TiCan
Well-Known Member
Kỳ 1: Cây cỏ hết hồn nhiên
Anh cán bộ địa chính xã một vùng quê tỉnh Bình Thuận đưa tôi đi xem khu đất anh chuẩn bị trồng hành ngò ớt tỏi, để “cùng học hỏi kinh nghiệm”. Tôi hỏi đầu ra ở đâu, anh bảo để cung cấp cho bếp ăn các khu công nghiệp mà anh đang có mối. Dọc hai bên đường đến khu đất nhà anh là những vườn nhãn sum suê trĩu quả đang bước vào thu hoạch. Anh dừng xe trước một khu vườn, nói với chủ nhân: “Bác bán cho tôi mấy ký nhãn, chọn cây nào không xịt thuốc để tôi làm quà”. Chủ vườn cười, lắc đầu. Đến khu vườn thứ hai, chủ vườn bảo: “Không có đâu anh ơi, trồng nhãn thì cây nào chẳng phải xịt thuốc”. Đến khu vườn thứ ba, anh hạ thấp yêu cầu: “Bác chọn cây nào đã xịt thuốc lâu lâu rồi, bán tôi mấy ký”. Trả lời: “Mới xịt thuốc 1 tuần”. Anh quay sang nhìn tôi, ý muốn hỏi như thế có an toàn không, tôi bảo thôi đừng ăn nhãn. Tôi định hỏi cái khu hành ngò ớt tỏi của anh sau này có phải xịt thuốc gì không, nhưng khi anh tự nói đã phun thuốc diệt cỏ trước khi trồng rồi, tôi không hỏi nữa.
“Phát hiện” trên không có gì mới mẻ. Ai cũng biết trái cây trên thị trường hiện nay, dù của Trung Quốc hay của ta, đều có “xịt thuốc”, cấp thấp thì như mấy vườn nhãn tôi vừa nói, cấp cao thì dùng tiếp hóa chất độc hại làm tươi làm đẹp. Và ai cũng biết do khắp thế giới đều “xịt thuốc”, nên chúng ta vẫn có những loại rau quả xuất khẩu được kiểm định là an toàn với dư lượng hóa chất ở mức “cho phép”. Nhưng vấn đề là không phải ai cũng biết là nông thôn của chúng ta đã bị hóa chất công nghiệp tàn phá nghiêm trọng đến mức đáng sợ như thế nào.
Xã này nằm cách Khu bảo tồn thiên nhiên không bao xa. Nơi đây trước là vùng rừng nguyên sinh, tôi chắc là y như rừng của khu bảo tồn, dấu vết còn lại là nhiều gốc sến, gốc sao cổ thụ nằm trơ trên cát, không biết đã bị chặt phá từ lúc nào. Nằm trũng giữa xã có một cái bầu tương đối rộng, hiện vẫn còn nhiều cá tôm chim chóc hoang dã cư ngụ, thỉnh thoảng bắt gặp chồn cáo, gà rừng. Ven bầu vẫn còn cây nắp ấm. Sau giải phóng đây là vùng kinh tế mới, việc phá rừng khai hoang là đương nhiên. Nhưng nhiều người cho biết hơn 10 năm trước việc nuôi bò ở đây rất phổ biến, một cựu phó thủ tướng chính quyền Sài Gòn cũ, quê gốc ở xã này, sau giải phóng về dựng lại nhà thờ tổ tiên, cũng có trại bò hàng trăm con, chứng tỏ nơi đây từng có rất nhiều cỏ tự nhiên. Nay tuy còn một số hộ nuôi bò, nhưng mùa nắng bò gầy giơ xương, do chỉ ăn rơm vì làm gì còn cỏ.
Vùng này trước đây là rừng nguyên sinh
Cỏ dại không chỉ vô hại với cây trồng mà còn là thảm thực vật giữ độ ẩm và nuôi dưỡng hệ sinh vật làm màu mỡ bền lâu cho đất. Cha ông ta đã biết ăn ở đúng mực với cỏ. Cha ông ta “làm cỏ” là làm quang thoáng cho cây trồng, chỉ những cây trồng cùng một tầng ăn với cỏ, như lúa, mới cào cỏ rồi vùi xuống cho tốt đất. Thảm cỏ vẫn được duy trì hợp lý và luôn tái sinh tươi tốt, cho gia súc có cái để ăn, cho đất đai không bị xói mòn, cho không khí đồng quê trong lành tươi mát. Và nên nhớ phần lớn các loại cỏ dại đều là những vị thuốc, nhờ chúng mà con người cùng gia súc gia cầm kháng được bệnh, chúng chính là phước lành trên vườn ruộng. Cha ông ta không coi cỏ dại là kẻ thù mà là bè bạn. Nhưng đó là chuyện ngày xưa.
