MỘT GÓC NHÌN VỀ THANH KHOẢN
Trong nỗ lực bình ổn lãi suất cho vay của hệ thống Ngân hàng(NH), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã siết chặt giám sát việc tuân thủ quy định về trần lãi suất nhằm ép dòng tiền huy động của các ngân hàng về mức lãi suất mục tiêu là 14%/ năm. Thời gian triển khai vừa qua, thị trường đã có những tín hiệu khả quan bước đầu nhưng vẫn còn rất nhiều vướng mắc liên quan đến hoạt động huy động, cho vay và thanh khoản của thị trường.
Những vấn đề thanh khoản phát sinh:
Sau khi NHNN có những hành động mạnh mẽ để thực hiện nghiêm trần lãi suất tiền gửi 14%/năm, lượng huy động tại các NH Thương mại tụt giảm đáng kể. Theo số liệu của NHNN, tổng số dư tiền gửi tại các NH trong tháng 10 giảm khoảng 0,74% so với tháng 9. Do lãi suất tiết kiệm không đáp ứng được lãi suất kỳ vọng, nên đã có hiện tượng người dân rút tiền hoán đổi sang mua vàng, ngoại tệ để bảo toàn giá trị tài sản. Lượng tiền gửi tại các NH tụt nhanh, đặc biệt là tại các NH nhỏ. Họ buộc phải đối mặt với vấn đề thanh khoản, hậu quả của cuộc đua lãi suất kỳ hạn ngắn trước đây, đang dần tạo thành áp lực nặng nề lên hệ thống thanh toán của mỗi NH.
Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên NH liên tục tăng cao, tạo hiện tượng phân lớp rõ ràng trong hệ thống các NH. Nhóm các NH bức bối về thanh khoản, buộc phải vay lãi suất cao trên thị trường liên NH đã trở thành nhóm bị nghi ngại bởi những rủi ro có thể gặp phải.
Nhìn dưới góc độ hiệu ứng tâm lý, niềm tin của công chúng càng lung lay khi hàng ngày phải đối mặt với thông tin về nợ xấu NH, các vụ vỡ nợ, khoản chi phí hạn chế của bảo hiểm tiền gửi . Vì thế, thời gian gần đây, không chỉ có người dân rút tiền mà cả các doanh nghiệp cũng có hiện tượng phòng thủ khi chuyển tiền về giao dịch tại tài khoản ở những NH lớn. Điều này làm cho vấn đề thanh khoản ở các NH nhỏ càng thêm căng thẳng.
Góc nhìn về bản chất vấn đề thanh khoản:
Có một nghịch cảnh mà các nhà nghiên cứu kinh tế Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng. Dù bối cảnh kinh tế có nhiều bất ổn, nhưng trong vài năm gần đây mọi người đã rất quen với những báo cáo với nhiều điểm nhấn về thành tích của NH. Trong quá khứ không xa, đã có những thời điểm lãi suất lên cao, thanh khoản nóng bỏng nhưng các NH vẫn luôn có cách tiếp cận với nguồn vốn trong giới hạn nhất định để giải quyết vấn đề của họ. Hiện tại, khi thị trường đầy khó khăn thì trong báo cáo tài chính, khoản lợi nhuận của NH vẫn là con số đáng để ngưỡng mộ
Với tư duy đắp đổi, với cách nghĩ luôn tồn tại giải pháp tình thế để tạo lối thoát, các nhà quản trị NH đã quên việc tìm ra nguyên nhân sâu xa, bản chất của sự việc để giải quyết tận gốc vấn đề thanh khoản. Và thay vì nghiên cứu và tìm ra phương thức cho bài toán dài hạn thì họ lại biến các câu chuyện lịch sử thành các điểm sáng ghi nhớ về cách ứng xử linh hoạt trong tình huống khó khăn. Lâu dần, tư duy lệch lạc về thanh khoản của Ngân hàng đã thành lối mòn trên toàn hệ thống.
Trên thực tế, gốc gác quan điểm này xuất phát từ việc Ngân hàng đã đẩy mọi rủi ro thanh khoản vào nền kinh tế. Theo đó, áp lực của việc lãi suất tăng cao, tỷ giá thiếu ổn định đã được trút bỏ sang để doanh nghiệp và người dân hứng chịu. Để giải quyết vấn đề này, các Ngân hàng buộc phải quay trở lại với việc chuẩn hóa và áp dụng hiệu quả những yêu cầu cơ bản của ngành: đó là làm rõ ràng, minh bạch hóa hoạt động của NH, nâng cao chất lượng của hệ thống quy định về an toàn, chất lượng tài sản, chuẩn hóa hệ thống báo cáo của mình.
Việc chuẩn hóa, minh bạch hóa hoạt động sẽ hướng Ngân hàng đến sát hơn với khuôn khổ của các tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy sẽ hạn chế những hoạt động rủi ro, giúp Ngân hàng vững vàng hơn trước biến động thị trường. Lúc này thị trường cũng sẽ ít gặp hơn tình trạng bấp bênh, trồi sụt thanh khoản và những sự tăng giảm bất thường của lãi suất. Đó là điều kiện thuận lợi để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp. Theo đó, việc hoạch định và điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì được các mục tiêu dài hạn một cách ổn định.
Những cố gắng chuyển mình:
Trong nỗ lực thích ứng với tình hình mới, một số Ngân hàng đã nhanh chóng điều chỉnh lại các tiêu chuẩn của mình. Những nội dung như tỷ lệ thanh khoản, chất lượng tài sản, hiệu quả hoạt động đã được theo dõi sát sao hơn. Trước những biến động thị trường bất động sản, nhiều Ngân hàng đã tiến hành tái đánh giá lại tài sản nhằm hạn chế những rủi ro do tác động của thị trường.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 35 quy định về việc công bố thông tin của các Ngân hàng, nhằm tăng tính minh bạch, lành mạnh hóa thị trường, giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân. Thông qua hệ thống thông tin đó, công chúng có thể có những đánh giá nhất định về các Ngân hàng, tạo tiền đề cho việc chuẩn hóa hoạt động toàn hệ thống Ngân hàng. Hy vọng chúng ta sẽ nhìn thấy những thay đổi tích cực và liên tục từ phía các Ngân hàng, cũng như sự quan tâm sát sao và duy trì chính sách một cách nghiêm túc từ phía Ngân hàng Nhà nước để thị trường thực sự tốt hơn.