Cuốn sách “Vượt ra khỏi lòng tham và nỗi sợ hãi” (Beyond Greed and Fear”) của Hersh Shefrin nêu lên 7 khuynh hướng hành vi thường gặp điều khiển quyết định của các nhà đầu tư:
Các nhà đầu tư tin rằng đầu tư là sở trường của mình
Quá tự tin
Tự tin thái quá có thể nói là khái niệm dễ hiểu nhất trong tài chính hành vi. Đó là khi bạn quá tin vào khả năng phán đoán kết quả đầu tư của bản thân. Những nhà đầu tư như vậy thường sẽ không đa dạng hóa danh mục và do đó họ hay thay đổi và không kiên định.
Các nhà đầu tư không giỏi xử lý thông tin mới
Tâm lý giữ chặt
Tâm lý giữ chặt liên quan tới việc quá tự tin. Ví dụ, bạn ra quyết định đầu tư ban đầu dựa trên các thông tin mà bạn có tại thời điểm này. Sau đó, khi bạn nhận được các thông tin mới có ảnh hưởng đáng kể tới các dự đoán ban đầu, thì thay vì việc tiến hành các phân tích mới thì bạn lại chỉ sửa đổi các phân tích cũ của mình.
Do bạn dựa vào lối suy nghĩ cũ nên các phân tích được sửa đổi sẽ không thể phản ánh đầy đủ các thông tin mới.
Các nhà đầu tư kết nối những điều sai với nhau
Tính đại diện
Một công ty có thể công bố một loạt các khoản lãi lớn hàng quý. Vậy là, bạn cho rằng báo cáo kế tiếp cũng sẽ là kết quả kinh doanh tốt. Sai lầm này thuộc một khái niệm tài chính hành vi rộng hơn gọi là tính đại diện. Bạn nghĩ rằng điều này có liên quan tới một điều khác, nhưng thực tế không phải vậy.
Một ví dụ nữa của tính đại diện là việc đồng nhất một công ty tốt và một cổ phiếu tốt.
Các nhà đầu tư ghét việc bị mất tiền
Hội chứng không chấp nhận thiệt hại
Hội chứng không chấp nhận thiệt hại, hay sự phân vân khi chấp nhận tổn thất, có thể nói là sai lầm chết người. Chẳng hạn, giá trị một trong các khoản đầu tư của bạn bị giảm 20%. Trong trường hợp này, quyết định khôn ngoan nhất có lẽ là ghi nhận thiệt hại và tiếp tục bước tới. Nhưng bạn không thể ngừng nghĩ về việc những cổ phiếu đó có thể tăng trở lại.
Suy nghĩ này là rất nguy hiểm bởi nó thường dẫn tới kết quả là bạn sẽ làm tăng mức độ thiệt hại của mình trong khoản đầu tư đó. Hành vi này cũng giống như một con bạc khi thua thì lại càng đặt cược lớn hơn với hy vọng hoàn lại vốn.
Các nhà đầu tư khó quên được các ký ức xấu
Giảm thiểu sự hối tiếc
Cách bạn đầu tư trong tương lai thường bị ảnh hưởng bởi các kết quả đầu tư trong quá khứ. Ví dụ, bạn có thể đã bán một cổ phiếu và thu lời 20%, nhưng sau đó giá cổ phiếu lại tiếp tục tăng và bạn nghĩ rằng: “Giá mà mình đợi thêm chút nữa.” Hay một trong các khoản đầu tư của bạn giảm giá, và bạn ngừng lại tại thời điểm bạn đã có thể bán nó được giá. Tất cả đều dẫn đến cảm giác hối tiếc không hề dễ chịu.
Việc giảm thiểu hối tiếc xảy ra khi bạn tránh đầu tư hoặc đầu tư một cách quá thận trọng bởi bạn không muốn lặp lại cảm giác đó một lần nữa.
Các nhà đầu tư thích chạy theo xu thế
Lệ thuộc vào cơ cấu
Khả năng chấp nhận rủi ro của bạn nên được xác định bởi các điều kiện tài chính cá nhân, thời gian đầu tư, và quy mô của một khoản đầu tư trong phạm vi danh mục của bạn. Sự lệ thuộc vào cơ cấu là một khái niệm chỉ xu hướng thay đổi mức độ chấp nhận rủi ro dựa trên chiều hướng của thị trường. Chẳng hạn, mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro của bạn có thể giảm khi thị trường đi xuống. Ngược lại, tăng khi thị trường đi lên.
Điều này thường khiến các nhà đầu tư mua với giá cao và bán với giá thấp.
Các nhà đầu tư rất giỏi ngụy biện
Cơ chế tự vệ
Đôi lúc các khoản đầu tư của bạn thua lỗ. Và dĩ nhiên đó không phải là lỗi của bạn, đúng không nào? Cơ chế tự vệ dưới dạng các lời bào chữa liên quan tới sự quá tự tin. Dưới đây là một vài những lời ngụy biện phổ biến: “Giá như”, "Giá như điều này không xảy ra, thì tôi đã đúng". Không may là bạn không thể chứng minh điều ngược lại đó.