VC - Literature !

Trong sân có một căn nhà gạch thấp lè tè. Lão Tôm chỉ cho tôi một căn buồng nhỏ để đồ đạc nằm ở góc nhà chẳng khác gì giếng mỏ Mũi Dài không có lối ra.

Lão tự hào bảo tôi:

- Trước đây Sói Con thường ở đây. Thật đáng tiếc chàng trai đó bị treo cổ rồi. Và thuần túy chỉ vì một sự hiểu lầm.

- Tôi chẳng để ý gì đến cái chuyện Sói Con ấy cả, lão lấy những thứ đó với giá hai lần năm nhé.

Lời nói đó làm lão Tôm thích thú:

- Grếch, cậu không sợ thiệt đâu. Cậu hãy nghe tôi nói nhớ! Tôi xưa nay vẫn thích những người nổi tiếng ở đây. Cậu ấy à, tôi xem ra là một tay giang hồ kỳ cựu đấy. Cậu nghỉ đi chút đã. Tôi sẽ đi lấy quần áo để cậu thay, rửa mặt mũi rồi lên phòng lớn. Hôm nay tôi sẽ chuẩn bị cho khách một bữa ăn tối ngon lành. Xúp thịt bò này, sau đến món thịt cừu nấu khoai tây. Còn rượu thì một cốc thôi, uống nhiều sẽ trả thêm tiền.

Lão Tôm vừa nói vừa đi ra để tôi ở lại chỗ ở mới…

Lúc sắp đi, lão lại bật công tắc đèn đến tách một cái. Đèn bật sáng như từ biệt tôi. Bán đi chiếc đèn tôi cũng thấy tiếc vì thực ra chỉ bán chiếc bi-đông cũng đủ rồi. Lúc tôi ở dưới giếng mỏ, chiếc đèn là người bạn đường duy nhất và trung thành của tôi. Không có chiếc đèn ấy có lẽ tôi không bò ra được khỏi cái giếng mỏ Mũi Dài đáng sợ đó.

Tôi nằm trên một cái đi-văng cũ nghỉ ngơi chừng mười lăm phút. Có người gõ cửa. Ngoài cửa xuất hiện một em bé gái bẩn thỉu đi chân đất.

Em bé gái the thé bảo tôi:

- Ông chủ sai cháu mang quần áo đến và bảo nói với chú rằng khi ăn cơm mặc bộ này rất thích hợp ạ.

Đôi mắt của cô bé long lanh, nom như đôi mắt thủy tinh gắn trên những chú chuột đồ chơi ấy. Em bé gái mở cái bọc ra nói lí nha lí nhí:

- Cháu tên là Kết. Công việc của cháu là thay nước trong chum. Cháu còn lau sàn và lau bụi bặm. Nếu chú cần gì thì chú ra sân gọi: “Kết, lại đây!” cháu sẽ lại ngay ạ! Cháu còn rửa rau và thái rau ở trong bếp…

- Cháu mấy tuổi? – Tôi hỏi.

Thấy cô bé nói năng một cách hoạt bát, sinh động và tính tình hồn nhiên, cởi mở tôi thấy có thiện cảm. Em bé tin tôi, kể lại cho tôi nghe nhiều chuyện.

- Cháu chín tuổi ạ.

Từ ngoài sân vọng lại tiếng đàn bà chanh chua:

- Kết ơi, lại đây!

Cô bé cười tinh nghịch:

- Đó là bà Bơ-rít-giơ gọi đấy! Cứ để cho bà ta gọi, bà ta cũng chẳng chết đâu mà sợ.

- Kết ạ, cháu để người khác chờ thật không nên chút nào. – Tôi nghiêm nghị bảo cô bé. Và thế là cô bé vội vã chạy đi.

Tôi rửa mặt và nhìn thấy khuôn mặt không quen thuộc của mình ở trong tấm gương treo trên chậu rửa mặt.

Lão Tôm cho mang lại cho tội một chiếc áo bơ-lu-dông đã rách, một chiếc quần có dây đeo và một chiếc mũ kê-pi. Tôi nghĩ thầm: “Ngày mai tôi sẽ kể lại cho tất cả mọi người ở Ê-xu-ô-rơ nghe, sau đó sẽ đi tính nợ với Đô-bi.”
 
VII

Gian chính của quán rượu Con Hổ Nhà Vua mù mịt trong hơi nước ẩm ướt và khói thuốc lá. Cánh cửa bếp vừa mở, tỏa ra mùi thịt cừu rán, bắp cải chua và rượu bia. Ánh lửa màu đỏ hắt ra từ lò sưởi chiếu lên chân những người đứng bên quầy hàng. Phía sau quầy lão Tôm đang chăm chú rót rượu trắng vào những chiếc chén. Từng cuộn khói phả ra từ cái tẩu to cong xuống phía dưới của lão. Mỗi lần rít một hơi thuốc, ánh lửa lại lập lòe dưới chiếc mũi nhọn của lão. Lão sử dụng khéo léo chiếc lưỡi và bộ răng để đưa cái miệng tẩu từ bên này mép sang bên kia mép. Lão vừa đếm tiền vừa trò chuyện với trên dưới chục người, đồng thời thỉnh thoảng lại nhìn về phía nhà bếp hò hét:

- Lại một cốc nữa ạ… Xin mời… xin gửi ông tiền thừa. Két, lại đây! … Pê-ghi, đừng có lấy mồm mà bắt ruồi đấy! Họ không phải thích ăn như cô nghĩ đâu… Pê-ghi, lấy hai cốc rượu vốt-ca cho ông ngồi ở góc bên trái kia kìa!...

Ngồi bên những cái bàn thô kệch là những ngư dân, phu khuân vác, thợ mỏ của Ê-xu-ô-rơ và một số người bình thản hút píp nghe những người khác tán gẫu.

Nhìn theo tôi, bác Tôm gật gật đầu ra hiệu chỉ một cái bàn nhỏ không người. Bên cạnh cái bàn là một chiếc ghế tựa cao. Chỗ đó rất thích hợp, vì tôi có thể nấp sau cái ghế cao đó nghe mọi chuyện trong cái quán nhỏ này, đồng thời có thể nhìn vào chiếc gương bầu dục treo trên cái tủ chè thấy được mọi việc xảy ra ở đây. Vị Sói Con chạy trốn cái chết phải chăng cũng thường ngồi ở đây?

Pê-ghi tóc hung đỏ mang bữa tối đến cho tôi. Tôi ăn ngấu nghiến sạch cả xương thịt cừu béo ngậy. Bên cạnh cửa sổ có mấy người đánh bài la hét ầm ĩ, khiến cho mấy người đang say sưa bên quầy rượu thấy cần phải đến cái chỗ đánh bạc đó xem sao, và nói vài câu mách nước.

- Mai-cơ chưa lấy bài… đừng có lấy con át…

- Ha… ha! Đem chủ bài ra đánh thôi.

Một đội mắt sắc bén, vô cùng quen thuộc nhìn tôi qua gương. Đó là anh chàng bắt chim. Anh ta đứng ở cửa với một ông lão cụt tay. Sau đó họ đi thẳng qua gian phòng lớn đến bên quầy. Lão Tôm cười tủm tỉm chào hỏi:

- Chào anh!

Xem ra anh chàng bắt chim rất phấn chấn. Chiếc mũ kê-pi lật ngược ra phía sau gáy, cúc áo cũng không cài. Anh chàng nói to lên:

- Ồ, chào ư? Trong những lúc này hãy rót đi đã! Cho hai cốc rượu nhé! Xin mời ông, ông Rê-đơ-di.

Cậu tôi đưa hai bàn tay run rẩy cầm lấy cốc rượu.

- Vâng, tôi uống.

Người bắt chim lại nói:

- Xin mời ông uống. Ông đã nói hết câu chuyện vừa nãy chưa ạ?

Cậu tôi và người bắt chim đứng uống rượu chỉ cách tôi có ba bước. Họ không chú ý đến ai cả.

Cậu tôi bắt đầu thao thao bất tuyệt:

- Thật thế, thằng bé ấy thật không may. Nó vốn là thằng bé táo tợn. Lạy chúa phù hộ cho linh hồn nó yên nghỉ. Nếu tôi bảo rằng thằng bé ấy là một kẻ lưu lạc trời sinh ra, nó cũng chẳng cảm thấy tủi hờn đâu. Mọi người ở Ê-xu-ô-rơ thường khuyên cha nó cứ bạt tai cho nó vài cái, ừ nó đáng đánh. Nó cùng với mười mấy đứa quỷ ranh chạy lung tung ra ngoài thị trấn bắt ổ chim, chui xuống giếng mỏ bỏ hoang. Thôi, để bác Tôm kể cho chúng ta nghe, ông ta đã lôi cái thằng bé nghịch ngợm đó từ khe suối ra như thế nào. Này bác Tôm, bác có bận không đấy? Cám ơn, tôi sẽ uống. Không nên uống nhiều đâu… uống thêm một cốc sẽ làm tôi chết sớm trước một ngày đó. Có một lần thằng bé lăn lộn khắp xó rồi quay về nhà, người lấm bê bết, làm cho bà Ô-li-vi vừa tắm cho nó vừa khóc đó. Thực là lạ lùng, thằng bé thế mà không rơi xuống giếng mỏ Mũi Dài đó… Song, người chị tôi, tức là mẹ thằng bé ấy và anh rể tôi rất thương nó…
Tôi run rẩy, chút nữa thì hóc xương ở cổ họng. Cậu ấy đang kể về tôi. Lúc này mấy tay cờ bạc cãi nhau ầm lên làm át cả lời nói của cậu tôi. Sau khi lão Tôm can ngăn rồi tôi lại nghe cậu tôi kể tiếp:

- Thế rồi khi thằng bé liều lĩnh trở về, nó hoàn toàn khác hẳn, xem như một cậu công tử vậy. Nhưng tôi vẫn thường nghĩ rằng nhà trường quý tộc đã làm hư hỏng tính tình của nó. Nó lấy một số tiền của cha nó còn lại ra đi tìm công việc. Lúc đầu còn có thư từ kể rằng sống rất khá, sau rồi chẳng có thư từ gì nữa. Cha nó cứ mong đợi thư của nó, song mong đợi cho đến khi chết vẫn không có.

Cậu bực bội lắc đầu, làm tôi tê tái cả người. Lúc này tôi mới rõ: cha tôi không còn nữa. Tôi đau đớn không biết thổ lộ cùng ai. Khi đầu óc trở lại tỉnh táo, tôi lại nghe tiếng cậu tôi kể:

- Thằng bé bướng bỉnh đó cũng gây bao nhiêu phiền phức cho tôi và làm tôi tức điên lên được. Anh thử nghĩ xem, một lần viên đại diện gọi tôi lên bảo:

- Tôi được tin chắc chắn rằng, thằng bé nhà các ông đang ngồi tù ở châu Mỹ.

Tôi bèn bảo:

- Ngài Xây-tôn ạ, nếu như cha mẹ cháu còn sống thì chắc khổ tâm lắm đó. Có cách gì cứu được nó không hả ngài? Anh xem tôi sốt ruột chừng nào, thế mà ngài đại diện còn rất bực bội đọc cho tôi một đoạn luật pháp. Sau này ông ta lại gọi tôi lên, hầm hầm bảo tôi:

- Ông Rê-đơ-di, thằng cháu nhà ông thế là tận số.

Lúc đó tôi mới rõ thằng bé nhà tôi bị chết ngập trong chiếc thuyền đánh cua bể ở Ca-li-phooc-ni-a. Tôi đành phải đeo băng tang trên cánh tay mình vậy.
 
Người bắt chim bảo:

- Thật là một câu chuyện thương tâm vô cùng. Chuyện còn gì ngày mai bác kể tiếp nhé!

Cậu tôi đau khổ cúi đầu xuống và sau đó đi chầm chậm ra khỏi quán rượu. Người bắt chim nhìn bốn xung quanh, đi đến bên tôi:

- Xin lỗi ông, các bàn đều bận cả, tôi xin ngồi với ông…

Tôi vừa mở mồm định nói “không được” thì anh chàng đã ngồi xuống bên tôi, lấy tay gõ xuống bàn:

- Người đẹp của tôi, Pê-ghi đâu rồi? Lại đây nào!

Lão Tôm ngồi chỗ chủ quán cất giọng khàn khàn:

- Pê-ghi, đừng có ngủ gật! Đến chỗ ông ngồi bên phải đi kìa!

Người bắt chim bỏ mũ xuống cầm tay phe phẩy làm quạt:

- Ông thấy nóng không ạ?

Tôi chẳng nói gì cả. Trước đây tôi thường nói chuyện với những người không quen biết, song chẳng mang lại cho tôi ích lợi gì cả. Con người thấp lùn này tìm tôi làm gì? Uống xong cốc rượu, tôi rút điếu thuốc cuối cùng.

- Ông cần lửa chứ ạ? – Người bắt chim hỏi, và đưa bật lửa đến sát mặt tôi.

Nhờ ánh bật lửa để xem xét khuôn mặt khả nghi, tôi biết rõ hắn nên tức giận thổi tắt bật lửa đi, rút diêm ở trong túi ra, châm thuốc hút, rít một hơi rồi thổi khói vào mặt người bắt chim.

Người bắt chim bị hắt xì hơi vì khói thuốc, song vẫn khiêm tốn nói với tôi:

- Tôi không bực ông chút nào. Rất nhiều người khi hút thuốc thường thích tự do một chút. Xin lỗi ông, chúng ta đã gặp nhau rồi. Sao ông không nói gì cả. Tôi đã được gặp ông ở trong bụi, hay là sớm hơn nữa nhỉ? Ồ, đúng, đúng thế. Tôi cần xin lỗi ông, tôi đã va vào ông ở hiệu thuốc. Trời ơi, ông là một con người khó hiểu.

Pê-ghi mang rượu lại. Người bắt chim giơ chén lên:

- Dù sao thì cũng cạn chén vì sức khỏe của ông!

Tôi không trả lời một câu nào về những lời ba hoa của anh ta. Tôi đang suy nghĩ lời cậu tôi. Tôi hoàn toàn tin ở những lời đó. Tôi không còn được gặp cha tôi nữa rồi. Tôi lại thổi một làn khói thuốc vào vị khách không mời mà đến đó, song anh chàng vẫn không chút chau mày.

