Thiên đường trong mắt ai ?
Những ngày cuối năm ở Mỹ, thỉnh thoảng lại có người hỏi tôi, có nhớ quê hương không.
Nếu là tôi của những năm trước, khi vừa rời xa Việt Nam, có lẽ câu hỏi đó sẽ làm lòng tôi se sắt, như cảm giác bàng hoàng sau những biệt ly, như nỗi trống vắng mênh mông không thể lấp đầy.
Làm sao tôi có thể quên nơi tôi đã sinh ra, mái nhà tuổi thơ tôi lớn lên, những phố phường tấp nập, những miền quê thanh bình, quên gương mặt những người thân yêu, quên nếp nhăn trên vầng trán suy tư của cha, giọt mồ hôi nhọc nhằn trên áo mẹ, quên những dòng sông nặng phù sa sau mùa bão lũ, những cánh đồng đã nuôi lớn khôn tôi?
Edward Said, Frantz Fanon, Homi Bhabha, Stuart Hall đều đã viết về cảm giác chênh vênh, trống trải không thể gọi tên của người xa xứ. Tuy không rơi vào hoàn cảnh buộc phải rời xa quê hương xứ sở như những tác gia đó, tôi cũng không thể dối lòng mình khi chạm vào nỗi nhớ. Dẫu có sải bước giữa đại lộ thênh thang, những tòa nhà tráng lệ, được gặp gỡ những tâm hồn lộng lẫy và thưởng thức những dạ tiệc huy hoàng, tôi vẫn thấy tim mình nhói lên khi nghĩ đến quê hương.
Tôi đã từng như thế. Vì khi đó, trong lòng tôi vang lên câu thơ của Đỗ Trung Quân, "
Quê hương mỗi người chỉ một/
như là chỉ một mẹ thôi". Và tôi sợ mình sẽ không còn có nơi để đi về, không thể làm người khi không biết nhớ quê hương.
Nhưng càng đi xa, tôi càng cảm nhận được quê hương, trong tim tôi, hiện lên như một bản hòa âm với nhiều cung bậc, màu sắc của thời gian và không gian đa chiều. Tôi khước từ mọi định nghĩa đơn giản về nó.
Quê hương mà tôi bắt gặp ở Little Saigon - quận Cam, một Việt Nam thu nhỏ trong lòng nước Mỹ với 300 ngàn người Mỹ gốc Việt sinh sống, là quê hương trong hoài niệm rất xa của tôi.
Quê hương với thế hệ người Việt lớn lên trên đất Mỹ cũng khác. Họ chưa từng biết đến Việt Nam ngoài những câu chuyện kể, từ ký ức đã nhạt phai theo năm tháng mưu sinh nơi xứ lạ quê người của cha mẹ. Những người Việt ly hương khiến tôi liên tưởng đến vị thần Janus trong thần thoại La Mã với hai đầu nhìn về hai hướng, về quá khứ và hiện tại, về cả hai nơi - Mỹ và Việt Nam.
Quê hương của người Mỹ, trong cảm nhận của tôi, cũng đầy mâu thuẫn. Như Mỹ quốc - đất nước xinh đẹp, dù chất chứa trong lòng những nghịch lý, hoài nghi, mâu thuẫn, vẫn luôn bí ẩn và đầy quyến rũ. Những bất đồng hay nổi loạn ở Mỹ đã và có thể sẽ còn xảy ra vì "Giấc mơ Mỹ" không dành cho tất cả. Ở đây có những người đã êm đềm với giấc mơ, trong khi rất nhiều người khác vẫn còn đang thao thức. Và định nghĩa về người Mỹ không đơn giản ở một tấm thẻ xanh hay sở hữu quốc tịch. Khi một ai đó muốn hỏi đi hỏi lại để truy tìm nguồn gốc của bạn sau khi bạn tự giới thiệu mình là người Mỹ, bạn cần đủ tinh tế mới có thể nhận ra được sự kỳ thị đầy ẩn ý đó.
Hiển nhiên, nước Mỹ sẽ như một thiên đường nếu ta chỉ ngắm nhìn qua những bức hình trên mạng. Những biệt thự khép kín sang trọng, thơ mộng nép mình bên cánh rừng yên tĩnh, hàng cây rực rỡ đang mùa thay lá, những thung lũng êm đềm, dòng sông mơ màng uốn lượn sẽ khiến ta khao khát được một lần đặt chân đến Mỹ, được thay đổi cuộc đời. Nhưng, mọi thiên đường đều có những góc khuất buồn hiu của nó.
