VC - Literature !

Tôi hỏi lại:

- Sống nghĩa là thế nào ạ?

Ông Đô-bi cảm thấy thích thú trước câu hỏi ấy, mắt ông ánh lên niềm hân hoan:

- Sem ạ, sống tức là chất đó tuần hoàn không ngừng, tức là nó hoạt động, phát triển từ dạng này chuyển sang dạng khác. Trên cái nền sống ấy có một số phân tử không ngừng chuyển hóa và một số phân tử mới được tạo thành, đó là sự chuyển hóa lẫn nhau, mâu thuẫn với nhau, nhưng lại là một quá trình thống nhất không ngừng. Sem, chịu khó học đi. Học rồi anh sẽ hiểu những điều trước kia anh chưa hề tưởng tượng thấy. Bí mật của chất a-bu-min làm cho ta kinh ngạc, nhưng đó không phải là điều thần bí đến nỗi không thể hiểu nổi…- Ông bước gần đến cỗ máy li tâm: - Sem, anh đã nghe nói về siêu vi trùng. Anh biết đấy, siêu vi trùng không giống vi trùng, dùng kính hiển vi thông thường không thể soi thấy chúng. Song sức sống của chúng rất phi thường, một số lượng rất nhỏ siêu vi trùng gây bệnh đốm lá có thể lây khắp cả một đồn điền trồng thuốc. Công việc đầu tiên là phải thu lượm được những siêu vi trùng thuần khiết đã gây bệnh cho động vật và thực vật. Dùng máy li tâm và máy tinh lọc chính là vì mục đích ấy.

Ông Đô-bi mở nắp máy li tâm ra. Tôi thấy bên trong có một trục thẳng đứng, trên trục có bốn cái giá nhỏ để đựng ống nghiệm. Ông Đô-bi mở mô-tơ, cái trục thẳng đứng quay tít. Chịu sự tác động của lực li tâm, bốn ống nghiệm quay thành một mặt phẳng.

Ông Đô-bi tiếp:

- Do tác dụng của lực li tâm, tất cả những hạt hợp chất chứa trong ống nghiệm đều chìm xuống đáy. Hạt nặng nhất chìm xuống dưới cùng, hạt nhẹ hơn nằm bên trên. Dùng máy li tâm ta có thể làm cho hợp chất ở thể lỏng lắng xuống rất nhanh. Muốn cho siêu vi trùng hết lắng, ta phải dùng một máy li tâm đặc biệt, được chuyển động bằng sức nén của không khí, có thể quay sáu vạn vòng trong một phút. Anh thấy đấy, phải trải qua một quá trình sưu tầm tỉ mỉ và bền bỉ mới có được kết quả ấy…

Ông Đô-bi hãm máy li tâm lại và chỉ cho tôi những ống nghiệm được đặt trên những cái giá rất ngăn nắp, mọi ống đều gắn kín đầu.

- Sem, những thứ anh đang nhìn đây là tất cả những siêu vi trùng mà khoa học đã tìm ra, chúng đều là những siêu vi trùng thuần khiết. Anh hãy xem thứ nước hồng hồng có những tinh thể đã lắng kia, đấy là loại siêu vi trùng gây bệnh đốm lá ở khoai tây. Còn đây là loại siêu vi trùng làm sun lá khoai. Đây là loại siêu vi trùng làm quả cà rắn cứng lại. Đây là siêu vi trùng làm cây ăn quả còm lại. Ở Nhật Bản, có người ươm trồng được một cây anh đào rất thấp và xinh xắn. Ông ta coi việc hãm cây ăn quả yếu ớt đó như một điều bí mật nhất trên đời. Cho đến khi sắp hắt ra hơi thở cuối cùng, ông ta mới bí mật rỉ tai bảo cho người con cả biết điều bí mật đó. Đó chính là kỹ thuật ghép siêu vi trùng vào cây. Anh lại nhìn những tinh thể và những dịch thể gồm nhiều màu sắc khác nhau đây. Trong ống thí nghiệm này là siêu vi trùng làm loét móng chân ngựa. Còn đây là siêu vi trùng cúm. Tôi đã phí nhiều công sức vào loại vi trùng này. Chồn tuyết là loại động vật dễ gây cúm nhất. Siêu vi trùng cúm rất ưa máu của giống chồn tuyết. Chúng có thể sinh sôi với số lượng rất lớn. Số siêu vi trùng trong ống nghiệm này đủ sức làm cho mọi người trên trái đất mắc bệnh ho và hắt xì hơi.

Có một ống nghiệm làm tôi rất chú ý:

- Màu da cam tuyệt quá!

Ông Đô-bi lấy một ống nghiệm nhỏ nhắn trên giá xuống và bảo tôi:

- Đúng. Đây là siêu vi trùng hạt cơm. Thực vậy, một hạt cơm mọc rất bình thường cũng do siêu vi trùng gây ra. Nếu hạt cơm mọc ở tay anh, thì anh nên mời bác sĩ dùng chất xút đốt nó đi. Khi loại vi trùng này kết tinh, chúng có màu da cam rất đẹp, nhưng cái mà chúng gây ra trên da thịt ta không phải là hột cơm mà là nhọt đầu đanh. Khi ấy người ta gọi nó là “phát nhiệt”. Loại nhọt này cũng là loại bệnh có tính chất siêu vi trùng…

Tôi tò mò hỏi lại:

- Thưa ông, vi trùng là thế nào ạ?

Ông Đô-bi cười hóm hỉnh:

- Anh hỏi rất có lý, hồi còn trẻ làm nghề thuốc lúc nghiên cứu bệnh sởi, tôi cũng tự đặt cho mình câu hỏi đó. Trường đại học dạy tôi rằng, không có bệnh truyền nhiễm nào không có vi trùng. Pát-stơ là người đầu tiên tìm ra vi trùng, đồng thời ông cũng tìm ra siêu vi trùng chó dại. Sau đó Cốc tìm ra móc trùng tả trực trùng ho lao. Nhưng rồi những người nối nghiệp ông ta lại không tìm ra được những loại vi trùng của các thứ bệnh truyền nhiễm khác. Đến giờ, chúng ta đã được biết một số bệnh truyền nhiễm khác lại do siêu vi trùng gây nên. – Ông Đô-bi có vẻ đắc ý.- Không lâu nữa, người ta sẽ rõ rằng trong nhiều ngành khoa học, môn siêu vi trùng học cũng sẽ quan trọng như môn vi trùng học vậy.
 
WP_20140501_001_zps0f9e8aee.jpg
 
Tôi cảm phục reo lên:

- Trời ơi! Thưa ông! Đáng tiếc là ở nhà trường người ta không nói tí gì về điều đó! Những chất lỏng ông đựng trong ống nghiệm thật đáng sợ…

Ông Đô-bi cười:

- Đối với những người không chuyên môn thì siêu vi trùng quả là đáng sợ; nhưng trong phòng thí nghiệm của các nhà nghiên cứu thì chúng không đáng sợ nữa. Họ đang tìm cách khống chế và cải tạo chúng…

Tôi hỏi lại:

- Cải tạo thế nào ạ?

- Anh sẽ thấy ngay thôi. Khi cho một số lượng siêu vi trùng nào đó vào trong một chất hữu cơ sống, người ta sẽ thu được nhiều loại phản ứng khác nhau. Phản ứng chủ yếu nhất là chất hữu cơ sẽ tiết ra một chất đề kháng để chống lại siêu vi trùng. Ông Min-sôi-rơ của anh làm giàu được là nhờ biết dựa vào phương pháp điều chế loại chống nọc rắn. Người cộng sự của ông ta đã tiêm một lượng nọc rất nhỏ của các loại rắn hổ mang vào loại ngựa hoặc cừu rồi sau đó rút chất đề kháng trong máu chúng ra. Loại chất đề kháng này có thể chống được nọc độc của rắn hổ mang. Huyết thanh bạch hầu có được cũng là nhờ có cách ức chế siêu vi trùng bạch hầu.

- Thưa ông, chỉ đơn giản thế thôi ạ? Mọi bệnh tật đêu có thể chữa theo phương pháp ấy chứ ạ?

Ông Đô-bi lắc đầu như thể lấy làm tiếc về sự ngu dốt của tôi:

- Ồ… Anh nói mới dễ chứ… Việc này không đơn giản đâu. Gốc gác của mỗi loài bệnh truyền nhiễm đều phải chọn tìm một loài động vật thích ứng nhất. Siêu vi trùng bạch hầu thích hợp với ngựa, siêu vi trùng đậu mùa thích hợp với bê, siêu vi trùng cúm thích hợp với…

Tôi liền trả lời ra vẻ hiểu biết:

- Chồn tuyết.

Ông Đô-bi cười to:

- Sem, anh sáng dạ đấy. Bây giờ anh hãy xem dùng phương pháp gì để tận dụng một thí nghiệm nhé.

Ông Đô-bi đến bên bàn thí nghiệm có đặt hai chậu cây, ông giảng giải:

- Đây là loại dây leo, chúng là họ hàng của cây khoai tây. Trong hai cây này có một cây bị nhiễm siêu vi trùng đốm lá. Bây giờ chúng ta phải phân biệt được cây nào là cây bị mắc bệnh, cây nào là cây còn khỏe mạnh.

Tôi cảm thấy không phải nghĩ lâu la gì cả, nên nhanh nhẹn đáp:

- Bẻ cuống xem bên trong có thối không thì biết.

Ông Đô-bi vỗ xuống bàn một cái:

- Nó có thối ngay đâu. Nếu anh trồng năm ngàn mẫu cây này thì anh làm thế nào, chẳng lẽ đều vặt trụi hết cuống lá để xem có thối không à?

- Ông tha lỗi cho, tôi nói mà chưa kịp nghĩ.

Ông Đô-bi trở lại ôn tồn:

- Thừa nhận thế là tốt…

Nói rồi ông lấy tấm kính dùng cho kính hiển vi, bứt một nhánh lá và vắt một giọt nước lên đấy. Sau đó ông bước đến chỗ chậu rửa mặt lấy xà phòng rửa sạch tay, rồi lại bứt một nhánh lá của cây thứ hai vắt một giọt nước xuống ngay cạnh giọt nước ban nãy, hai giọt nước không chập lại với nhau.

- Sem, anh trông kỹ này, hai giọt đều như nhau, đều trong suốt có phải không?

- Vâng, không có gì khác nhau cả.

- Được rồi, bây giờ anh trông vào cái bình thử này nhé, chất lỏng đựng trong bình là huyết thanh của một con thỏ đã được tôi tiêm siêu vi trùng đốm lá cho mấy lần. Anh hãy nói xem, chất gì đã nảy sinh trong huyết thanh của con thỏ đó?

Tôi ngập ngừng trả lời:

- Một chất đặc biệt…
Ông Đô-bi khuyến khích:

- Đúng rồi! Nảy sinh một chất đặc biệt. Khi chât này tiếp xúc với siêu vi trùng đốm lá thì sinh ra loại phản ứng gì nào? Anh nhìn vào đây thì biết ngay thôi.

Ông Đô-bi nhỏ một giọt huyết thanh thỏ trong suốt đựng trong bình thử lên giọt nước thứ nhất. Giọt nước nở to ra nhưng vẫn trong suốt.

- Sem, anh trông giọt nước thứ hai nhé…

Vừa tiếp xúc với huyết thanh, giọt nước của cây thứ hai trên mặt kính liền vẩn đục như được giỏ sữa bò vào vậy.

Tôi thốt lên:

- Kỳ diệu quá! Vậy thưa ông…

Ông Đô-bi vẻ đắc ý:

- Cây thứ nhất còn khỏe mạnh, cây thứ hai mắc bệnh. Máu thỏ đã tiết ra chất làm cho kết tủa, chất này làm cho siêu vi trùng gây bệnh truyền nhiễm dính với nhau và thu nhỏ lại. Với phương pháp này, người ta có thể biết người bệnh có mắc bệnh thương hàn hay không? – Rồi ông tiếp luôn – Anh rõ rồi chứ? Hoàn toàn rõ hở? Được rồi, tự tay anh làm thí nghiệm đi…

Vốn đang vui, nghe ông nói vậy tôi càng như mở cờ trong bụng. Lúc làm thí nghiệm trên tấm kính, tôi hơi run tay, song tôi đã thu được kết quả tốt. Ông Đô-bi khen ngợi:

- Tốt lắm! Từ giờ trở đi ngày nào anh cũng lên đây để kiểm tra huyết thanh các loại động vật chúng ta nuôi trong chuồng dưới sự giám sát của tôi. Những động vật ấy là kết quả của công việc. Tôi phải bớt chút thì giờ để viết. Đúng, phải viết một quyển sách.

Tôi nhìn ông Đô-bi bụng mừng rơn:

- Vâng, tôi rất tin.

Thế là tôi bắt đầu làm việc trong phòng thí nghiệm của ông Đô-bi. Ông dạy tôi cách rút máu các động vật làm thí nghiệm và cách dùng máy li tâm tách hồng cầu ra khỏi huyết thanh. Tôi bắt đầu cảm thấy mình đã hiểu biết rất nhiều

Ông Đô-bi chữa cho tôi khỏi bệnh thiếu máu. Đây là hậu quả của bệnh sốt phát ban khốn kiếp để lại cho tôi. Không hiểu sao tự nhiên tôi cảm thấy dư dật về sức lực. Trong những lúc thảnh thơi đầu óc, tôi đã kể một vài điều với ông Đô-bi về cuộc đời lưu lạc của tôi, về những ngày tôi sống trên đất Ấn độ và Miến Điện. Còn chuyện làm xiếc và chuyện ở Ma-sát-lan, tôi không đả động đến vì thấy khó nghĩ. Ôi! Tiến sĩ Rôn-sơ đáng thương. Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy đau xót khi nghĩ đến ông ta.

Một hôm nhân trong bữa ăn, tôi hỏi ông Đô-bi sao ông dọn đến bên sườn núi Hai Đóa Hoa Hồng cao thế này. Ông ngồi lặng một lúc lâu. Tôi nhận thấy ông không muốn trả lời tôi về điều đó. Song ít phút sau ông dằn lòng đưa mắt nhìn tôi:

- Sem, anh quên những điều đã nói trong hợp đồng rồi. Ở đây có một câu chuyện truyền thuyết, tôi rất mê câu chuyện đó. Ngày xưa, thần Ca-pi-đôn đã tặng cho thần Im lặng Ga-rơ-pô-cơ-rát hai đóa hoa hồng và bảo thần Im lặng đừng kể cho ai nghe những chuyện lục đục trên cõi trời. Nhưng thần Ga-rơ-pô-cơ-rát giở chứng đã vứt hai bông hoa hồng xuống khe núi. Sau khi rơi xuống, hai bông hoa biến thành hai quả núi… Hoa hồng tượng trưng cho sự im lặng. Sem ạ, cánh của đài hoa giống hệt những đôi môi khép chặt, không muốn thốt ra bất cứ điều gì. Sem, trước khi hết hạn hợp đồng, anh phải nhớ rõ hai bông hồng, phải im hơi lặng tiếng…

Suốt ngày hôm đó ông Đô-bi buồn rười rượi như thể đang có điều gì buồn chán trong lòng. Chiều hôm đó tôi bước đến trước hàng rào sắt, định ngắm ngọn núi Hai Đóa Hoa Hồng một lát nhưng tôi vội rút lui ngay. Trên con đường dưới chân núi có một người thấp bé đang cầm ống nhòm nhìn mãi vào tòa biệt thự của ông Đô-bi.
 
