Giữ lại DNNN nào?
Chỉ riêng việc lựa chọn lĩnh vực và ngành nghề chuyên môn nào mà các DNNN nên tập trung làm tốt hay phát triển thành một doanh nghiệp có tính chủ đạo của nền kinh tế theo ý chí của Nhà nước, cũng đã là một bài toán khó.
Cái khó là các DNNN dù muốn hay không cũng đã được hình thành từ lâu, có khi không theo quy luật kinh tế thị trường ngay từ đầu, lại được nuôi dưỡng, níu kéo, hỗ trợ nâng đỡ bằng các biện pháp bao cấp của một thời kỳ kinh tế chỉ huy, tập trung kéo dài. Nên khi hội nhập kinh tế thế giới, hội nhập nền kinh tế thị trường thì các vấn đề yếu kém về con người và hệ thống được bộc lộ rõ ra.
Vấn đề con người và tư duy kinh tế chủ quan hay khách quan sẽ quyết định ngành nghề nào nên giữ lại, ngành nghề nào nên để tư nhân làm.
Vì kinh tế tư nhân với sự năng động và sáng tạo cao, động cơ hành động thường có tính khách quan, dẫn đến năng suất và hiệu quả cao sẽ luôn làm tốt, cạnh tranh tốt hơn DNNN; ngành nghề nào do ý chí của Nhà nước quyết định hay do bối cảnh lịch sử để lại, khó thay đổi, chậm chuyển đổi sang mô hình quản trị theo Luật Doanh nghiệp, hoặc các lĩnh vực mà kinh tế tư nhân chưa thể làm được do quy mô đầu tư quá lớn, hiệu quả đầu tư kinh tế chưa cao nhưng hiệu quả an sinh xã hội lớn, thì buộc Nhà nước phải đầu tư làm.
Ví như, có đại biểu Quốc hội cho rằng ngân hàng là ngành quan trọng chủ chốt của nền kinh tế nên Nhà nước phải giữ lại và đầu tư phát triển. Tuy nhiên, có rất nhiều ví dụ thực tiễn cho thấy tại các quốc gia phát triển, Chính phủ hay nhà nước không giữ hay đầu tư vào ngành ngân hàng. Họ cho rằng các ngân hàng tư nhân hay tập đoàn tài chính - ngân hàng đa quốc gia đã và đang làm rất tốt các việc liên quan đến ngân hàng! Không có lý do để nhà nước can thiệp.
Tương tự, các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, điện, khoáng sản .v.v. nhà nước hay chính phủ tại rất nhiều quốc gia chỉ xây dựng các luật đầu tư, kinh doanh, môi trường kinh doanh rõ ràng, minh bạch và không cần trực tiếp tham gia góp vốn hay đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân đang làm rất tốt các công việc của mình.
Thậm chí, ở các nước như Mỹ, Úc, Canada, Nhật... và châu Âu ..v.v.. , một số lĩnh vực đầu tư cần vốn đầu tư lớn như an ninh, quân sự, quốc phòng, hàng không, không gian, chế tạo thiết bị công nghệ cao, công nghệ sinh học, di truyền học, công nghệ nguồn, công nghiệp nặng, .v.v. nếu doanh nghiệp tư nhân đã trưởng thành, đã làm tốt thì Nhà nước cũng không cần đầu tư.
Tóm lại, việc cải cách và hoàn thiện thể chế quản lý doanh nghiệp cho các DNNN hoạt động theo luật chơi chung, luật doanh nghiệp và cạnh tranh sòng phẳng với các loại hình doanh nghiệp tư nhân khác trong nền kinh tế là rất quan trọng, vì đây là yếu tố sống còn liên quan đến hiệu quả của DNNN. Khâu tổ chức thực hiện việc tái cấu trúc DNNN sẽ gặp khó khăn lớn vì khó lựa chọn được nhân sự tối ưu để thực hiện việc tái cấu trúc do có mâu thuẫn và xung đột quyền lợi ở các cấp độ liên quan.
Nhà nước và DNNN chỉ nên đầu tư hay làm thay cho kinh tế tư nhân ở những lĩnh vực mà kinh tế tư nhân chưa có điều kiện làm tốt, chưa đủ nguồn lực để đầu tư. DNNN muốn lớn mạnh và xứng đáng là doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ chủ đạo trên thương trường thì phải cải cách sâu rộng, giải quyết được các mâu thuẫn quyền lợi bên trong và ngoài doanh nghiệp, tập trung đầu tư có chiều sâu vào các lĩnh vực mà kinh tế tư nhân chưa làm hoặc khó làm được.
DNNN còn phải mạnh dạn nhanh chóng cắt bỏ các đầu tư ngoài ngành, ngoài các lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không chủ trương khuyến khích vì đây là một xu thế hay định hướng lớn của toàn nền kinh tế. DNNN cũng sẽ phải sẵn sàng cạnh tranh được sòng phẳng với các loại hình doanh nghiệp khác trong cùng một sân chơi bình đẳng của Luật Doanh nghiệp.