khẽ cúi đầu.

Huân tước Pa-cô-lin-tơn căn dặn:

- Bác gọi ngay cho một chiếc xe! Mặc áo cho tôi, và… - Huân tước hết nhìn tôi lại nhìn Van-đốc, rồi cuối cùng nói giọng quả quyết: - Van-đốc đi với tôi. Này Van-đốc, theo ý anh đi đường nào gần hơn nhỉ?

- Thưa huân tước, đi ô-tô đến cảng hàng không phía đông. Từ đó bay đi Li-xboa rồi lại bay đi Ma-rốc. Sau đó, theo bờ biển bắc Phi bay qua Ai Cập, qua kênh đào Xuy-ê, đến Xri-lan-ca, rồi từ Cô-lôm-bi-a đáp chuyến thủy phi cơ tốc hành, độ ba giờ sau sẽ đến Răng-gun…

Huân tước Pa-cô-lin-tơn bảo:

- Được đấy! Đến Li-xboa ta đánh điện cho Li-dơ bảo là máy bay đã cất cánh. Sem, anh đừng buồn. Chúng ta không xa nhau mãi đâu. Tôi sẽ còn trở lại. Tôi biết quê hương rất cần sự có mặt của tôi. Ở Ê-xu-ô-rơ này có một điều vui mừng đang đợi Sem. Anh cứ ở tạm đây với bác Mi-gơ-li, bác ấy sẽ chăm sóc anh. Sáng mai anh nên về thăm nhà một lát. Tôi để anh ở lại đỡ đần bác Mi-gơ-li, tôi nhờ hai bác cháu anh trông nom hộ ngôi nhà này. Tôi mong rằng khi trở về, tôi được thấy mọi cái đều nền nếp.

Tôi reo lên một cách háo hức:

- Huân tước cứ yên tâm!

Như hầu hết những chuyến ra đi đều vội vã, chúng tôi túi bụi gói ghém các thứ. Mải giúp bác Mi-gơ-li, tôi không nghe thấy tiếng còi ô-tô kêu ngoài cửa.

Chúng tôi xách va-li của huân tước và Van-đốc xuống núi. Nhân tiện tôi kéo Van-đốc ra một chỗ, bóp chặt lấy tay anh ta và đe:

- Nghe đây Van-đốc, nếu anh còn phá bĩnh, tôi sẽ nện cho anh nhừ đòn đấy!

- Sem, tôi lấy danh dự thề với cậu. Thôi, tạm biệt! – Van-đốc nhìn tôi bằng con mắt quả quyết và ôm chầm lấy tôi.

Thế rồi, hai người đi ngay sau đó
Tôi ngồi lì trong phòng ăn cho đến sáng sớm hôm sau. Trong bữa tối đầu tiên, bác Mi-gơ-li dọn cho tôi một bữa ăn rất ngon lành. Tôi kể cho bác nghe tất cả những điều tôi biết về cô con gái của bác. Bác chìa cho tôi xem một tấm ảnh. Li-dơ mặc áo ngủ bằng vải hoa đứng trước thềm nhà, tay cầm một chú rắn bắt chuột đang ngủ li bì như chết. Bức ảnh rất đẹp, nhưng bác Mi-gơ-li lại phàn nàn với tôi:

- Chụp ảnh với ai chẳng chụp lại đi chụp với rắn. Con bé đến dại!

Bác Mi-gơ-li kể cho tôi nghe nhiều chuyện về huân tước Pa-cô-lin-tơn:

- Huân tước là người trầm lặng nên không có bạn bè. Nhưng đối với bác, đối với ông cụ thân sinh ra cháu và đối với con Li-dơ của bác, bao giờ huân tước cũng cư xử rất tốt. Sem, huân tước cũng quý cháu lắm. Bác nói để cháu biết, huân tước đã bảo bác gửi tất cả số lương của cháu vào nhà băng Ê-xu-ô-rơ, không những thế còn cho thêm cháu một số tiền nữa. Thế là cháu cũng có được ít vốn liếng để gây dựng một gia đình nho nhỏ rồi đấy!

Sau đó đến chuyện cha tôi và cái chết của cha tôi. Cuối cùng, khi bác Mi-gơ-li về buồng riêng, tôi khóc một trận thỏa thích. Tôi thương cha tôi, một người cha tội nghiệp, chưa được sống một ngày nào no đủ và nhàn nhã. Song, tôi cũng cảm thấy háo hức trước niềm hạnh phúc đang tới gần, nó chỉ còn cách tôi một tầm tay với, chưa bao giờ tôi thấy lòng xốn xang như lúc này. Đêm nay, trong nước mắt của tôi chứa chan một nỗi buồn tủi, chứa chan một tình cảm ghen tị với Bốp.