Cuốn thứ IX

I

Thế là một mùa đông đã trôi qua như vậy. Nỗi nhớ nhà của tôi ngày càng da diết và cuối cùng vào một buổi sớm mùa đông, tôi vô cùng ao ước được trông thấy cha tôi, cậu tôi và Ê-đíp. Tôi muốn được đứng thật gần để ngắm nhìn những người thương yêu. Và rồi tôi không sao cưỡng nổi ý nghĩ đó được nữa, nên quyết định đi Ê-xu-ô-rơ một chuyến. Nhưng vì giữ đúng hợp đồng thiêng liêng, nên ở Ê-xu-ô-rơ tôi không nói chuyện với bất cứ ai, chỉ đứng xa ngắm nhìn ngôi nhà tôi ở và cô bạn gái Ê-đíp rồi lại trở về. Vừa may có một dịp nữa có thể bỏ đi: Đô-bi giam mình ở trên gác. Ông ta bảo rằng ông ta bận sửa bản thảo nên không xuống ăn trưa. Còn bác Mi-gơ-li thì bận rộn trong bếp. Tôi lạnh lùng nói với bác Mi-gơ-li rằng tôi ra chỗ chăn nuôi súc vật làm việc, mong bác đừng ra quấy rầy tôi. Nếu không thì bác ta có cái tật là hốt hoảng chạy ra lán thì thầm với tôi chuyện gì đó rồi bỏ đi.

Tôi hồi hộp thấp thỏm bước qua hàng rào sắt đi ra ngoài.

Men theo con đường nhỏ quen thuộc từ thời thơ ấy, tôi đi rất nhanh về Ê-xu-ô-rơ.

Tôi đi men theo con đường nhỏ quen thuộc khúc khuỷu quan co, trong lòng lâng lâng nghĩ đến những việc đã qua. Tôi cắm đầu đi một mạch đến gần khe núi Hai Đóa Hoa Hồng.

Gió mưa đã xói mòn đi hai ngọn núi đồ sộ. Trông từ xa lại, nom chúng giống như những cánh hoa. Tôi đã nhiều lần đứng ở đây ngắm nhìn cảnh đẹp bên bờ biển không bao giờ thấy chán cả. Trước mắt tôi hiện ra biển cả mênh mông và eo biển hình cung tráng lệ. Tôi đã thấy thấp thoáng bến tàu bên bờ biển và những chiếc cột buồm của thuyền đánh cá, cánh buồm trắng của chiếc thuyền đua. Ở phía bên trái, có dãy nhà gạch thấp lè tè bên cạnh con sông nhỏ. Còn ở một phía khác là chiếc cầu nhỏ không bao giờ quên được, nơi tôi đã chia tay với Ê-đíp.

Tôi đi chầm chậm trên đường phố Ê-xu-ô-rơ cổ kính, quê hương với tâm tình mến yêu. Tôi kéo sụp chiếc mũ xuống ngang mắt để mọi người đừng nhận ra tôi. Mọi vật vẫn như xưa. Không, nói cho đúng hơn là dường như vẫn thế. Trên nóc quán Hải Vương Tinh chiếc nhãn hiệu thần biển cầm đinh ba hung dữ vẫn lắc lư trong cái vòng đã gỉ. Có điều là không nhìn rõ nét mặt vị thần linh đó nữa. Có lẽ dông tố mùa thu đã thổi băng đi. Chiếc đinh ba cũng bị cong không dùng được nữa. Nhưng bên dưới tấm lều vải bạt của quán nhỏ đó vẫn đông đúc như mọi ngày, các thủy thủ đang đánh bài hút thuốc, chạm cốc với nhau và chửi bậy. Còn bên cửa sổ hiệu thuốc vẫn bày con thằn lằn, bên cạnh đó là chiếc bình pha lê tròn đựng đầy dung dịch màu. Tôi còn nhớ cứ đến xẩm tối lão Ơ-rơ-phi lại châm cây nến đặt phía sau quả cầu đó. Và lúc đó ánh sáng xanh biếc lại thần bí chiếu vào con thằn lằn. Vì vậy mà ai cũng biết đó là hiệu thuốc.

Lúc tôi bước vào hiệu thuốc, tôi thấy nhà bào chế đang tiếp khách không phải là ông già Ơ-rơ-phi mà là một người trẻ tuổi. Nhìn đôi mắt và bộ mặt lấm tấm tàn hương, tôi nhận ra đó là E-đơ. Thật là kỳ lạ, mặc dầu tôi quên khuấy không bỏ mũ ra, song E-đơ vẫn không nhận ra tôi. Giữa tôi và E-đơ đứng chỉ cách nhau có chiếc quầy hàng không rộng lắm. E-đơ nhìn tôi chăm chú và hỏi:

- Ngài cần dùng thuốc gì ạ?
- Ông có thuốc chữa hen không ạ? – Tôi sợ E-đơ nhận ra mình, nên xúc động nói một hơi liền. Tôi vào hiệu thuốc, đúng là vào nơi mạo hiểm, nên tôi cần phải rời ngay.
 
Nhưng thái độ của E-đơ lại hòa nhã, đối xử như một người bán hàng chào mời khách lạ:

- Tất nhiên là có loại thuốc viên chữa hen… và còn loại thuốc nữa thì đắt hơn chút ít ạ…

E-đơ sửa lại chiếc ca-vát bó chặt lấy chiếc cổ cồn. Giọng anh ta cũng êm dịu như giọng người cha.

- Mời ngài lấy cả hai thứ ạ! Chúng tôi pha chế theo đơn của bác sĩ Phơ-lít. Xin ngài nhận cho tờ quảng cáo và tấm ảnh bác sĩ. Bác sĩ Phơ-lít ngày nào cũng khám bệnh cả.

Tôi im lặng gật đầu rồi trả tiền. Lúc đó, có người đi vào hiệu thuốc, chắc là đến mua bột cam thảo. Đó là một người thấp lùn, đội chiếc mũ có viền mép rất dài. Lúc ông ta bước đến quầy hàng, ông ta va vào tôi, song không xin lỗi gì cả. Tôi nhét cả thuốc viên và thuốc nước vào túi, vội vã bước ra.

Tôi đi lại quán rượu Con Hổ Nhà Vua. Một em bé bán báo chạy lại phía tôi, vui vẻ cất tiếng rao mục tin tức trên báo:

- Báo đây! Tin công tước phu nhân A-cơ-xít bị mất trộm chiếc nhẫn kim cương đây! Tin về cuộc bãi công của mỏ Oét-sli.

Một ông già cụt tay, người cao lớn đội chiếc mũ đã bạc màu, mặc bộ lễ phục đã lỗi thời đứng lại bên cạnh tôi.

- Này, cho một tờ báo đây!

Một em bé đầu tóc rối bù đưa cho ông lão tờ báo mới, rồi chạy đi. Ông lão cụt tay nhanh nhẹn mở tờ báo ra, liếc qua một cái rồi thờ ơ nhìn tôi.

Đó là cậu Rê-đơ-di của tôi. Cũng như E-đơ, cậu không nhận ra tôi. Ông già khuỳnh vai, ưỡn ngực đi men theo con đường đi bộ. Tôi thực không chịu được nữa, định chạy lên gọi? “Cậu ơi! Cậu hãy đứng lại. Cháu Sem bé nhỏ của cậu đây mà. Cậu kể cho cháu nghe tình hình cha cháu đi. Ê-đíp sống ra sao cậu? Cậu vẫn đến quán rượu Con Hổ Nhà Vua như trước đó à? Tối tối cậu vẫn uống chén Rom ở đó đấy chứ. Cậu vẫn bàn luận với các bạn bè đó chứ?”

Cậu tôi rẽ vào quán rượu, còn tôi thì xuyên qua một phố nhỏ sực mùi cá tanh và rau cỏ đi về quảng trường cũ. Đi qua mấy cửa hàng nhỏ ở phía sau góc đường đã nom thấy nóc nhà tôi rồi. Nhưng ở góc đường phố trước đây rất yên tĩnh mọc lên chiếc lều vải bạt hình tròn, làm tôi nhớ lại những điều may rủi khi làm diễn viên. Nhiều em bé vui sướng chạy đi chạy lại cạnh chỗ bán vé của gánh xiếc lưu động.

Bác sĩ Phơ-lít dẫn hai cô bé xấu xí của mình, nghênh ngang đi lại, có lẽ đến rạp xiếc mua vé. Trước đây họ có quen biết tôi, nhưng bây giờ gặp tôi đều thản nhiên nhìn tôi như không hề quen biết gì cả.

Tôi có cảm giác là nhà tôi không có ai ở cả. Ống khói ở nhà bếp nguội lạnh. Tôi nhìn tấm biển ghi họ tên người chủ nhà thì thấy đề tên Rê-đơ-di chứ không phải tên của cha tôi.

- Trời ơi!... Lẽ nào cha mình!

Tôi nhìn thấy bà Ô-li-vi đang ngồi trên thềm đan len. Bà cũng không nhận ra tôi nữa. Tôi đến trước mặt bà chăng? Song, lời hứa của tôi? Và hợp đồng nữa? Dù sao ông Đô-bi cũng là ân nhân cứu sống tôi. Tôi phải trung thực với ông ấy.

Tôi vẫy tay bỏ đi. Vườn hoa Un-te vắng tanh, vắng ngắt. Tôi chầm chậm quay trở lại, trong lòng nặng trĩu nỗi buồn ghê gớm.

Tôi đi rảo bước và thầm nghĩ: “Cái hợp đồng chết tiệt!”. Đã đến lúc phải trở lại với ông Đô-bi thôi. Đúng, phải nhanh nhanh chia tay với ông ta thôi…
 
II

Đó là một ngày mùa xuân đẹp đẽ. Mặt trời xán lạn rực rỡ chiếu rọi trên mặt biển yên tĩnh. Gió nhè nhẹ man mác vuốt ve mặt tôi. Tôi leo lên dốc mà không thấy mệt mỏi gì cả, vì từ bé tôi đã quen leo núi rồi.

Tôi đi lại quảng trường về phía biệt thự và thầm nghĩ vì sao mà người ở thị trấn Ê-xu-ô-rơ không nhận ra mình nữa. Chẳng lẽ mình thay đổi nhiều quá thế ư? Tôi nghe thấy con Kíp đang mừng rỡ sủa lên sau hàng rào. Hình như nó đánh hơi thấy tôi về.

Tôi vội vã chạy vào biệt thự. Con Kíp mừng rỡ chạy lại đón tôi. Song, nó bị tôi đá cho một cái thật mạnh. Tôi chạy vào trong bếp như một cơn lốc. Con Kíp bị mắng nhiếc kêu ư ử, chạy sau tôi. Bác Mi-gơ-li đang bận rộn pha cà phê bên bếp.

Bác Mi-gơ-li khẽ trách tôi:

- Cậu chuồn đi đâu thế? Ngài Đô-bi cứ hỏi mãi…Này, hãy đợi đấy…

Nhưng tôi lại nhìn chằm chằm vào bác bếp:

- Bác Mi-gơ-li, bác hãy nhìn tôi xem..

Bác liếc nhìn tôi:

- Nào, xem cậu thế nào?

- Bác không thấy tôi có gì thay đổi ư?

- Tuyệt nhiên không thấy gì cả.

- Chẳng lẽ không có chút gì ư? Bác nhìn lại lần nữa xem nào…

Mi-gơ-li nghiêm nghị chau mày:

- Sem, cậu đừng đùa, cậu không thấy tôi đang bận đây à?

Tôi cúi sát mặt bác Mi-gơ-li:

- Tôi không đùa đâu, chẳng lẽ bác không thấy có điều gì khác ư?

Mi-gơ-li giậm chân:

- Tôi thấy rồi… Hừ, cậu say rồi đó! Say như con ma men ấy. Quần áo cậu lôi thôi lếch thếch quá. Cậu định ăn mặc như vậy gặp ngài Đô-bi à? Thôi, hãy về phòng mình ngủ một giấc đi đã…

Bỗng nhiên một ý nghĩ vụt đến với tôi như một cơn gió lốc, tôi nắm lấy cánh tay bác Mi-gơ-li, rú lên:

- Đưa gương cho tôi!

Trong óc tôi vụt có ý nghĩ như một con ngựa l.ồng lên trong trường biểu diễn. Trong ngôi nhà này không có một tấm gương nào. Vị ẩn sĩ thần bì không để ý đến dung mạo của mình mà lại cạo mặt cho tôi? Ha ha…

- Bác Mi-gơ-li, tôi van bác, chỉ cần bác cho tôi một mảnh gương và bảo tôi làm gì tôi cũng làm ngay…

Mi-gơ-li đẩy tôi ra:

- Cậu khẽ một chút! Ngài Đô-bi nghe thấy đấy. Xem điệu bộ cậu kìa…!

Tôi cáu lên:

- Quỷ tha bác đi! Chẳng lẽ ở đây không cho phép dùng gương à?

Trên bếp có ấm cà phê sáng loáng đang đun. Ha ha… Tôi cầm lấy ấm cà phê đang sôi sùng sục, nhìn vào đó như nhìn vào gương, song chẳng thấy gì cả. Tôi đặt bên mép lò, ấm cà phê rơi xuống kêu đánh choang một tiếng, cà phê đen bốc khói chảy ra sàn nhà. Tôi như con mèo phát điên nhảy ra khỏi bếp, song vì không cẩn thận nên trượt chân vào chỗ cà phê. Nhưng rồi tôi cũng lấy được chiếc nồi chùi sạch bóng treo ở trên đinh, đưa lên soi mặt mình. Tôi cố ngắm mình trong chiếc gương thô sơ ấy và thấy một khuôn mặt xa lạ với tôi. Tôi cười vang lên, lấy nồi múc một ít nước rồi vừa cười vừa chạy ra sân. Tôi biết cách dùng nước thay gương rồi. Tổ tiên của chúng ta đã lợi dụng mặt nước long lanh để thay gương soi. Ra tới sân tôi đặt chiếc nồi xuống, đợi nước lặng yên. Tôi không để ý tới bác Mi-gơ-li đang tức giận trách mắng ở trong bếp, mà chỉ chú ý tới việc mình, cúi đầu xuống nhìn nồi nước trong.

Nhìn vào đó tôi giật mình toát mồ hôi, người ngây ra như tượng gỗ. Bộ mặt phản chiếu ở trong nước, hoàn toàn không giống tôi chút nào.