Người bắt chim nốc một hơi rượu, khẽ lầu bầu:

- Người Ê-xu-ô-rơ ở nội thành, ngoại thành bây giờ thật lạ lùng. Sao chẳng còn cái cung cách lịch sự ấy nữa? Thật ít khi gọi lẫn nhau là “ông” và mời bạn bè một chén rượu. Ngược lại còn phun khói thuốc lá vào mũi người ta. Tôi cho rằng, đó là cái khí độc thần bí gây ra. Trời thổi làn khí độc đó tới bắt chúng ta chịu đựng. Sao? Ông không biết việc này ư? Thôi đừng vờ nữa… Chẳng lẽ ông không nghe câu chuyện cha I-ê-rê-mi hay sao? Ông không rõ chuyện các bệnh nhân của bác sĩ Phơ-lít à? Thật là kỳ lạ vô cùng! Chẳng lẽ ông ở trên cung trăng rơi xuống ư?

Tôi chậm rãi dụi tắt điếu thuốc, nắm tay đập xuống bàn, gật đầu bảo anh ta:

- Đúng, anh hoàn toàn đúng. Ta là người ở trên cung trăng rơi xuống đây. Chén rượu này chưa biết chừng sẽ rơi vào đầu anh đó! Anh hãy nhớ mãi lời ta nói: “Ta sinh ra vừa điếc vừa câm”. Vì vậy mà những lời đường mật anh nói khác gì những giọt mưa rơi xuống đống lửa. Chẳng có ích lợi gì đâu. Mong rằng anh cũng sớm biến mất khỏi nơi đây.

Tôi đi qua bếp trở về căn nhà kho bé nhỏ lúc nãy và bảo Kết đang rửa bát ở ngoài chậu:

- Cô bé đáng thương, mai gọi ta sớm một chút nhé!

- Xin ông cứ yên tâm đi ngủ đi!

Đứng bên cửa, tôi nín thở như kẻ đang bị truy lùng, chăm chú căng thẳng lắng nghe động tĩnh. Thật vậy, anh chàng bắt chim đó đã làm tôi trở lại những thói quen của kẻ giang hồ.
Song ngoài sân nhà bác Tôm vẫn yên tĩnh.
 
WP_20140501_003_zps7d2ae761.jpg
 
***

Phố Nhà Vua Anh, phố chính của Ê-xu-ô-rơ mà tôi quen thuộc từ bé cho tới nay vẫn không thay đổi chút nào, vẫn là đường phố với những hiệu thợ giặt, cửa hàng bánh mì và những hiệu tạp hóa cũ kỹ, vẫn là cảnh tượng thê lương, lạnh lẽo. Bụi bặm vẫn bám đầy cửa sổ các hiệu tạp hóa, còn những người bán hàng thì vẫn ngáp dài, các ông chủ hiệu thì vẫn mặc áo gi-lê bằng nhung.

Tôi đi trên đường phố quen thuộc. Mặt trời như mỉm cười với tôi. Đi tới một vườn hoa nhỏ, trong lòng tôi cảm thấy buồn không tả xiết.

Đây là chỗ mà ba năm trước tôi và Ê-đíp đã ngồi ở đây. Những người thợ vườn vẫn trồng những cây trúc đào. Xế bên chiếc ghế dài có một cái quầy bán hoa quả. Tôi cảm thấy rất quen cô bán hàng, nên bước lại gần. Tôi nhìn thấy trước quầy hàng có một chàng thanh niên mặt đỏ, mặc y phục rất mới đang đứng thăm hỏi cô gái bán nước hoa quả. Một đám tóc trên vai cô gái làm tôi giật mình. Chiếc nơ màu tuyết trắng ngay ngắn nằm trên vai gầy gò của cô gái. Mỗi khi đôi tay cử động, chiếc nơ lại khe khẽ rung rung.

Chàng thanh niên đưa mắt nhìn cô gái, thì thầm:

- Ôi, tiểu thư Ê-đíp, tiểu thư ngồi trên chiếc thuyền buồm của tôi thì đẹp lắm! Chúng ta sẽ đi ra mỏm Đơ-đên và lên dạo chơi ở ngọn hải đăng.

Rõ ràng cô gái đó là Ê-đíp rồi. Tôi không nhìn mặt cũng biết là cô ta. Tôi nhớ mãi đôi mắt trong sáng của cô gái, thậm chí cả đến lúc chiếc tàu Bu-hơ-xút chìm xuồng và đôi xoáy sóng cuốn tôi vào biển cả, tôi cũng nghĩ tới đôi mắt đó.

Tôi không nghe rõ Ê-đíp trả lời ra sao cả. Vì tôi đi tới trước mặt chàng thanh niên ấy chỉ một phút thôi. Tôi rất nhã nhặn bảo anh ta:

- Này anh bạn Bốp! Chiếc mỏ neo của cái thuyền buồm của anh bị đứt đó, các em ở Ê-xu-ô-rơ đang đi tìm anh khắp nơi. Chạy đến mà xem không thì đá sẽ phá vỡ chiếc thuyền quý báu của anh đó.

Bốp hoảng sợ, liếc nhìn tôi một cái rồi vội vã chạy dọc theo phố ra ngoài cảng.

- Muôn phần xin lỗi tiểu thư Ê-đíp! – Tôi lẩm bẩm rồi quay ngoắt người rời khỏi quầy bán hàng.

Lúc tôi bỏ đi, tôi cảm thấy Ê-đíp hoảng hốt và chú ý nhìn theo lưng tôi. Tôi rất muốn quay lại, song tôi đã không làm như vậy. Ê-đíp không nhận ra tôi và Ê-đíp không thể nhận ra tôi được, vì bộ mặt của tôi không phải là bộ mặt của Sem-Pin-gơ-lơ nữa rồi. Tất nhiên là Ê-đíp lo lắng cho Bốp…
Dạo bé, mỗi khi trong lòng tôi có gì tủi hờn và buồn rầu thường tôi hay tìm đến chỗ mẹ tôi để nghe những lời an ủi. Trong những giờ phút đó, tôi thường hay chạy đến mẹ tôi, kể lại cho bà nghe những điều buồn rầu và khổ tâm. Và thế là mẹ tôi sẽ nói với tôi những lời an ủi âu yếm đầy tình mẫu tử. Lúc này tôi thấy cần thiết ra mộ cha mẹ tôi để tâm trạng hốt hoảng của tôi được bình tâm trở lại.

Vườn hoa Ê-xu-ô-rơ ở bên bờ biển dốc đứng. Nghĩa địa chiếm một phần vườn hoa. Ở bên dưới, sóng biển đập vào đá ào ào. Tôi đi qua nơi kiểm soát, rồi ngôi nhà thờ cổ yên tĩnh có bức tường đá hoa cương màu tro mọc đầy dây leo, qua những mộ chí nghiêm nghị và lạnh lẽo nằm giữa hoa lá. Sau khi đi một vòng qua một con đường nhỏ, cách bờ biển chừng mươi thước Anh có hai cây tùng dáng trầm tư, tôi tìm thấy nơi cha mẹ tôi đã yên giấc ngàn thu.

Tôi bước lại nơi vô cùng tôn nghiêm đối với tôi, kính cẩn bỏ mũ xuống, rồi quỳ xuống trước mộ. Nước mặt giàn giụa trên mặt tôi, tôi thầm thì:

- Cha mẹ thân yêu của con! Cha mẹ sinh con ra… Lúc này nếu như cha mẹ nhìn thấy đứa con của mình. Con đây!

Tôi khóc nức nở, và không thấy xấu hổ về những giọt nước mắt yêu thương, buồn rầu của mình.

Tôi rưng rưng nước mắt đọc những dòng chữ trong vòng hoa cúc giản đơn trên chiếc mộ chí:

An-na Ma-ri-a Pin-gơ-lơ

192…

Chồng và con vô cùng đau đớn

Kính điếu người vợ và người mẹ.

A-di-đơ Tê-ôn-phin Pin-gơ-lơ

193…

Ngày xét xử xin đừng theo việc tôi làm mà theo tình nghĩa

Tôi cúi đầu khe khẽ kể lại những điều bất hạnh tôi đã trải qua, dường như mẹ tôi có thể nghe thấy lời tôi nói.

Bỗng nhiên ở phía sau bụi hồng có tiếng huýt sáo khe khẽ. Có người bắt chước tiếng chim kêu. Tôi cảm thấy việc thổi sáo ở nghĩa trang là một việc không bình thường nên tôi quay người lại.

Người bắt chim ăn mặc như một người đi săn thực sự đang đi men theo con đường nhỏ lại. Chiếc ống nhòm có dây đeo ở phía bên phải, còn bên trái là chiếc bi-đông của tôi bán cho lão Tôm hôm qua.

Chính anh ta đang ngẩng đầu ngước nhìn ngọn cây cao thổi sáo.

- Hừ, nếu thằng cha vô lại ấy lại đến quấy rầy ta nữa thì ta sẽ cho một trận! – Tôi đứng dậy, nắm chặt nắm đấm. Song anh chàng ấy thật mặt dày mày dạn. Hắn đi đến cách tôi hai bước thì đứng lại và bỗng nhiên dang tay ra như gặp lại người bạn cũ đã lâu không có tin tức gì cả.

Hắn gọi to lên:

- Cậu đấy à? Đúng là cậu mà. Tôi biết là sẽ tìm thấy cậu ở đây mà. Tôi không do dự mà…

Hình dáng của anh chàng bắt chim giữa bầu trời mùa xuân cạnh biển cả xanh thẳm mênh mông nom như bóng thằng hình nhân vậy. Tên vô lại đó, chỉ cần tôi đẩy một cái xuống bên dưới là hết kiếp!

Tôi bĩu môi bảo hắn:

- Quả là không sai chút nào. Anh đúng là tên lưu manh hạng nhất đấy. Tại sao anh cứ theo tôi vậy? Tôi báo cho anh biết là tôi hay mắc bệnh điên dấy…

Tiếp đó tôi giơ nắm đấm lên định đánh hắn ta. Người bắt chim vội kêu lên:

- Từ từ chứ, Pin-gơ-lơ, xin anh đợi một chút!

Tôi nghiến răng rít lên:

- Tao không phải là Pin-gơ-lơ, mày nhầm rồi!...

Người bắt chim để tay lên ngực cầu khẩn:

- Pin-gơ-lơ, anh nghe tôi nói, chính anh nhầm đó. Trời ơi, thật khó mà nhận ra tôi đấy .Anh còn nhớ ông bác sĩ ở Ma-sát-lan không hả?

Tôi hốt hoảng lùi lại một bước:

- Sao? Ông là bác sĩ Rôn-sơ hả?

- Không, tôi là Van-đốc…
 
CUỐN THỨ XI

I

Xin phép bạn đọc cho tôi được tạm nói ra ngoài đề; tôi cần trình bày rõ những chuyện lạ kỳ đã xảy ra ở Ê-xu-ô-rơ trong giai đoạn này. Đây là những điều tôi biết được qua những lần trò chuyện với nhiều người dính líu và cũng được nhiều người chính mắt nhìn thấy xác nhận thêm. Không ai có thể hoài nghi đây là những lời đồn đại vô căn cứ.

Đối với người thông thường, hồ sơ bệnh án của người bệnh trong nhà thương chỉ là những tài liệu nhạt nhẽo. Song, bác sĩ Phơ-lít thì lại quả quyết rằng, những tập hồ sơ mỏng dính viết bằng mọi kiểu chữ của các thầy thuốc điều trị, cùng những biểu đồ theo dõi nhiệt độ, những mảnh giấy giải thích về tấm phim chụp điện và giấy ghi kết quả xét nghiệm… đều là những tài liệu vô cùng quý giá. Ông ta còn bảo, có một số chứng bệnh rất lạ và khó chữa, nghe ra tuy rất khó tin, nhưng lại là điểm hoàn toàn có thực.

Vào một buổi sớm tháng năm, bác sĩ Phơ-lít đang ngồi ở hiệu thuốc của ông Ơ-rơ-phi, ông ta tạt qua đây để lấy món tiền thuốc suyễn của Ơ-rơ-phi trả. Cậu E-đơ vừa bật được nút chai xô-đa, sửa soạn ăn mừn chuyến hàng bán ra trót lọt thì người hầu gái của quan Chánh án thành phố Ê-xu-ô-rơ chạy bổ vào như một cơn lốc, chị ta bảo quan Chánh án mời bác sĩ đến khám bệnh cho ông ta nga. Chị ta chỉ biết đến giục chứ không nói được bệnh tình ông chủ chị ta thế nào.

Mãi hai phút sau, bác sĩ Phơ-lít mới ung dung đi về phía nhà ở của quan Chánh án. Xách cái xà cột đựng thuốc và đồ nghề, ông Phơ-lít nghĩ thầm: Không biết lần này tiết trời quái ác đã mang đến cho ông ta điều gì bất ngờ, và ông ta sắp phải đứng trước một cuộc chẩn đoán ra sao. Người hầu gái gà mờ đi cạnh, như một bánh pháo đang nổ, chị ta phun ra hàng thôi hàng hồi liến láu, nhưng ông Phơ-lít chỉ hiểu mang máng là quan Chánh án sáng nay đến Cục Tư pháp thành phố, nhưng ông ta quay về nhà ngay. Lúc về đến nhà, ông ta bảo: “Xi-li, cấm không được nhìn tôi”, rồi rút khăn tay ra bưng lấy mặt và chạy thẳng vào phòng ngủ trên gác. Theo Xi-li nó thì chị ta là người được chứng kiến không ít chuyện lạ, nhưng lần này chị ta chỉ bước đến trước cửa phòng và ngoan ngoãn đứng chờ lệnh chủ. Quả nhiên chị không nhầm, chi ta nghe thấy tiếng thủy tinh vỡ loảng xoảng và tiếng quát tháo của quan Chánh án:

- Xi-li! Xi-li đâu! Chết rồi! Đi tìm ngay ông Phơ-lít cho tôi, bằng cách nào cũng phải lôi được ông ta đến đây! Hãy nói với ông ta tôi bị ốm!

Trong những thiếu sót cố tật của ông Phơ-lít không có cái bệnh “hấp tấp”, càng thúc giục, ông ta càng tỏ ra thong dong, thư thái. Lúc này ông ta đã sắp đến tòa biệt thự của quan Chánh án. Ông ta bước chậm lại, đặt chân lên bậc tam cấp và đọc tấm biển quen thuộc “U-ít-sl ây, Chánh án thành phố Ê-xu-ô-rơ”.