Còn ngày nay không hiểu chủ trương từ đâu và từ bao giờ mà tự nhiên ở nông thôn đã hình thành một phong trào “toàn dân diệt cỏ”. Ở đây người ta trồng thứ gì cũng phun thuốc diệt cỏ, trồng bắp diệt cỏ, trồng sắn diệt cỏ, trồng rau đậu diệt cỏ, trồng keo lá tràm diệt cỏ, thậm chí trồng cỏ voi cho bò ăn cũng phun thuốc diệt cỏ. Mùa mưa một số cỏ vẫn chòi đạp ngoi lên, nhưng mùa nắng thì hầu như không có, những thứ cỏ có thể sống được trong mùa nắng, như cỏ ống, đều bị diệt tận gốc, trừ một số nơi chưa canh tác nằm dưới vùng trũng. Thảm cỏ bị tận diệt, cả một vùng vốn là rừng nguyên sinh trở thành những dải cát cháy bỏng, dọc hai bên đường phủ đầy rác thải “hiện đại” là túi ni lông và hộp nhựa.
Bồi thêm với thuốc diệt cỏ là thuốc trừ sâu. Thuốc trừ sâu, thường được gọi với cái tên mỹ miều là thuốc bảo vệ thực vật, được phun khắp các loại cây trồng, từ cây điều cây sắn cho tới rau cải rau lang rau muống. Vườn nhà này phun thì vườn nhà khác muốn không phun cũng không được, nếu không phun sẽ hứng thêm sâu rầy bên phun dịch chuyển sang cư trú. Tình trạng này là phổ biến trong cả nước, và trầm trọng thêm, trở thành mặc định trong ngành trồng trọt với việc phổ cập các giống cây lai tạo, thậm chí các giống biến đổi gen, mà các nhà tạo giống cố ý “buộc” chúng phụ thuộc vào các loại thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay bắp (ngô) lai được trồng trên 80% diện tích trồng bắp cả nước, nếu tổ tiên chúng ta sống dậy sẽ thấy lạ lùng là phần lớn các thứ bắp này được “cài đặt” để thu hoạch không thể dùng làm giống, muốn trồng tiếp phải tiếp tục mua giống. Thứ bắp bị “thiến” đó bầy gà kiến (là giống gà ta cổ truyền) nhà tôi nhất định không thèm ăn.
Cây cỏ tự nhiên đang được khôi phục
Hóa chất đang làm méo mó và thu hẹp môi trường sống của các sinh vật bản địa. Các giống cây và rau quả truyền thống gắn chặt với đất Việt, vốn là những thức ăn tương thích với đặc điểm sinh học của người Việt ta, dần dần bị thu hẹp, một số gần như bị loại bỏ (như bắp). Và hiếm có nơi sáng dậy còn được nghe tiếng chim hót trong vườn, “chim chuyền bụi ớt líu lo” chỉ còn trong ca dao cổ tích.
Nỗi sợ hãi về rau quả nhiễm chất độc ngày càng gia tăng, buộc người ta phải tìm mọi cách tự vệ. Nhiều người chỉ ăn rau quả do tự mình trồng, một số người dân thành thị trồng rau vào các chậu đặt trên sân thượng. Ở chợ, có khi người ta tìm sâu bỏ vào rau đem bán để chứng minh rau không phun thuốc, khiến cho sự tự vệ của người tiêu dùng càng được siết chặt. Nhưng các cách tự vệ đều chỉ giữ cho bản thân mỗi gia đình được thoát hiểm trong hiện tại và chẳng thấm vào đâu so với tình trạng đại chúng vẫn phải ăn rau quả nhiễm độc.
Trong một môi trường mà các loại thuốc trừ sâu diệt cỏ được phun một cách dày đặc, tràn lan và hợp pháp, một môi trường mà cây cỏ tự nhiên khó mà tự mình sinh sống, liệu có nơi nào sản xuất được rau quả organic thương phẩm hoàn toàn không dùng hóa chất ?