Nhưng rồi tôi chẳng nhìn thấy gì cả. Nước cũng không thấy đâu cả. Nồi nước đổ ụp xuống đầu tôi như một dòng nước xiết. Một giọng nghiêm khắc vang vang trên đầu tôi:

- Sem, anh say ở đâu thế?

Tôi ngẩng lên nhìn và bắt gặp ánh mắt chế giễu của ông Đô-bi. Ông trách tôi với vẻ hơi bực bội:

- Anh trốn ra ngoài là phá hợp đồng đã ký, lại còn uống rượu say nữa. Tôi đã yêu cầu anh không nên đi lại với bà con họ hàng ở Ê-xu-ô-rơ cơ mà? Lạy chúa! Tôi đem con ma men vào phòng thí nghiệm của mình. Anh còn muốn uống thử thuốc và nhai vụn ra nữa hẳn. Bây giờ thì anh đã làm đủ mọi chuyện rồi đó.

Tôi lắc lư thân mình, ngẩng dậy:

- Ngài Đô-bi thân mến, xin ngài tin cho rằng tôi không uống một giọt nào cả, tôi xin lấy danh dự bảo đảm. Đúng vậy, tôi có đi chơi Ê-xu-ô-rơ, vì ở đây buồn quá…

Đô-bi lạnh lùng bảo tôi:

- Không thể tha thứ cho anh được đâu. Vì sao anh lại phát cuồng lên ở nhà bếp vậy?

Tôi trả lời:

- Ngài Đô-bi, làm sao mà tôi không phát điên được. Đến E-đơ cũng không nhận ra tôi nữa. Cậu tôi cũng vậy. Mặt tôi đổi khác quá rồi… Tôi có thể nói cho ngài biết… đến tôi cũng không nhận ra tôi nữa.

Mi-gơ-li bước lại lầu bầu:

- Ngài Đô-bi, hãy đuổi anh ta đi! Nhưng hãy để anh ta vào lau sạch cái sân trong bếp đi đã. Sem ạ, thật nhục nhã, không tốt chút nào…
Nhưng ông Đô-bi trái lại, lại nhẹ nhàng ôm lấy tôi đang yếu đuối đứng không vững. Ông bảo tôi:

- Hãy trở về buồng mình đi. Bác Mi-gơ-li, bác cho anh ấy một cốc sữa lạnh. Anh ta đi đầu trần dưới trời nắng nhiều quá nên nóng đầu đấy mà. Sem, anh đau đầu phải không?...

- Ngài Đô-bi, ngài quá nhân từ với anh chàng hư hỏng này. – Mi-gơ-li nói giọng oán trách. Nhưng rồi từ chỗ giận ghét, bác tỏ vẻ nhân từ ngay:

- Chúng ta đi thôi, việc cũng đã xảy ra rồi…

Tôi vào bếp tu ừng ực cốc sữa to, cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi trở về buồng mình ngồi lên giường. Ông Đô-bi nhân từ và thân mật đứng ngoài cửa:

- Sem, anh thấy thế nào? Thân thể anh thật nhạy cảm! Ha, ha… Đầu óc anh tỉnh táo lắm, điều đó rất quan trọng. Tôi phải quy định chế độ ăn uống cho anh mới được. Từ nay đừng có chạy lung tung nữa nhé!...
 
Tôi buồn ngủ quá và nằm mơ thấy một giấc mộng đẹp trong giấc ngủ say. Tôi mê thấy mình ngồi trên một chiếc tàu sang trọng đi ngao du trên bờ biển Ca-ra-íp. Trên boong tàu, tôi ngồi đàng hoàng thoải mái trong chiếc ghế bành dưới tấm mái có trần trang trí. Trên bàn, trước mặt tôi có một cốc nước suối pha xi-rô bỏ đá. Trời rất nóng. Tôi thò tay ra với lấy cốc nước, nhưng không sao với tới được…

Bàn tay tôi chọc vào bức tường rắn chắc và tôi tỉnh dậy…

Chiếc cửa sổ hình vuông quen thuộc trong đêm tối mờ mờ hiện thành một đường viền mờ ảo. Tôi chưa hình dung ngay được là tôi đang nằm trên giường của nhà ông Đô-bi hay đang ngồi trên boong tàu. Tôi định ngáp một cái, nhưng lại bị mắc ở cổ họng. Tôi cảm thấy như có tiếng chân người rón rén – dường như là chỉ đi có bít tất không thôi – vừa ở phòng tôi bước ra, khe khẽ đóng cửa lại. Cuộc sống đã dạy tôi tinh nhanh đôi chút. Tôi không trở mình ngay mà cẩn thận duỗi người ra, trở chầm chậm không thành tiếng. Tôi nắm chặt tay lại, chuẩn bị vùng dậy vật lộn với kẻ đó. Và, trong giờ phút này tôi không còn tin ở mình nữa. Hồi còn bé, có những đêm khuya tôi thấy sợ hãi vơ vẩn và biết cách chế ngự nỗi sợ đó. Chỉ cần nghĩ tới một điều gì thích thú, nỗi lo sợ sẽ tự nhiên biến mất đi. “E-đơ không nhận ra mình nữa… Mặt trời làm đầu óc mình mê muội đi… Việc gì xảy ra thế vậy?”.

Tôi khát quá chừng, bèn thò tay sờ sờ cái bàn trước giường. Chiếc cốc còn đầy nguyên sữa. Tôi uống một hơi hết nhẵn, rồi lắng tai nghe ngóng. Cảnh vật yên tĩnh vô chừng! Ông Đô-bi có lẽ còn đang ngồi ở phòng đọc. Còn Mi-gơ-li thì ngủ ở một căn nhà xa. Tôi để cái cốc vào chỗ cũ… và bỗng dưng ngây người ra. Ngoài cửa sổ có một bóng người kỳ quặc. Hắn đi loang loáng rồi đến gần cái cốc. Tôi vội gục đầu xuống gối, nhắm mắt lại cứ như chú báo nằm ngủ vờ, chỉ chừa một đường hẹp ở trên mi mắt.

Bên ngoài bỗng dưng có ánh đèn pin. Và, ánh đèn như những tia sáng chiếu ra từ chiếc đèn pha cực nhỏ dừng ở trên mặt tôi ba giây rồi biến mất. Tôi vẫn nằm yên với tư thế ngủ thiếp đi như vừa nãy. Ánh đèn lại bật sáng và chiếu lên mặt tôi, sau đó lại tắt đi. Tôi đợi hai ba phút mới từ từ mở mắt ra. Bóng đen ngoài cửa sổ đã biến mất. Những ngôi sao xa xăm bên ngoài cửa sổ lấp lánh mờ ảo và làm tôi yên tâm trở lại. Bỗng nhiên trong lòng tôi bình tĩnh, thản nhiên đối với hoàn cảnh xung quanh. Ý nghĩ cũng trở nên sắc bén và rõ ràng.

Có trộm chăng? Tôi hết sức bình tĩnh, khẽ nhổm lên nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Từ trong phòng thí nghiệm, ánh đèn chiếu lên thân cây.

Tôi khẽ mở cửa. Cửa này thông ra hành lang mà mỗi xó xỉnh của hành lang tôi đều nhớ rành mạch. Tôi không muốn gọi ngay bác Mi-gơ-li và ông Đô-bi khi chưa đến lúc. Tôi chạy vụt qua bếp, khe khẽ không một tiếng động, mở cửa bên ngoài. Con Kíp từ bóng tối lủi ra, thân mật liếm tay tôi, tôi như muốn bày tỏ nỗi ân hận của mình về hành động thô bạo ban ngày. Kíp liếm liếm vào đùi tôi, thở dài một tiếng như tha lỗi cho tôi và vui sướng vì lần hòa giải này. Kíp như hiểu rõ lúc này không được phép sủa lên thành tiếng, tôi nghe rõ tiếng vẫy đuôi của Kíp.

Mắt tôi giờ đây đã nhìn quen bóng đêm. Lúc này quá lắm cũng chỉ mới hai giờ đêm. Đến ba giờ thì trời mới hửng sáng. Bầu trời trên mặt biển có lẽ phủ kín mây đen cho nên nom như một vực thẳm đen ngòm. Ngôi sao Ka-si-ô-pê-a bỗng nhiên lấp la lấp lánh trên đầu tôi, chùm sao xếp thành hình chữ “W” trên bầu trời. Phía sau biệt thự dưới ánh sao lấp lánh bạc trắng như bông của dải Ngân Hà, ẩn hiển những bóng đen của đồi núi thăm thẳm.

Kíp chậm chạp nằm phủ phục bên bậc thềm ngôi nhà nhỏ. Con vật vừa ngửi mặt đất, vừa thở phì phì, và cuối cùng thở dài một tiếng rồi nằm im xuống. Điều đó có nghĩa là ở ngoài sân không có ai cả. Tôi yên tâm, song tôi muốn xem ông Đô-bi ban đêm ở tầng hai làm gì. Ngoặt ra sau nhà, tôi rón rén lùi đến vòm cây táo. Trước rèm cửa có một bóng người di động và người đó không giống ông Đô-bi cũng chẳng giống bác Mi-gơ-li. Tôi có cảm giác là tôi đã gặp người này ở đâu rồi. Đồ quỷ tha, ma bắt!

Tôi đứng ngây người ra ở đó, thậm chí không dám đưa tay lên gãi sau gáy mình nữa, cho đến khi có người lấy sức đẩy tôi lăn kềnh ra đất, tôi mới tỉnh lại. Một bàn tay thô thiển cố hết sức đè tôi xuống…

Tôi nghe thấy tiếng gọi của bác Mi-gơ-li: “Ở đây ông ạ, ở đây! Tôi bắt được nó rồi!”

Tôi giãy giụa gắng thoát ra khỏi cánh tay của bác nấu bếp. Tôi hét vang lên: “Bỏ tôi ra nào! Bác điên rồi đấy à, lão già này!”

Thốt nhiên tôi nghe tiếng ông Đô-bi: “Ha ha bác bắt được rồi à. Bác Mi-gơ-li, giữ chặt lấy y!”. Ông Đô-bi cầm đèn pin chạy về phía chúng tôi. Trong tay ông lấp lánh cái “đồ chơi” mà tôi không thích nó chĩa vào tôi chút nào. Nó làm tôi nhớ đến tác phong của A-lơn-dô.

Ông Đô-bi đi đến trước mặt tôi, gọi bác Mi-gơ-li:

- Mi-gơ-li, bác đi gọi Sem lại đây!

- Tôi ở đây ạ! – Tôi lầu bầu: - Ông bảo bác Mi-gơ-li hãy bỏ tôi ra.

Ánh đèn pin rọi vào mặt tôi. Bác Mi-gơ-li bỏ tay ra. Tôi ngồi bệt xuống cỏ, dựa lưng vào cây táo. Ông Đô-bi nghiến răng hỏi tôi:

- Sem! Thật quỷ bắt anh đi. Anh đến đây làm gì hả?

Tôi ngập ngừng cúi đầu xuống:

- Xin lỗi ông, tôi quên thưa trước với ông rằng, cả nhà tôi cho đến tuổi lớn như tôi đều có bệnh mộng du. Tôi có bệnh di truyền như vậy, cảm ơn bác Mi-gơ-li thân mến, may có bác chứ không thì tôi đã chạy ra ngoài đường và nhảy xuống vực thẳm rồi.

Mi-gơ-li giọng tức giận trầm trầm:

- Ngài đừng nghe cậu ấy. Cậu ấy nói láo đấy ạ. Anh chàng đã đi đi lại lại hơn một tiếng đồng hồ ở đây. Cứ đem nhốt xuống hầm, sáng mai sẽ xem bệnh di truyền ra sao.

Tôi đứng dậy, đưa tay ôm lên cổ và nói:

- Ông Đô-bi, xin ông hãy tin tôi. Tôi vừa thấy có ai nhìn tôi ở bên ngoài cửa sổ…

Bác Mi-gơ-li lắc đầu lia lịa:

- Anh bạn trẻ, anh bạn nghĩ ra những chuyện chẳng đâu vào đâu cả. Nếu như anh bạn định lấy câu chuyện đó để dọa ngài Đô-bi thì thật là không có lương tâm gì cả.

Ông Đô-bi cho cái “đồ chơi” vào túi, nhìn tôi gật gật đầu:

- Đi ngủ đi thôi! Ngày mai tôi sẽ hỏi rõ những việc làm bậy bạ của anh.

Bầu trời trên dãy núi đã ửng hồng. Lúc tôi chuẩn bị đi nằm tôi nghe thấy tiếng ông Đô-bi đang đi lên gác đến phòng thực nghiệm.
 
III

Nắng xuân đầy nhiệt tình tràn vào căn phòng của tôi. Và như ngày thường, ngoài cửa lại vang lên tiếng gõ cửa lịch sự…

Bác Mi-gơ-li không chút oán trách, gọi tôi ở ngoài cửa:

- Dậy thôi Sem ạ! Bữa ăn sáng chuẩn bị xong rồi đó.

Tôi vội rửa mặt và mặc quần áo. Trong bếp mọi thứ vẫn như thường lệ.

- Chào bác Mi-gơ-li!

Bác đầu bếp gật gật đầu:

- Chào cậu Sem!

Bác dịu dàng và hầu như thân thiết nói với tôi như vậy, rồi sau đó nghiêm nghị nói thêm:

- Ngài Đô-bi bảo cậu ăn sáng ở đây rồi đi dọn l.ồng số sáu và số bảy. Chút nữa ngài sẽ gọi cậu.

- Vâng!

Mi-gơ-li nhìn tôi và bảo:

- Trời đẹp quá!

- Đẹp thật, bác ạ! – Tôi vừa đưa mắt nhìn chiếc nồi đun thịt bò băm viên đang sôi sùng sục, vừa khe khẽ bảo bác: - Trong bếp sực mùi thơm lừng của khoai tây rán. Tôi thèm ăn quá!

Mi-gơ-li trộn hành trong chiếc nồi con, bảo tôi:

- Sem, cắt bánh mì ra cậu. Sao cậu không ngồi hẳn hoi thế? Xem dáng cậu như chưa tỉnh ngủ thì phải…

- Suốt đêm tôi không ngủ bác ạ.

Tôi nghĩ đến việc xảy ra mấy tiếng trước đây rồi bắt đầu cắt bánh mì.

Mi-gơ-li bĩu môi bảo tôi:

- Có cậu ngáy suốt đêm thì có.

Tôi kinh ngạc há hốc mồm ra.

- Bác Mi-gơ-li, bác làm sao thế? Đêm qua, chút nữa thì ai đã bẻ gãy cổ tôi? Bác coi tôi là trộm chắc?
Bác đầu bếp đặt khẽ xuống bàn món thịt băm viên và chầm chậm lắc đầu.

- Cắt bánh mì rồi chứ? Thôi ăn đi hẵng, thức ăn còn đang nóng. Sau đó cậu đi tắm nước lạnh một cái và đừng nói nhảm nữa. Tôi vặn cổ cậu lúc nào cơ chứ?