Người hầu gái Xi-li mở cổng. Với vẻ trang nghiêm nặng nề của những quan chức nhà nước trong lúc làm phận sự, ông bác sĩ bước vào biệt thự. Bác sĩ lặng lẽ bỏ mũ lễ phục màu đen xuống, cầm khăn tay lau vầng trán hói trụi đến đỉnh đầu nhễ nhại mồ hôi và nhìn Xi-li có ý dò hỏi. Vẫn như mọi khi, người hầu gái rón rén đi lên trước dẫn đường.

Đi qua hai gian nhà khách, một rộng và một hẹp, bác sĩ lên gác hai. Giữa hai cái tủ cao to đựng toàn sách luật và tạp chí luật pháp là một khung cửa bằng gỗ mun. Chị Xi-li gõ cửa, sau đó ông bác sĩ lại gõ một lần nữa, lúc ấy mới nghe thấy tiếng quan Chánh án đáp lại:

- Không việc gì phải gõ cửa, ông Phơ-lít, ông biết tôi đợi ông sốt ruột thế nào không? Mời ông vào ngay cho. Ông hãy đuổi chị Xi-li xuống nhà hộ, đừng để chị ta nghe trộm. Chị ta vẫn có cái tật ấy.
 
Bác sĩ bước vào phòng và đóng chặt cửa lại. Tuy ánh nắng chói chang ngoài trời đang hoan hỉ chiếu qua cửa sổ, nhưng trong phòng vẫn bật đèn điện và thắp nến. Quan Chánh án U-ít-slây đang ngồi trên ghế, lưng quay ra cửa. Bác sĩ bước đến chỗ ông ta, ông ta cũng không quay lại. Ông ta đang chăm chú nhìn một vật đang cầm trên tay.

- Ông U-ít-slây, chào ông! – Với một giọng dịu dàng, quen dùng, ông bác sĩ cất tiếng chào. Giọng nói của ông ta thường làm vững lòng người bệnh.

Vẫn ngồi nguyên như cũ, ông U-ít-sl ây nài nỉ:

- Vâng, chào ông, ông Phơ-lít. Đề nghị ông đừng đến gần tôi. Ông đặt xà-cột xuống và ngồi vào ghế. Ông sắp thấy một điều khiến ông khó chịu. Tôi lo ông ngất và đánh vỡ số thuốc men mang theo.

- Có chuyện gì vậy? – Bác sĩ đặt xà-cột xuống ghế phô-tơ. Ông luôn có thói quen làm theo mọi đòi hỏi của giới quan chức tòa án. Vả lại, ông cũng rất quý bộ ống tiêm nặng hai bảng Anh do cha ông- trước kia cũng làm nghề thuốc ở Ê-xu-ô-rơ – để lại cho ông.

Ông Chánh án bực bội quát lên:

- Ông Phơ-lít, hãy đứng nguyên tại chỗ! Nghe tôi nói, nhưng không được nhìn tôi. Ông đừng tin những lời bép xép của chị Xi-li, đừng tranh luận với tôi, tôi biết rõ giọng lưỡi bọn đàn bà…

Bác sĩ Phơ-lít không lạ gì lời ăn tiếng nói của ông Chánh án, nên chỉ đứng im, nhìn vào cái gáy núc ních, đầy tóc bạc của ông U-ít-sl ây. Ông Chánh án giọng đầy xúc động:

- Hôm nay tôi phải thẩm vẫn một tên lưu manh không biết hối cải. Tôi đang viết bản án thì bỗng nhiên viên lục sự bảo: “Thưa ngài U-ít-slây, ngài làm sao đấy ạ?”. Tôi ngẩng lên thì thấy mọi người xung quanh đang há hốc mồm nhìn tôi như nhìn một thằng quỷ sứ vừa chui ở âm phủ lên. Tôi tuyên bố phiên tòa tạm nghỉ và trở về phòng làm việc. Viên lục sự đưa gương cho tôi..

- Rồi sao nữa ạ? – Ông bác sĩ trầm tĩnh với bản năng của một bác sĩ già dặn, ông ta cảm thấy chính lúc này không thể để mất khả năng kiềm chế.

Ai đã nghiên cứu những loại bệnh truyền nhiễm có tính riêng biệt, chỉ cần lục xem bản tài liệu số 124-14 trong Sở lưu trữ là có thể hiểu rõ mọi điều được ghi trong sổ tay của bác sĩ Phơ-lít. Trang 129 của bản hồ sơ này là bản dự thảo báo cáo của ông Phơ-lít trình bày với hội y học, trong đó có viết: “Loại bệnh của quan Chánh án U-ít-sl ây rất khó hiểu. Do ảnh hưởng của quá trình nung bệnh, xương mặt, da và các tổ chức dưới da… đều biến dạng. Tính chất của loại bệnh này, không sao biết được…”.

Quan Chánh án quay lại, bác sĩ Phơ-lít hoảng hốt thốt lên:

- Ông U-ít-slây, có phải ông đâu nào!

Quả vậy, người ta chỉ có thể nhận ra con người cầm gương đang ngồi trước mặt bác sĩ Phơ-lít là quan Chánh án U-ít-sl ây qua tiếng nói và bộ lễ phục của ông ta. Ông ta than vãn:

- Cả tôi cũng không nhận ra tôi nữa. Về đến nhà, tôi soi gương, trông mãi mình, tôi hoảng quá đánh vỡ luôn cái gương. Tôi có cảm tưởng mình đã biến thành một con thú ăn kiến. Ơ kìa! Xi-li lại hò hét gì ở ngoài cửa thế nhỉ? Chị ta lại nghe trộm rồi. Đồ c.hó đẻ!...

Bác sĩ Phơ-lít giữ thái độ bình tĩnh. Ông ta đá vung mảnh gương vỡ và cầm lấy tay ông Chánh án.

- Ông ngồi im, để tôi nghe mạch xem thế nào. Ông lè lưỡi ra.

Cuộc xem xét thiêng liêng và cao cả ấy bắt đầu.

Nửa giờ sau thì xong. Bác sĩ Phơ-lít kê đơn thuốc: “Ăn uống… Thuốc rửa mũi…”

Quan Chánh án lẩm bẩm:

- Có lẽ tôi phải tự giam mình trong phòng ba ngày ba đêm nhỉ? Tôi không thể đến Cục tư pháp với bộ mặt như thế này. Đành phải ngồi tù lần đầu tiên trong đời vậy.

Giữa lúc ấy có tiếng chuông điện thoại. Ông bác sĩ già nhấc ống nghe lên. Hóa ra ông Xây-tôn, người thay mặt Cục tư pháp gọi điện hỏi bác sĩ Phơ-lít có đấy không.

Ông bác sĩ đáp:

- Vâng, tôi đang ở đây. A-lô, ông mời tôi đến chỗ ông à? Vâng, được… Không phiền hà gì cả. Trái lại, bổn phận của tôi mà! Bệnh tình ông U-ít-sl ây ấy ạ? Rất tốt… à… à… Ông nghe thấy thế ạ? Phải, không có gì ghê gớm cả… Lợi hơi bị sưng. Gì cơ ạ? Ông cũng bị sưng mộng răng ạ? Hay lắm. Không, không, tôi đây, tôi muốn nói sưng mộng răng chẳng có gì là đáng ngại cả…

Trên đường đến nhà ông Xây-tôn, dáng đi của bác sĩ Phơ-lít không được thong dong, quen với cảnh sống lặng của thành phố Ê-xu-ô-rơ nữa. Lúc này đầu óc ông đang bị quấy đảo bởi những ý nghĩ lo lắng, chẳng khác nào ông vừa phát hiện ra tảng đá ngầm dưới mặt sông phẳng lặng.
 
II

Qua những dòng ghi chép của bác sĩ Phơ-lít, có thể nhận ra khía cạnh hơi khác biệt khi ông ta nói về bệnh tình của ông Xây-tôn. Sau đó cậu E-đơ, một người có tài năng về môn kịch nói, đã thể hiện một cách sinh động trước mặt tôi trạng thái tinh thần của bác sĩ Phơ-lít và của người bệnh mà ông ta điều trị, bởi vì một số người có liên quan vẫn mang đến hiệu thuốc những tin tức về bệnh tình và tình trạng phục hồi của người bệnh.

Sáng sớm, trong lúc ông quan tòa U-ít-sl ây đang làm bản án cho một tên lưu manh thì ông Xây-tôn ngồi đọc bản dự thảo di chúc tại văn phòng. Bản di chúc này do một quả phụ và là giáo dân cao quý thuộc khu vực cai quản của cha I-ê-rê-mi nhờ làm hộ, tên bà ta là A-lít-xa Bô-li-va. Bà ta dự định sau khi chết, thì toàn bộ tài sản đáng giá một ngàn một trăm ba mươi chi-ni sẽ được chuyển giao cho Ban Cứu tế xã hội.

Người giúp việc mới đến của ông đại diện Xây-tôn bước vào văn phòng để báo cáo một việc gì đó rất gấp. Anh ta là cháu của người đàn bà giàu sang được ông già Xây-tôn ủy nhiệm, vì thế nên mới được đặt chân đến văn phòng của ngài đại diện thiêng liêng này. Bà thím còn ra một điều kiện cho đứa cháu nếu anh ta không từ bỏ cái thú đi bơi thuyền thì sẽ bị tước quyền thừa kế. Người cháu ấy tên là Bốp. Đến đây tôi muốn nói thêm một điều: cái anh chàng Bốp ấy có đôi mắt đờ dại, không những thế, đôi vành tai anh ta cũng xấu khiếp đi được.

Tóm lại, Bốp bước vào, định báo cáo với ông Xây-tôn có dây nói từ văn phòng tòa lâu đài Ôn-đơ-mau-tơ gọi đến. Ông Xây-tôn ngừng đọc và chau mày nghiêm nghị. Nhưng Bốp không sao thốt ra lời, vì anh ta vô cùng sửng sốt. Anh ta cảm thấy nếu ông Xây-tôn không trát lên mặt một lớp phẩm màu đủ các màu tạp nham thì cũng đeo một chiếc mặt nạ kiểu In-đi-na rất khủng khiếp.

Ông Xây-tôn cáu lên:

- Bốp! Sao anh trợn mắt lên như thế?

Bốp sợ cứng cả lưỡi. Anh ta lắp bắp:

- Lạy chúa! Thưa ngài Xây-tôn, ngài làm sao đấy ạ?

Chiếc mặt nạ của Xây-tôn càng khủng khiếp. Bốp sợ run lên.

- Có việc gì anh cứ nói! – Ông Xây-tôn cất giọng khiển trách và đứng dậy khỏi ghế bành.

- Trời ơi! Mặt ngài… - Bốp kêu thất thanh rồi chạy ra khỏi văn phòng.

Cử chỉ của Bốp làm ông Xây-tôn ngớ ra. Cử chỉ đó rõ ràng là không bình thường! Anh chàng điên rồ ấy vừa nhắc đến chuyện mặt mũi gì ấy nhỉ! Ông Xây-tôn vội bấm ba hồi chuông điện.

Sau đó là sự xuất hiện của người hầu già tên là Tim. Người hầu già tận tụy ấy cứ cách một giờ đồng hồ lại bê vào cho ông chủ một chén trà rất nóng. Lão bưng trà bằng một cái khay, nhưng lão đã chứng kiến một cảnh tượng khác thường. Ông Xây-tôn đang đứng trước cửa sổ, nhún vai lia lịa và cúi người soi vào cửa kính. Sau mới vỡ lẽ ra trong văn phòng không có gương soi, nên ông Xây-tôn định soi vào cửa kính xem mặt mũi mình thế nào. Ông ta thấy một bên má sưng húp lên lạ lùng, song ông ta không tỏ ra sửng sốt. Vì lẽ những vụ án mà ông ta đảm nhiệm trong suốt thời gian dài là những vụ án dân sự, cho nên ông ta đã sớm bỏ mất một đặc điểm tuyệt vời của con người đang sống: đó là năng lực của sự kinh ngạc.

- Gương! – Ông Xây-tôn chỉ sai người hầu già có thế.

Ngắm mãi bên má bị sưng, ông Xây-tôn rút ra một kết luận duy nhất: phải mời bác sĩ Phơ-lít. Chỉ có bác sĩ mới không lấy cái giá cắt cổ và chỉ cần khám một lần là bệnh được chữa khỏi. Đó là biện pháp mà ông Xây-tôn có thể chấp thuận được. Ông Xây-tôn không thể quẳng tiền cho những kẻ chỉ biết nói với ông rằng: “Sưng miệng tức thị là sưng mộng răng”. Nhưng cái chứng bệnh khốn kiếp này hình như có chiều hướng kéo lên tai.

Xây-tôn ra lệnh:

- Lão Tim, không cho bất cứ ai vào phòng này nhớ! Ngoài bác sĩ Phơ-lít, không được cho ai vào đâ cả! Thôi ra đi. À, khoan, hình như ông Bốp không được khỏe lắm, có phải không?

Người hầu già được rèn cặp theo đúng khuôn phép có thể phân biệt rạch ròi từng lời lẽ của chủ. Ông ta cúi chào và thưa rằng:

- Bẩm ông lớn, con e có thể như thế. Nhưng mà…
Hai tiếng “nhưng mà” nói ra với vẻ không hài lòng. Bởi vì, anh chàng Bốp luôn luôn quên mất món quà anh ta phải biếu ông già Tim vào những ngày thứ bảy, cho nên lão không thích anh ta. Lão Tim bước ra khỏi văn phòng thì thấy Bốp đang hào hứng thuật lại chuyện gì đó với cô thư ký tốc ký. Lấy tư cách là người làm việc lâu ở đây, lão chõ vào tai Bốp, bảo:

- Nếu muốn được hầu cận ngài Xây-tôn thì khi thấy trên má ngài có điều gì khác lạ, ông cũng cần giữ mồm giữ miệng cho…

Ông Xây-tôn gọi điện đi các nơi tìm bác sĩ Phơ-lít. Sau đó bác sĩ đến, khám xong ông ta kê đơn thuốc.
 