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140929/ky-su-organic-ky-1-cay-co-het-hon-nhien.aspx
Anh cán bộ địa chính xã một vùng quê tỉnh Bình Thuận đưa tôi đi xem khu đất anh chuẩn bị trồng hành ngò ớt tỏi, để “cùng học hỏi kinh nghiệm”. Tôi hỏi đầu ra ở đâu, anh bảo để cung cấp cho bếp ăn các khu công nghiệp mà anh đang có mối. Dọc hai bên đường đến khu đất nhà anh là những vườn nhãn sum suê trĩu quả đang bước vào thu hoạch. Anh dừng xe trước một khu vườn, nói với chủ nhân: “Bác bán cho tôi mấy ký nhãn, chọn cây nào không xịt thuốc để tôi làm quà”. Chủ vườn cười, lắc đầu. Đến khu vườn thứ hai, chủ vườn bảo: “Không có đâu anh ơi, trồng nhãn thì cây nào chẳng phải xịt thuốc”. Đến khu vườn thứ ba, anh hạ thấp yêu cầu: “Bác chọn cây nào đã xịt thuốc lâu lâu rồi, bán tôi mấy ký”. Trả lời: “Mới xịt thuốc 1 tuần”. Anh quay sang nhìn tôi, ý muốn hỏi như thế có an toàn không, tôi bảo thôi đừng ăn nhãn. Tôi định hỏi cái khu hành ngò ớt tỏi của anh sau này có phải xịt thuốc gì không, nhưng khi anh tự nói đã phun thuốc diệt cỏ trước khi trồng rồi, tôi không hỏi nữa.
“Phát hiện” trên không có gì mới mẻ. Ai cũng biết trái cây trên thị trường hiện nay, dù của Trung Quốc hay của ta, đều có “xịt thuốc”, cấp thấp thì như mấy vườn nhãn tôi vừa nói, cấp cao thì dùng tiếp hóa chất độc hại làm tươi làm đẹp. Và ai cũng biết do khắp thế giới đều “xịt thuốc”, nên chúng ta vẫn có những loại rau quả xuất khẩu được kiểm định là an toàn với dư lượng hóa chất ở mức “cho phép”. Nhưng vấn đề là không phải ai cũng biết là nông thôn của chúng ta đã bị hóa chất công nghiệp tàn phá nghiêm trọng đến mức đáng sợ như thế nào.
Xã này nằm cách Khu bảo tồn thiên nhiên không bao xa. Nơi đây trước là vùng rừng nguyên sinh, tôi chắc là y như rừng của khu bảo tồn, dấu vết còn lại là nhiều gốc sến, gốc sao cổ thụ nằm trơ trên cát, không biết đã bị chặt phá từ lúc nào. Nằm trũng giữa xã có một cái bầu tương đối rộng, hiện vẫn còn nhiều cá tôm chim chóc hoang dã cư ngụ, thỉnh thoảng bắt gặp chồn cáo, gà rừng. Ven bầu vẫn còn cây nắp ấm. Sau giải phóng đây là vùng kinh tế mới, việc phá rừng khai hoang là đương nhiên. Nhưng nhiều người cho biết hơn 10 năm trước việc nuôi bò ở đây rất phổ biến, một cựu phó thủ tướng chính quyền Sài Gòn cũ, quê gốc ở xã này, sau giải phóng về dựng lại nhà thờ tổ tiên, cũng có trại bò hàng trăm con, chứng tỏ nơi đây từng có rất nhiều cỏ tự nhiên. Nay tuy còn một số hộ nuôi bò, nhưng mùa nắng bò gầy giơ xương, do chỉ ăn rơm vì làm gì còn cỏ.
Vùng này trước đây là rừng nguyên sinh
Cỏ dại không chỉ vô hại với cây trồng mà còn là thảm thực vật giữ độ ẩm và nuôi dưỡng hệ sinh vật làm màu mỡ bền lâu cho đất. Cha ông ta đã biết ăn ở đúng mực với cỏ. Cha ông ta “làm cỏ” là làm quang thoáng cho cây trồng, chỉ những cây trồng cùng một tầng ăn với cỏ, như lúa, mới cào cỏ rồi vùi xuống cho tốt đất. Thảm cỏ vẫn được duy trì hợp lý và luôn tái sinh tươi tốt, cho gia súc có cái để ăn, cho đất đai không bị xói mòn, cho không khí đồng quê trong lành tươi mát. Và nên nhớ phần lớn các loại cỏ dại đều là những vị thuốc, nhờ chúng mà con người cùng gia súc gia cầm kháng được bệnh, chúng chính là phước lành trên vườn ruộng. Cha ông ta không coi cỏ dại là kẻ thù mà là bè bạn. Nhưng đó là chuyện ngày xưa.