- Bác không vặn cổ tôi à? Rất tốt! – Tôi vừa suy nghĩ vừa vỗ vỗ vào trán mình. Song trán tôi không nóng chút nào.

Thịt bò băm viên rưới đầy nước sốt. Tôi lấy dĩa xắn ra từng miếng. Tôi ra sức nhai. Tôi nhai một miếng thịt đầu tiên với nước sốt ngon lành. Bỗng nhiên tôi nhớ đến một số đặc điểm của việc xảy ra hôm qua, bèn chạy vội lên bậc thềm.

Bác Mi-gơ-li đuổi theo tôi:

- Cái gì thế cậu Sem, cậu cảm phải không?

Tôi ôn tồn trả lời:

- Tôi hơi bị chút cảm lạnh, tôi phải hoạt động chút ít bác ạ! – Tôi hít một hơi dài rồi vỗ vỗ ngực mình.

Tôi giả bộ như thản nhiên ngắm nhìn cây táo đang nảy lộc đầu xuân, nhưng thực tế lại ngắm nhìn bãi cỏ phía dưới. Bãi cỏ bị người giẫm nát mấy chỗ.

- Đừng giẫm lên cỏ cậu Sem ạ! – Bác Mi-gơ-li kêu lên khi thấy tôi sắp đi đến chỗ cây táo. – Ông Đô-bi trồng sen vàng ở đó đấy.

Tôi thở dài, đành phải quay về bếp. Thịt băm viên đã nguội. Tôi nhai một cách bực bội, thầm nghĩ:

- Chẳng lẽ đó là nằm mê ư?

Uống xong cà-phê, tôi nói với bác đầu bếp:

- Bác Mi-gơ-li, nếu tôi có điều gì làm bác phật ý, mong bác đừng trách nhé…

Nhưng bác chỉ nói qua loa:

- Cậu Sem, cậu nói gì vậy? Tôi chưa thấy ai lại lịch sự như cậu đó. Ta làm chén nữa nhé?

Tôi cảm ơn bác với lời lẽ khách khí nhất, và cũng không cự tuyệt lời đề nghị của bác. Nhưng vừa lúc đó chuông báo giờ làm việc đã đến, tôi phải lên phòng thí nghiệm.

Ông Đô-bi gặp tôi như không có chuyện gì xảy ra cả.

- Chào Sem! Anh chuẩn bị lấy mẫu thí nghiệm ở ống số 13 và 29 nhé! Sau đó anh lấy cồn đổ vào những cái bình ấy.

Ông chỉ một dãy lọ đặt ở trên bàn. Trong lọ đựng đầy các quả dại.

- Vâng!

Lúc tôi cầm lấy chiếc thùng đựng cồn, ông Đô-bi bảo tôi:

- Anh Sem, nom anh có vẻ không được vui lắm! Lúc nào cũng chau mày thế? Anh hãy ngắm anh xem.

Sao lại có thể nói đùa như vậy nhỉ? Tôi tức run người lên.

- Ông Đô-bi, trong hợp đồng không nói rằng ông có thể sỉ nhục tôi…

- Cái gì vậy, anh Sem? – Ông Đô-bi bình tĩnh đứng giữa phòng thí nghiệm, ông nghiêm nghị và rành rọt hỏi lại tôi: - Thế là thế nào? Tôi quý anh chứ không sỉ nhục anh. Tôi muốn giúp anh.

- Giúp tôi à?

- Đúng! Anh nhớ lại xem hôm qua anh đã phát điên lên ra sao. Sem, anh nói đúng. Anh lên tủ lấy cái gương soi mình xem sao.

Tôi xịu mặt xuống:

- Hình như trong căn nhà này không cần có gương thì phải.

Ông Đô-bi chau mày lại:

- Sao anh lại có thể đoán định như vậy. Hãy cầm lấy gương đi. Nó nằm trong tủ ấy!

Tôi cố nén xúc động mở tủ ra. Giữa cái hộp và cái lọ đặt trong ngăn tủ có một cái gương, có tay cầm khá đẹp.

Bộ mặt của tôi râu mọc tua tủa, thiểu não vô cùng! Đó là khuôn mặt xa lạ, không phải là mặt tôi!

Chiếc gương tuột khỏi tay tôi, rơi xuống đất vỡ tan.

Ông Đô-bi vừa nhặt những mảnh gương, vừa buồn rầu bảo tôi:

- Sao anh vụng chân vụng tay thế?

Nhưng tôi sợ hãi, đưa tay lên mân mê mặt mình, khẽ thì thầm:

- Tôi làm sao thế này? Mắc bệnh?

Ông Đô-bi nắm lấy vai tôi, lấy sức ấn tôi ngồi xuống ghế:

- Anh thực là một thằng trẻ con! Một thằng nhát gan, thế mà tôi cứ tưởng anh là một người dũng cảm. Thôi, đừng sụt sịt nữa.

Tôi lạnh lùng hỏi lại:

- Ông hãy nói cho tôi biết, việc gì đã xảy ra với tôi thế?

Ông Đô-bi cười:

- Sem, trông đôi mắt giận dữ và ngớ ngẩn của anh kìa. Anh hãy gắng suy nghĩ lời tôi nó sẽ thấy ái ngại cho việc anh không phân rõ tốt xấu ra sao… Ha, ha.. Anh ở đây căn bản không xảy ra việc gì xấu cả đâu… Anh đã sống ở Miến Điện, tay đã cầm rắn Cát-nhĩ và từ người nó truyền sang anh cái bệnh “biến thể”. Đó là một loại bệnh rất độc, có thể làm cho các tế bào trong cơ thể thay đổi. Hiện giờ đã phát hiện ra có mấy loại rắn Cát nhĩ truyền nhiễm bệnh hiểm nghèo đó.

Bất giác tôi vụt đứng dậy:

- Tôi không tin lời ông! Giáo sư Min-rôi-sơ hiểu biết về rắn hơn ông nhiều. Song tôi chưa nghe thấy ông ta nói là rắn Cát-nhĩ sẽ truyền nhiễm bệnh độc. Tôi sẽ điện sang Răng-gun hỏi ông ta xem… Ông ta là một nhà khoa học chân chính. Min-rôi-sơ, người bạn tốt của tôi!

Ông Đô-bi lắc đầu:

- Sem, chẳng lẽ tôi không biết ai đã và đang nghiên cứu loại độc tố này hay sao? Anh cứ hỏi ông Min-rôi-sơ đi. Ông ấy sẽ trả lời anh như vậy. Con đường truyền bệnh này qua nhiều loài lắm, nên phải nghiên cứu lâu thì mới phát hiện ra những điều bổ ích. Bây giờ tôi chỉ kể cho anh nghe một câu chuyện có liên quan đến anh…

Tôi cúi đầu tỏ vẻ đồng ý và ngồi xuống ghế.
 
IV

- Lâu lắm rồi… - Ông Đô-bi bắt đầu kể: - Tôi có một người bạn trẻ, bây giờ anh ta đã mất rồi. Anh ta gặp một việc không may. Tôi làm quen với anh ta ở Bê-rơ-be. Đó là một hải cảng ở Xô-ma-li, bên châu Phi, anh có biết không? Anh bạn tôi rất thích đi đó đây. Thời trẻ, anh ta không những quan tâm tìm được một công việc tốt, tìm được một miếng bánh mì nuôi thân, mà còn rất thích đọc sách, bởi vì đầu óc cũng phải có chất dinh dưỡng. Đọc sách hay, sẽ mở mang trí tuệ con người. Anh bạn trẻ của tôi thường bị đói, song anh lại đọc ngấu nghiến mọi cuốn sách có liên quan đến động vật và thực vật. Anh ta muốn trở thành một nhà khoa học. Sau này anh ta kiếm được ít tiền và đi Trung Phi, và chúng tôi quen nhau trên đường đi Trung Phi…

Anh bạn trẻ bảo tôi:

- Tôi muốn tìm ra một vấn đề quan trọng về địa lý, ông Đô-bi ạ. Ý nghĩ đó giày vò tôi biết chừng nào.

Nhưng tôi biết trả lời anh ấy ra sao? Hay là bảo anh ấy hãy chịu khó làm việc đi và bảo anh ấy là không phải ngẫu nhiên sẽ phát hiện ra đâu? Hay là bảo anh ấy làm một nhà du lịch địa lý? Bởi vì muốn đạt được ước mơ chính đáng nào cũng phải chuẩn bị hy sinh bản thân mình để hoàn thành sự nghiệp đó.

Lúc đến Trung Phi tôi đã chuẩn bị đầy đủ và có mục tiêu rõ ràng là phải tìm ra một số thực vật độc hại. Trên đường đi Kha-ra, tôi và anh bạn trẻ rất tâm đắc với nhau. Chúng tôi quyết định sau này sẽ cùng đi với nhau. Ở Ê-ti-ô-pi chúng tôi hợp nhất đàn súc vật chở hành lý lại với nhau và đi sang phía tây.

Qua cửa Bôn-gơ, chúng tôi đến cao nguyên U-gô-gô. Dân làng ở vùng đó vóc người thấp nhỏ, ở nhà lá. Họ lúc nào cũng sợ dã thú. Song có điều họ còn sợ các nhà tư bản châu Âu cưỡng bức họ ra sông đãi vàng hơn. Tôi và anh bạn ấy ở một căn nhà gỗ nhỏ, chờ đợi mùa mưa phiền muộn của xứ nhiệt đới trôi qua.

Vùng U-gô-gô phong cảnh rất đẹp. Những bụi cây dại thấp mọc giữa những vùng đất đai bát ngát. Cánh đồng ở gần làng – tôi không nhớ tên gọi là gì – đất đai cằn cỗi. Trên những bụi cây thấp đó có mọc những quả dại màu vàng, người U-gô-gô xay nhỏ ra rồi trộn với ngô làm thành bánh, nướng lên rồi ăn. Đó là lương thực chính của họ. Trên dọc đường đi U-gan-đa, chúng tôi thấy tình hình cũng tương tự như vậy. U-gô-gô là một nơi đáng nguyền rủa. Ở đó chẳng có thứ gì cần chú ý cả, vì thế mà hai người chúng tôi quyết định trở về. Chúng tôi định đi sang phía Bắc, đến hồ Ba-đê-li là thượng nguồn con sông Nin. Sau đó đi ven theo sông xuống A-xu-an và rời châu Phi ở Cai-rô.

Một lần đi du ngoạn, anh bạn tôi phát hiện ra một vùng cây có gai, những quả dại màu vàng có chứa chất dầu. Tôi thấy loại thực vật này đáng chú ý, song anh bạn trẻ của tôi thì lại không thấy thú vị gì về loại cây này cả. Anh ta thường khát vọng tìm ra một cái gì không bình thường cơ. Còn loại cây này thì chẳng đẹp gì, nom như những cây hồi ấy. Tóm lại, lần đi du ngoạn đó anh bạn trẻ hoàn toàn thất vọng, cho nên không chờ tôi cùng đi, ít lâu sau anh ta đã đi về phương bắc.

Có một lần tôi mang theo loại cây có quả màu vàng đi vào một làng xóm. Những người địa phương ở làng đó dịch cho tôi biết họ gọi loại thực vật đó là “bu-sơ-mơ A-gô-gô”, có nghĩa là cây gai của người Bu-sơ-man. Họ bảo rằng, chất nước ở trong quả vàng đó có một sức mạnh thần bí. Vì vậy mà tôi bắt đầu thu thập các loại thực vật có gai. Lúc đó tôi mới phát hiện ra bên dưới gốc cây có rất nhiều rắn Cát-nhĩ, vì vậy công việc thu nhặt loại thực vật này rất nguy hiểm. Tôi dẫn theo hai mươi người địa phương. Họ dũng cảm, nhanh nhẹn đuổi những con rắn đó ra. Nhắc đến loại rắn đó, cho đến giờ tôi vẫn có ác cảm. Lúc đó tôi tốn rất nhiều sức lực, song không thấy ân hận, vì tôi đã tìm ra được loại cây có gai nên tôi rất phấn khởi. Những người lùn U-gô-gô cũng ăn quả nọ, nhưng họ chỉ ăn vào những ngày lễ. Họ ăn quả ấy trong trường hợp thế này: Khi mùa mưa hết, trong làng chuẩn bị ăn mừng ngày đầu tiên của tháng mới. Chị em phụ nữ ra đồng hái đầy làn thứ quả dại mà tôi trông thấy đó. Họ đem loại quả dại đó làm thành một thứ nước vừa chua vừa đắng, cho thêm nước vào rồi đem cái bã đã vắt nước đó trộn vào trong bánh.

Tôi từng quan sát tỉ mỉ chị em da đen làm việc này. Tôi có một người phiên dịch khá kinh nghiệm và còn giữ được ít cồn. Nhờ đó mà những cụ già U-gô-gô mời tôi đến dự ngày lễ với họ. Mặt trời vừa khuất, thổ dân bắt đầu nhảy múa và có trống với sáo đệm theo. Sau đó những người thổ dân U-gô-gô uống nước quả đó, có lẽ nó đã lên men, nên những người nhảy múa say mèm người, rồi vợ họ đưa họ về những căn nhà lá. Trong ba ngày, toàn làng ăn loại bánh rán làm bằng thứ quả dại đó. Họ cũng mời tôi ăn. Song người phiên dịch của tôi không chịu ăn và còn khuyên tôi không nên ăn. Anh ta bảo: “Người U-gô-gô cho rằng ai ăn loại quả đó sẽ có sinh lực và không bao giờ già cả. Nhưng loại quả đó sẽ làm cho người ta không cao lên được, ăn rồi người ta sẽ lùn mãi”.
 
Thực tế là như vậy .Trong số những người lùn U-gô-gô cũng có một số người lùn cường tráng. Họ khệnh khạng cái bụng phệ, ăn ngấu nghiến. Và mặc dù râu tóc bạc phơ, mặt đầy nếp nhăn, song vẫn khỏe vô cùng.

Tôi hỏi ông Đô-bi:

- Thế rồi sau thế nào?

- Sau này tôi thành công. Tôi tìm ra một loại chất độc từ quả dại màu vàng đó. Nó có thể làm cho những chiếc lá của một số cây thành chiếc gai hình tháp. Tôi ở U-gô-gô hai năm làm thí nghiệm, nghiên cứu sự thay đổi đó. Công việc ấy làm tôi phải dốc hết sức lực ra. Sự việc xảy ra với anh chứng minh sự phát hiện của tôi là chính xác. Anh đừng nản lòng. Tôi sẽ giúp chữa cho anh khỏi.

Câu chuyện của ông Đô-bi hầu như là sự thật. Tôi không định tranh cãi với ông chủ lúc này mà hãy để ông chữa cho tôi cái loại độc đó. Vì vậy mà tôi nói với ông ấy bằng giọng hòa nhã:

- Ông Đô-bi, xin tha lỗi cho tôi! Dường như tôi không biết tốt xấu ra sao cả. Nếu như ông ở vào địa vị của tôi…

Đô-bi thân ái vỗ vai tôi:

- Sem, tất cả rồi sẽ tốt lành thôi. Chất độc của loại thực vật đó sau này tôi làm thí nghiệm vào động vật thành công. Mục đích nghiên cứu của tôi là để làm gì? Tôi muốn thay đổi tính chất của nó, muốn nó trở thành một công cụ đắc lực của nhân loại.