Lúc bác sĩ Phơ-lít ra khỏi nhà ông Xây-tôn thì trời đã xế chiều. Ông ta đi trên phố Nhà Vua Anh chưa được một trăm thước thì một viên sĩ quan cảnh sát để râu và đeo lon đuổi kịp ông.

Viên cảnh sát trưởng vừa hỏi vừa giơ bàn tay đeo găng trắng lên chào:

- Thưa ông, ông có phải là bác sĩ Phơ-lít không ạ?

- Phin-lơ, lẽ nào ông không nhận ra tôi ư? – Bác sĩ Phơ-lít đứng lại và hốt hoảng sờ lên gò má.

Ông cảnh sát trưởng trả lời:

- Tất nhiên nhận ra! Nhưng ngài Cục trưởng…

- Ngài Phơ-rê-sơn ốm à?

- Báo cáo! Sáng sớm ngài Cục trưởng vẫn khỏe. Nhưng ăn bữa điểm tâm thứ hai xong, phu nhân ra khỏi buồng ăn một lúc, khi trở vào bà thấy mặt ngài Cục trưởng…

Ông cảnh sát trưởng chưa kịp báo cáo hết thì bác sĩ Phơ-lít đã chạy thẳng về phía nhà riêng ông Cục trưởng nhanh đến nỗi ông cảnh sát trưởng đuổi không kịp. Trong lúc ấy E-đơ đang pha chế gấp cùng một loại thuốc cho quan Chánh án và ông Xây-tôn trong một cái bình mười bảng Anh theo đơn thuốc của bác sĩ Phơ-lít. Qua khung cửa sổ, E-đơ trông thấy ông bác sĩ đang chạy trên đường và ông cảnh sát trưởng đang đuổi theo. Chị Xi-li và ông già Tim đang đứng đợi chờ lấy thuốc cũng trông thấy cảnh tượng đó. Cả ba người đều cho rằng ông cảnh sát trưởng đang đuổi bắt bác sĩ Phơ-lít.

Bà vợ ông Cục trưởng ra đón bác sĩ Phơ-lít, nước mắt giàn giụa:

- Trời ơi, khủng khiếp quá!

- Người bệnh đang ở đâu? – Ông bác sĩ hỏi gấp. Ông ta quên bỏ mũ chào bà chủ nhà.

- Trong phòng ăn. – Nói xong, bà Phơ-rê-sơn thổn thức khóc thành tiếng.

Bác sĩ Phơ-lít đạp chân lên những mảnh đồ sứ vỡ nát trên nền nhà. Ông Cục trưởng đang ngồi trước chiếc bàn tròn ngổn ngang chai lọ, đĩa thức ăn thừa và rất nhiều gương soi (tất nhiên là toàn bộ số gương hiện có trong gia đình). Ông ta mở phanh áo, đầu luôn ngọ nguậy và đang nói lầm rầm những gì không rõ.

Bà vợ ông Cục trưởng theo ông bác sĩ vào, bà nói qua hai hàng nước mắt:

- Nhà tôi bắt đầu sưng từ lỗ mũi bên trái.
Chiếc khăn ăn vẫn gài trên ngực áo sơ-mi ông Cục trưởng chứng tỏ tai nạn đã bất ngờ giáng xuống đầu ông ta. Ông ta vừa dùng xong món điểm tâm ngọt thì bất ngờ xương gò má ông ta bỗng biến đổi hẳn, cứ như bị ma ám vậy. Sau đó mồm và cằm ông ta cũng sưng lên làm cho mặt ông ta rất đáng sợ.

- Trường hợp thứ ba. – Bác sĩ Phơ-lít cất giọng hăm hở và đặt tay lên vai ông Cục trưởng. – Thưa ngài đại tá… chúng ta sẽ tìm ra ngay nguyên nhân. Ngài cứ bình tĩnh! Tôi đây, tôi là Phơ-lít…

Ông Cục trưởng ngước mắt nhìn bác sĩ Phơ-lít:

- Ôi, ông Phơ-lít đấy ư? Rất hân hạnh… Một bộ mặt quỷ quái! Xin lỗi, tôi đang nói về tôi đấy ạ.

- Ông Phơ-rê-sơn, ông vẫn tỉnh đấy chứ!

Bà vợ Cục trưởng vừa van vỉ vừa đưa chiếc khăn tay viền đăng ten lên lau nước mắt chảy giàn giụa.

Ông Phơ-rê-sơn phản ứng một cách tỉnh táo:

- Tôi có mê muội đâu! Bác sĩ Phơ-lít, nhà tôi quá lo đấy thôi. Tôi muốn biết ý kiến ông. Tôi soi gương và tự hỏi: “Có phải mình không? Chết thật!”.

Bác sĩ Phơ-lít trả lời:

- Ngài để tôi còn xem xét đã. Ngài cho biết bệnh của ngài bắt đầu như thế nào…

Ông Cục trưởng kể lại sự việc. Bác sĩ Phơ-lít nhận ra ngay đây là con bệnh thứ ba mắc cùng một thứ bệnh ông đã gặp. Ông chưa biết bệnh đó là bệnh gì. Giá có lục toàn bộ những tạp chí Dao Lá Liễu lúc bấy giờ và quyển Bách khoa toàn thư cũng không tìm thấy một dòng chữ nào giải thích được nguyên nhân của sự biến đổi trên mặt ông quan tòa, ông đại diện tư pháp và ông Cục trưởng. Vậy đây là chứng bệnh gì?

Ở trang 249 của bản tài liệu nằm tại Cục lưu trữ đã được nhắc đến trên kia, bác sĩ Phơ-lít viết rằng: “Nếu vò tấm ảnh của người quen, mọi đường nét sẽ đều nhòa đi, làm cho nó không giống với hình dáng ban đầu.”

Ông Cục trưởng giận dữ:

- Thật khốn nạn! Tôi nằm trên giường để làm gì! Ông bác sĩ, phải làm việc, ông hiểu chứ? Tôi phải làm việc chứ không phải ổm ở nhà.

Bác sĩ Phơ-lít dỗ dành:

- Mọi chuyện sẽ lại đâu vào đấy.

Giọng bác sĩ trở nên chậm rãi. Suy nghĩ mãi, cuối cùng ông rút ra kết luận:

- Rõ ràng còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ. Dựa theo sự biến đổi của bệnh trạng, chờ đến lúc thuận lợi sẽ có những biện pháp thích đáng, đấy là phương thức tốt nhất để chữa thứ bệnh ngài đang mắc.

Ông Cục trưởng bước tới chỗ cái tủ buýp-phê, cất giọng trầm tĩnh:

- Thôi được, lần nào ông cũng làm cho tôi yên tâm. Tôi cảm thấy cơ thể tôi rất cường tráng và khỏe mạnh. Vả lại, đối với công việc thì mặt mũi cũng chẳng quan trọng lắm. Ông bác sĩ, tôi còn phải hỏi ông, mắc bệnh này uống rượu ngọt hay là cô-nhắc hơn?

Bác sĩ Phơ-lít bật ra ý kiến suy đoán mới:

- Đây không phải là bệnh mà là trạng thái của cơ thể.

Ông Cục trưởng lấy trong tủ ra một chai rượu:

- Không phải bệnh! Ôi, càng hay. Trạng thái cơ thể thì sẽ có lúc hồi phục…

Ông rót ra hai cốc rượu nhỏ, uống xong một cốc, mặt ông ta ửng đỏ, nhưng giọng ông ta vẫn dịu dàng:

- Mời bác sĩ uống và không cần an ủi tôi. Là một quân nhân, tôi thích nhìn thẳng vào hiểm nguy. Hôm qua, con hươu cao cổ của rạp xiếc cũng mắc chứng bệnh này. Tôi đã có biện pháp dứt khoát, cử ngay thú y đến. Tôi biết quan Chánh án và quan đại diện đều đã ốm, tôi đoán chắc bác sĩ đang bận. Ông không uống ư? Thôi vậy, chào ông! Đừng bắt tay tôi thì tốt hơn…

Bác sĩ Phơ-lít chỉ còn biết nhấc mũ lên và cúi người xuống. Ra đến hành lang, trông thấy bà Cục trưởng đang xăm xăm bước đến, ông hỏi bà chỗ rửa tay rồi bước đến chỗ cái vòi nước nóng trước mặt, lấy xà phòng và bàn chải cọ tay rất kỹ.
 
III

Hôm ấy, bác sĩ Phơ-lít không ăn bữa trưa đúng vào giờ cố định bất khả xâm phạm của ông. Vừa bước ra khỏi nhà Cục trưởng thì ông Mai-cơn trong Tòa Giáo hội đã hối hả chạy đến mời ông đến khám cho con bệnh thứ tư.

Ông I-ê-rê-mi đang nằm trong phòng, bên cạnh mấy cái túi chườm nước nóng. Trong bóng tối đầy bí ẩn, bác sĩ Phơ-lít trông thấy một chiếc bàn nhỏ kê sát đầu giường. Quanh giường vị giáo chủ còn có ba người đàn bà đang ngồi kính cẩn trên ghế; một bà đang lầm rầm đọc kinh. Qua giọng nói, bác sĩ Phơ-lít nhận ra bà đó là bà Bê-đơ-rơ-vo, một khách hàng lâu năm của mình, và cũng là bà thím của anh vận động viên Bốp. Nhưng ba người đàn bà không ai để ý đến sự có mặt của bác sĩ Phơ-lít vì họ đang dồn mọi tâm trí vào việc cầu kinh:

- Chúa rủ lòng thương bầy con chiên trung thực – Một bà cầu nguyện, cứ thốt được ba chữ, bà ta lại thở dài một cái – Kẻ tôi đòi của Chúa đang ngợi ca người. A-men…

- A-men! – Đức cha I-ê-rê-mi cất giọng yếu ớt – Ai vào đấy nhỉ? Ông bác sĩ đáng kính nhất đời của tôi đấy phải không?

- Xin chào giáo chủ! – Bác sĩ Phơ-lít cất giọng kính cẩn và cúi chào ba người đàn bà.

- Chào ông! – Giáo chủ I-ê-rê-mi cất giọng rên rỉ. Đến thăm người gặp nạn tức là ông đã làm điều phúc, kinh thánh đã viết: “Ta ốm, hãy đến thăm ta.”

Bác sĩ Phơ-lít bước đến cạnh giường, hỏi người đang nằm:

- Ngài làm sao thế ạ? Tối quá! Phải bật đèn lên chứ…

Viên giáo chủ uể oải xua tay:

- Không, ông đợi cho một lát. Tôi vừa nghe hết bài kinh Bô-nhi-pha-si-a, lời kinh thánh đang âm vang trong linh hồn tôi.

Một bà khác cất giọng kính cẩn:

- Bà Bê-đơ-rơ-vo chưa đọc hết ạ…

- À, cha biết, hỡi con chiên Bô-li-va yêu quý – Đức cha I-ê-rê-mi hạ thấp giọng, vẻ khiêm nhường hơn – Còn bốn đoạn chưa đọc. Nhưng ân đức của Chúa cũng sẽ ban phát cho kẻ đau khổ.

Bác sĩ Phơ-lít không sao nhẫn nại được nữa. Sự bận rộn trong ngày làm ông vừa đói vừa mệt. Ông cúi xuống đầu giường định nhìn kỹ mặt đức cha. Ông cảm thấy đôi môi vị giáo chủ chạm vào vành tai mình, và ngay lúc ấy ông nghe thấy một giọng nói thầm thì, đầy nghị lực:

- Ông Phơ-lít thân yêu, nhờ ông tìm cách bảo mấy bà ra ngoài hộ.

Nghe thấy vậy, ông bác sĩ đứng thẳng người lên, làm ra bộ rất đạo mạo:

- Xin lỗi các bà, tôi cần phải nói chuyện riêng với người ốm – Ông nói một cách trang trọng, còn tay thì đu đưa cái xà cột, ống tiêm và chai lọ va vào nhau thành những tiếng lanh canh chói tai.

Trước những tiếng lanh canh của thủy tinh, cả ba bà tức tối đứng dậy.

Cha I-ê-rê-mi rên rỉ:

- Hỡi các con của cha, các con hãy ra phòng khách đợi cha một lát. Cha thấy lát nữa cha lại cần đến sự giúp đỡ quý báu của các con. Lòng dạ trong sạch thì vẫn có hạnh phúc. Các con cứ yên tâm.

Ba bà đều kính cẩn rời khỏi buồng ngủ. Bác sĩ Phơ-lít đóng cửa lại. Giáo chủ I-ê-rê-mi vẫn vừa rên rỉ vừa thầm thì:

- Ông vặn chìa khóa hai vòng và kéo rèm cửa hộ thật kính.

Bác sĩ Phơ-lít làm theo lời dặn.
- Bây giờ… - Bác sĩ mới thốt ra được hai tiếng. Tay ông ta đang kéo sợi dây của tấm rèm cửa làm bằng nhung thiên nga và có những bông kim tuyến.

- Bây giờ thì… - Giám mục I-ê-rê-mi tung chăn ra, ngồi sát bên giường và nói tiếp, giọng đầy nghị lực. – Cám ơn ông đã giúp tôi thoát khỏi cảnh quấy rầy của ba bà xơ. Trước những giáo hữu đáng kính ấy, tôi không thể làm khác được… Nhưng tôi không thể chủ động mời các bà ấy ra…

- Như vậy là đức cha không ốm đau gì, có phải không ạ? – Bác sĩ Phơ-lít thì thầm.

Rồi ông ta nghe thấy cha I-ê-rê-mi trả lời:

- Ốm đau là chuyện khác. Các bà ấy quấy quả làm đầu tôi nhức như búa bổ. Thực tình tôi trốn sau bình phong từ sáng sớm đến giờ, có nhìn ngó được gì đâu… Ông bật đèn xem hộ cho…

Sờ được công tắc, bác si vặn đèn. Ánh điện của ngọn đèn treo chiếu vào người vị giám mục. Bác sĩ Phơ-lít chớp mắt kinh ngạc. Mặt giáo chủ I-ê-rê-mi như bóc mất mấy lớp da. Đây là con bệnh thứ tư của loại bệnh truyền nhiễm kỳ quái. Đối với bác sĩ Phơ-lít, bốn con bệnh trong một ngày cũng là đủ quá rồi!

