zug
Well-Known Member
Thế thì chịu rồi, thế giữ nguyên hiện trạng dột nát mỗi năm sơn mới 1 lần vừa thấy đẹp vừa tiêu được tiền.Đây cũng là 1 cách không xây dựng vì đưa ra giải pháp không khả thi :))))
Có bài lâu lâu trên phây LeDung dài nhưng cũng ra gì:
Giáo dục hỏng vì đâu
1. Hỏng vì vai trò bộ trưởng
Trong khó khăn thời chiến, tại sao ***** tìm ra được các bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và Tạ Quang Bửu, mà hậu thế thì không?
Tại sao ông Nguyễn Văn Huyên không phải là đảng viên cộng sản, mà có thể một mình một ngựa, gần 30 năm đằng đẵng kiến tạo ra một nền giáo dục đủ để dân học trong hầm tránh bom, quan tướng học trên bệ pháo, bên báng súng, để có thể vừa thống nhất được đất nước, vừa tạo ra được những thành tựu khoa học kĩ thuật đủ để sản sinh ra các nhân tài như Vũ Đình Cự rà phá thuỷ lôi Mỹ ở vịnh Bắc Bộ, Đàm Trung Đồn chống nhiễu rada B52, mà chúng ta chỉ đào tạo ra những chú bé có tài mở khoá, crack phần mềm?
Tại sao nền giáo dục đó lại có thể dùng một người vừa không là đảng viên, vừa có bố vợ là tổng đốc của chế độ phong kiến bị lật đổ, mà chúng ta lại không?
Tôi không đủ dữ liệu để so sánh Nguyễn Văn Huyên và Tạ Quang Bửu, với những người có thành tựu quốc tế chỉ hơn tôi vài tuổi như Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn và Ngô Bảo Châu, cùng nhiều tài năng khác trẻ hơn nhiều. Nhưng tôi tin rằng, thế hệ con cháu là chúng tôi cũng không đến nỗi nào so với thế hệ các cụ. Nhưng tại sao thời chiến rạch ròi về tư tưởng đến thế, thẻ đảng uy vọng đến vậy, mà một nhân tài ngoài đảng lại có thể được trọng dụng tận gần 30 năm, mà thế hệ chúng tôi hoặc sau này, sống trong thời bình, bộ ******* đã lớn gấp 10 lần trước đây, thì lại không có nhân tài nào ngoài đảng tham gia vào giáo dục, hoặc vào chiếu lệ như bên y tế đối với các cụ Hoàng Tích Trý, Phạm Ngọc Thạch?
Tôi không chắc có phải vì anh Nhạ, anh Sơn có biết tiếng Anh mà được chọn hay không? Nhưng tôi nghĩ, cả ba người thế hệ đầu 7 và đều ngoại 50 tôi nói trên, họ chắc chắn có trải nghiệm học thuật phong phú hơn các bộ trưởng, thành tựu rõ ràng hơn, và họ thành thạo ít nhất 2 ngoại ngữ.
***** không phải vị trí nào cũng chọn phát ăn ngay, mà trước cụ Huyên còn có cụ Ca Văn Thỉnh, cụ Đặng Thai Mai và luật sư Vũ Đình Hoè là hậu duệ tiến sĩ thời Minh Mạng, Vũ Tông Phan. Cụ Phan đỗ cao và từ quan sớm, là thầy của nhiều nhân tài, trong đó có hai Hoàng giáp và một phó bảng. So với cụ Chu Văn An, thành tựu làm thầy của cụ Phan rạng rỡ hơn nhiều.
Tôi cho rẳng nhà nước không có chính sách táo bạo và quyết liệt thôi. Chứ nếu có, để cho anh tài người Việt có thành tựu ở nước ngoài thử sức làm bộ trưởng giáo dục, hẳn không phải là khó. Mà khó ở chỗ, là có dám dùng họ như ***** dùng cụ Huyên hay không.
2. Hỏng vì thời khắc lịch sử chuyển giao
Lịch sử giáo dục cho thấy, năm 1987-1990 là 3 năm bản lề của ngành giáo dục, là thời khắc đánh dấu sự tụt dốc, mà mãi sau này mới nhận ra. Đó là thời điểm bộ đại học và trung học chuyên nghiệp do cụ Tạ Quang Bửu đứng đầu, rồi bàn giao cho cụ Nguyễn Đình Tứ, và bộ giáo dục do cụ Huyên nắm, bàn giao cho bà Nguyễn Thị Bình, kéo dài từ 1975, 1976 đến 1987, quá cảnh qua ông Hạc 3 năm cho giáo dục, rồi sáp nhập thành bộ cơ bản như hiện nay đang có.
Ông Trần Hồng Quân nắm bộ sáp nhập đầu tiên năm 1990, ngồi 7 năm và bàn giao cho ông Nguyễn Minh Hiển. Ông Hiển nắm 9 năm. Đến hết thời ông Hiển, thì bệnh đã vào đến lục phủ ngũ tạng rồi, nên có muốn cứu cũng khó. Và đổ oan cho hậu nhân ông Hiển là ông Nhân, ông Luận hay ông Nhạ chỉ là vớt vát cái hi vọng cuối cùng của chúng dân đặt lên vai người hậu thế mà thôi, chứ di căn rồi, kéo dài là may, sao còn có thể quay về thời năm xưa ao ước được.
