Tiền ồ ạt chảy vào chứng khoán
4/25/2012 5
40 AM
Một lượng tiền không nhỏ ở trong dân đã và đang đổ vào TTCK trong bối cảnh đa số các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn.
Chứng khoán hưởng lợi
Trong báo cáo ngày 18/4/2012, bộ phận phân tích CTCK Bản Việt (VCSC) cho biết, trong quý I/2012, NHNN đã bơm 190 nghìn tỷ đồng vào hệ thống thông qua việc dùng 130 nghìn tỷ đồng mua 6,23 tỷ USD cho dự trữ ngoại tệ, 30 nghìn tỷ hỗ trợ thanh toán và tái cấp vốn 30 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ các ngân hàng yếu.
Cùng thời gian, NHNN chỉ rút về 70 nghìn tỷ đồng thông qua thị trường mở và 55 nghìn tỷ đồng bằng cách phát hành tín phiếu.
Tính sơ sơ, số tiền chảy vào hệ thống ngân hàng trong thời gian nói trên lên tới khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Tiền được bơm ra để làm thông thoáng các mạch máu ngân hàng và qua đó sẽ chảy vào nền kinh tế ở những kênh đầu tư hấp dẫn nhất.
Trong khi đó, một lượng tiền không nhỏ ở trong dân đã và đang đổ vào TTCK trong bối cảnh đa số các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn.
Chỉ tính riêng trong tuần thứ 3 của tháng 4/2012, tổng giá trị giao dịch của tất cả các ngày giao dịch đều đạt từ xấp xỉ 3.000 cho tới 4.000 tỷ đồng/phiên. Con số này cao gấp từ 5-7 lần so với hồi cuối năm ngoái.
Thực tế dòng tiền đang vào chứng khoán khá ồ ạt là do tín dụng vào sản xuất kinh doanh đang suy giảm. Trong khi, lãi suất tiền gửi vào ngân hàng cũng đang ngày càng kém hấp dẫn. Chỉ trong vòng chưa tới 2 tháng qua, trần lãi suất huy động đã được điều chỉnh từ 14% xuống 12%. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục theo như cam kết của Thống đốc NHNN và những chuyển biến tích cực của lạm phát.
Trong bối cảnh đó, giữ vàng cũng không còn phải là lựa chọn tốt. Liên tục trong nhiều ngày vừa qua, giá vàng quốc tế đi xuống. Giá vàng trong nước thậm chí còn giảm mạnh hơn do những quy định hạn chế về số lượng, chủng loại vàng; cấm thanh toán bằng vàng và hạn chế những đơn vị kinh doanh vàng không đủ tiêu chuẩn... Hiện tại, giá vàng xuống chỉ còn trên 42 triệu đồng/lượng một chút.
Sự kỳ vọng có lẽ giờ đây đang đặt nhiều vào bất động sản. Thị trường này trong tuần qua đã có những dấu hiệu tan băng nhất định sau khi NHNN công bố chính sách nới lỏng tín dụng đối với nhóm không ưu tiên. Theo đó, một loạt các khoản cho vay đã được loại ra khỏi dư nợ cho vay bất động sản.
Mặc dù vậy, mức giá quá cao và nhu cầu có khả năng thanh toán đối với bất động sản thấp đang khiến sự hồi phục của thị trường này trở nên chậm chạm. Không những thế, sau vài năm cho vay dễ dãi đối với bất động sản, đa số các ngân hàng giờ đây tỏ ra rất thận trọng với các khoản cho vay này. Nợ xấu treo trên đầu khiến những người muốn mua chung cư, căn hộ hay nhà đất... đều phải có tài sản thế chấp. Đây là một yếu tố ngăn cản tín dụng đến được với thị trường bất động sản vốn đóng băng trong gần một năm qua.
Trong một bối cảnh như vậy, sự phục hồi của TTCK trong thời gian vừa qua đang hâm nóng những người cầm tiền. Tâm lý bầy đàn và cơ hội kiếm tiền nhanh, 10-20% dễ như trở bàn tay và chỉ trong vòng 1-2 tuần đã khiến TTCK đang có xu hướng tăng khá rõ ràng. Những phiên điều chỉnh cũng diễn ra khá chóng vánh và ngắn ngủi.