Ôi, ông Đô-bi thực biết cách nói chuyện và biết cách làm cho người ta phải nghe theo lời ông.

Ông khẳng định:

- Sem, rồi anh sẽ không để lại một vết tích gì là anh có bệnh cả.

Tôi lo lắng thấp thỏm hỏi lại:

- Xin hỏi ông, thế liệu tôi có thể trở thành người lùn không ạ?

Ông Đô-bi cười:

- Bảo đảm là không có gì cả. Thôi, bây giờ anh hãy đổ cồn vào lọ đi. Anh xem, trong đó có quả khô “bu-sơ-mơ A-gô-gô” đấy. Chúng ta làm thành cao rồi chưng lên thành cồn, và sẽ được một vật thể kết tinh rất thú vị. Nếu đem tiêm cho thỏ thì huyết thanh con vật đó sẽ có một loại chất độc có hiệu quả. Sem, loại huyết thanh đó có thể chữa bệnh cho anh…

Tôi vui vẻ bảo:

- Xin cảm ơn ông. Tôi sẽ giúp ông làm cho tốt các loại huyết thanh này.

Ngày hôm đó tôi rất cố gắng làm việc.

Lúc ăn trưa tôi hỏi ông Đô-bi:

- Lúc nãy, ông có nhắc đến người bạn, sau này ông ta có gặp điều gì không may không?

Ông Đô-bi thở dài nặng nề:

- Sau này tôi không gặp anh ấy nữa. Tôi có đọc mấy bài rất tài hoa trên tạp chí. Chính là anh bác sĩ trẻ người Mỹ ấy ký tên. Nhưng rồi có một lần tôi nghe thấy tin anh ấy bị người hầu giết chết ở Mê-hi-cô.

Tôi nói thầm:

- Chính là bác sĩ Rôn-sơ…

Đô-bi nheo mắt lại hỏi tôi:

- Hừ, anh cũng quen anh ấy à?

- Không, chẳng qua tôi thấy trên báo có đăng tin vụ án mạng bí mật ở “Sa-mát-lan”.

Tôi cố ý nói ngược lại cái tên Ma-sát-lan và hết sức kiềm chế những xúc động trong lòng mình.

CUỐN THỨ X

I

Sự tò mò đã giày vò tôi. Cái đêm có người nhìn vào buồng tôi đó thực chất là việc gì? Tại sao ông Đô-bi khi bắt tôi ở dưới gốc cây táo lại tỏ ra thất vọng. Và, lạ thật, tại sao ông Đô-bi lại biết về cái chết của bác sĩ Rôn-sơ đáng thương… Nếu thực như vậy thì…

Song công việc của tôi ở phòng thí nghiệm lại vô cùng hứng thú.

Trong mấy ngày, chúng tôi cất xong cồn từ cao ra. Cuối cùng, ông Đô-bi lấy được chừng hai lạng chất dầu màu nâu sẫm.

Ông Đô-bi nhìn kỹ chất dầu, bảo ôi:

- Chưa xong đâu Sem ạ! Trong này chất độc còn lẫn với khá nhiều lượng an-bu-min. Cần phải tách chất an-bu-min.

Thế rồi chúng tôi lại đem dung dịch chất dầu đó cho vào thuốc rồi lại lọc dung dịch, sau đó đưa vào máy li tâm.

Ông Đô-bi cho máy li tâm chạy mỗi phút sáu nghìn vòng. Sau ba tiếng đồng hồ, ông tắt công tắc, lấy ống thí nghiệm trong máy li tâm ra.

Ông chỉ ống thí nghiệm trong tay mình, đắc ý bảo tôi:

- Đây là chất độc hoàn toàn, anh xem xem này!

Tôi nhìn thấy dưới đáy ống thí nghiệm một chất bột tinh thể màu vàng nhạt.
Chiếc cân điện rất chính xác chỉ con số 14,55701.

Ông Đô-bi bảo tôi:

- Trừ đi trọng lượng của ống thí nghiệm là 14,55 gam rồi điều chỉnh lại độ ẩm và áp lực của nó một chút. – Ông ta lim dim đôi mắt nói tiếp: - Đại thể còn độ mười lăm mi-li-gam chất độc thuần khiết thì anh bắt cho sáu đôi thỏ ở l.ồng số 9 lên đây.

Nửa giờ sau, tôi nắm lấy tai thỏ lần lượt đem đến trước mặt ông Đô-bi. Ông Đô-bi đã pha bột độc dược vào nước muối cất. Ông tiêm dung dịch đó vào thỏ, sau đó đem cất bình đựng dung dịch còn lại vào tủ ướp lạnh. Tôi đốt đèn cồn, ông Đô-bi thận trọng gắn chiếc ống tiêm đựng chất độc rồi để ống tiêm vào chỗ cất các loại thuốc độc khác.

Lúc ông dùng bút sắt viết lên ống tiêm dòng chữ “bu-sơ-mơ A-gô-gô B.12”, tay ông hơi run run.

Ông Đô-bi có vẻ hài lòng bảo tôi:

- Sem, bây giờ tôi mới yên tâm. Những chất độc mà tôi nói tới trước đây đều dùng vào thí nghiệm hết rồi. Tôi phải thu thập đầy đủ loại độc dược để giúp anh chữa cho khỏi bệnh. Mới vài ngày trước đây thôi, tôi nhờ đại lý ở Trung Phi lấy cho ít quả của loài thực vật có gai ở U-gô-gô.

Tôi hỏi:

- Về việc này ông tốn bao nhiêu tiền ạ?

Ông Đô-bi nhìn tôi với vẻ hoan hỉ mà tôi rất thích từ xưa đến giờ:

- Hừm… Nghiên cứu khoa học thì không nên suy tính đến tiền. – Rồi ông nói tiếp: - Và đã vì khoa học thì không nên tính toán tới sự lao động. Sau này, mỗi ngày phải tiêm cho thỏ một lần, qua một tuần huyết thanh của thỏ sẽ có tác dụng chống chất độc. Sem, lúc đó sẽ có loại thuốc mới và tôi sẽ chữa cho anh.

Tôi trả lời:

- Thưa ông, thế thì tốt quá! Lúc đó ông có thể dùng tôi để kiểm nghiệm lại việc nghiên cứu của ông. Thành thực mà nói, trước đây tôi cũng có tham gia vào công việc thí nghiệm như vậy…

- Hừm… Thật như vậy ư?

- Thưa ông, đúng vậy. Ông Pa-cô-lin-tơn ở Ôn-đơ-mau-tơ.

- A, anh nói đến con người xấu số bị trục xuất ra khỏi nước đó ư. Học vấn của ông ta không cao lắm. Anh biết ông ta hay sao?

- Tôi không biết. Chưa bao giờ tôi trông thấy ông ta cả. Nhưng ông ta…

Ông Đô-bi nói với vẻ châm biếm:

- Sự việc ông ta bị phạm tội cả thế giới đều biết. Số phận ông ta sau này còn xấu hơn cả ông Rôn-sơ đen đủi.

Tôi khẽ hỏi:

- Còn tệ hơn cả bị giết ư?

- Ừ… Các báo chí có đăng tin về ông ta. Ông ta không chịu được điều bất hạnh nên đã bị vỡ tim.

Tôi thở dài thật thà:

- Trời, tội nghiệp quá!
 
II

Sau một tuần, huyết thanh đã làm xong. Tôi được tiêm ngay loại thuốc kháng độc mới này và sốt ruột chờ đợi kết quả điều trị.

Ông Đô-bi dành phần lớn thời gian ở phòng đọc sách để chỉnh lý lại những tác phẩm vô cùng phong phú. Ông ít tới phòng thí nghiệm, chỉ thỉnh thoảng đến xem công việc của tôi.

Ông dạy cho tôi một số phương pháp làm cho chất an-bu-min tạo nên những phản ứng hóa học. Và tôi tiến hành rất thành công.

- Sem, anh sẽ mãi mãi có việc làm đấy. Công tác khoa học không những cần có người trợ lý về thí nghiệm mà cần có những người yêu mến công tác thực nghiệm nữa. Nội dung nghiên cứu các vi-rút vô cùng rộng lớn. Và, những người nghiên cứu về vi-rút sẽ rất phấn khởi vì có anh là người trợ thủ…

Tôi thấy hứng thú với công việc nghiên cứu độc dược. Học vấn của ông Đô-bi cũng chẳng kèm “Giáo sư nuôi rắn” mấy. Tôi cảm thấy khi ở với “Giáo sư nuôi rắn”, tôi quan tâm nhiều đến việc kiếm tiền, còn ở đây qua các bài giảng của ông Đô-bi tôi đã học được những kiến thức thú vị.

Một hôm ông Đô-bi bảo tôi:

- Sem, vi-rút là một loại an-bu-min. Theo tôi thì những phân tử an-bu-min do những hai trung tâm và một chuỗi mắt xích tạo thành. E-rơ-lích cũng đã nghĩ như vậy. Đó là tính hoạt động của mắt xích, vậy mà loại an-bu-min nhiều vô kể. Chất an-bu-min luôn luôn có đặc tính kỳ lạ là trao đổi với bên ngoài. Tôi tự hỏi mình rằng: “Mình đã biết cách cấu tạo của chuỗi liên hoàn đó, lại biết cách cấu tạo của phần tử vi-rút trong các loại thảo mộc. Như vậy thì loại chuỗi liên hoàn nào làm cho vi-rút có khả năng truyền nhiễm? Tôi bỏ đi một mắt xích, song vi-rút vẫn giữ nguyên như vậy. Điều đó giải thích rõ nguyên nhân của cảm nhiễm không phụ thuộc vào mắt xích đó. Tôi làm rất nhiều thí nghiệm và cuối cùng mới phát hiện ra sự việc không đến nỗi phức tạp như tôi tưởng tượng. Mỗi vi-rút đều có một mắt xích đặc biệt của nó, tôi gọi nó là mắt xích ký sinh. Cái phần tử vi-rút qua mắt xích đó rất dễ trao đổi với bên ngoài. Nó lựa chọn ở bên ngoài toàn bộ phần tử an-bu-min chứ không phải là một vật chất đơn giản riêng biệt. Song muốn làm được việc đó thì các phần tử vi-rút sẽ phá hoại các phần tử an-bu-min khác. Tình hình mà chúng ta nhìn thấy trong thực tế là như vậy đó. Các loại súc vật của tôi nuôi ở chuồng là để chuyên môn dùng vào việc thí nghiệm với sự thay đổi của vi-rút. Tất cả là như vậy đó…

Tôi vừa suy nghĩ lời ông Đô-bi, vừa hỏi:

- Xin lỗi ông, ông vừa nói tới các phân tử lại vừa nói đến các mắt xích. Nghe ông nói tựa như có thể nhìn thấy chúng vậy. Như vậy có nhìn thấy chúng được hay không?

Ông Đô-bi trả lời nghiêm nghị:

- Sem, có thể được chứ. Song không phải là dùng loại kính hiển vi thông thường. Mà là dùng một loại đặc biệt. Đây, nó đây này.

Đô-bi đi lại chiếc tủ để bên cạnh máy li tâm, mở chiếc tủ có ghi hai chữ lớn “E.M”.

Thì ra trong tủ có một chiếc máy to, có cái chụp bằng vải.

- Sem, đây là kính hiển vi điện tử. Chúng ta xem phân tử an-bu-min mà dựa vào quang phổ là không được. Song nếu dùng dòng điện tử thay quang tuyến thì nó sẽ tạo thành một hình phóng đại với bội số nhất định của phân tử mẫu. Nếu dùng quang tuyến X. thì còn có thể thấy được những hình ảnh phân bố của phân tử trong thể kết tinh. Cấu tạo của kính hiển vi điện tử không phức tạp lắm đâu.

Ông Đô-bi bỏ cái chụp che kính ra, đặt nó lên bàn thí nghiệm.

Ông giảng giải:

- Tôi sẽ bôi một ít vi-rút lên tấm phim xen-lu-lô, sau đó để dưới ống kính – Ông Đô-bi chỉ cho tôi bộ phận đó. Sau đó vặn chặt lại để nó hoàn toàn không lọt khí. Rồi mở máy bơm hút khí, hút hết không khí ra. – Làm như vậy không còn vật gì trở ngại dòng điện rọi vào bên dưới ống kính đó. Vì nếu không như vậy thì những hạt không khí sẽ làm sai lệch hình ảnh đi. – Từ đây… - Ông Đô-bi lại chỉ tiếp cho tôi xem. – Cho hộp phim vào chỗ này, chỗ tiêu điểm quang học đã điều chỉnh trước đồng thời vặn chặt lại. Sau khi điều chỉnh thỏa đáng rồi cho thông dòng điện và sẽ hình thành một từ trường điện. Vì vậy điện tử bắt đầu vận động theo một phương hướng nhất định, đi qua tiêu bản rồi qua từ trường điện chiếu rọi các hình ảnh nhỏ li ti của chất độ xuống phim chụp. Thời gian lộ sáng không được quá 10 giây. Lúc đó ngắt dòng điện ngay. Còn công việc sau này thì chỉ việc rửa phim và in nó thành ảnh…

Tôi vô cùng khâm phục nhìn chiếc máy “E.M”. Đó là thành quả của khoa học huy hoàng.

Tiếp đó Đô-bi khiêm tốn nói:

- Kính hiển vi điện tử không phải là tôi phát minh ra đâu. Nhưng theo ý kiến của tôi cấu tạo của máy có đơn giản hơn. – Nói rồi, ông rút trong ngăn kéo ra mấy tấm ảnh và đưa cho tôi. – Đây là ảnh phân tử vi-rút. Đây là phân tử vi-rút của loài thảo mộc. Anh xem, chúng giống như chiếc gậy nhỏ. Hai đầu nối với nhau hình thành một sợi dây dài. Sự tính toán của phòng thí nghiệm cho hay rằng lượng phân tử của các loại vi-rút rất lớn, đạt tới trên mấy triệu…
Tôi xem những tấm ảnh đó. Căn nguyên của căn bệnh tả là ở đây! Và cũng chính là mấy thanh nhỏ đó đã làm cho thực vật trong các vườn cây cỏ ở Ấn Độ bị mắc bệnh. Trên những tấm ảnh của lá cây thuốc lá tạo thành một vòng tròn héo, và làm cho cây khô lại…

… Khoa học biểu hiện cái vĩ đại trên tấm ảnh bình thường làm tôi kinh ngạc vô cùng. Và cuộc đời từng trải của tôi, cuộc biểu diễn của tôi ở rạp xiếc, cuộc đi du lịch kỳ lạ, quý báu của tôi lại càng tỏ ra vô cùng nhỏ bé, không đáng kể.

