VIỆT NAM 2016: SANG TRANG
..................
Năm 2015 đánh dấu một bước quan trọng trong con đường Việt Nam đi sâu vào các hiệp định tự do hóa thương mại. Những điều chỉnh mở rộng theo thỏa thuận WTO, ký kết TPP và chính thức mở cửa thị trường nội khối Asean là những sự kiện quan trọng nhất. Trong điều kiện nền kinh tế suy yếu, việc tham gia các thỏa thuận thương mại tự do đem lại những ảnh hưởng trái chiều. Về mặt tích cực, Việt Nam có thể thu hút những nguồn vốn mới đầu tư, tạo thêm nhiều động lực cho nền kinh tế. Về mặt tiêu cực, có thể thấy rõ Việt Nam dấn thân vào một sân chơi cạnh tranh quyết liệt, sòng phẳng mà chưa có sự chuẩn bị đáng kể nào. Hậu quả là các doanh nghiệp nội, bất kể doanh nghiệp lớn nhỏ đều bị ảnh hưởng khi bị cạnh tranh mạnh với những đối thủ có nguồn lực mạnh và nhiều kinh nghiệm hơn. Dĩ nhiên, thiệt thòi nhiều nhất sẽ là các doanh nghiệp SME của Việt Nam khi họ yếu và thiếu cả về công nghệ và nguồn lực.
Tác động toàn cầu hóa:
.....................
Ở một chiều khác, sau khi mở cửa theo các hiệp định thương mại tự do, các dòng vốn nước ngoài chảy mạnh vào thị trường và gây ra nhiều hiệu ứng khác nhau. Sẽ có thêm nhiều dự án, nhiều công ăn việc làm, nhưng sự ưu đãi theo các thỏa thuận thương mại sẽ không đem lại thêm nhiều cho việc thu ngân sách. Các dòng vốn ngoại sẽ dần lấn át thị trường nội địa, tạo áp lực cạnh tranh khốc liệt và dần loại bỏ những doanh nghiệp nội đuối sức trong cuộc đua cần nhiều nguồn lực này.
Có thể nhìn rõ rệt hơn khi Việt Nam sẽ dần trở thành trung tâm gia công, chế biến hàng hóa mới với lợi thế về địa lý và việc được hưởng các quy chế tự do. Lao động Việt Nam sẽ được nâng cấp về trình độ, kỹ năng làm việc, có một môi trường rộng mở hơn. Người Việt Nam sẽ dịch chuyển nhiều hơn và có thể làm việc ở nhiều nước khác nhau với nhiều thỏa thuận về hình thái lao động.
Sang trang:
Sau những biến động và các chính sách trong lộ trình vài năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã định hình rõ hướng đi của mình. Bỏ lại những kỳ vọng, những ước mơ phù hoa để về với thực tại, chúng ta chính thức bước sang một trang mới: Việt Nam trở thành một quốc gia làm thuê.
Với doanh nghiệp, việc xuất hiện những dòng vốn đầu tư mới, những doanh nghiệp nội địa nhanh chóng suy yếu trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Thời gian tới là quá trình phân hóa mạnh, và sẽ có một cuộc thanh lọc cho một chu kỳ mới. Sẽ chỉ còn lại những doanh nghiệp đủ mạnh trên thị trường. Các doanh nghiệp Nhà nước, dù muốn hay không, sẽ buộc phải tái cấu trúc. Doanh nghiệp vừa và nhỏ buốc phải tái định hướng chiến lược của mình cho phù hợp với tình hình chung và xu hướng xác định chiến lược đi theo các tay chơi lớn, tham gia vào chuỗi sản xuất của những công ty lớn sẽ trở nên phổ biến. Những tập đoàn lớn nước ngoài xuất hiện tại Việt Nam sẽ tác động mạnh mẽ đến xu hướng đó, và ngoài dệt may và da giày, lại xuất hiện thêm những lớp công ty gia công trong những ngành nghề khác.
....................................
Nền sản xuất nội địa sẽ không có nhiều điểm đáng lưu ý trong những năm tới do doanh nghiệp Nhà nước chật vật với quá trình thay đổi, còn doanh nghiệp SME thì suy yếu trong cuộc cạnh tranh trên diện rộng. Ngân sách Nhà nước tiếp tục khó khăn với gánh nặng nợ công ngắn hạn và đối diện cả với những khó khăn khi nền kinh tế thay đổi trạng thái để thích nghi với chu trình mới.
Tuy nhiên, khi trở thành điểm đến của luồng đầu tư gia công, chế xuất, hoạt động dịch vụ hạ tầng cho sản xuất, dịch vụ logistic và các hoạt động phục vụ cho hệ thống supply chain toàn cầu sẽ có những bước tiến đột phá. Khối dịch vụ có thể trở thành nhóm ngành nhiều hứa hẹn để phát triển lâu dài và có đóng góp lớn khi Việt Nam có vị trí địa lý tương đối thuận lợi trên các tuyến hải trình quốc tế. Việc mở cửa khối kinh tế Asean và việc hoàn thiện tuyến đường xuyên Á sẽ tạo điều kiện tốt hơn nữa để Việt Nam khai thác thế mạnh này của mình.
Cơ hội nào cho chứng khoán:
Nền sản xuất nội địa khó khăn, các chính sách tiền tệ bó buộc sẽ không là tiền đề ưa thích cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên trong giai đoạn chuyển đổi thành điểm gia công của thế giới với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư nước ngoài thì diễn biến thị trường sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi nhóm nhà đầu tư này.
Trong 1,2 năm tới thị trường sẽ có dao động mạnh do tác động nhiều chiều từ thực tại nền kinh tế, từ tác động của các nguồn vốn mới nhập thị trường, từ những thương vụ mua bán, thâu tóm doanh nghiệp và cả từ những thay đổi chính sách của Nhà nước với mong muốn hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đúng hẹn. Thị trường có thể phân hóa sâu sắc khi tồn tại những doanh nghiệp tăng trưởng liên tục và những nhóm doanh nghiệp bị mài mòn theo thời gian và thử thách mới của thị trường.