Còn ngày nay không hiểu chủ trương từ đâu và từ bao giờ mà tự nhiên ở nông thôn đã hình thành một phong trào “toàn dân diệt cỏ”. Ở đây người ta trồng thứ gì cũng phun thuốc diệt cỏ, trồng bắp diệt cỏ, trồng sắn diệt cỏ, trồng rau đậu diệt cỏ, trồng keo lá tràm diệt cỏ, thậm chí trồng cỏ voi cho bò ăn cũng phun thuốc diệt cỏ. Mùa mưa một số cỏ vẫn chòi đạp ngoi lên, nhưng mùa nắng thì hầu như không có, những thứ cỏ có thể sống được trong mùa nắng, như cỏ ống, đều bị diệt tận gốc, trừ một số nơi chưa canh tác nằm dưới vùng trũng. Thảm cỏ bị tận diệt, cả một vùng vốn là rừng nguyên sinh trở thành những dải cát cháy bỏng, dọc hai bên đường phủ đầy rác thải “hiện đại” là túi ni lông và hộp nhựa.
Bồi thêm với thuốc diệt cỏ là thuốc trừ sâu. Thuốc trừ sâu, thường được gọi với cái tên mỹ miều là thuốc bảo vệ thực vật, được phun khắp các loại cây trồng, từ cây điều cây sắn cho tới rau cải rau lang rau muống. Vườn nhà này phun thì vườn nhà khác muốn không phun cũng không được, nếu không phun sẽ hứng thêm sâu rầy bên phun dịch chuyển sang cư trú. Tình trạng này là phổ biến trong cả nước, và trầm trọng thêm, trở thành mặc định trong ngành trồng trọt với việc phổ cập các giống cây lai tạo, thậm chí các giống biến đổi gen, mà các nhà tạo giống cố ý “buộc” chúng phụ thuộc vào các loại thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay bắp (ngô) lai được trồng trên 80% diện tích trồng bắp cả nước, nếu tổ tiên chúng ta sống dậy sẽ thấy lạ lùng là phần lớn các thứ bắp này được “cài đặt” để thu hoạch không thể dùng làm giống, muốn trồng tiếp phải tiếp tục mua giống. Thứ bắp bị “thiến” đó bầy gà kiến (là giống gà ta cổ truyền) nhà tôi nhất định không thèm ăn.
Cây cỏ tự nhiên đang được khôi phục
Hóa chất đang làm méo mó và thu hẹp môi trường sống của các sinh vật bản địa. Các giống cây và rau quả truyền thống gắn chặt với đất Việt, vốn là những thức ăn tương thích với đặc điểm sinh học của người Việt ta, dần dần bị thu hẹp, một số gần như bị loại bỏ (như bắp). Và hiếm có nơi sáng dậy còn được nghe tiếng chim hót trong vườn, “chim chuyền bụi ớt líu lo” chỉ còn trong ca dao cổ tích.
Nỗi sợ hãi về rau quả nhiễm chất độc ngày càng gia tăng, buộc người ta phải tìm mọi cách tự vệ. Nhiều người chỉ ăn rau quả do tự mình trồng, một số người dân thành thị trồng rau vào các chậu đặt trên sân thượng. Ở chợ, có khi người ta tìm sâu bỏ vào rau đem bán để chứng minh rau không phun thuốc, khiến cho sự tự vệ của người tiêu dùng càng được siết chặt. Nhưng các cách tự vệ đều chỉ giữ cho bản thân mỗi gia đình được thoát hiểm trong hiện tại và chẳng thấm vào đâu so với tình trạng đại chúng vẫn phải ăn rau quả nhiễm độc.
Trong một môi trường mà các loại thuốc trừ sâu diệt cỏ được phun một cách dày đặc, tràn lan và hợp pháp, một môi trường mà cây cỏ tự nhiên khó mà tự mình sinh sống, liệu có nơi nào sản xuất được rau quả organic thương phẩm hoàn toàn không dùng hóa chất ?
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140929/ky-su-organic-ky-1-cay-co-het-hon-nhien.aspx