Sau khi xem xong những tấm ảnh đó, tôi giúp ông Đô-bi che lại chiếc máy hiển vi điện tử.
 
III

Chuồng thứ 6 nuôi mèo, chuồng thứ 7 thì nuôi loại c.hó con Tắc-xơ chân vòng kiềng, chuồng thứ 8 thì nuôi loại c.hó sư tử màu đen.

Tôi còn nhớ sau khi xem loại kính hiển vi điện tử E.M rồi, tôi đã ra chuồng nuôi súc vật xem những chú thỏ. Qua một ngày nữa thì tôi sẽ tiêm lần cuối cùng. Những chiếc gương vẫn bảo cho tôi hay khuôn mặt của tôi vẫn không có gì thay đổi cả.

Các chú thỏ chén sạch số cỏ tôi vứt cho chúng. Tôi không hề thấy một triệu chứng gì sẽ có những thay đổi lớn lao cả.

Bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng kêu meo meo kỳ lạ, tiếng meo meo vẫn vang lên không ngớt. Tôi hết sức chú ý thì ra các chú c.hó Tắc-xơ đang kêu. Tôi thấy một chú c.hó Tắc-xơ ngồi bằng chân sau và rửa mặt.

- Meo…meo…- Tôi gọi và gõ vào thành chuồng.

Những chú mèo bên cạnh bị kinh động và các chú bỗng gào lên. Các chú kêu không hoàn toàn giống chó sủa, song vẫn là tiếng sủa.

Tôi thầm nghĩ:

- Lạ thật, đây có lẽ là kết quả của việc làm biến dạng vi-rút. Phải đi tìm ông Đô-bi ngay.

Nhưng rồi một ý nghĩ đã ngăn tôi lại.

Nếu như con người đó lừa dối mình. Mình chỉ là một động vật để ông ta làm thí nghiệm thì làm thế nào. Ta có kêu meo meo lên không?

Ý nghĩ đó làm tôi kinh hồn, bạt vía, người run bần bật và cảm thấy việc biểu diễn bay người trong không trung cũng chỉ là trò đùa thôi.

Tôi càng nhìn mặt những con mèo lại càng thấy nó giống mặt c.hó. Tôi muốn nhìn cho rõ ràng bèn mở cửa chuồng ra. Những con vật đó hình như cũng đợi tôi làm như vậy. Chúng kêu lên những tiếng vui mừng, có con kêu oang oang như tiếng c.hó sủa, rồi chạy ra khỏi chuồng. Tôi định bắt chúng song không thận trọng nên làm đổ chuồng nuôi c.hó Tắc-xơ và mở toang cửa ra.
Tôi từ chuồng chăn nuôi chạy ra, gào lên:

- Bác Mi-gơ-li ơi, lại giúp một tay ngay!

Ông Đô-bi và bác nấu bếp chạy lại. Tôi thở hổn hển kể lại chuyện vừa rồi.

Ông Đô-bi quát tôi:

- Về buồng ngay! Bác Mi-gơ-li hôm nay sẽ di chuyển vị trí chuồng theo lời căn dặn của tôi.

Bác Mi-gơ-li cũng nói thêm vào:

- Đúng thế ông ạ. Cậu Sem thường nghĩ xằng nghĩ bậy. Tôi xin thề với ngài rằng, cậu ta có cái bệnh đi chơi lúc mê.

Ông Đô-bi hạ lệnh cho tôi:

- Anh đi ra ngay! Tôi sẽ tự bắt những con vật đó vào chuồng.

Tôi lắp bắp bảo:

- Ông Đô-bi, những chú mèo đó vừa sủa ông ổng…

Đô-bi quát lên:

- Anh đi ra, nếu anh không nghe lời thì tôi sẽ phạt tiền theo như hợp đồng.

Tôi buồn rầu, chậm rãi rời chuồng chăn nuôi.

Tôi trở về nhà, lấy chiếc ống nghiệm ở máy li tâm ra vừa lấy bàn chải cọ rửa vừa đau khổ suy nghĩ:

- Chẳng lẽ mọi việc đều do tôi sai sót cả? Thôi được, ngày mai tiêm huyết thanh lần cuối cùng ông Đô-bi ạ, ta sẽ chia tay nhau thôi. Tôi thà chịu đói khổ ở Ê-xu-ô-rơ còn hơn là ăn cơm ở cái biệt thự siêu vi trùng trên núi Hai Đóa Hoa Hồng này.

Ông Đô-bi bước những bước nặng nề vào phòng thí nghiệm và rửa tay rất lâu.

Lúc ông ta lấy khăn mặt lau tay, ông ta tức giận bảo tôi:

- Những con vật quan trọng nhất thì chạy mất rồi. Sem, anh làm hỏng hết việc. Đợi chữa xong bệnh cho anh thì chúng ta chia tay nhau thôi. Anh làm tôi bực lắm…

Tôi lạnh lùng trả lời:

- Xin ông thứ lỗi cho!

Song cơn tức giận của ông Đô-bi đã nguôi.

Ông bảo tôi:

- Sem, anh đừng để xảy ra chuyện gì không vui vẻ trong những ngày cuối cùng chúng ta hợp tác với nhau. Tất cả rồi sẽ thay đổi hết. Hừ, tạm thời hòa thuận với nhau đã. Gần đây tôi cũng hơi nóng ruột đó. Đó là kết quả của việc làm quá căng thẳng. Ngày mai tôi định đi chơi xa cho thoải mái. Tôi chán cuộc sống ẩn dật này lắm rồi.
 
IV

Sáng sớm, ông Đô-bi bảo tôi cùng đi đến chỗ mỏ bỏ hoang.

- Sem, phải thay đổi không khí một chút. – Ông vừa nói, vừa nhét vào túi hộp ăn sáng mà bác Mi-gơ-li đã chuẩn bị chu đáo. Sau đó ông lấy bình nước và đeo vào cổ chiếc đèn điện của người thợ mỏ hay dùng.

Tôi chỉ cái đèn thợ mỏ và hỏi:

- Ông mang cái đèn này đi à?

Ông Đô-bi trả lời:

- Ừ, tôi còn mang theo một trăm thước dây thừng nữa. Anh đừng ngạc nhiên, tôi định chui xuống lòng trái đất đấy, chẳng qua là muốn xem cái mỏ cũ thay hình đổi dạng ra sao. Tôi nghe người ta kể từ lâu…

Tuổi thơ lại trào lên trong ý nghĩ của tôi:

- Ôi, nếu ông mang đèn đi thì chẳng sợ gì nữa… Dạo bé tôi với E-đơ không có đèn mà vẫn dám xuống cơ đấy.

- Sem, thôi đủ rồi đấy! – Ông Đô-bi vẫy tay.

Tôi nói thêm:

- Ông Đô-bi ạ, tôi nói thực đấy. Mỏ pa-tơ-lích ở dãy núi Đê-vơ tôi cũng xuống rồi. Chỉ có… - Lúc này tôi nói lắp bắp.

Ông Đô-bi cười chế nhạo bảo tôi:

- Chỉ có chưa chui xuống mỏ Mũi Dài thôi chứ gì? Hừ, tôi cũng đang muốn đi tới đó.

Tôi nhớ lại mỏ Mũi Dài. Đó là một giếng mỏ bỏ hoang đã từ lâu đời. Và có biết bao nhiêu chuyện truyền thuyết thần bí, mạo hiểm về cái mỏ đó. Lão chủ quán Con Hổ Nhà Vua rất thích bàn luận về những chuyện kinh hãi ấy. Hồi bé tôi chưa đến chỗ Mũi Dài nhưng tôi biết rõ đường đi tới đó. E-đơ đã đến đó. Cậu ta khoác lác rằng mình đã xuống tận đáy. Lúc bấy giờ tôi rất phục cậu bé dũng cảm ấy.

Tôi bảo ông Đô-bi:

- Ông chủ ạ, con đường đi tới đó khó lắm đấy. Ông phải đi đến ngọn đồi Đen, đi tới mỏ Cửa Quỷ rồi từ đó rẽ sang phải…

Ông Đô-bi suy nghĩ rồi bảo:

- Hừ, có lẽ tôi không tìm ra đường mất.

Tôi đề nghị:

- Ông chủ ạ, ông cho phép tôi đưa ông đi. Lúc đi qua mỏ Cửa Quỷ phải cẩn thận đấy ông ạ. Ở đấy có mấy cái giếng mỏ sâu không có đáy.

Ông Đô-bi trầm tư:

- Anh đừng có dọa tôi thế. Thôi được, chúng ta cùng đi. Anh vào buồng ăn lấy thêm một bi-đông nước rồi chúng ta xuất phát. Đi thở không khí trong sạch cũng có lợi cho anh.

Tôi đeo bi-đông nước lên vai, nhét vào túi chiếc bánh mì cặp thịt, rồi vác bó dây thừng.

Bác Mi-gơ-li đi tiễn. Chúng tôi đi đường cái và đi rất nhanh qua đồi Đen. Tiếp đó đường xá trở nên phức tạp hơn. Trong thung lũng có nhiều giếng mỏ hoang vắng há miệng. Bột than đen nhánh, đống nọ liền đống kia, những cục than có thể đốt cháy được thì mọi người đã lượm hết. Mưa và tuyết cuốn trôi những bụi than đi, rồi thời gian và nóng nực đã nén những mớ than đó thành một lớp đất chắc chắn.

Chúng tôi đi xa biệt thự đã được hai cây số. Lúc chúng tôi đi ra khỏi thung lũng cuối cùng thì trước mắt chúng tôi hiện ra một vùng đồi đất cao hoang vắng.
Trước đây tôi chưa đến vùng đồi cao này bao giờ. Vì dạo còn nhỏ vùng thung lũng đồi Đen là giới hạn xa nhất mà lũ trẻ chúng tôi đi chơi. Còn đi xa hơn nữa là khu vực xa lạ mà lúc đó chúng tôi thấy thần bí, ngưỡng vọng vô cùng.

Một tiếng sau, chúng tôi đi tới vùng trung tâm đồi cao, gần mỏ Mũi Dài. Nếu các bạn hình dung tới những đáy hồ khô cạn thời xưa do ảnh hưởng của núi lửa mà dâng cao lên trên mặt biển như thế nào thì sẽ thấy được cảnh tượng đang hiện ra trước mắt chúng tôi.

Vùng thung lũng đất sét mênh mông đó bị bao quanh bởi một lớp nham thạch dày đặc đang bị phong hóa. Bốn xung quanh sừng sững những tảng nham thạch kỳ lạ muôn vẻ. Có những cái nom như một chiếc nấm kỳ quặc, có những tảng cao ba tầng, nom tựa như con ngưu long đang nhe nanh vuốt, giữa vùng đất trũng có một cái hang đen ngòm. Đó là cái giếng mỏ bỏ hoang. Một đống gạch ngói của nóc nhà đổ vẫn còn nguyên vẹn. Chiếc giá sắt bị hoen gỉ, nom phảng phất như chiếc xương sườn kỳ lạ nhô ra từ bên dưới đống gỗ mục. Khắp nơi là bụi đất tiêu điều.

Đó là quang cảnh chiếc giếng mỏ nổi tiếng Mũi Dài.

Ông Đô-bi nghiêm nghị bảo tôi:

- Phải có biện pháp đề phòng đấy!

Tôi thôi không ngắm cảnh vật ảm đạm xung quanh nữa, đi theo ông ra bên giếng mỏ Mũi Dài. Ông Đô-bi ném một hòn đá xuống bên dưới, không có một tiếng vọng lại từ đáy giếng sâu thẳm.

Tôi lẩm bẩm:

- Nghe nói ở đây không có đáy.

Ông Đô-bi cười:

- Hừ… Nếu như vậy thì tôi ném hòn đá xuống xuyên qua trái đất của chúng ta rơi xuống Chi-ê rồi à? Tán gẫu…

Ông dũng cảm buộc dây vào thắt lưng, đeo chiếc đèn mỏ ra trước ngực.

- Ông chủ định xuống đáy giếng Mũi Dài xem ở dưới đó ra sao đấy à? – Nói thực tình, tôi rất khâm phục ông Đô-bi. Tôi rất mến cái tính dũng cảm của ông ta.

Ông Đô-bi hiểu rõ giọng nói khâm phục của tôi. Ông nghiêm nghị bảo tôi:

- Lần này tôi phá bỏ nguyên tắc, không theo hợp đồng nữa. Tôi không muốn anh nhìn tôi như nhìn con quái vật ấy. Tôi thích lối làm việc nghiêm túc. Đúng, tôi muốn xuống bên dưới Mũi Dài nhưng không phải là tính khí trẻ con. Sem, tôi không giàu có như anh tưởng tượng đâu. Từ xưa đến giờ tôi thích hào hoa, song phản đối việc lãng phí. Mỗi ch-ni ta tiêu là do bao mồ hôi vất vả kiếm ra. Tôi cho rằng, nếu người ta chỉ nghĩ đến cái dạ dày của mình và sự hưởng thụ cá nhân, đồng thời làm việc, kiếm tiền với mục đích ấy thì quả là người xấu. Phải nghĩ đến nhân dân, phải biết rằng chúng ta là con đẻ của nhân dân. Phải nghĩ đến quê hương chúng ta, vì chúng ta lớn lên ở đó, sau này chết đi cũng ở đó. Phải nghĩ đến Tổ quốc, Sem ạ!...
 
Tôi chăm chú nghe những lời đó.

- Tôi chưa hiểu rõ ý ông nói lắm!

Ông Đô-bi hào hứng nói tiếp:

- Rồi anh sẽ hiểu thôi Sem ạ. Anh bảo rằng ở đây có cái mỏ bỏ hoang, tôi nghe rất xúc động. Một số người cho rằng không kiếm được tiền nữa nên không khai thác. Nhưng nếu ý nghĩ đó không đúng thì sao? Và nếu ở đây còn nằm kín tài sản hàng trăm triệu đồng, hàng triệu tấn than thì sao? Nếu như vậy thì nước ta có thể khai thác được, không cần vận chuyển từ xa đến nữa. Nếu như những người chủ mỏ chỉ vì tham lam, chê tiền kiếm lời ít ói nên bỏ không khai thác thì sao? Và nếu như họ chỉ vì ngại ngần vất vả cho nên không muốn khôi phục lại sự nghiệp khai thác than thì sao? – Ông Đô-bi nhìn ra phía xa: - Chúng ta phải lấy người Nga làm gương. Chúng ta chưa hiểu rõ lắm đối với một dân tộc vô cùng cần cù lao động. Mới đây thôi, họ đã đoàn kết mọi dân tộc trong một nước lớn đó lại thành một gia đình hữu ái. Họ dựa vào hai bàn tay kiên cường của mình, khai thác những hầm mỏ của mình! Họ đã khôi phục lại ở U-ran mấy nghìn cái giếng mỏ mà trước đây những người chủ mỏ bỏ phí vì cho rằng không còn có lợi ích gì. Anh thấy đấy, khi nhân dân làm chủ thì giếng mỏ cũng sẽ trở thành có ích. Về mặt khai thác than rồi thì người Nga sẽ đứng đầu toàn thế giới…

Tôi hỏi lại:

- Chả lẽ chúng ta không có đủ than dùng hay sao?

