Phòng cấp cứu ở Mỹ
Nguyễn Vũ
.... Hóa đơn có những khoản mục kỳ lạ như phí lấy máu đi xét nghiệm, phí kiểm tra mức oxy trong máu, phí tính theo phút thời gian nằm trong phòng hồi sức...
Nhưng cao nhất là một loại phí độc đáo - “phí chấn thương”, thường ở mức trên 10.000 đô la. Phí này theo giải thích của các bệnh viện là để tổ chức và khởi động một đội ngũ y bác sĩ sẵn sàng đón bệnh nhân bị thương nặng tại cửa phòng cấp cứu. Ngoài khoản tiền cao ngất ngưởng này, người bệnh vẫn phải trả các phí khám chữa bệnh và các thủ thuật khác.
Vấn đề ở chỗ nhiều bệnh nhân như bé Park Jeong không cần điều trị gì cả vẫn phải chịu “phí chấn thương” lên đến trên 15.000 đô la! Đại diện bệnh viện Zuckerberg San Francisco nói, “Chúng tôi là trung tâm cấp cứu cho một khu vực rất lớn, rất đông dân cư. Chúng tôi thường phải xử lý nhiều ca chấn thương - tai nạn xe cộ, bắn giết, đ ụng xe hàng loạt... Chuẩn bị cho những vụ đó rất là tốn kém”.
Vox kể lại một số vụ điển hình như trường hợp bà Alexa Sulvetta, một y tá 30 tuổi bị té gãy xương mắt cá. Sau khi được điều trị ở phòng cấp cứu một ngày, bà được xuất viện vào ngày hôm sau nhưng vẫn chịu mức phí kinh khủng 113.336 đô la, trong đó có 15.666 “phí chấn thương” nói trên. Đó là “phí chấn thương” loại bình thường; nếu kích hoạt đội ngũ có cả bác sĩ phẫu thuật, “phí chấn thương” có thể lên đến 30.206 đô la. Bảo hiểm của bà Sulvetta cho rằng viện phí một ngày của bà quá cao nên chỉ trả những món họ cho là hợp lý; cuối cùng còn 31.250 đô la bệnh viện đang đòi bà phải bỏ tiền túi ra trả.
Sam Hausen, một chàng trai 28 tuổi, chạy xe mô tô quẹo nhanh nên bị té. Xe cấp cứu chở anh vào bệnh viện trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo. Anh nằm ở phòng cấp cứu chừng nửa tiếng, không cần chụp X quang, không chụp CT hay thử máu gì cả. Hausen kể, “Họ chỉ cho uống ibuprofen, khâu hai mũi, truyền ít nước biển”. Nhưng vì nhân viên trên xe cấp cứu kích hoạt đội ứng cứu chấn thương nên viện phí cuối cùng lên đến 26.998 đô la và khoản mục lớn nhất chính là “phí chấn thương” lên đến 22.550 đô la. Phí chấn thương vẫn tính dù bệnh nhân được đội ngũ ứng cứu chấn thương khám hay điều trị hay không.