Cha I-ê-rê-mi ướm lời:

- Khó coi lắm phải không? Tôi sợ soi gương. Hình như người ta đã lén lút đổi cho tôi một khuôn mặt khác. Tôi không ưa bộ mặt khốn khổ này đâu. Kinh thánh có viết: “Khuôn mặt là bằng chứng của mỗi người.” Khuôn mặt húp híp này mà lại là bằng chứng của tôi ư? Thơ Bơ-rê-u-ninh có câu: “Ôi, linh hồn trong trắng luôn hiện hình trên mặt”. Còn tôi, tôi có thể để các giáo hữu của tôi trông thấy bộ mặt như thế này sao? Họ sẽ nghĩ lệch lạc về linh hồn tôi. Ông Phơ-lít, tôi rất thành thật với ông đấy, chỉ những người thầy thuốc chuyên chữa chạy cho linh hồn mới có thể nói thành thật như vậy trước một người thầy thuốc chuyên chữa chạy về cơ thể loài người mà thôi.

- Nhưng là chuyện gì mới được chứ?
 
Bác sĩ Phơ-lít hỏi lại với giọng khô khan. Cả câu thơ trữ tình của Bơ-rê-u-ninh lẫn lời răn dạy của Kinh thánh đều không thể làm cho ông hứng thú. Ông ta khao khát muốn biết sự thực.

- Ông sẽ hiểu ngay tức khắc. – Nói xong, cha I-ê-rê-mi đứng dậy, bước đến cái bàn cạnh cửa sổ. Ông ta lật tấm vải phủ trên khay thức ăn và hớn hở xoa xoa tay:

- A ha! Các bà ấy chu đáo quá! Từ sớm đến giờ tôi chưa ăn gì, nhịn đói để chờ ông. Ông Mai-cơn lo chạy mãi mới tìm được ông. Ông bận rộn quá, chắc là chưa ăn uống gì. Nào, xin mời… Món bánh nhân thịt gà, bà Bô-li-va làm tuyệt lắm. Người bệnh của ông cũng như các giáo hữu của tôi, làm ông không thể ăn đúng giờ được.

Ngồi vào bàn, bác sĩ Phơ-lít than phiền:

- Ông nói đúng. Trong cái cà-mèn này là món cá sốt cà chua phải không?

- Cá cam-ban đấy! Bà Bê-đơ-rơ-vo nấu đấy mà. Nào, ta dùng món cá sốt cà chua đã!

Cha I-ê-rê-mi cầm lấy cái chai, mở nút ra và ngửi:

- Ái dà! Rượu ngang… Bà Lô-tra-sơ nấu đây mà! Được bốn lạng Anh hả? – Ông rót rượu ra cốc.

Cái mồm của vị giám mục như một cái cối xay máy vừa được tra dầu mỡ quay rất mau lẹ, nghiền nhuyễn ngay những miếng bánh mì phết bơ và phó-mát.

Sau đó, bác sĩ Phơ-lít ghi lại rằng: “Mặc dù quai hàm của cha biến dạng rõ ràng, thậm chí to phồng lên như một vòng tròn, song hai hàm răng nhai thức ăn vẫn rất tốt”.

Sau khi ăn uống no nê, bác sĩ Phơ-lít không để lộ một ý định nào là mình muốn ngồi lâu ở dây, vả lại bác sĩ Phơ-lít cũng cảnh giác với ý kiến của Phơ-rê-sơn cho rằng loại bệnh này có khả năng truyền nhiễm. Hôm qua, bác sĩ Phơ-lít nghe nói con hươu cao cổ của đoàn xiếc mắc bệnh, song ông ta không cho rằng lời đồn đại của dân thị thành có ý nghĩa gì. Cho dù con hươu cao cổ của đoàn xiếc có bị loét mồm và móng chân đi nữa thì cả ông I-ê-rê-mi lẫn ba con bệnh khác cũng không có chút triệu chứng gì về cái bệnh loét mồm và loét móng ấy cả. Với lại loài người không dễ gì lây thứ bệnh ấy được. Hôm nay đủ để bác sĩ Phơ-lít đi đến kết luận, mặc dù sự biến dạng của bốn con bệnh không giống nhau, song lại không khác nhau về cơ bản: sự biến dạng đều ở mặt, làm cho người bệnh khác lạ, khó nhận ra.

Cha I-ê-rê-mi vừa xỉa răng vừa bảo:

- Bác sĩ Phơ-lít, hãy nghe tôi kể nhé. Sự việc mới xảy ra lúc sáng. Khi tôi đứng cạo mặt trước gương, mặt tôi vẫn bình thường. Tôi xoa cồn lên mặt, cho dao cạo vào hộp, rồi soi gương. Thoạt đầu tôi còn tưởng mặt tôi bị sướt một miếng là do tôi cạo không cẩn thận. Nhưng thực ra tôi bị vạch một vệt dài trên mặt dường như bị móng một con dã thú nào đó tát vẹo hàm. Tôi gọi ông Mai-cơn vào, rồi lên giường nằm. Ai ngờ các con chiên của tôi nghe thấy tôi ốm, đã đột ngột mang ngay Kinh thánh và quà cáp vào. Cố giúp tôi, ông bác sĩ nhé! Tôi đã quen nhìn gương mặt trước đây của mình, cả các con chiên của tôi cũng vậy. Họ không quen nghe một người họ không quen biết giảng đạo. Tôi thấu hiểu thâm lý của họ, mong ông cũng thấu hiểu tâm lý tôi.

Bác sĩ Phơ-lít đáp:

- Tôi muốn biết tình hình cụ thể… Ông có thể cho tôi biết ngọn ngành việc sưng mặt của ông không?


Cha I-ê-rê-mi nghĩ ngợi giây lát:

- Chính tôi cũng không hiểu… chuyện gì đã xảy ra hôm qua. Hôm qua cũng y hệt như mọi bữa thôi. À không, khoan đã bác sĩ… Nhưng thôi, đó cũng chỉ là một giấc mơ…
 
Bác sĩ Phơ-lít khuyên nhủ:

- Mơ thế nào, xin cha cứ kể!

Cha I-ê-rê-mi đáp:

- Hôm qua bà Hiu-dơ, quản gia của tôi đi thăm người nhà ở thị xã Gun-lơ. Tôi giết thì giờ bằng cách vùi đầu đọc kinh thánh cho đến trước bữa ăn tối. Ăn xong tôi cầm sách vào đây và mở tung cửa sổ ra. – Trong lúc kể, cha I-ê-rê-mi kéo bức rèm cửa bằng nhung thiên nga ra – Ông trông nhé, cái cửa sổ này trông sang vườn hoa. Trước mặt là sân đánh côn cầu, đằng sau là vườn tường vi. Bên tay trái là một cây quất lâu năm chĩa một cành khá to qua cửa sổ. Đọc xong bài “Bàn về sự êm đềm của cuộc đời: tôi cởi quần áo ngoài và tắt đèn. Trong buồng chỉ có ánh đèn phản chiếu bên nhà thờ hắt sang. Thế này này… - Cha I-ê-rê-mi tắt đèn. Lúc này chỉ có ngọn đèn nhỏ đầu giường và một tia sáng ngoài cửa sổ hắt vào. – Tôi mơ màng cảm thấy mình ngủ được hơn một giờ, mặt quay ra phía cửa sổ. Bất thần tôi nghe thấy tiếng ừng ực như tiếng uống một chất lỏng của một động vật nào đó. Tôi mở mắt và trông thấy một con c.hó con chạy trên bệ cửa. Tôi có cảm giác con vật xô phải cốc thủy tinh, làm cho cái thìa trong cốc kêu leng keng một tiếng. Tôi nhớ rất rõ cái tiếng động ấy. Tôi thầm nghĩ: “Sao chó con mà lại trèo từ cành cây vào cửa sổ được?” Tôi đang nghĩ thì con vật quay về phía tôi và kêu meo một tiếng…

Bác sĩ Phơ-lít liền cải chính:

- Ông bảo là con vật “gâu” lên một tiếng phải không?

- Không, nó không “gâu” chứ ông! Giấc mơ đến là kỳ lạ, con c.hó kêu “meo” một tiếng như tiếng mèo rồi chạy mất.

Bác sĩ Phơ-lít hỏi thêm:

- Rồi sau đó thế nào?

- Trống ngực tôi đập thình thịch. Không hiểu vì lẽ gì, tôi đâm hoảng hồn vì giấc mơ ấy. Tôi ra chỗ cửa sổ, tất cả vẫn yên tĩnh, chỉ có cành quất hơi rung rinh.

- Sau đó cha làm gì ạ?

- Sau đó à? Như tôi vừa nói, tôi thấy rờn rợn và uống một hơi hết cốc nước.

- Cốc nước để trên cửa sổ ấy à?

- Phải! Sao cơ?

- Không sao cả. Xin lỗi! Tôi đã ngắt lời cha. Nước có mùi vị gì không?

- Cũng bình thường thôi, không có mùi vị gì. Tôi không bao giờ uống nước lã. Bà Hiu-dơ bắt tôi uống nước sôi. Sau đó tôi đóng cửa sổ lại, bỏ rèm cửa xuống và ngủ.

Bác sĩ Phơ-lít hỏi khẽ:

- Có thế thôi phải không?

Vừa hay lúc ấy có tiếng phụ nữ ngoài cửa. Cha I-ê-rê-mi hốt hoảng thì thào:

- Chết rồi, bà ấy về đấy!

Bác sĩ Phơ-lít ngơ ngác:

- Ai về ạ?

Cha I-ê-rê-mi cuống cuồng xua tay:

- Bà Hiu-dơ. Chắc ông Mai-cơn đánh điện bảo tôi ốm nên bà ấy mới l.ồng về. Phơ-lít, nhờ ông tắt ngay ngọn đèn cho!

Trong bóng tối, cha I-ê-rê-mi vội vàng nằm xuống giường. Có tiếng đập cửa thình thình. Bác sĩ Phơ-lít quờ tay tìm cái xà cột vì ông quên khuấy lúc nãy đặt nó ở đâu.

Cha I-ê-rê-mi vừa trở mình trong chăn vừa cất giọng lập cập:

- Được rồi, tôi trùm kín đầu rồi. Hãy mở cửa cho bà ấy vào. Liệu mặt tôi có trở lại được như cũ không?

Bác sĩ Phơ-lít đã tìm thấy cái xà cột. Ông đáp lại một cách hào hứng:

- Thưa cha, chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt và thuốc là ba thứ quý giá luôn luôn hiệu nghiệm từ thời thượng cổ đến nay. – Bác sĩ vặn cửa – Kìa, bà Hiu-dơ, mời bà vào!

Bà Hiu-dơ, người quản gia của cha I-ê-rê-mi, chạy xộc vào như một cơn lốc đến nỗi không kịp bỏ tấm mạng che ra nữa:

- Có chuyện gì không lành đấy ạ? Tại sao các ông khóa trái cửa lại?

Bác sĩ Phơ-lít đáp, giọng bình tĩnh:

- Cha I-ê-rê-mi đang làm việc quá sức, Cha đang nghiên cứu một số vấn đề về đạo đức và triết học, không một ai được vào quấy quả. Vâng, thưa bà Hiu-dơ, kể cả bà cũng thế. Nhờ bà dẫn tôi ra phòng làm việc, tôi cần kê một đơn thuốc. Bà hãy làm theo lời tôi và phải giữ tuyệt đối im lặng, không nên nói năng gì cả. Còn việc cầu kinh, cha sẽ tự đọc lấy, ngài sẽ đọc thầm, không cần phiền đến ai cả.

Bà Hiu-dơ khẽ thốt lên:

- Thưa bác sĩ, bác sĩ tốt bụng quá!

Bác sĩ Phơ-lít rất mệt. Ông vừa nghĩ ngợi, vừa uể oải về nhà. Trong cuộc đời làm thầy thuốc, lần đầu tiên ông gặp phải một loại bệnh lạ lùng như thế. Diện mạo mỗi người một khác, có người mũi tẹt, có người cằm vuông, có người cằm tròn, có người thóp cao, có người thóp thấp. Có ai bận lòng lắm về điều đó đâu. Duy chỉ khi nào diện mạo người ta bị có sự thay đổi đột ngột, mũi tẹt biến thành mũi lõ, hoặc cằm vuông biến thành cằm tròn, lúc ấy người ta mới lo ngại. Lẽ nào diện mạo người ta không có sự thay đổi theo thời gian ư? Chả lẽ qua con người ông Ơ-rê-phi hiện nay, có thể nhận ra anh chàng dược sĩ trẻ trung ba mươi năm trước đây đến thăm Phơ-lít? Hoặc giả, ai có thể nhận ra anh chàng sinh viên đại học tươi trẻ trước đây qua con người Phơ-lít béo ục ịch, da dẻ nhăn nheo, mũi đỏ và những tia máu xanh xanh hiện nay? Nhưng đấy vẫn là con người Phơ-lít.

Cuối cùng, bác sĩ Phơ-lít rút ra kết luận: “Không nghi ngờ gì nữa, cái “đột nhiên chỉ là do tác động của thời gian”.
 
IV

Những việc này đã xảy ra ở Ê-xu-ô-rơ vào đúng cái hôm tôi luẩn quẩn trong hầm lò Mũi Dài.

Lúc này, người bắt chim đang ở trước mặt tôi.

- Van-đốc phải không? – Tôi hỏi vậy và không nắm chặt tay nữa.

Cuộc gặp gỡ thật là ly kỳ, ít ai tin được. Song người đánh bẫy chim đã kể lại nhiều chi tiết về chúng tôi ở khu vườn của “Giáo sư nuôi rắn” và ở tòa án Răng-gun thành ra tôi không ngờ vực gì nữa. Đích thị là Van-đốc rồi! Tuy người ông ta cọc đi, nhưng nếu nhìn kỹ dung mạo và nghe ông ta nói thì vẫn tìm thấy một số nét giông giống với con người đã thua cuộc tôi một đô-la tại cảng Ben-lơ Kha-rơ-bo.

Để người đánh bẫy chim nói xong, tôi cất giọng nhỏ nhẹ:

- Ông Van-đốc, ông thay đổi ghê quá. Song ông vẫn tồi tệ như trước. Không những lấy tiền của, ông còn giết hại tiến sĩ Rôn-sơ…

Van-đốc trả lời thành thật:

- Thôi đi, Pin-gơ-lơ!

- Ông im đi! Vì ông mà tí nữa tôi phải chết trên ghế điện. Giờ lại chuồn đến đây hả, đồ ăn trộm rắn! Ông đích thị là tên thổ phỉ Ca-nhê-rô chứ gì?