Mệt quá, tôi ngủ gục trên ghế. Sáng sớm hôm sau, ánh mặt trời đánh thức tôi dậy. Tôi rửa mặt, cạo râu, chải đầu. Bác Mi-gơ-li đưa đến cho tôi một bộ quần áo. Rồi sau đó, tôi chia tay bác.

Tôi xuống núi, đi về phía Ê-xu-ô-rơ, nhưng nửa chừng tôi thay đổi ý định. Tôi thấy không việc gì phải vội vã. Phải đợi các hàng quán mở cửa đã. Tôi phải mua thứ gì đó để biếu cậu tôi, biếu bà Ô-li-vi và…

Nhưng đến lúc thò tay vào túi tôi mới biết không một đồng xu dính túi. Tôi cảm thấy bực mình vì đến mười hai giờ trưa nhà băng mới mở cửa.

Tôi lặng lẽ đi trên con đường trải đầy đá dăm. Tôi lại bước đến cạnh cánh rừng có những cây cao su bị đốt cháy trụi, hoa tử lan hương xanh mượt như thảm nhung đang nở dưới nắng, còn ngậm đầy sương sớm. Tôi hái một bó tử lan và đắm đuối trước mùi hương ngào ngạt. Khí trời trong lành của quê hương cùng với mùi hương của hoa thấm vào trong người. Những kỷ niệm thơ ấu của thời niên thiếu cùng trỗi dậy như một cơn gió lốc, tôi có cảm tưởng cho đến bây giờ mình chưa lần nào xa quê hương…

Tôi bước những bước dài trên con đường quốc lộ như một người đang chạy. Không hiểu sao ánh mặt trời lại rực rỡ thế kia, hình như ánh nắng đang reo vui, mừng đón tôi. Đi qua một chiếc cầu nhỏ, tôi đứng dừng lại. Tôi định ngắm nhìn toàn cảnh Ê-xu-ô-rơ. Nhưng bỗng nhiên, tôi trông thấy Ê-đíp trước mặt.

Nét mặt Ê-đíp nhợt nhạt, cô đang cúi đầu lặng lẽ bước về phía tôi

Tôi chạy như bay về phía cô, vừa chạy tôi vừa gọi:

- Ê-đíp! Ê-đíp!

Ê-đíp ngỡ ngàng ngước mắt nhìn tôi, đôi mắt cô mới to làm sao. Mặt cô ngời lên nụ cười hạnh phúc, hết sức trẻ thơ.

Ê-đíp khẽ gọi:

- Sem! Sem thân yêu!

Chúng tôi khoác tay nhau.

- Ê-đíp, anh về đây! Em lớn quá, suýt nữa anh không nhận được ra em!

- Còn anh… anh vẫn thế, không đổi khác chút nào… - Cô cúi đầu bẽn lẽn – Chỉ có rắn chắc thêm và … đẹp trai thêm…

Tôi trao bó hoa tử lan cho Ê-đíp, và hỏi:

- Vẫn đợi anh đấy chứ em?

Cảm ơn anh, anh thân yêu… - Cô thủ thỉ và thình lình đặt đôi môi ấm áp lên má tôi. – Tất nhiên, em vẫn đợi.
 
Chúng tôi thong dong bước trên đường quốc lộ. Tôi mong giờ phút ấy kéo dài cho đến trọn đời.

Ê-đíp bảo tôi:

- Lúc nào em cũng trông ngóng anh, vậy mà hôm kia ra chỗ em bán hoa, anh chẳng… Anh nói với Bốp là thuyền buồm của anh ấy trôi ra biển, rồi anh đi luôn…

Tôi hỏi lại:

- Em nhận ra anh à?

- Sem, sao em lại không nhận ra? Có điều em nghĩ, bây giờ anh giàu sang rồi, anh còn đoái hoài gì đến em nữa. Cho nên em cứ mặc anh. Vậy mà hôm nay… Ôi, không hiểu sao em lại đến cái cầu này…

Hai đứa chúng tôi nhìn nhau cười.

Tôi nói với Ê-đíp:

- Ê-đíp, em biết không… Bao nhiêu điều bất ngờ đã đến với anh, kể ngay bây giờ không hết được đâu, em ạ. Lúc này anh đang nghĩ: “Anh đi như vậy có bõ công không? Vì hạnh phúc của anh là ở đây, ở ngay bên cạnh anh đây…”

Ê-đíp trịnh trọng trả lời:

- Anh Sem, bõ công chứ sao lại không? Chúng ta đã nhiều lần suy nghĩ về tình bạn của chúng ta. Tình bạn của chúng ta khác trước rồi, bây giờ nó đẹp hơn, bền vững hơn. Anh thân yêu, đừng tranh cãi với em. Em hiểu anh rõ hơn anh hiểu anh cơ.

Hai đứa chúng tôi cùng về nhà. Trông thấy tôi, cậu tôi reo lên:

- Trời ơi, cháu! Sem-muy-en. Cháu còn sống mà về đây hả cháu!