Dẫu rằng, không ít người biết cái gốc của TTCK là doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không đẩy mạnh được sản xuất và phát triển thì thị trường có lẽ khó tiến xa. Mặc dù vậy, do giá đa số các cổ phiếu đã giảm quá sâu trong năm vừa qua, nên đợt tăng 25-30% trong 3 tháng đầu năm được coi mới chỉ vừa chớm thoát khỏi vùng đáy. Cơ hội, do vậy, theo nhiều người là còn rất nhiều. Đặc biệt, những khó khăn lớn nhất như thiếu vốn và lãi suất cao đang dần được giải tỏa. Các chỉ số vĩ mô cũng đang ngày càng bớt xấu.
Khá nhiều chuyên gia đến từ các CTCK cho rằng, trong thời gian tới dòng tiền sẽ tiếp tục đổ mạnh vào TTCK, và về dài hơi sẽ tập trung vào những doanh nghiệp có hoạt động lõi tốt. Điểm quan trọng nhất là niềm tin của các nhà đầu tư đã được phục hồi đáng kể.
Đợt hồi phục trong tháng 4/2012 này, đà tăng của TTCK có sự thận trọng hơn. Nhưng nhìn chung xu hướng tăng là khó bị phá vỡ, nhất là khi thanh khoản trên thị trường đã được cải thiện rất nhiều, gấp nhiều lần so với trước đó.
Trường hợp xấu nhất, TTCK cũng chỉ có thể lình xình hoặc điều chỉnh nhẹ trong tháng năm - một điều thường thấy trong thời gian Quốc hội họp do thị trường chờ thông tin vĩ mô và chờ đợi chính sách kinh tế mới.
Sản xuất khó khăn, chứng khoán vẫn tăng
Cở sở vững chắc nhất cho TTCK phục hồi bền vững là các doanh nghiệp hoạt động phải sinh lời ổn định. Tuy nhiên, yếu tố này đang bị đe dọa do hoạt động sản xuất kinh doanh của đa số các doanh nghiệp đang có dấu hiệu đình trệ do cầu suy yếu.
Một điều đáng chú ý trong thời gian gần đây là lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tín phiếu trong khoảng thời gian vừa qua liên tục giảm, xuống mức thấp nhất nhiều năm qua.
Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm xuống chỉ còn 5%. Lãi suất tín phiếu kỳ hạn 28 ngày liên tục giảm, xuống còn 9,5%/năm trong tuần giữa tháng 4/2012.
Hiện tượng này cho thấy, ngân hàng đang thực sự thừa vốn và không đẩy mạnh cho vay ở mức lãi suất cao được. Có thể thấy, vấn đề hiện tại không phải là tính không thanh khoản. Nó nằm ở chỗ lãi suất cho vay quá cao khiến các doanh nghiệp không vay được. Thực tế này và sự suy giảm tín dụng -1,96% trong quý I/2012 cho thấy một điều là dòng tiền chảy rất ít vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Những con số sa sút về tăng trưởng GDP, hàng tồn kho cao ngất, sức cầu thấp... đều đang chứng minh cho một thực tế sản xuất đình đốn đáng buồn này.
Sự đình trệ trong sản xuất và khả năng phục sản xuất kinh doanh chậm chạm đang khiến nhiều người lo ngại TTCK đang tăng một cách miễn cưỡng, theo kiểu tiền không biết chảy vào đâu và như vậy tính bền vững sẽ không cao.
Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng, TTCK thời gian qua có những nét tương đồng với thời kỳ bật dậy của thị trường giữa năm 2009. Điểm giống nhau là TTCK đều hồi phục sau khi nền kinh tế trải qua một đợt khủng hoảng và giá cổ phiếu ở mức rất thấp. Thị trường đã tăng mạnh trở lại khi tình hình kinh tế vĩ mô ổn định hơn và nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra.
Mặc dù vậy, có một điểm khác ở thời điểm hiện tại là nền kinh tế đang được vận động theo xu hướng tái cấu trúc mạnh mẽ hơn. Nhiều vấn đề còn tồn tại như nợ xấu ngân hàng, doanh nghiệp nguy cơ phá sản nhiều, tình trạng bong bóng bất động sản... đang được nhận biết rõ nét hơn. Nguy cơ đổ vỡ theo đó chắc chắn sẽ suy giảm. Hơn thế, một điểm quan trọng là hiện tại dòng tiền vẫn bí chỗ đến, chứng khoán có lẽ vẫn là lựa chọn trong nhiều quý tới, bất chấp bong bóng có thể hình thành nếu các doanh nghiệp tiếp tục làm ăn bi bét.