Điều 8. Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước;
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài quy định tại Điều 155 của Luật này;
3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại Điều 157 của Luật này.
Điều 157. Đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam
1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án để cho thuê, cho thuê mua tại Việt Nam theo quy định của Luật này.
2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài).
3. Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Điều 158. Điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
1. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập doanh nghiệp để đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua theo dự án tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 157 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng theo quy định của Luật này và pháp luật về đầu tư.
2. Đối với tổ chức nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 157 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đầu tư) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
3. Đối với cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 3 Điều 157 của Luật này thì phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Chính phủ quy định cụ thể giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.