Bà Ô-li-vi vừa hôn tôi vừa thổn thức.

Khi không khí hân hoan của giây phút gặp nhau lắng xuống, cậu tôi bảo tôi:

- Cháu về rất đúng lúc. Nhà băng Liên hợp gửi giấy báo cho cháu…

Tôi hỏi lại:

- Nhà băng gửi ạ?

- Phải… Giấy báo lĩnh tiền. Người đưa thư nói lung tung, cậu không tin cháu có số tiền lớn như thế…

Nghĩ đến huân tước Pa-cô-lin-tơn, tôi bèn hỏi:

- Tiền ở đâu gửi đến?

Cậu tôi giục:

- Cháu đi ngay bây giờ đi, rồi người ta sẽ nói cho cháu biết.

Ê-đíp hứa sẽ đợi tôi. Thế là tôi ra thẳng nhà băng.

Vừa nghe thấy tên tôi, ông chủ Nhà băng liền đứng vụt khỏi mặt ghế:

- Ông là Pin-gơ-lơ ạ? Đúng rồi… Đúng rồi… Chúng tôi đã gửi giấy báo ba lần. Có người ở Hô-li-út gửi tiền cho ông. Có thư nữa đấy… Ông Pin-gơ-lơ, chúng tôi mong ông gửi số tiền ấy vào Nhà băng của chúng tôi.

Tôi nóng lòng, đề nghị:

- Ông cho xin lá thư.

Trong thư viết:

“Kính gửi ngài Pin-gơ-lơ,

Xin báo để ngài biết, vì… Thôi nhé, tôi không thích văn hoa, chú em ạ! Chú em là người học trò vô cùng thân thiết của tôi, nên tôi cứ xin nói toạc cả ra. Lá thư này là của ông anh Cơ-líp-sơ của chú đấy. Thế nào, vẫn khỏe chứ, Sem? Anh nghĩ, chắc giờ chú đã về đến quê hương rồi. Ông luật sư của chúng ta được biết địa chỉ của chú sau khi hỏi ông bạn của ông ta là công tố viên Gơ-rếch, rồi ông ta đã cho anh biết. Cả hai ông đều nhờ anh gửi lời hỏi thăm chú, nhất là ông Gơ-rếch. Chú nhờ một anh chàng tên là Ben (anh không quen biết anh ta) nói lại với ông Gơ-rếch về ý kiến của chú, anh chàng quả là được việc. Anh viết thư cho chú cốt báo để chú rõ một điều mà chắc chắn chú rất muốn biết khi nhận được khoản tiền mà người ta gửi cho chú. Chú có biết không, hôm chú bị đưa ra tòa buổi đầu tiên thì Ga-ri Pim-pê-rơ-nhen, ông vua kịch bản, đang ngồi trong lô dành riêng cho các nhà báo. Ngọn gió nào đã đưa ông ta đến đấy, ông ta cũng không biết rõ nữa. Nghe những kẻ chuyên đi nói xấu người khác thì cái máy đốt trong của ông ta toàn chạy bằng hơi men. Hôm ấy nhà biên kịch điện ảnh Ga-ri của chúng ta đến dự phiên tòa với bộ mặt âu sầu. Ông ta đang buồn bực vì đã tiêu hết số tiền tạm ứng nhuận bút mà kịch bản của ông ta thì mới đặt bút viết. Đến lúc chú khai trước tòa án nói chú là người đã biểu diễn tiết mục “Người nhẹ hơn không khí”, Ga-ri vụt mừng rơn. Nguồn cảm hứng thiêng liêng lớn mãi lên trong óc ông ta như một cây táo thần mọc đầy những quả táo vàng rực rỡ. Ngay lúc đó ông ta đã nghĩ xong mọi tình tiết của tác phẩm. Câu chuyện đến là hồi hộp, Sem, đã nói là chúng tôi làm bằng được. Lát sau bọn anh mời ngay luật sư Gốt-uyn cãi cho chú. Tuy mồ hôi vã ra như tắm, nhưng ông ta cãi rất giỏi, và đã lấn át cả tòa án. Nói cho dễ hiểu thì ông Ga-ri đã viết xong kịch bản trong nháy mắt. Hôm sau, Sác-li ông vua của điện ảnh đã đặt ống kính ở trường quay. Hồi ấy, vì sợ chú hoảng sợ, cho nên bọn anh giấu chú. Nhưng ông Sác-li không dám nhào lộn trên không trung, ông ta không biết gì về thể thao cả. Do đó mà pha rùng rợn nhất trong cuốn phim – pha bay trong không khí – phải để chú biểu diễn. Cuốn phim này có thể kết thúc theo hai cách khác hẳn nhau. Nếu chú lộn đầu vào được máng nước thì đấy là một vở kịch vui. Nếu chú ngã văng ra ngoài thì đấy lại là một tấn bi kịch. Tình tiết của cuốn phim không có gì lắt léo. Cuốn phim chưa quay xong mà báo chí đã làm rùm beng lên. Anh đóng vai ông bố của chú, một nhà triệu phú. Ngôi sao man bạc Phơ-rô-li-a Gát-ti đóng vai bà mẹ của chú. Trong phim có cảnh bà mẹ van chú đừng biểu diễn. Trong lúc anh và chú bước ra sân khấu, bà ta chả xông ra là gì. Nói cho cùng thì mọi việc đều trót lọt. Chú sẽ có dịp xem cuốn phim chú đóng. Ông Sác-li hóa trang trông rất giống chú. Bây giờ chúng tôi chuyển cho chú số tiền chú được hưởng. Chú được một vạn đô-la về lần biểu diễn ấy. Ngoài ra cứ một câu nói thì được thêm một ngàn. Chú đã nói hai câu, do vậy chú được thêm hai ngàn đô-la. Ông Giám đốc đã gửi cho chú một vạn hai ngàn đô-la tất cả. Nhận được tiền, chú tin cho bọn anh biết…”.

