Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ có giải pháp thích hợp để hỗ trợ phục hồi lành mạnh TTCK.
Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 25/11 về các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội, trong đó có biện pháp phát triển thị trường tài chính, chứng khoán từ nay đến cuối năm, cũng như giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ có giải pháp thích hợp để hỗ trợ phục hồi lành mạnh TTCK.
Theo đó, cùng với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, phải tiến hành cơ cấu lại và phát triển mạnh TTCK, thị trường trái phiếu, thị trường bảo hiểm và các quỹ đầu tư theo những tiêu chuẩn quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế...
Các giải pháp mang tính kỹ thuật mà Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang quyết liệt triển khai, vốn được coi là yếu tố căn bản hỗ trợ TTCK bên cạnh yếu tố quyết định là kinh tế vĩ mô sớm ổn định trở lại. Để đạt mục tiêu ổn định vĩ mô, khi giải trình trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp cả trước mắt lẫn dài hạn.
Theo Báo cáo về thực trạng hoạt động của TĐ, TCT nhà nước của Chính phủ gửi Quốc hội, các DN này đầu tư vào chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư, ngân hàng trong năm 2006 là 6.114 tỷ đồng; 2007: 14.441 tỷ đồng; 2008: 18.840 tỷ đồng, 2009: 14.991 tỷ đồng và năm 2010: 21.814 tỷ đồng.
Các TĐ, TCT khi thực hiện quyền mua cổ phần phát hành thêm hoặc tiếp tục góp vốn vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ gồm: Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, TCT Giấy Việt Nam, TCT Lương thực Miền Nam…
Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, giải pháp quan trọng hàng đầu trong năm 2012 là tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, đưa lạm phát năm 2012 về một con số để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn, giảm chi phí đầu vào; ưu tiên tín dụng phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa. Chính phủ sẽ xem xét kéo dài thời hạn thực hiện các chính sách hiện hành về hỗ trợ thuế và đề nghị Quốc hội xem xét miễn, giảm thuế cho DN ở mức phù hợp... Khi đề cập đến các giải pháp mang tính dài hạn, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ trình Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tại kỳ họp tới của Quốc hội. Việc tái cấu trúc nền kinh tế với ba trụ cột là tái cấu trúc đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng đang được triển khai khẩn trương.
Theo Thủ tướng, việc tái cấu trúc đầu tư công được triển khai theo hướng cắt giảm gắn liền với nâng cao hiệu quả đầu tư. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí, đồng thời khẩn trương hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng thông qua các hình thức BT, BOT, PPP... Chính phủ sẽ khẩn trương chuẩn bị dự án Luật Đầu tư công và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách để trình Quốc hội.
Việc tái cơ cấu DNNN, mà trọng tâm là các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước, theo Thủ tướng, được triển khai theo hướng xác định rõ phạm vi, ngành nghề kinh doanh và phê duyệt phương án tổng thể cơ cấu lại DNNN, trên cơ sở đó xem xét phê duyệt đề án cơ cấu lại từng TĐ, TCT ngay trong năm 2011. Cùng với đẩy mạnh cổ phần hóa, sẽ tập trung xử lý dứt điểm các DN thua lỗ. Khẩn trương nghiên cứu để đổi mới cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu của Nhà nước và cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước tại TĐ, TCT...
“Các TĐ, TCT chỉ tập trung hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính; triển khai xong việc thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính trước năm 2015. Thực hiện minh bạch hoạt động của TĐ, TCT; đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác...”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, việc tái cấu trúc hai lĩnh vực trên phải gắn chặt với tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, trong đó trọng tâm là hoàn thiện và đưa vào thực hiện các tiêu chuẩn quản trị mới, các quy định về an toàn và phòng tránh rủi ro theo hướng tiếp cận nhanh thông lệ quốc tế; tăng cường vai trò giám sát của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện các tiêu chuẩn này. Thực hiện cổ phần hóa các NHTM nhà nước, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động để NHTM nhà nước thực sự làm nòng cốt trong hoạt động của hệ thống NHTM cả nước. Cùng với quy định mức vốn tối thiểu và lộ trình thực hiện phù hợp với quy mô và địa bàn hoạt động của các ngân hàng, cần có phương án xử lý cụ thể để giảm số lượng ngân hàng yếu kém kéo dài...
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã được hoàn chỉnh và sẽ trình Chính phủ xem xét trong tháng này trước khi trình Bộ Chính trị cho ý kiến để triển khai.( lãi suất cho vay về lại 14%)
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Đề án tái cấu trúc DNNN trên phương diện tài chính đang được Bộ khẩn trương hoàn chỉnh để trình Chính phủ trong tháng 12 tới, trong đó đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để sớm tái cấu trúc hiệu quả khu vực DN này.