Van-đốc cắt ngang lời tôi:

- Khoan đã, Pin-gơ-lơ. Tôi không phải là Ca-nhê-rô và cũng không giết tiến sĩ Rôn-sơ. Những cầu hỏi và sự ngờ vực của cậu xét ra cũng đúng thôi. Tôi cũng rất muốn làm cho ra nhẽ tất cả những gì đã biến chúng mình thành những tên lợi hại. Đừng chán nản, phải gắng gượng lên. Cậu ngồi xuống đây, chúng ta cùng bàn bạc.

Chúng tôi ngồi xuống chiếc ghế dài đặt bên một ngôi mộ. Van-đốc bắt đầu kể với tôi những điều ông ta đã trải qua.

- Pin-gơ-lơ, tớ nói thật mọi chuyện với cậu, mong cậu cũng nói thật mọi chuyện nhé. Vì đó là điều hai chúng ta cùng quan tâm mà! Cậu nghe đây! Có một hãng bào chế và buôn bán dược phẩm nhờ tớ theo dõi tung tích của giáo sư Min-rôi-sơ và giám sát mọi hành động của ông ta. Theo tớ nghĩ, hãng bào chế dược phẩm ấy sợ giáo sư Min-rôi-sơ, người chuyên cung cấp nọc rắn, đánh lừa họ. Họ trả tớ một món lương rất hậu, với điều kiện là mỗi tuần lễ tớ phải gửi cho họ một bản báo cáo đúng hạn. Tớ dồn mọi tâm sức vào công việc. Tớ tìm thấy giáo sư tại Niu-oóc trong lúc ông ta đang giao dịch với một công ty nhập khẩu kếch xù. Bổn phận của tớ là phải bám sát ông ta từng bước, do vậy ông ta đến hải cảng Ben-lơ Kha-rơ-bo thì tớ cũng phải theo ông ta đến đấy. Hôm ấy không biết phởn chí thế nào ông ta lại đi tắm biển. Đang theo dõi ông ta hụp lặn dưới nước thì tự dưng có một chú nhóc vạm vỡ ngồi ngay trước mặt tớ, làm trở ngại cho công việc của tớ.

Tôi buột miệng hỏi luôn:

- Có phải tôi không?

Van-đốc đáp:

- Pin-gơ-lơ, cậu đoán đúng! Nhưng cậu bướng bỉnh không chịu được! Cậu khoe khoang là cậu biết nhảy cầu bật nên tớ chỉ còn mỗi cách là đẩy cậu lên cầu nhảy cho cậu bẽ mặt khoác lác.

- Nhưng tôi đã nhảy thật và kết quả ông thua cuộc…

Van-đốc cười:

- Này, trả cậu. Tớ đã cất kỹ đồng đô-la của cậu suốt ba năm trong túi áo sơ-mi. Cuộc biểu diễn của cậu làm hỏng việc của tớ. Cậu làm cho bãi biển ồn ã cả lên. Tớ trông thấy lão Cơ-líp-sơ nắm chặt cánh tay cậu. Rồi tớ lại nhìn thấy ảnh cậu trên tờ quảng cáo trước cửa rạp Sân khấu tròn. Lúc ấy tớ nghĩ cậu không phải là kẻ vờ vĩnh, làm ra bộ gà mờ trên bãi biển. Song chết là không thấy Min-rôi-sơ bò lên bãi nữa…

- Tôi đã cứu ông ta – Tôi trả lời một cách hùng hồn và đút tờ giấy một đô-la rách nát vào túi.

Van-đốc giật mình sửng sốt:

- Sao cơ?

Tôi đáp:

- Thế nào tôi cũng phải nhảy cầu bật để làm vui lòng ông. Vả lại, lúc ấy có người sắp chết đuối, tôi phải cứu ông ta.

- Rồi thế nào nữa?

- Tôi túm tóc ông ta. Một chiếc xuồng máy chạy đến chở ông ta đi.

Van-đốc tỏ vẻ bực dọc:

- Cậu làm hỏng bét rồi! Quần áo của ông Min-rôi-sơ treo mấy ngày trong nhà tắm, sau cảnh sát phải thu lại mang đi. Cậu nên biết là tớ không tìm thấy xác ông Min-rôi-sơ trong nhà xác. Nếu bị chết đuối, xác ông ta thế nào cũng được đưa đến đấy. Hồi ấy, hãng bào chế dược liệu khiển trách tớ ghê quá. May sao lại tìm thấy ông ta trong cái ổ rắn của ông ta. Thực ra, cái nơi khỉ gió ấy chán đến chết được. Cậu biết đấy, ông Min-rôi-sơ lúc nào cũng ru rú trong nhà, không bước chân ra khỏi cổng và cũng không giao thiệp với ai. Một hôm ông ta đeo túi dết ra đi. Tớ mừng rơn và bám riết lấy ông ta từ xa. Nhưng cậu biết đấy, ông ta chui vào rừng rậm, rồi lại mò vào một bản làng đang có dịch. May sao, trạm gác phòng dịch ngăn tớ lại và dỗ ngon dỗ ngọt bắt tớ quay về. Tớ còn nhớ lúc ấy, ruột gan cứ bồn chồn thế nào ấy. Điều làm tớ bực nhất là ông Min-rôi-sơ sẽ chết gục trong khu vực bị dịch. Rồi sau đó có một trung sĩ trong đồn cho biết một cái tin đáng tin cậy là có một người đeo túi dết định lẻn từ khu vực có dịch ra ngoài, lính gác đã bắn chỉ thiên mấy phát để đuổi ông ta quay trở lại và còn dùng tên bắn đến chỗ ông ta một mảnh giấy nhỏ để cảnh cáo ông ta hãy cứ ở trong ấy mà chờ chết.
 
Những điều Van-đốc nói rất giống sự thật nên tôi cứ để mặc cho hắn ta nói.

- Pin-gơ-lơ, giờ cậu cứ nghĩ mà xem. Khi cải trang thành người bán rắn để vào vườn của ông Min-rôi-sơ, tớ đã sửng sốt biết bao khi thấy ông ta không việc gì hết. Ông ta dặn tiểu thư Li-dơ giúp việc cho ông ta, trả giá mỗi con rắn ba đồng và giục tớ đi ngay. Cái cô Li-dơ ấy (cậu còn nhớ chứ Pin-gơ-lơ, lúc ấy cậu đang muốn lấy lòng cô ta), đã nói với tớ rằng: “Chúng tôi đã đủ rắn cát-nhĩ dùng đến mùa thu rồi, ông đừng lặn lội làm gì nữa”. Nhưng dù thế nào đi nữa tớ vẫn phải theo dõi hành động của giáo sư Min-rôi-sơ… Chao ôi, Pin-gơ-lơ, cậu chưa bao giờ nhúng tay vào việc này nên không hiểu có lúc hạng người như tớ phải thông thạo đủ mọi mánh khóe. Tớ đã tới Gia-va một vài năm, hồi đó tớ còn là một đứa trẻ nghịch ngợm và bướng bỉnh, bố tớ làm việc cho một đồn điền cao su ở đấy. Trời, Pin-gơ-lơ ơi, tìm đâu ra một thiên đàng như thế! Bây giờ tớ vẫn thèm được đến đấy. Trước kia, tớ và mấy đứa trẻ nghịch ngợm rất có tài nghịch rắn, tớ đã mang cái tài ấy ra thi thố ở Răng-gun. Tớ nảy ra một kế, bắt rắn cát-nhĩ trong vườn ông Min-rôi-sơ rồi bán lại cho ông ta. Tớ tưởng rằng cách cướp đi bán lại ấy rất bở ăn. Nhưng tớ đã đụng đầu với cậu ngay trong khu vườn, thế là kế hoạch của tớ đổ nhào. Song cậu thích nghe những chuyện giật gân và cũng dễn bị người đời sai khiến. Nhờ cậu mà tớ biết được ông Min-rôi-sơ đã bỏ đi với người cháu ngoại của ông ta. Đến bây giờ tớ vẫn cám ơn sự giúp đỡ ấy của cậu.

Tôi liền đáp:

- Cám ơn cái gì… Tôi đã khổ sở về chuyện ấy đấy, nhưng bây giờ thì hết rồi. Ông và Át-rô cũng đã giúp đỡ tôi.

- Kể gì chuyện đó, Pin-gơ-lơ! Cũng là trả nghĩa thôi mà. Người đưa cậu ra khỏi Răng-gun chính là ông chủ nhà của tớ. Ông ta chịu khó bán sức lắm. Khi tớ trốn ra khỏi tòa án cũng là nhờ ông ta che chở cho đấy chứ! Thôi, chuyện ấy dài dòng lắm. Nhờ cậu mà tớ biết Ma-sát-lan, thế là tớ bổ đi tìm tiến sĩ Rôn-sơ ngay. Tớ nghĩ rằng qua tiến sĩ Rôn-sơ tớ có thể tìm được tung tích giáo sư Min-rôi-sơ. Những người như tớ thì chỉ nhờ vào công xá mà sống. Nếu một việc bở ăn bỗng chốc tuột khỏi tay mình thì cậu bảo còn gì tức cho bằng, với lại tớ cũng mất thanh danh vì chuyện đó chứ! Đường xa không cản được tớ, cái nóng Mê-hi-cô không thấm tháp gì với tớ. Tớ tìm đến nhà tiến sĩ Rôn-sơ ở Ma-sát-lan. Tớ van nài, xin xở ông ấy giữ tớ làm người giúp việc. Trước đây, tớ chưa gặp ông ta lần nào. Ông ta không giống ông cậu ông ta chút nào. Cổ họng ông ta có bệnh nên cứ ho húng hắng luôn. Ông ta hút loại thuốc sợi Thổ nhĩ kỳ trộn với thuốc Ma-đơ-rát. Ngửi mùi là tớ biết ngay. Ông ta ra cho tớ hai điều kiện: không được bước ra khỏi cửa và không được cạo mặt và cắt tóc. Cậu thấy có lạ không? Lúc đầu tớ cũng lấy làm lạ về chuyện đó. Song người ta giàu có, lại có việc cho mình làm, thì dù ông ta có làm gì thì cũng được thôi. Ông Rôn-sơ bắt mình không được cạo mặt, không được cắt tóc, nói là lúc nào muốn, ông ta sẽ đích thân cắt tóc và cạo mặt cho tớ.

Tôi ho “khụ khụ” mấy tiếng. Tôi nghĩ đến ông Đô-bi và hỏi Van-đốc:

- Trong nhà ông Rôn-sơ không có cả gương soi phải không?

Van-đốc nheo mắt, nhìn tôi vẻ nghi hoặc:

- Sao cậu biết? Quả là như thế. Thôi được, điều kiện gì tớ cũng nhận tuốt. Cuộc sống của tớ ở đấy kể cũng khoái thật. Ăn uống hàng ngày đã có hiệu ăn đưa đến tận nơi. Tớ không thích món ăn của Mê-hi-cô, vì món nào cũng rán bằng dầu ô-liu cả. Pin-gơ-lơ, tớ thề với cậu là đội ơn Chúa cứu thế và cứ sống ung dung như thế. Hàng ngày tớ dọn dẹp nhà cửa, hâm thức ăn. Sau khi đánh căng bụng, tớ lại rúc vào buồng riêng ở gác dưới nằm khểnh. Cái buồng của tớ, cậu biết rồi đấy!

Tôi cất giọng tức tối:

- Biết! Biết rất rõ là đằng khác. Đừng tán hão nữa, ông Van-đốc…

- Trời ơi, tớ kể cặn kẽ như thế mà cậu còn bảo tớ tán hão! Tiến sĩ Rôn-sơ ngồi viết lách cả ngày trên gác. Còn tớ, cậu biết không, tớ phải nghĩ cách moi tin ông cậu của ông ta để tiếp tục nắm tình hình. Tiến sĩ Rôn-sơ rất lầm lì. Tớ khéo léo dò la về giáo sư Min-rôi-sơ, để ý đến mọi thư từ giao dịch của ông, nhưng… đều không ăn thua mẹ gì, Pin-gơ-lơ ạ! Đã đành ông ta có thể giao dịch bí mật qua những tin quảng cáo trên mặt báo, với lại ông ta chỉ nhận được toàn những báo là báo thôi. Tớ bị giữ rịt trong nhà, chẳng tự do tí nào. Cậu nghĩ, đến đút cái bưu thiếp vào hòm thư cũng không được thì còn làm được cái gì nữa! Làm được một tháng, râu ria tớ đâm tua tủa như bàn chải, ông Rôn-sơ đã cắt tóc cho tớ. Thoạt đầu tớ rất lo bị xẻo mất tai, ai ngờ ông Rôn-sơ lại là tay thợ cắt tóc rất chúa. Cậu ạ, ông ta cạo cho mình không sót một sợi râu. Tớ làm như thế được bốn, năm tháng. Một hôm tớ thức dậy rất sớm và cảm thấy trong nhà rất chi là vắng vẻ. Không nghe thấy tiếng chân ông Rôn-sơ trên gác (mọi bữa làm việc, lúc lúc ông ta lại nghỉ để đi bách bộ trong phòng giấy), và cũng không có cả tiếng chuông điện ông ấy gọi. Tớ liền chạy xộc lên gác… Ta làm điếu thuốc đã, Pin-gơ-lơ!
 
Van-đốc dứt lời, mời tôi hút thuốc. Hắn tả rít mấy hơi rồi kể tiếp:

- Cảnh tượng trong phòng làm việc của ông Rôn-sơ lúc ấy thật là ghê rơn, Pin-gơ-lơ ạ! Mọi cái đều lộn tùng phèo. Máu me túa ra đầy sàn gác và trên tường. Thoạt đầu tớ nghĩ bụng: ông Rôn-sơ bị ai giết rồi! Vì thế tớ mới lùng đi tìm xác ông. Cứ bằng vào những vết tích để lại thì hung thủ lôi xác ông ta qua vườn hoa để ra phía bờ biển…

- Rồi vứt xuống biển. – Nghĩ đến những điều đáng sợ ở Ma-sát-lan mà tôi thấy rùng mình.