Chẳng qua năng lực họ kém, thay vì kéo dài sự sống cho di căn của thời ông Quân, ông Hiển, thì phá cho nó nhanh đột tử hơn mà thôi.
Trong sự phá đó, thì đau đớn nhất là hệ thống trường trung học dạy nghề bài bản, hệ thống và chuẩn mực được kiến tạo từ thời ông Tứ đổ về trước, đã bị ông Quân, ông Hiển, và sau này là ông Nhân, nâng nó lên cao đẳng, rồi đại học, để quốc gia phải gánh chịu hậu quả như đang có. Không có một trưởng nghề nào nên hồn, so với hàng trăm trường nghề của thời trước.
Và phân luồng giáo dục là chính sách đúng, nhưng nền tảng giáo dục không có, đã đẩy không ít lớp thanh niên chui vào bụi rậm, học đến thạc sĩ rồi quay ra học thợ may, hay cử nhân đi chạy grab. Còn lại đóng góp nhân sự cho giới giang hồ và tệ nạn, làm kích cầu ******* thành siêu bộ như hiện nay.
Tiếc là không thấy ai làm án, xem kẻ nào đã đẩy hàng vạn thanh niên sáng láng, đầy nhiệt huyết vào con đường tội phạm vì vô công rỗi nghề và lãng phí vô cùng tận nguồn lực xã hội ở thời điểm mà quốc gia vô cùng cần sức trẻ.
3. Hỏng vì chất lượng giáo viên đứng lớp và sự lựa chọn của thời cuộc
Để xây dựng đất nước, ngành nào cũng sốt ruột, người giỏi ngành nào cũng cần, nhưng sách lược quốc gia đã không ưu tiên, không xếp hạng ưu tiên, và không trưng dụng người giỏi cho giáo dục. Như trường đại học xây dựng, từ khoá 21-22 đến khoá 36 là 14-15 năm, từ 1982-1983 đến 1996, không có sinh viên ưu tú nào ở lại làm trợ giảng, họ đi công trường, nhà máy hết.
Đứt quãng thế hệ kiểu đó là phổ biến, và đó cũng là thời khắc, chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm. Không có người giỏi lấy đâu thầy giỏi. Không có thầy giỏi thì dạy cái gì.
4. Hỏng vì chương trình đào tạo và phủ nhận sạch trơn
Bây giờ đã qua thời các em thi trắc nghiệm, và tiệm cận với thế giới ở thi đánh giá năng lực tổng hợp. Nhưng với các sách miền Nam cũ mà tôi được đọc, họ đã tiệm cận với giáo dục Mỹ từ những năm 1960s, và khi chúng tôi thi bộ đề những năm 1990s, thì sách trắc nghiệm toán và khoa học của họ đã có trước đó 30 năm, trước giáo dục chúng ta có hơn 50 năm.
Chúng ta tiêu tốn quá nhiều thời gian ở những môn học không cần thiết cho nghề nghiệp, tỷ trọng thời lượng chiếm trên dưới 40% cho các môn học ngoài chuyên ngành. Cái đúng ra cần tách nó ra khỏi thời lượng giáo dục nghề nghiệp, và chỉ áp đặt nó đối với nhân sự muốn thi tuyển vào làm công chức nhà nước. Khi đó, một kĩ sư xây dựng chỉ cần học hơn 3 năm, thay vì 4.5-5 năm như hiện có.
5. Hỏng vì sự sụp đổ của Liên Xô làm lệch chuẩn gần như mọi thước đo
Từ Liên Xô sụp đổ năm 1991, chúng ta chới với mất một thời gian, để vừa tồn tại, vừa tìm kiếm chân lý khác, từ phương Tây. Và phải mất hơn 15 năm, tiêu chuẩn AASHTO của Mỹ trong xây dựng cơ bản mới chính thức hiện diện ở Việt Nam, và dần thay thế cho tiêu chuẩn Liên Xô đã có hàng chục năm trước đó.
Hơn 15 năm, gần 2 thập kỉ, đối với các ngành kĩ thuật, đủ để cho một đứa trẻ lớn lên thành một công dân có thể được/bị chế tài bởi luật hình sự, tưởng là lâu, nhưng nó lại cực kì nhanh so với nền giáo dục phổ thông hơn 30 năm qua vẫn chưa có gì sáng sủa.
Công nghệ xây dựng Việt Nam sau toà Landmark 81 tầng, đã có thể góp chân mình mon men vào con đường hội nhập về công nghệ xây dựng tiên tiến. Thì giáo dục phổ thông so với thế giới vẫn đang trong căn nhà cấp 4.
Khổ quá, các cụ ạ, Liên Xô sụp đổ hơn 30 năm rồi, Trung Quốc từ một anh hàng xén năm 1991, nay đã trở thành cường quốc đứng thứ 2 thế giới kể cả về kinh tế và thành tựu trong học thuật rồi. Chúng ta cứ ru ngủ người trẻ mãi để chúng không lớn làm cái gì, đoàn thanh niên có chứa hết họ được không mà ru?