BVSC cập nhật nhận định về báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ như sau:
4 câu hỏi sau khi Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ
1) Báo cáo của Mỹ nói gì Việt Nam?
Tối qua, Bộ Tài chính Mỹ sau một thời gian tiến hành điều tra đã chính thức phát hành báo cáo “Chính sách vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn với Mỹ”. Báo cáo này được thực hiện theo sắc lệnh “Omnibus Trade and Competitive Act” năm 1988 và khoản 701 của Bộ luật “Trade Facilitation and Trade Enforcement Act” năm 2015. Các đạo luật này yêu cầu Bộ Tài chính có báo cáo hàng năm nhằm phát hiện các chính sách ngoại hối mang tính bất công mà các đối tác đang thực hiện để có lợi thế thương mại với Mỹ.
Trong báo mới phát hành ngày 16/12/2020, Bộ Tài chính đã chính thức cáo buộc Việt Nam và Thụy Sỹ là những nước có hành vi thao túng tiền tệ. Theo số liệu trong báo cáo này, lũy kế 12 tháng tính đến tháng 06/2020, Việt Nam đã vi phạm cả 3 tiêu chí mà Mỹ đề ra. Cụ thể: thặng dư thương mại với Mỹ đạt 58 tỷ USD (vượt ngưỡng cho phép 20 tỷ USD); thặng dư cán cân vãng lai đạt 15 tỷ USD, tương đương 4,6% GDP (lớn hơn ngưỡng 2% cho phép); mua ròng ngoại tệ giá trị 17 tỷ USD, tương đương 5,1% GDP (vượt ngưỡng 2% cho phép).
2) Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?
Theo quy định, Bộ Tài chính Mỹ sẽ đệ trình báo cáo này lên Quốc hội Mỹ. Theo đó, Quốc hội Mỹ sẽ yêu cầu Chính phủ Mỹ tiến hành các cuộc thương lượng với nước bị cáo buộc thao túng tiền tệ nhằm tìm ra giải pháp giảm các bất công thương mại. Nếu không tìm ra giải pháp sau thương lượng, Chính phủ Mỹ có thể áp các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Trong quá khứ, đã từng có một số nước cũng bị Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ. Đó là các trường hợp: Hàn Quốc năm 1988; Đài Loan năm 1988 và 1992; Trung Quốc năm 1992-1994 và 2018.
Kinh nghiệm xử lý của các nước này là hạn chế việc can thiệp vào thị trường ngoại hối và tích cực giảm thặng dư cán cân vãng lai. Cụ thể, thặng dư cán cân vãng lai của Đài Loan đã giảm từ mức 19% GDP trước đó xuống 9% GDP vào tháng 10/1988 và 4% vào 05/1992. Tương tự, thặng dư cán cân vãng lai của Hàn Quốc cũng đã giảm từ 8,4% xuống 2,5% và thặng dư thương mại với Mỹ giảm 30% sau 2 năm. Kết quả sau đó là Hàn Quốc và Đài Loan đều không bị Mỹ áp thuế trừng phạt và sớm ra khỏi danh sách thao túng.
3) Giải pháp nào cho Việt Nam?
Sau báo cáo nêu trên của Bộ Tài chính Mỹ, Việt Nam cần sớm có các cuộc thương lượng với Chính phủ Mỹ. Theo BVSC, khả năng cao nhất là Việt Nam trong thời gian tới sẽ hạn chế việc can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối với quy mô lớn, đồng nghĩa với việc để VND mạnh lên. Song song với đó, Việt Nam cũng cần giảm thặng dư cán cân thương mại vãng lai. Chúng tôi ước tính Việt Nam cần giảm thặng dư cán cân vãng lai từ mức 15 tỷ USD (theo số liệu tính đến H1/2020 trong báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ) xuống mức 6,56 tỷ USD nhằm đưa chỉ tiêu này về ngưỡng dưới 2% GDP. Việc giảm thặng dư này có thể được thực hiện thông qua việc tăng nhập khẩu các mặt hàng là thế mạnh của Mỹ như máy móc thiết bị, khí LNG. Động thái này sẽ vừa giúp giảm thặng dư cán cân vãng lai vừa giúp giảm thặng dư TM với Mỹ.
4) Báo cáo trên ảnh hưởng đến kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam như thế nào?
Về mặt kinh tế, việc VND mạnh lên sẽ khiến khả năng cạnh tranh của hàng XK Việt Nam bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đồng nội tệ của các nước có cạnh tranh hàng XK với VN, điển hình như Trung Quốc thì đều đã lên giá mạnh so với USD trong 11 tháng đầu năm 2020 (6%). Do vậy nếu VND chịu áp lực tăng giá dưới 5% (theo nhận định của Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 8/2020, VND trong năm 2019 bị định giá thấp 4,7% so với USD) thì hàng XK của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mất đi lợi thế khi cạnh tranh với các nước khác. Ở chiều ngược lại, điểm tích cực khi VND lên giá là sẽ tạo thuận lợi cho hàng nhập khẩu cũng như giảm bớt rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định rót vốn vào Việt Nam.
Đối với thị trường chứng khoán, chúng tôi đánh giá thông tin trên khá bất lợi, nằm ngoài dự báo của giới phân tích và đa phần nhà đầu tư vào thời điểm này. Do vậy, áp lực bán có thể tăng trong ngắn hạn, nhất là ở các cổ phiếu có xuất khẩu lớn sang Mỹ. Tuy vậy, về tổng thể, chúng tôi đánh giá Việt Nam sẽ sớm có giải pháp giảm thặng dư thương mại, qua đó giúp Việt Nam sớm ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ mà không phải chịu rủi ro cao nhất là bị áp thuế ở mức cao (trên 20%) cho toàn bộ hàng XK sang Mỹ.