Sau đó Cơ-líp-sơ nói đến một tiết mục mới và ông ta bảo ông ta hy vọng gặp lại tôi trên sân khấu xiếc.

Tôi sửng sốt đến bàng hoàng cả người. Tôi cầm tờ ngân phiếu mới cứng về nhà. Đến nhà, tôi ngồi vào chiếc ghế bành của cha tôi và kể cho mọi người nghe về cái ơn huệ mà số phận đã bất ngờ ban thưởng cho tôi.

Sau khi liến láu diễn tả niềm hoan hỉ của mình, cậu tôi hỏi:

- Bây giờ cháu định thế nào nào?

Tôi nhìn gian phòng, nhìn ngọn cây ngoài cửa sổ, nhìn những người thân yêu của tôi. Sau cùng tôi đáp:

- Cháu không thích vận động viên bơi lội, không thích cái vườn nuôi rắn, cháu không thích tiết mục “Người nhẹ hơn không khí” đầy nguy hiểm, và cháu cũng không thích có thêm ngân phiếu. Cháu chỉ thích cưới Ê-đíp, nhanh ngày nào hay ngày ấy.

Cậu tôi tung cái tẩu thuốc lên cao, bà Ô-li-vi nước mắt sụt sùi, còn Ê-đíp thì đỏ bừng mặt.
 
Song, cuộc sống gia đình yên vui của chúng tôi đâu có lâu bền. Tôi và Ê-đíp sống hạnh phúc bên nhau chưa được mấy độ thì chiến tranh bùng nổ. Lời phỏng đoán của cậu tôi và của huân tước Pa-cô-lin-tơn, ân nhân của tôi, rất linh nghiệm. Tàu ngầm của bè lũ phát-xít kéo vào vịnh Ê-xu-ô-rơ. Máy bay của bè lũ phát-xít trút bom đạn xuống thành phố hòa bình của chúng tôi.

Chiến tranh vừa bùng nổ, chúng tôi đều đứng ra bảo vệ tổ quốc. Bốp cuối cùng đảm nhận chức thuyền phó hạm tàu canh phòng bờ biển, cậu ta đã nhiều lần giành được những phần thưởng danh dự. Cậu tôi sung vào công tác phòng không thành phố và đã đóng góp rất nhiều trong việc huấn luyện quân sự cho thanh niên Ê-xu-ô-rơ. Tôi cũng mặc quân phục ra trận. Ê-đíp và đứa con trai mới đẻ của tôi chịu trăm cay nghìn đắng. Nhưng huân tước Pa-cô-lin-tơn trở về Ê-xu-ô-rơ, huân tước đã giúp đỡ vợ con tôi sống qua những ngày khó khăn.

Rồi chiến tranh chấm dứt. Tôi trở thành người giúp việc của huân tước Pa-cô-lin-tơn. Đứa con trai của tôi cũng đã lớn, hiện giờ cháu là tiến sĩ sinh vật học. Trong những ngày này, tôi lại được chứng kiến nhiều điều thú vị. Song điều ly kỳ và đáng ngạc nhiên nhất vẫn là sự đổi thay của Van-đốc. Nếu người vợ vô vàn thân yêu của tôi yêu cầu thì có lẽ vào một buổi sáng trời đẹp nào đó, tôi sẽ lại cầm bút ghi tiếp cuốn hồi ký của tôi…

Hồi ký của Sem-muy-en Pin-gơ-lơ đến đây thì bỏ dở…

Dịch theo bản tiếng Nga

Nhà xuất bản Văn học thiếu nhi

Mát-xcơ-va 1956
 
Back
Top