Van-đốc gật đầu:

- Tớ cũng nghĩ thế. Song đến lúc tỉnh táo lại, tớ quyết định làm cho rõ chuyện này. Nếu tớ đi báo cảnh sát… thì cậu còn lạ gì bọn cảnh sát ở Ma-sát-lan nữa! Nếu tớ đi báo cho cơ quan lãnh sự… Có ma nào lại tin lời tớ.

Tôi nắm tay lại, thủ sẵn nắm đấm:

- Thế là ông chạy trốn chứ gì?

- Không, tớ không chạy trốn, Pin-gơ-lơ ạ! Tớ cởi quần áo nhảy luôn xuống biển. Nhảy đúng cái chỗ…

- Kẻ gian vứt xác ông Rôn-sơ chứ gì?

- Không, vứt một bao tải đựng đầy đá dăm. Tớ mò thấy cái bao màu rêu thẫm quý giá ấy ở dưới đáy biển, màu sắc y hệt màu rong biển. Sau khi ngoi lên bờ, tớ nghĩ ngay đến một ông luật sư thông thái, ông ta bảo rằng: “Nếu không tìm thấy xác thì có nghĩa là không có vụ giết người ấy”. Trên đường về nhà, tớ hoàn toàn yên tâm. Cậu nghĩ có lạ không nhé, cả ba gian phòng đều đầy máu, cứ như là có ba vụ án mạng ấy. Máu phun đỏ ngầu cả nền nhà, tường nhà và nóc nhà, gian phòng nào cũng thế. Cậu hãy ngẫm nghĩ trình tự mọi việc mà xem, cậu sẽ thừa hiểu rằng: trong cả ba gian phòng đều có kẻ đập vỡ óc ông Rôn-sơ. Tớ hỏi cậu, sau khi đã bị đánh thập tử nhất sinh trong phòng đọc sách, sao ông ta còn sang được phòng làm việc để đánh nhau với kẻ gian? Giả dụ ông ta đã bị đập vỡ sọ trong phòng làm việc thì làm thế nào mà còn mò xuống được phòng khách dưới nhà để rồi bị giết lần thứ ba? Tớ ngủ ngay phía dưới phòng làm việc, sao tớ chẳng nghe thấy động tĩnh gì cả?

Bất giác tôi phải hỏi lại:

- Ông nắm được kỹ thuật giết người à?

Van-đốc nhún vai:

- Không… Không nắm được. Chỉ cần động não là tớ có thể biết tỏng mọi chân tơ kẽ tóc. Tớ cho rằng máu là do người ta cố ý vẩy, vì ông Rôn-sơ có thể trữ một lượng máu nào đó trong chai. Đáng lẽ ra phải cạo một vài vết máu trên đưa đi hóa nghiệm. Qua kính hiển vi có thể tìm ra máu đó là máu động vật gì và thuộc nhóm máu nào. Nhưng tớ không kịp làm gì cả. Ngay lúc đó tớ đã nghĩ và cảm thấy sự việc này mỗi lúc một rõ ràng. Ông Rôn-sơ tự… Đấy, nó là như thế, Pin-gơ-lơ ạ. Có cớ để nói rằng ông Rôn-sơ đã làm một việc có ích. Kẻ giết người và ngay cả người bị giết đều phải để lại vết tích của chính họ. Ông Rôn-sơ đã vẩy quá nhiều máu. Sau đó, tớ tìm thấy hai sợi dây trong buồng riêng của tớ (rõ ràng hai sợi dây này đã được dùng để buộc những thứ linh tinh), lúc đó tớ biết ngay vụ giết người cướp của này chỉ là một sự giả mạo. Giả mạo về cái chết của ông Rôn-sơ, rồi đổ mọi nỗi hiểm ngờ lên đầu tớ. Việc làm ấy có lợi cho ai? Khi đã giết ông Rôn-sơ thì lẽ gì kẻ gian lại dung tha cho tớ? Đã kéo được xác người bị giết đi thì sao kẻ gian không mang những thứ đã cướp được đi? Kết luận duy nhất là ông Rôn-sơ muốn bỏ rơi tớ, giao tớ cho cảnh sát để ông ta cùng đi trốn với cậu ông ta. Bởi vậy lúc ấy tớ phải đuổi theo ông Rôn-sơ, còn việc trốn khỏi tay cảnh sát lại là chuyện thứ yếu. Tớ lên gác định tắm một cái và thay quần áo. Lúc ấy tớ nhặt được một cái gương nhỏ ông Rôn-sơ bỏ quên. Soi vào gương, tớ không nhận ra được mình nữa. Bây giờ cậu nhìn tớ xem còn giống Van-đốc mấy năm trước không?
 
Tôi gật đầu:

- Không giống lắm.

Van-đốc rầu rĩ lắc đầu:

- Khác về cơ bản. Đứng trong cửa sổ, tớ thấy mấy viên cảnh sát ở ngoài phố. Nếu ông Rôn-sơ chủ tâm hại tớ thì rất có thể ông ta báo cho lão Cục trưởng Cục Cảnh sát có phải không? Ồ, gặp trường hợp này thì đừng có nghĩ lôi thôi nữa, chuồn là thượng sách. Đúng lúc ấy, cậu xuất hiện trước cổng vườn hoa, Pin-gơ-lơ ạ…

- Ông là một thằng tồi nham hiểm, ông đã đưa tôi vào bẫy! – Nghĩ đến câu chuyện bực mình dạo trước, tôi rùng mình.

- Không làm thế, tớ còn phép gì nữa! Có mánh lới mới chạy việc. Đáng lẽ tớ không nên để cậu trông thấy mới phải, vì cậu sẽ không nhận ra tớ, gặp cậu chỉ tổ chậm việc của tớ. Nói thật với cậu, lúc ấy cả tớ và cậu, chẳng thằng nào trốn thoát được đâu. Tớ chợt nghĩ, nếu cảnh sát chỉ gặp một mình cậu trong nhà, cậu có thể chứng minh khi sự việc xảy ra, cậu không có mặt ở đấy và thế là cậu vô tội. Tớ thừa nhận kế hoạch đó đểu giả thật, song tớ không phải là người gây phiền phức cho cậu. Báo chí tường thuật rất cặn kẽ phiên tòa xử Ca-nhê-rô… Va sau đó cậu có biết nhờ đâu mà cậu thoát không, Pin-gơ-lơ?

- Không.

- Chính là nhờ cậu không trả lời bức thư của Bơ-gơ-den. – Chính hắn là bạn của Ca-nhê-rô – và quyết định tự bào chữa cho mình trước phiên tòa. Hành động ấy của cậu làm cho những tên lục lâm cảm phục. Nghe nói hôm tòa phán xét cậu, nhiều tên thổ phỉ địa phương kéo đến xem. Nghe đâu họ còn tung khá nhiều tiền để thuê thầy cãi.

- Van-đốc, nhờ đâu mà ông biết tỉ mỉ thế? – Tôi cất cao giọng hỏi lại và nhìn thẳng vào mặt ông đánh bẫy chim bằng đôi mắt ngờ vực.

Báo chí nói ầm cả lên đấy, cậu ạ! Giờ thì chẳng lo nữa rồi. Dụ được cậu vào nhà, lương tâm tớ cắn rứt vô cùng. Sau đó tớ nhảy xuống biển trốn thoát. Tớ phải đi gấp, dù sao ông Rôn-sơ cũng lợi thế hơn tớ ba giờ đồng hồ. Dân đánh cá ở Ma-sát-lan đều tốt bụng. May sao tớ gặp được thuyền ông Cơ-va-ra-tô, ông ta kéo tớ lên thuyền buồm của ông ấy. Tớ đến một địa điểm cách mũi thánh Lu-ca nằm trên bờ vịnh bên kia không xa, và nghe thấy tin tàu Bu-hơ-xút bị đắm. Tớ còn nghe nói sáng hôm ấy, một chiếc thuyền đánh cá nho nhỏ đưa một người Mỹ cùng với chiếc va-li của ông ta từ Ma-sát-lan đến đấy. Thế là tớ chắc mẩm rồi. Tớ bám theo ông Rôn-sơ như một con c.hó. Tớ đuổi kịp chuyến tàu hỏa ông ta ngồi, nhưng khi tàu đến Hô-li-út, ông ta vừa nhảy xuống thì con tàu đã chạy sang bờ bên kia. Sau tớ lại đuổi kịp ông ta ở Ra-u-lin-sơ. Lúc đó ông ta đã mua được vé chuyến máy bay từ Phơ-lít-scô qua Rê-nô và En-cô đến Si-ca-gô. Tiền mua vé ấy ư? Chả lẽ cậu không hiểu rằng cái Công ty thuê tớ đã không tiếc tiền khi cần giám sát đối thủ cạnh tranh của họ sao? Chuyến máy bay của tớ đã đuổi kịp chuyến máy bay của ông Rôn-sơ trên bầu trời ngoại ô thành phố Ben-lê-phôn và đã hạ cánh xuống sân bay Đê-tơ-rôi-tơ trước ông ta. Song con người láu cá ấy lại lên tàu thủy Kê-tu-kin trước tớ, bỏ rơi tớ ở bến tàu của công ty tàu biển Sao Trắng. Tớ không cần kể lại việc tìm ông ta ở Châu Âu như thế nào. Cuối cùng tớ theo ông ta về Ê-xu-ô-rơ. Bà mẹ đã qua đời của tớ là người Oét-sli, nhưng tớ theo cha đến Gia-va từ nhỏ. Sau khi về đến Ê-xu-ô-rơ, tớ ở cạnh sông đào và bắt đầu tìm kiếm ông ta ở vùng ngoại ô. Qua anh chàng dược tá trẻ tuổi tên là E-đơ, tớ được biết có một tòa biệt thự mới mọc trên đỉnh núi Hai Đóa Hoa Hồng hồi năm ngoái. Tớ còn biết thêm là có một bác sĩ cùng sống ở đây với một bác hầu già. Ông Đô-bi thu hút sự chú ý của tớ. E-đơ đã đưa đến tòa biệt thự nhiều thuốc men và vật dụng dùng cho phòng thí nghiệm, do vậy mà kiếm chác được rất nhiều. Cách đây nửa năm, tớ tới dùng ống nhòm nhìn lên đỉnh núi thấy ba người chứ không phải là hai người sống trong biệt thự. Nếu ông Rôn-sơ chỉ sống với ông hầu già, thì người thứ ba trong tòa biệt thự ấy là ai? Có phải là giáo sư Min-rôi-sơ, cậu của ông Rôn-sơ không? Hồi đó bẵng đi rất lâu, tớ không gửi cho người liên lạc một bản báo cáo nào. Vì tớ muốn có một cái tin quan trọng. Nếu nói thật ra là vì tớ không tìm thấy giáo sư Min-rôi-sơ lẫn người cháu của ông ta. Cho nên tớ đành phải đánh liều chui vào biệt thự xem sao…
 
Tôi lẩm bẩm:

- Người trèo lên cửa sổ phòng tôi chính là ông ư? Sao ông không bị c.hó cắn nhỉ?

- Mèo và c.hó đều không tin tưởng được, Pin-gơ-lơ ạ. Có con c.hó, cậu quăng cho nó một miếng thịt quay thì dù cậu có trèo vào cửa sổ ngay trước mặt nó, nó cũng mặc. C.hó thì kể gì! Hôm ấy tớ quăng cho c.hó của cậu một miếng mỡ, lừa lúc nó đang nhai, tớ giở cái của này ra… - Van-đốc chỉ cho tôi xem cái đèn pin giống hệt chiếc khuy áo trên áo va-rơi của hắn ta. – Tớ nhìn qua cửa sổ vào phòng và thấy một anh chàng đang nằm trên giường, mắt nhắm nghiền và cố nín thở. Tớ không quen biết anh ta, nên nhìn thế là đủ rồi. Đáng lẽ tớ còn định trèo lên cây dẻ để nhìn vào gác hai. Nhưng bất ngờ phía lỗi ngoặt sau nhà có tiếng gì lục cục. Tớ thấy tốt nhất là chuồn ra ngoài. Bây giờ tớ kể về những ngày gần đây. Hôm kia tớ chú ý thấy bóng hai người đi ra khỏi biệt thự đi vào núi, nhưng khi về chỉ có một. Đứng trong rừng pa-tơ-lích có thể nhìn rõ cửa trước và cửa sau tòa biệt thự, tớ mang ống nhòm nằm lì ở đấy. Chính cái ống nhòm này đây… - Van-đốc chỉ cho tôi chiếc ống nhòm rất đẹp.- Tớ phục ở đấy xem người thứ hai có trở về không…

Tôi hỏi Van-đốc:

- Nhỡ người này đi tiễn người kia thì sao?

- Cậu hỏi mới lạ chứ! Tiễn nhau mà phải mang đèn pin, bi đông nước và dây chão đi à? Tớ nhìn thấy rất rõ những thứ ấy. Ống nhòm của tớ có thể nhìn được con ruồi đậu trên mũi người thủy thủ trực ban ở xa sáu dặm Anh cơ mà! Cậu không tin hở?...

Tôi cầm ông nhòm nhìn cái tháp đèn trên mũi Đơ-dim. Những con nhạn đang bay quanh tháp đèn hiện ra rất rõ ràng như ở ngay trong tầm với.

Van-đốc vừa cầm chiếc ống nhòm trong tay tôi vừa bảo:

- Tớ đang nhìn về phía biệt thự thì đột nhiên từ phía sau đi đến một anh chàng lấm lem, áo quần tơi tả, trên cổ lủng lẳng một chiếc đèn thợ mỏ và lưng thì đeo cái bi-đông này, trông cứ như một con quỷ hiện hình. Đây là chiếc bi-đông cậu bán cho Bơ-rít-dơ tối hôm ấy và sáng nay tớ đã chuộc lại được từ tay ông ta. Qua khẩu khí của cậu, tớ chợt nhớ đến cuộc gặp gỡ trong vườn rắn, thế là tớ chột dạ. Tớ gọi cậu cốt là để có dịp nhìn cho thật kỹ lưỡng. Cậu hãy tưởng tượng, giữa rừng không một bóng người mà dưới chân núi lại có một con quỷ lọ lem đang trèo lên thì làm gì chẳng chột dạ? Tớ hỏi cậu, bọn cậu leo núi đi đâu?

Tôi gật gù nghe Van-đốc kể lại câu chuyện của chính tôi. Tôi nói:

- Chúng tôi xuống đường hầm Mũi Dài.