Ông Đô-bi trả lời:

- Sem, rồi sẽ có ngày như vậy đó. Đến lúc đó chúng ta sẽ quý từng viên than xỉ.

- Thế ông định làm gì ạ?

- Tôi sẽ xem tình hình giếng mỏ này trước đã rồi sau đó sẽ mời những chuyên gia lại. Tôi sẽ nghĩ cách thuê chỗ này. Việc này có lẽ cần phải làm.

Tôi lắc đầu:

- Ông Đô-bi ạ! Việc này cần thận trọng lắm.

Ông ta cười:

- Thế anh nghĩ thế nào? Thôi được… mặc dù thế nào cũng cần phải xem cái đã. Đến tối, chúng ta sẽ kể lại cho bác Mi-gơ-li nghe, chắc bác ấy sẽ kinh ngạc lắm đó. Nào, nắm chặt lấy thừng. Nếu ở dưới tôi giật hai cái thì anh sẽ kéo tôi lên nhé!

Chúng tôi buộc một sợi dây thừng vào một thanh sắt nhô lên mặt đất.

Ông Đô-bi cho chân xuống giếng mỏ, vui vẻ bảo tôi:

- Tí nữa ta lại gặp nhau, Sem! Ồ, anh có biết không, ở đây có bậc rất thuận lợi .

Chiếc đầu ông Đô-bi tụt dần. Tôi thận trọng cởi nút thừng, rồi thả hết. Chiếc thừng nằm im bên thành giếng. Tôi nhìn xuống dưới chỉ thấy một chấm sáng bé nhỏ di động trong khoảng không đen ngòm.

Tôi cảm thấy thấp thỏm, gọi to lên:

- A-lô!

Chiếc dây thừng động đậy một lần. Đó là tín hiệu trả lời. Tôi nghĩ bụng: “Ông ta nghe thấy rồi”. Nhưng rồi sau đó rất lâu, chiếc thừng không động đậy gì nữa. Tôi bắt đầu sốt ruột. Ở dưới giếng mỏ chưa biết chừng có hơi than. Và nếu như vậy thì ông Đô-bi có thể bị cái chết đe dọa. Tôi kéo thừng lên và cảm thấy có trọng lượng của ông Đô-bi. Khi ông ta nhô đầu ra, mặt ông ta đen hơn cả người da đen, bụi bặm bám trên người nom như anh chàng quét dọn ống khói ấy, chẳng giống ông Đô-bi chút nào!

Ông Đô-bi vừa nhổ nước miếng đen ngòm, vừa lầu bầu:

- Sem, anh kéo khiếp quá. Anh kéo gấp thế làm tôi không leo lên kịp nữa.

- Ông chủ, tôi đang lo cho ông.

Ông Đô-bi bò ra khỏi giếng rồi ngồi xuống đất. Những giọt mồ hôi bẩn chảy xuống theo gò má của ông ta. Ông hít thở không khí trong sạch một cách thèm khát.

Ông Đô-bi mỉm cười nhe bộ răng trắng:

- Sem, trứ danh lắm. Những hang nhũ thạch ở bên dưới đẹp vô cùng… Thôi ta lại đây ăn sáng đã, anh bạn…

Ông Đô-bi mở gói bánh mì và giăm bông ra, rồi kêu lên:

- Hừ, rơi mất rồi!

Tôi hỏi:

- Ông chủ, sao vậy?

- À, việc nhỏ thôi. Tôi đánh rơi mất cái tẩu. Hơi tiếc một chút. Thôi được, ngày mai tôi lại xuống đó. – Ông trầm tư nhai bánh mỳ với giăm bông.

Tôi khẩn khoản:

- Ông kể lại những hang nhũ thạch đi!

- Sem, đẹp không gì tả nổi đâu. Chỗ nào cũng lấp lánh như những hòn đá quý ấy. Đó là tôi nói đùa thôi. Thực ra ở đó than còn nhiều lắm.

Chúng tôi ăn bánh mì kẹp giăm bông xong.
Ông Đô-bi lẩm bẩm buồn bã:

- Chà, nếu được hút một tẩu thuốc nhỉ. Ôi, cái tẩu! Sem ạ, anh lại thả tôi xuống nhé!

Nhiệt tình tuổi trẻ thôi thúc, tôi nói:

- Ông cho phép tôi xuống cho.

Nhưng ông Đô-bi đã đi lại bên thành giếng rồi. Ông giơ tay chỉ xuống dưới:

- Xuống dưới đó ư? Không được, anh bạn ạ! Hôm nay, tôi gặp phải hai việc không vui rồi, hà tất lại để anh bạn mình đầy bụi than nữa.
 
Nhưng tôi kiên quyết yêu cầu. Tôi không kiềm chế nổi những điều tưởng tượng về giếng mỏ Mũi Dài thần bí. Tôi cố khẩn khoản xin ông Đô-bi nên chút nữa thì rơi tõm xuống giếng mỏ.

Ông Đô-bi kiên quyết xua tay:

- Anh thả tôi xuống đi, đừng lầu bầu nữa!

Nhưng tôi nắm lấy ông, nói ra các lý do yêu cầu cho tôi xuống Mũi Dài nhặt tẩu. Cuối cùng ông Đô-bi suy nghĩ về lời tôi nói:

- Anh muốn xuống thưởng thức cái hang nhũ thạch ấy à? Tôi bảo cho anh hay, ở dưới đó không có nhũ thạch đâu, mà đó là tôi nói đùa anh thôi. Nhưng anh xuống đó ôn lại giấc mơ của thời niên thiếu bướng bỉnh cũng hay. Nhưng không được xuống sâu quá, không được thả hết thừng xuống đâu đấy nhé!

Ông Đô-bi nói rất thân thiết rồi cởi núi thừng thắt ở bụng ra:

- Sem, anh chú ý nghe đây! Trước tiên anh hãy trèo xuống giếng theo những chỗ lồi ra tựa như bậc thang ấy. Anh giẫm lên những bậc đó rồi từ từ leo xuống nhé.

Tôi vui vẻ trả lời:

- Tôi biết cách xuống giếng mỏ ạ.

Ông Đô-bi chau đôi lông mày rậm lại:

- Đừng có ngắt lời tôi. Đó là một việc rất xấu khi ngắt lời người nhiều tuổi. Xuống giếng chừng năm đến mười thước, anh sẽ nhìn thấy một khoảng rộng và bên trái có cả thang gác nữa. Song đừng có giẫm lên đó, vì những cầu thang đó sẽ đổ ngay. Tốt nhất là đừng có xuống sâu nữa mà lên ngay. Nếu như ở đó không có tẩu thì anh đừng tìm nữa.

- Thế còn hang nhũ thạch thì sao?

- Không có hang động gì cả! Đợi các chuyên gia mỏ than đến anh sẽ theo họ leo xuống. Còn bây giờ thì phải cẩn thận đó.

Ông Đô-bi vừa căn dặn tôi vừa lấy dây thừng buộc ngang lưng tôi, và đằng sau lưng ông thắt một nút.

- Xem ra thì nút đã buộc chặt rồi đó, hơi giống như nút dây hàng hải, không sợ tuột đâu. Tôi nhắc lại, khi tới khoảng đất bằng thì anh gọi tín hiệu, tôi sẽ kéo anh lên.

- Ông chủ, còn chiếc đèn mỏ nữa.

- Ừ, đúng!

Ông Đô-bi buộc chiếc đèn vào trước ngực tôi. Tôi thử bật công tắc đóng-mở. Chiếc đèn mỏ không hỏng chút nào cả.

Khi tôi thò chân xuống giếng mỏ, ông Đô-bi lại bảo:

- Sem, anh có thể bỏ bi-đông nước ra!

- Ông chủ, không trở ngại gi đâu ạ!

Ông Đô-bi chuẩn bị thả dây phía sau lưng tôi, ông bảo:

- Xuống đi nào. Tôi kéo anh!

- Cám ơn ông. – Tôi trả lời, đồng thời lấy chân dò dò chỗ lồi ra của thành giếng mỏ, rồi bắt đầu lao xuống.

Tôi nghe thấy tiếng nói của ông Đô-bi:

- Sem, khá lắm! Hãy nhìn xuống dưới, nhìn đúng vào bậc ấy!

Tôi bật đèn mỏ. Thì ra mỏ Mũi Dài chẳng có gì đáng sợ cả. Ánh sáng của chiếc đèn mỏ hoàn toàn có thể làm cho tôi nhìn rõ phương hướng. Leo xuống dưới nữa chẳng thấy có gì lạ lùng cả. Tôi theo tập quán cũ của mình đếm những chỗ lồi ra để dễ dàng khi trở lên. Ở bên dưới có những con dơi bay kêu chít chít. Leo xuống được mười sáu chỗ thò ra, chân tôi đạp xuống một chỗ đất bằng tương đối rộng. Ở xung quanh khoảng đất đó rải rác có một số xương chim đã gần rữa ra. Xem ra, cú vọ đã làm ổ ở nơi hoang vắng này. Tôi ngẩng đầu lên nhìn, một mảnh bầu trời màu xanh thẳm như đang thân thiết rọi sáng. Lại nhìn xuống phía dưới, chỉ thấy sâu thẳm, đen ngòm. Ở một chỗ cạnh thành giếng tôi thấy vết giày bát-kết và chiếc tẩu của ông Đô-bi. Tôi cầm lấy cái tẩu và nhét vào túi. Rõ ràng là ông Đô-bi xuống còn sâu hơn tôi nữa, nên tôi chưa muốn gọi tín hiệu trèo lên.

Từ đó xuống dưới có những dầm gỗ, song chúng đã bị mục nát nên không trèo sang bên kia được. Tôi chọn một tảng đá nhô ra chắc chắn, rồi từ khoảng trống đó bò xuống. Tôi lấy tay đánh đu lên, chân dò dò chỗ đứng. Càng tụt xuống dưới càng mệt hơn. Vì giếng mỏ càng ngày càng rộng. Tôi quên hết mọi sợ hãi. Trong lòng tôi tràn đầy niềm tự hào ngây thơ. Tôi thầm nghĩ: “Thế là mình cũng đã xuống thăm Mũi Dài rồi, bây giờ thì E-đơ đừng có mà tự đắc nữa”.
Tôi định giật tín hiệu cho ông Đô-bi nên cầm lấy thừng. Nói cho chính xác hơn là tôi định nắm lấy dây thừng. Nhưng rồi tôi hốt hoảng, bởi có tiếng kêu sột soạt dấy lên nghe như tiếng rắn cát-nhĩ bò vậy. Bụi bặm và những thứ bát nháo rơi lả tả xuống đầu tôi. Chiếc thừng đã biến mất. Tôi định lấy tay vỗ vỗ vào chiếc đầu hồ đồ của mình, song tay tê dại đi, vì tôi đã lấy tay nắm chặt thành giếng mỏ quá lâu.

Đầu óc tôi vụt bừng tỉnh như vừa uống một cốc cà-phê đậm, một ý nghĩ vụt qua đầu óc tôi nhanh như con chim nhạn bay qua. “Nút hàng hải là như vậy đó!”
 
V

Một viên đá bay vèo qua người tôi nhanh như sao đổi ngôi, nhưng may tôi đã kịp thời duỗi chân tay nép sát vào vách thành giếng. Trong đêm tối nhìn không rõ, năm đầu ngón tay tôi cảm thấy cái gì đó đang bay và nghe thấy chúng từ đầu bên này Mũi Dài và vào phía bên kia phát ra tiếng ầm ầm đinh tai. Tiếp đó là một viên đá nữa đập vào chỗ nhô ra của khoảng đất bằng bắn ra bốn phía. Mảnh đá rơi lả tả xuống làm tay tôi và má tôi bị thương.

Tôi không vui vẻ lắm vì bị trận oanh tạc vừa rồi. Nếu như ở gần đó có chỗ nào thụt vào thì tôi có thể tránh được. Một tay tôi nắm lấy chỗ nhô ra, còn tay kia thì sờ soạng thành giếng. Chân phải tôi giẫm vào một chỗ nhô ra, thế là tôi giẫm lên đấy và thở dốc. Bên người tôi những viên đá vẫn ầm ầm rơi xuống. Bởi vì từ phía trên khá ca, cho nên một viên đá nhỏ rơi xuống cũng nhanh như một viên đạn vậy. Tôi dạng chân tay dán mình vào thành giếng, nấp bên dưới chỗ nhô ra của mô đất bằng phẳng. Thốt nhiên tôi bị hụt một chân nên cả người bị tụt xuống dưới, cằm va vào chiếc công tắc đèn mỏ. Tôi nhìn lại thì ra bên dưới chân tôi có một cái lỗ không lớn lắm, ăn thông sang bên. Tôi cố gắng lựa mọi cách cho trước hai chân vào cái lỗ đó rồi chui cả người vào sâu. Tôi tắt đèn quay người lại, bò ra khỏi giếng Mũi Dài.

Đất phía sau tôi bỗng chấn động, đồng thời vang lên những tiếng gào thét điên cuồng. Sau đó mọi vật yên lặng trở lại, yên tĩnh tựa như trong nấm mồ chôn sâu dưới đất.

Việc gì xảy ra như vậy? Vì ông Đô-bi buộc thừng không chắc chắn? Hay là ông ta cố ý như vậy?

Nhưng rồi tôi không có thời gian suy nghĩ đến nguyên nhân nào mà ông Đô-bi làm như vậy nữa.

Tôi thử quay lại, song chri chứng thực sự suy đoán xấu nhất của tôi: cửa vào giếng chính đã bị đổ, nên đã bịt kín lối ra. Bây giờ chỉ còn cách men theo con đường thông sang phía bên, bò lên trên. Nếu như gặp đường thông hơi thì sung sướng quá, vì nó có thể đưa tôi lên mặt đất. Nếu như đây là giếng mỏ xưa của cánh rừng pa-tơ-lích thì tốt quá, bởi vì tôi đại để có thể biết một con đường trong số đó. Nhưng tôi hoàn toàn không rõ Mũi Dài là một giếng mỏ to nhất của khu mỏ bỏ hoang này. Giả thử không có không khí lọt vào thì sớm muộn tôi đã chết ngạt như một con chuột ở trong cái hộp không có không khí.

Tôi nằm ở con đường hầm chật hẹp, suy nghĩ về cách thoát thân. Chiếc đèn mỏ có ắc-quy loại X-8 có thể dùng liền bảy tiếng đồng hồ. Chiếc đèn mỏ cùng đi với tôi xuống đây đã đốt trên một tiếng rồi. Chỉ mong ông Đô-bi khi xuống đây không làm hỏng ắc-quy, tôi còn có thể dùng sáu tiếng nữa. Nhiều lắm cũng không quá sáu tiếng. Còn phải chuẩn bị đối phó với mọi tình huống. Nếu quá sáu tiếng thì sao đây?

