CHAPTER 2: VODKA HÀ NỘI VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ RƯỢU VIỆT NAM
Câu chuyện về rượu Vodka
Cách đây chừng hơn chục năm, các loại rượu Việt Nam sản xuất còn rất hạn chế. Thị trường bia rượu rất lớn nhưng để đầu tư một dây chuyền làm rượu công nghiệp nghiêm túc đòi hỏi vốn nhiều, do giá của một dây chuyền tách lọc tạp chất, các chất độc hại trong rượu khá đắt. Trong khi đó, sản phẩm đồ uống để thuyết phục được người tiêu dùng thì quá trình làm thương hiệu hết sức khó khăn.
Vào thời điểm đó, Vodka Hà Nội đã tung ra sản phẩm rượu Vodka chai thủy tinh, có hai loại với độ cồn khác nhau. Với hương vị đậm đà, chất men phù hợp và uống không bị nhức đầu do lọc tạp chất tốt, Vodka Hà Nội nhanh chóng trở thành loại rượu được người tiêu dùng ưa thích, cả trong Nam và ngoài Bắc.
Thành công của Vodka Hà Nội nhanh chóng tạo thành trào lưu đầu tư sản xuất rượu Vodka. Về phía nội địa, có rất nhiều thương hiệu ra đời nối theo sau: Vodka Men, Zenka, Vodka Avinaa...cùng rất nhiều loại Vodka nhập khẩu và các loại Vodka nhập rượu về đóng chai tại Việt Nam. Thị trường rượu Việt Nam phải nói là bùng nổ, với sức tiêu thụ tăng mạnh và thành công lớn cho một số nhãn hàng.
Đằng sau những bữa nhậu ngút trời, hình như các bợm nhậu ít khi để tâm tìm hiểu về thứ rượu mình thưởng thức. Trong phạm vi nhỏ hẹp này, rất mong được góp đôi câu chuyện để mọi người hiểu hơn về Vodka và rượu Vodka của Việt Nam.
Rượu Vodka nguyên là thứ đồ uống được chưng cất từ mầm lúa mạch hoặc mầm khoai tây. Người ta ủ lên men mầm khoai tây lên men thành rượu và chưng cất qua hệ thống tháp chưng khá phức tạp. Rượu thu được là loại rượu tinh chất, không màu, có nồng độ cồn khá cao. Để có rượu Vodka, người ta pha thêm nước tinh khiết để giảm độ cồn. Để tạo hương vị thì người ta pha thêm hương liệu. Để có rượu Vodka thành phẩm cuối cùng, loại rượu đã pha ở trên cần được đem ủ một thời gian mới đảm bảo hương vị chuẩn và ổn định.
Vodka ở Việt Nam, người ta vẫn nói rằng đó là loại rượu được nấu từ gạo, cho phù hợp với thói quen thưởng thức của người Việt. Nhưng sự thực thì chưa hẳn đã như vậy. Như đã đề cập, một nhà máy rượu để có một hệ thống tháp chưng cất tinh lọc các tạp chất như andehit, metilic phải đầu tư rất nhiều tiền. Thay vì việc đầu tư, người ta mua rượu cồn thực phẩm về để pha chế thành rượu Vodka. Thứ cồn thực phẩm đấy thì có thể được nấu từ gạo, có thể là sắn, thậm chí có thể là từ khoai, cái đó chỉ người nấu mới biết rõ, chứ không hẳn là tinh túy của hạt gạo như chúng ta vẫn tưởng. Cả Việt Nam, có hai nhà máy sản xuất rượu cồn thực phẩm lớn nhất là Rượu Bình Tây và Rượu Hà Nội. Sản lượng của nhà máy cồn Bình Tây, theo các anh em trong nghề, chiếm tới 60% sản lượng rượu cồn của Việt Nam. Rượu Hà Nội, sản lượng vốn không đủ để làm rượu vodka, còn phải nhập thêm cồn của rượu Bình Tây, và trước đây cả cồn của Nhà máy Đường Lam Sơn để sản xuất. Rượu cồn của Bình Tây chủ yếu được nấu từ sắn, còn cồn của Đường Lam Sơn được nấu từ nước rỉ mật, một sản phẩm phụ trong quá trình làm đường.
Thị trường từ chỗ thiếu sản phẩm rượu có chất lượng, thường phải băn khoăn với rượu cổ truyền khi không biết là rượu mình uống có đảm bảo hay không, hay lại thường xuyên đau đầu, mệt mỏi. Vodka Hà Nội xuất hiện đã đem lại luồng gió mới trên thị trường đồ uống và nhanh chóng được chấp nhận. Chai rượu của Halico nhanh chóng có mặt khắp cả nước và kéo theo trào lưu đầu tư sản xuất rượu Vodka từ đó. Các doanh nghiệp thi nhau đầu tư sản xuất với công thức cồn rượu công nghiệp, hương liệu và dán nhãn đóng chai.Việc sản xuất ồ ạt khiến chất lượng rượu Vodka Hà Nội không được đảm bảo và trên thị trường các nhãn hiệu khác liên tục chen chân để dành lấy chút ít thị phần trong miếng bánh màu mỡ.
Các nhà máy rượu mở ra, có nghĩa là nhu cầu cồn rượu tăng lên nhanh chóng. Halico nâng công suất, di dời nhà máy về Bắc Ninh. Đường Lam Sơn không còn bán cồn cho Halico nữa mà liên danh với một đơn vị mở nhà máy rượu Vodka trên Hòa Bình. Nhà máy cồn Bình Tây mở mày mở mặt khi trở thành yếu nhân ngành rượu Vodka Việt Nam. Chỉ tiếc là rượu Vodka Bình Tây, dù được chọn trên khúc cồn ngon nhất, nhưng vẫn không có hương vị thu hút khách hàng và không được người tiêu dùng ưa chuộng.
Thị trường không thể nhìn vào nguồn cồn trong nước, các doanh nhân nhanh nhạy đã gấp rút đưa Vodka ngoại, chủ yếu từ Nga và các nước thuộc Nga về bày bán. Theo đó, những tec cồn rượu từ các nước đó cũng được đưa về Việt Nam và tiếp tục công thức cồn rượu, hương liệu và dán nhãn đóng chai. Từ đó các nhãn hiệu Vodka Nga nảy nở liên tục, với vỏ chai, tem nhãn đẹp bày bán khắp nơi. Thị trường đến lúc loạn lên với rất, rất nhiều nhãn hiệu mà người tiêu dùng khó phân biệt tốt xấu, thật giả.
Đến ngày hôm nay, rượu Vodka có thị phần rất lớn trong mảng rượu mạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, do cách làm ăn chộp giật, nhiều hàng giả nên thị trường rất hỗn loạn và thiệt thòi bị đẩy về phía người tiêu dùng. Giấc mơ về một loại vodka được chế biến thuần theo phương thức xưa và được lưu ủ, tạo vị cẩn thận không còn nữa. Chúng ta đành vui với những gì hiện có để mơ ước một ngày nào đó, một ai đó, với một phương thức nào đó sẽ đem lại một loại rươu tinh thuần hơn, tuyệt vời hơn và giống loại rượu xưa hơn bao giờ hết...