- Có phải lúc cậu bò lên bằng đường hầm Ống Sáo Ướt không? Trông cậu lúc ấy kinh bỏ mẹ. Tớ nhận ra cái bi-đông này của cậu chính là cái bi-đông ông Rôn-sơ đeo hôm ông ta trèo lên tàu Kê-tu-kin. Cái bi-đông này rất thích, nó là một thứ đồ cổ quý giá. Cái cốc bạc này ít nhấ cũng đến hai trăm năm rồi. Cậu trông hoa văn rất đẹp, nét chữ rất tinh xảo. Chẳng biết cái cóc khô gì, cậu đem bán tống bán táng cho lão Bơ-rít-dơ! Tớ phải dọa lão ta là sẽ tố giác với Cục trưởng Phơ-rê-sơn về việc lão mua hàng ăn cắp, lão mới bán rẻ lại một nửa tiền.

Tôi và Van-đốc ngắm nghía chiếc bi-đông. Tôi cầm cái cốc bạc hết xoáy ra rồi lại vặn vào. Van-đốc kể nốt đoạn cuối:

- Tớ định chạm cốc với cậu ở quán rượu Con Hổ Nhà Vua, nhưng lúc ấy cậu rất vô lễ đối với tớ. Trước đó tớ tìm cách bắt chuyện với cậu để xem thái độ cậu thế nào, nhưng cậu khăng khăng không chịu. Tớ biết cậu đang nghĩ đến sau này ra sao. Đúng không? Cho nên tớ không dám chắc con người vừa chui trong đường hầm Ống Sáo Ướt có phải là Pin-gơ-lơ không. Cho đến lúc trông thấy cậu quỳ trước nấm mộ này, tớ mới chắc mười mươi cậu là con trai của ông bà Pin-gơ-lơ.

Van-đốc đứng dậy, bỏ mũ xuống, đứng mặc niệm trước mộ cha mẹ tôi. Và, để phá vỡ bầu không khí im lặng, hắn khẽ bảo:

- Pin-gơ-lơ, ta vào thành phố đi. Tớ trọ tại khách sạn Hải Vương Tinh. Ăn uống xong, cậu bổ sung thêm những điều tớ vừa nói, rồi ta tính chuyện sau này.
 
V

Cái tiện lợi của khách sạn Hải Vương Tinh là ở khách sạn có những gian buồng ngăn nhỏ ra. Ăn uống, chuyện trò riêng đều không bị ai làm phiền.

Tôi kể với Van-đốc những điều rùng rợn của bản thân tôi và chửi hắn một trận ra trò về cái trò đùa hèn hạ ở Ma-sát-lan.

Van-đốc cất giọng run run, bảo:

- Pin-gơ-lơ, tớ xin cậu rộng lòng tha thứ cho và đừng để bụng. Cậu thừa hiểu, hoàn cảnh nó thúc ép như vậy, chứ không phải tại tớ tất cả.

Tôi và Van-đốc chén một bữa ra trò. Sau vừa phì phèo thuốc lá, chúng tôi vừa rút ra kết luận. Van-đốc lại hỏi tôi:

- Như vậy là khi thuê cậu, ông Đô-bi cũng đưa ra điều kiện cắt tóc cho cậu à? Ồ, giờ thì rõ như ban ngày rồi, ông Đô-bi chính là Rôn-sơ, cháu ngoại của “Giáo sư nuôi rắn”. Cậu ranh thật, biết soi vào mặt nước để thay gương! Ông Đô-bi của cậu tức là ông Rôn-sơ của tớ, tất nhiên ông ta không muốn cho chúng mình biết diều gì đã xảy ra trên mặt chúng mình. Rồi lại còn cái kiểu ho húng hắng…, rồi giọng nói của cả hai người đều khác vì hút quá nhiều thuốc, và lại cả cái bi đông chạm trổ này nữa.. Đúng rồi, Pin-gơ-lơ ạ! Ông Rôn-sơ vẫn sống ung dung trong biệt thự với cái tên khác là Đô-bi. Chúng ta…

Giữa lúc ấy có tiếng nhí nhéo ngoài cửa. Van-đốc liền chồm dậy mở cửa:

- Gì thế? Ai ở ngoài ấy?

Hai cô hầu bàn đang hào hứng bàn luận ngoài hành lang. Van-đốc gọi:

- Lại đây đã hai nàng xinh đẹp! Bê hộ các thứ trên bàn đi và mang cho nửa chai rượu trắng. Ngoài ấy có chuyện gì thế?

Hai cô gái dọn bát đĩa vào khay. Một cô bảo:

- Vừa rồi Xu-di nghe người ta kháo nhau trong buồng khách là bà Lô-tít-sơ quý mèo nổi tiếng, tối qua nhặt được một con mèo rất đẹp ở ngoài phố. Bà ta mang nó về, cho nó ăn sữa. Ai ngờ con mèo bỗng chõ vào mặt bà ta sủa gâu gâu.

Van-đốc nháy mắt với tôi, rồi tủm tỉm cười:

- Có đúng mèo không? Nó sủa gâu gâu thật à?

Xu-di nói chen vào:

- Thật mà! Ông Mai-cơn nói đấy ạ! Ông ta nghe bà quản gia của cha giám mục kể rằng bà Lô-tít-sơ không kịp mặc áo mưa và ủng đi mưa, chạy đi tìm cha để xin cha đọc kinh đuổi ma quỷ đi hộ…

Cô gái thứ hai ngắt lời Xu-di:

- Nhưng cha giám mục cũng ốm. Nghe đâu đầu cha sưng múp lên. Lại có tin quan Chánh án vừa mọc thêm một cái mũi nữa. Người hầu của ông ta đã nói chuyện này với bè bạn ở chợ. Nếu ông Phi-lơ, một Đội trưởng cảnh sát bảnh trai không dọa tống cô ta vào bót cảnh sát thì cô ta còn bô bô lên nữa…

Xu-di hóm hỉnh thêm vào:

- Phơ-rê-sơn là bạn của U-ít-slây, tống cô ta vào bót cảnh sát thì đã chắc làm gì được nhau? Người ta còn đồn rằng hôm kia ông Phơ-rê-sơn cũng bị ốm, đến nỗi cấp dưới không nhận ra được ông ta cơ mà!

Van-đốc cố ý chọc tức hai cô gái, hắn ta bảo:

- Các cô trêu ghẹo tôi đấy hẳn?

Nghe nói thế, cô Xu-di mắt đen bực lắm:

- Chúng tôi trêu ghẹo ông làm gì? Ông ra phòng khách nghe người ta nói thì khắc biết.

Xu-di bẽn lẽn nhún vai. Hai cô hầu bàn bê khay bát đĩa đi ra.
Van-đốc bảo tôi:

- Thế nào? Bỏ rơi cậu xong, ông Rôn-sơ lại giở trò gì chăng? Pin-gơ-lơ, cậu đợi tớ mấy phút để tớ đến chỗ Bơ-rít-dơ hỏi người nhân viên bán hàng của ông ta xem sao…

Tôi đứng bật dậy:

- Không, ông bạn ạ. Lần này ông đừng hòng lừa nổi tôi

Van-đốc ngạc nhiên:

- Sao cơ?

- Vì tôi không thích ngửi thấy mùi thuốc nổ của cây súng tự động mười hai viên đạn nữa. Tôi đã ngửi chán ở Ma-sát-lan rồi.

- Pin-gơ-lơ, nhưng mà…

- Không “nhưng mà” gì cả, nhất định là như thế. Sau khi ông bạn chuồn, lão Phơ-rê-sơn sẽ xộc đến đây, buộc tôi vào tội đã thả những con mèo biết sủa để chúng chạy khắp thành phố Ê-xu-ô-rơ? Đủ rồi, cám ơn ông!

Van-đốc cáu tiết, suýt nữa thì chồm lên:

- Cậu định cãi nhau với tớ hẳn? Đúng rồi, bây giờ thì tớ tin cậu cùng bè cánh với lão Rôn-sơ rồi!

Tôi gào lên:

- Tôi mà lại bè cánh với lão ta! Trên đời này, tôi là người khát khao trả thù lão nhất!

- Thật ư? Càng hay. Cô Xu-di đến rồi kìa…

Van-đốc đỡ chai rượu và mấy cái cốc trong tay cô hầu bàn.

- Pin-gơ-lơ, nếu là người cùng một phe thì đừng cãi nhau, kẻo kẻ thù khoái trá. Nhân lúc ông Rôn-sơ còn mù tịt, ta hành động trước là thượng sách. Nào, Pin-gơ-lơ, ta chạm cốc để làm lành với nhau và để chúc mừng thắng lợi! Trước khi xuất phát, phải giữ đầu óc cho tỉnh táo.
 
Chúng tôi chạm cốc với nhau. Sau đó Van-đốc đứng bên quầy bán rượu trong phòng khách của khách sạn Hải Vương Tinh một lúc. Hắn ta đổi tiền lẻ để trả hai cô hầu bàn. Trong lúc đợi đổi tiền, chúng tôi lắng nghe những lời bàn luận sôi nổi của khách hàng ở các bàn.

Miến Điện có câu châm ngôn rất hay: “Một lời của người khôn hơn ngàn lời của người dại”. Đứng trước quầy bán rượu, Van-đốc hỏi rõ những vấn đề cốt lõi và giúp chúng tôi hiểu được nhiều chuyện.

Trong thành phố Ê-xu-ô-rơ lan truyền nhiều lời đồn đại, bàn tán đủ kiểu về những chuyện lục đục trong gia đình. Tuy con hươu cao cổ được huấn luyện kỹ lưỡng của đoàn xiếc đã được chữa chạy khỏi, nhưng bỗng dưng trên đường phố Ê-xu-ô-rơ xuất hiện những con mèo và con c.hó rất lạ kỳ. Mèo biết sủa như c.hó và biết cắn vào chân người đi đường. Còn c.hó thì biết trèo tường. Ông Mai-cơn bắt được hai con, ông ta định mang bán cho người dạy thú trong đoàn xiếc. Sau khi bàn bạc kỹ, chủ đoàn xiếc và người dạy thú đã mua hai con vật ấy. Người dạy thú khăng khăng cho rằng trong giới tự nhiên có loại mèo lai c.hó và cũng có loại c.hó lai giống mèo sư tử. Báo chí còn đăng bài phát biểu của ông ta trước các nhà báo.

Các bạn đã biết rõ những con bệnh của bác sĩ Phơ-lít. Số bệnh nhân mắc chứng bệnh này mỗi ngày một tăng lên . Tự nhiên tiếng bà Go-tê-lít lại ồm ồm như tiếng đàn ông. Nhân viên Sở Bưu định không cho ông Giám đốc vào Sở làm việc vì ông ta không còn giống ông Giám đốc mặc dù ông vẫn bận lễ phục như mọi bận. Người hầu gái chuyên dọn phòng cho bà Lô-tít-sơ cũng ốm; dung mạo chị ta làm cho bà chủ hồn xiêu phách lạc, bà phải chồng ghế lên bà để lấy chỗ tự vệ và còn chạy ra phố đọc kinh cầu Chúa. Ông Giám đốc Ngân hàng liên hợp Mây-en-đơ cho rằng Bi-li-a, một nhân viên văn phòng đã mắc một thứ bệnh bí hiểm nên đã cuống quýt đẩy anh ta đến chỗ bác sĩ Phơ-lít khám bệnh, vì trong khi đến làm việc, dưới mắt trái anh có một vết thâm tím. Tuy anh ta đã bảo thợ cắt tóc thoa phấn trắng vào chỗ đó, nhưng anh ta vẫn không giấu được. Anh ta đã thề có trời đất rằng mình không mắc bệnh, vết thương kia là do anh ta ngã xe đạp chứ không bảo đấy là vết ngã sau lúc đến quán rượu ngoài hải cảng. Song trước khi vết thương lành hẳn, anh ta vẫn bị xua ra khỏi Ngân hàng. Chỗ rạp xiếc trên quảng trường bây giờ vắng tanh vắng ngắt, chỉ có hai người cảnh sát đứng gác ở đấy để xua đuổi bất cứ người nào bén mảng đến nơi vắng vẻ này, mặc dầu họ còn cách nơi đó mười lăm thước Anh. Ông Mai-cơn treo trước cửa nhà thờ một cái bảng nói là đình chỉ mọi buổi lễ. Trước cổng Cục Tư pháp thành phố cũng dán một tờ bố cáo rất to , trên viết: “Quan Chán án lâm bệnh, mọi phiên tòa đều đình xét xử”.

Ra khỏi khách sạn Hải Vương Tinh, Van-đốc bảo nhỏ tôi:

- Chúng ta phải đến chỗ ông Rôn-sơ ngay.

Chúng tôi bước qua cổng Sở của Xây-tôn. Tim đang đứng trước cửa, hai tay run run dán lên một tờ thông báo “Nghỉ việc”.

Dân Ê-xu-ô-rơ xúm đen xúm đỏ xung quanh, trong đó có một ông già cụt tay, đội mũ lễ phục theo kiểu cổ, đọc tờ thông báo xong bèn nhổ toẹt một bãi nước bọt, nói bô bô:

- Thế là hỏng rồi!

Giữa lúc ấy, một chiếc xe song mã vút qua, người ngồi trong xe là bác sĩ Phơ-lít đang ôm khư khư cái xà-cột loảng xoảng những ống thủy tinh.

Van-đốc giục:

- Pin-gơ-lơ, chúng mình không có thì giờ để nhìn hươu nhìn vượn nữa. Tớ biết tỏng cậu muốn biết cô hàng giải khát kia thế nào. Tớ xin bảo đảm với cậu rằng cô ta rất đẹp. Tớ quen biết cô ta hôm qua, dung nhan cô Ê-đíp rất dẹp… Pin-gơ-lơ, gắng lên! Tớ không muốn nhìn con chim bay ra khỏi tổ. Chỉ lát nữa là tớ sẽ biết được “Giáo sư nuôi rắn” đang ở đâu. Cháu ngoại ông ta sẽ tiết lộ điều ấy. Chúng ta phải báo thù con người tự cho mình là thông minh ấy, phải trả mối thù đã làm cho chúng ta thân tàn ma dại như thế này, phải trả thù cho mọi người, phải trả thù kẻ đã mưu hại cậu…

Chúng tôi thi nhau chạy về phía tòa biệt thự của bác sĩ Rôn-sơ.
 
Back
Top