Tôi tự trả lời mình: “Như vậy thì sẽ mãi mãi đen tối! Nhưng Pin-gơ-lơ ạ, anh hãy bình tĩnh. Thế là anh đã được một bài học tốt đây. Anh quá nhẹ dạ…”.

Tôi nhớ lại rõ ràng một chuỗi những sự việc đen đủi xảy ra từ Ê-xu-ô-rơ cho tới khi trở về biệt thự của ông Đô-bi.

Song thời gian thật quý báu. Tôi kiểm tra lại các thứ mang theo mình. Trong túi tôi có năm điếu thuốc lá, hai mươi ba que diêm, một chiếc khăn tay, một miếng bánh mì kẹp giăm-bông. Những thứ đó lúc này không có lợi ích gì cả. Vì vậy, tôi nghĩ là nếu như có một con dao gọt bút chì có lẽ còn tốt hơn. Nếu như tôi đem theo con dao cắt móng tay thì cũng là một dụng cụ có ích. Chiếc mũ của tôi bị đá xé rách nhưng tôi không thấy tiếc. Lúc này chiếc đèn và bi-đông nước là thứ quý nhất của tôi. Tôi uống một hụm nước, tiếp tục bò lên phía trước.

Con đường hầm này nếu là con đường giữa hai ngách thì tôi có thể bò ra từ một ngách. Nhưng nếu ngách kia cũng bị đổ rồi thì sao?

Tôi bò lên phía trước và luôn ghi nhớ một điều là phải hết sức tiết kiệm dùng đèn và nước. Dưới ánh đèn tôi nhìn rõ và ghi nhớ đường đi rồi bèn tắt ngay đèn, lấy tay sờ sờ mặt đất, và bò hai chân hai tay về phía trước. Con đường này chỗ hẹp chỗ rộng. Điều đáng sợ nhất là con đường hầm này bị sụt hoặc giả lại là con đường cụt. Nhưng tôi không cảm thấy tức thở. Như vậy có nghĩa là có không khí lọt vào. Tôi bò về phía trước dường như lặn nhào trong một cái bể đầy mực. Tôi bò giống như con thằn lằn thời nguyên thủy khát vọng tự do.

Bỗng nhiên tay tôi bị hẫng. Dưới ánh đèn mỏ tôi phát hiện ra mình bò đến mép một vực sâu. Trên đầu tôi là một cái đỉnh tròn màu đen rộng lớn, bốn xung quanh hang có thể nhìn thấy một lớp than dầy.
 
Phía trên có nước từ giá chống mục nát rỏ xuống, còn ở bên dưới thì có làn không khí ẩm ướt lạnh buốt xông lên. Đi về phía nào bây giờ? Các mỏ ở Ê-xu-ô-rơ thường có lối ra ở cạnh núi đồi, cho nên bò xuống phía dưới có lẽ tốt hơn.

“- Này, Pin-gơ-lơ” – Tôi hét to lên. Và tiếng nói của tôi vọng lại dưới lòng đất. Cơ hội thoát ra có lẽ mỏng manh lắm đây!

Một dòng nước bẩn chảy róc rách dưới kẽ nứt đó. Trong nước còn có mấy chiếc xương ngựa do nước chảy xói đi nên sạch nhẵn. Bò xuống dưới rất phí sức. Tôi cứ bò ra theo dòng nước chảy.. Mạch nước chảy vòng quanh theo giếng mỏ, khiến tôi cũng không rõ mình bò bao lâu ở dưới lòng đất đen tối nữa. Thỉnh thoảng tôi lại thò tay xuống nước xem dòng nước chảy về đâu thì tôi sẽ bò ra phía đó.

Tôi mụ người đi vì mệt mỏi, thậm chí luồng không khí trong sạch từ phía bên thổi tới tôi cũng chẳng thấy phấn khởi gì cả.

Luồng không khí trong sạch làm tôi yên tâm. Tôi dựa lưng vào vách của những cái máng cũ kỹ đó ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, tôi đã biết mình đang ở đâu rồi, nên tràn đầy niềm tin đón gió thổi, bò ra.

Rừng thông xào xạc của cánh rừng pa-tơ-lích đón tôi thân thiết trong cảnh xanh biếc. Nắng chiều chiếu lên những cây thông cổ thụ trăm năm những chấm nâu đỏ. Không khí ngát mùi hương thông thơm phức. Rất nhiều chim muông đang hót ríu ra ríu rít, đàn châu chấu kêu vo vo, lá cây xào xạc, thỉnh thoảng có những chiếc lá nhọn bay xuống chỗ tôi từ trên bầu trời xanh nhạt. Tôi nhìn thấy có người đang phóng mô-tô trên đường cái. Rừng núi quê hương đẹp biết bao, có ích lợi biết bao! Tôi nằm trên cỏ, căng ngực lên thở hít không khí trong sạch. Đây là giếng mỏ Chiếc Sáo Ướt mà trẻ em ở Ê-xu-ô-rơ đều biết, cửa ra của nó bị cỏ dại che lấp. Mùa thu khi có gió bão, ở đây thường có những tiếng gào thét thê thảm. Dòng nước mạch chảy men theo đá ngầm về Ê-xu-ô-rơ, trôi đến bên cạnh một chiếc cầu nhỏ.

Thật không ngờ tôi lại có thể tới đây được. Tôi không rõ ở giếng mỏ Mũi Dài ngẫu nhiên bị sụt lở, hay là ông Đô-bi cố tình làm cho sụt lở. Nếu như là ngẫu nhiên thì tôi phải trở về biệt thự, tiêm nốt lần cuối huyết thanh chữa bệnh và để ông chủ tôi yên tâm. Hơn nữa, tiền của tôi còn để ở đó. Nhưng nếu đó lại là một sự sắp xếp cố ý để gạt bỏ tôi đi thì làm sao? Xem ra thì khả năng về mặt này nhiều hơn. Ông ta lấy tôi làm vật thí nghiệm chất độc đó, tôi không tin lời huyễn hoặc của ông ta bảo loại rắn Cát nhĩ có thể truyền bệnh được. Có lẽ ông ta chữa không được, sợ ngượng ngập nên làm như vậy…

Tôi quyết định đợi một thời gian, tạm để ông Đô-bi cho rằng tôi đã vĩnh viễn ở lại Mũi Dài rồi. Sau này xem tình hình ra sao hãy nói…

Một người thâm thấp đội mũ lưỡi trai đang quỳ trên mặt đất trống trong bụi rậm. Anh ta đang chăm chú nhìn bằng ống nhòm. Tôi biết người này, người va vào tôi ở hiệu thuốc là hắn ta. Người vào nhòm ngó biệt thự của ông Đô-bi cũng là hắn. Giờ đây tôi lại gặp hắn đang làm những việc mờ ám đó. Hắn đang chăm chú nhìn trộm vào biệt thự, đến nỗi tôi đứng lại ở phía sau hắn chỉ có ba bước thôi mà hắn cũng không nghe thấy gì. Cuộc sống đã dạy tôi bớt chú ý đến những việc xa lạ khác, đồng thời ngẫu nhiên biết người này thế cũng đủ lắm rồi. Tôi định không để ý đến anh ta, song chiếc cành khô dưới chân tôi bỗng kêu lên rắc rắc, khiến người thâm thấp đó quay lại.

- Anh làm gì ở đây thế? – Anh ta tức giận hỏi tôi. Trên khuôn mặt tròn đầy nếp nhăn của anh ta lộ vẻ vô cùng bực bội.

Tôi trả lời một cách thô lỗ:

- Tôi không làm gì phiền anh cả. Song, anh đừng có nằm ngáng ra đường như vậy.

Người thâm thấp lầu bầu:

- Đường ở phía kia. Anh đừng có làm loạn ở đây. Xem cái bộ dạng đáng sợ của anh kìa… Có lẽ anh vừa xuống địa ngục chơi đấy hả…

Tôi trả lời:

- Anh đoán đúng đấy. Ở dưới đó tôi nhìn thấy nhiều hang nhũ thạch đẹp tuyệt vời! Thôi tạm biệt anh bạn!

Thế rồi tôi đi xuống đường cái, song anh chàng lại gọi tôi lại.

Tôi quay người lại:

- Cái gì thế? Anh muốn gì vậy?

Lúc này anh chàng thấp lùn đứng bên cây thông, nhã nhặn ngả cái mũ lưỡi trai ra, cười mỉm bảo:

- Anh đừng coi tôi là người xấu. Tôi chẳng qua chỉ là một người nghèo đi bắt chim. Tôi đang dùng ống nhòm để tìm tổ chim đặt bẫy.

- Điều đó không có quan hệ gì đến tôi cả. – Tôi lạnh lùng trả lời rồi bỏ đi.
 
VI

Tôi khe khẽ gõ vào cửa sổ lão Tôm Bơ-rít-dơ. Sau đó đứng ở cửa gọi lão ta một tiếng. Lão chủ quán Con Hổ Nhà Vua thường định như vậy mỗi khi cần đặt một bữa chén nào đó. Bơ-rít-dơ thong thả thò cái đầu cắt ngắn nom tròn như quả bóng nhìn ra cửa sổ. So với lần cuối cùng tôi gặp lão đến giờ, lão không già đi chút nào.

- Chào bác Tôm. – Tôi chào hỏi và gắng hết sức làm cho giọng nói không thần bí quá.

Đôi mắt lạnh lùng màu xanh nhạt tròn của lão ta không lộ vẻ chào đón thân thiết gì cả.

- Chào anh bạn! – Lão lẩm bẩm một cách nhạt nhẽo rồi đợi tôi nói tiếp.

Lão chủ quán thích lối dứt khoát, rành mạch , vì thế tôi nói với giọng bạn bè quen thuộc:

- Bác Tôm này, bác có mua cái đèn mỏ này và cái bi đông nước không? Dùng đi chơi và ăn uống ngoài trời tốt quá chừng!

- Thật là quỷ sứ, chỉ có việc nho nhỏ thế mà cũng làm cho ta phải ngừng việc lại. – Lão Tôm vừa nói khe khẽ với giọng không vui, vừa thò hẳn mình ra bên ngoài cửa sổ, ngắm nhìn tôi từ đầu tới chân.

Sự việc mấy năm gần đây đã dạy cho tôi thái độ trấn tĩnh. Dưới con mắt sắc sảo của lão Tôm, tôi bình thản móc trong túi ra hộp đựng thuốc lá còn đựng mấy điếu trong đó.

- Chàng trai, cho tôi xem hàng đã.

Lão Tôm giọng khàn khàn bảo tôi. Dường như lão ta đã mủi lòng nên đặt mấy con bài xuống bệ cửa sổ. Lão ta dường như không vui lắm, thò cái tay màu hung hung nổi gân xanh lên cầm lấy cái đèn của tôi.

- Lấy trộm phải không? – Lão Tôm khẽ hỏi với giọng trầm trầm, thận trọng và lại đưa mắt nhìn tôi chằm chằm.

- Không hoàn toàn như vậy. – Tôi trả lời và thản nhiên hút thuốc. – Rất đơn giản là tôi bỏ việc làm mà lúc đầu tôi cứ tưởng dễ ăn. Nhưng rồi thực là không làm thế nào được nữa. Tôi không muốn về cái nơi chết tiệt ấy.

- Anh từ Oét-sli đến à?

- Bác Tôm, từ đâu đến thì đối với bác cũng vậy thôi mà! – Tôi trả lời, nói tiếp: - Tôi muốn tìm một chỗ thoải mái ở vài ngày, và tốt nhất là không gặp một người cảnh sát nào cả.

Lão Tôm vừa bật cái công tắc đèn mỏ lách tách, vừa nhìn vào ánh đèn chói mắt, như đang thưởng thức trò đùa vậy. Song tôi hiểu rõ chủ định của lão. Mặt trời sắp lặn, lão Tôm muốn nhìn kỹ thái độ của tôi trong ánh hoàng hôn. Tôi bước lên phía trước để ánh đèn chiếu vào mặt mình.

Tôm giọng ồm ồm bảo tôi:

- Này anh bạn trẻ, tôi không hề biết anh là ai cả. Anh có phải là tên đầu trộm đuôi cướp, cướp của hại người không đấy?

Dưới ánh mắt sắc bén của lão Tôm, tôi vẫn tự kiềm chế mình. Tôi khẩn khoản bảo lão:

- Bác Tôm này, tôi không thích làm cái việc đó đâu. Song không phải ai cũng thích ăn hành, ăn tỏi cả. Tôi bán các thứ đó để kiếm miếng ăn thôi. Qua hai ba ngày nữa chưa biết chừng tôi sẽ gặp may cho mà xem.

Lão Tôm để chiếc đèn lên cửa sổ:

- Anh bạn trẻ ạ, giao thiệp với anh sẽ bị tai họa đó. – Lão lẩm bẩm một cách lão luyện, và đưa mắt nhìn thèm thuồng cái bi-đông nước mạ bạc.

Tôi bảo:

- Bác Tôm này, toàn quận coi bác là người có lòng tốt đó. Người nào ở Oét-sli và Ê-xu-ô-rơ biết đánh bài thì không ai địch nổi bác Tôm của chúng tôi. Từ xưa đến giờ bác vẫn có lòng vị tha đối với người anh em…

Tôi dùng những lời nói phỉnh nịnh lão Tôm, cũng như cách đây ít lâu ông Đô-bi đã từng nói với tôi cũng giọng nói như vậy. Trái tim của lão Tôm không phải là sắt, nên cuối cùng mềm nhũn như bánh ngọt có phết mứt quả vậy.

Lão khe khẽ bảo tôi với giọng khàn khàn:

- Thôi được, tôi thấy cần phải giúp cậu thôi. Anh bạn trẻ vào trong này, song tôi phải biết gọi cậu là gì chứ nhỉ?

- Grếch ạ!

Lão Tôm chau mày lại:

- Grếch, cậu bẩn thỉu như cái chổi cọ nồi ấy.

Tôi trả lời:

- Vừa mới tan tầm bác ạ. Và ở mỏ người ta còn chưa xây nhà tắm nước nóng cho chúng tôi.

Lão Tôm cười gian xảo:

- Cả đời tôi lần đầu tiên mới thấy một anh thợ mỏ xuống lò đào than đi đôi giày hạng nhất, thắt ca-vát và mang theo bình nước lịch sự như vậy.

Tôi chỉ đành thở hắt ra, nhưng rồi lão Tôm cũng chán chẳng muốn hỏi thân thế tôi nữa, nên lão gật gật đầu.

- Thôi được, cậu đợi một lát, tôi sẽ ra…

- Hừ, từ trước đến giờ tôi vẫn nghĩ rằng Tôm Bơ-rít-giơ hiếu khách. – Tôi lại phỉnh lão một câu, rồi cảnh giác lấy ở trên bệ cửa sổ thứ đồ vật để giao dịch: đèn mỏ và bi đông nước.

Lão Tôm không quên cầm bài theo, rồi đóng sập cửa sổ lại.
 
Back
Top