Góc khuất đó là những phận đời trôi dạt như Joseph và người tình của anh ta - hai cuộc đời thang lang tìm đến nhau và tá túc dưới chân cầu trước mặt ngôi nhà tôi từng ở. Chỉ cách nhau một con kênh nhỏ, mỗi ngày, mọi sinh hoạt của họ đều phơi bày trước cửa sổ nhà tôi.
Cả Joseph và người tình của anh ta đều là người Mỹ trắng. Mỗi ngày, cứ khoảng năm giờ sáng, tôi lại nghe tiếng gào thét thất thanh của Joseph, nguyền rủa bạn tình bỏ rơi anh ta để đi về đâu chỉ có Chúa mới biết. Nhưng cô đều trở về vào buổi tối. Thỉnh thoảng, tôi lại bắt gặp Joseph lang thang ở các siêu thị để lục tìm thức ăn thừa trong các thùng rác công cộng, sau đó tha tất cả những gì tìm được về lại chân cầu trên chiếc xe đẩy hàng của siêu thị. Cô bạn gái của anh thường đứng như người thất thần, áo quần tả tơi với gương mặt rất cô đơn ở những góc ngã tư đường. Thỉnh thoảng, khi từ đại học về nhà, tôi bắt gặp cô đang ôm cột điện, trên tay cầm một chiếc thẻ và lần lượt quẹt đi quẹt lại trong tuyệt vọng. Có lẽ lúc trước, khi còn tỉnh táo, cô đã phá sản hay mất hết tiền trong canh bạc nào đó, để rồi trở nên điên loạn chăng?
Nước Mỹ trong mắt tôi còn là bàn tay ấm áp tình người của chủ nhà hàng Việt Nam vẫn chìa ra mỗi tối cho Joseph. Ông trao cho anh những tô phở còn lại của nhà hàng có tên "Sóng sánh nụ cười", tọa lạc ngay phía đầu cầu, chênh chếch với túp lều của Joseph.
Nước Mỹ vẫn còn đó những hàng xóm già neo đơn, không gia đình, lìa bỏ cuộc đời khi bệnh Alzheimer trở nên trầm trọng trong cô độc, những sinh viên mồ côi, bệnh tật, nợ nần mà tôi thỉnh thoảng vẫn gặp, và rất nhiều những cảnh đời buồn bã khác.
Jacques Derrida, triết gia Pháp, từng nói, điều mới mẻ kỳ diệu như ngôn ngữ và quy luật sẽ được sáng tạo và nảy mầm từ những sự cọ xát văn hóa giữa những người không cùng một quê hương.
Là một người Việt đang sống trên đất Mỹ, tôi tự hỏi mình, rằng đôi khi tôi có vô tình quên đi lịch sử của chính mình trên quê hương mới và giá trị mà mình đang theo đuổi?
James Baldwin, nhà văn, nhà hoạt động nhân quyền có ảnh hưởng lớn của Mỹ đã viết: "Không phải tình yêu hay nỗi sợ hãi khiến con người mù quáng, mà chính là sự vô cảm của họ".
Những mâu thuẫn tưởng như không thể thỏa hiệp trong cuộc bầu cử tại Mỹ vừa qua khiến tôi nhận ra: sự hiếu khách, khoan dung, tình bạn và lòng trắc ẩn dường như xa lạ hơn đối với những người luôn đặt lợi ích kinh tế trên tất cả. Họ luôn quay cuồng dựng lên các bức tường biên giới và cả về địa lý, chính trị và đạo đức con người. Mỹ, hay bất kỳ quốc gia nào, cũng đều có những thực tế ảm đạm buộc con người phải đối diện và đổi thay.
Quê hương mà tôi vẫn nhớ da diết mỗi khi đi xa và không được trở về vào những ngày cuối năm cũng đang đổi thay, chuyển động, như mầm xanh luôn trỗi dậy dưới ánh nắng mặt trời. Quê hương của người Mỹ, của thế hệ người Việt xa xứ thứ hai, thứ ba dù có "gương mặt" khác của tôi, nhưng tôi tin chúng tôi đều gặp nhau ở một thiên đường bao dung mà ai cũng mơ về.
Võ Hương Quỳnh
https://vnexpress.net/thien-duong-trong-mat-ai-4232582.html