Tin tức và nhận định về thị trường Dầu

A

Alice Vũ

Guest
NGÀY 25/2/2015

KHÔNG HỀ CÓ DẤU HIỆU OPEC SẼ HỌP SỚM

Một vài nguồn tin từ OPEC cho biết Ả-rập Saudi sẽ không đồng ý tổ chức bất kỳ cuộc họp khẩn nào mặc dù các nước thành viên khác đang chịu ảnh hưởng nặng nề do giá dầu giảm sâu.

Trong khi đó, bộ trưởng dầu của Nigeria, bà Diezani Alison-Madueke đã trả lời trên trang Financial Times hôm thứ 2 (23/2) rằng có khả năng cao sẽ kêu gọi OPEC mở cuộc họp khẩn trong 6 tuần tới, nếu không giá dầu sẽ còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa. Trong khi đó, các nước thành viên vùng Vịnh trong khu vực thì ngược lại, phản đối tổ chức cuộc họp khẩn.

Một quốc gia OPEC ngoài vùng Vịnh cho rằng “Mặc dù lượng dư thừa vẫn đang tăng lên và giá dầu có thể bị đẩy xuống thấp hơn nữa thì cũng không thể thuyết phục được Ả-rập Saudi tổ chức cuộc họp khẩn. Dù là rất hy vọng Saudi sẽ hành động nhưng tôi không hề thấy dấu hiệu nào cho thấy động thái của Saudi cả.”

Một đại biểu của OPEC cho rằng quyết định của Nigeria dường như bị tác động bởi tình hình chính trị. (Đây là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc giá dầu giảm. Dầu mỏ chiếm hầu hết kim ngạch xuất khẩu của Nigeria, mang về 95% lợi nhuận dưới dạng ngoại tệ và 85% tổng doanh thu. Theo Deutsche Bank , Nigeria cần giá dầu ở mức $120/thùng để cân bằng ngân sách. Trong khi đó, quốc gia này cũng đang trong chiến dịch bầu cử. Cuộc tổng tuyển cử ở Nigeria, dự kiến diễn ra vào ngày 14/2, đã phải hoãn lại 6 tuần do cơ quan an ninh Nigeria cho biết họ cần thêm thời gian để kiềm chế tình trạng bạo lực ở miền Đông Bắc nước này.)

Một quốc gia vùng Vịnh cho biết: “Theo tôi được biết thì OPEC không có kế hoạch tổ chức bất kỳ cuộc họp khẩn nào và chúng tôi cũng không hề đặt mục tiêu về giá để mở cuộc họp khẩn đó. Việc cắt giảm sản lượng thực sự rất khó khăn và đó không phải là một giải pháp cho OPEC. Muốn chính sách của OPEC thay đổi thì trước hết các nước sản xuất ngoài OPEC phải hạn chế sản lượng. Và việc này rất khó đàm phán thành công.”

Trong cuộc họp gần đây nhất của mình (27/11/2014), OPEC quyết định giữ nguyên mức sản lượng (30 triệu thùng/ngày) nhằm cạnh tranh với các nguồn cung mới như dầu đá phiến Mỹ. Quyết định này đã ảnh hưởng rất lớn đến các nước trong và ngoài khu vực như Nigeria, Venezuela hay Nga. Cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ dầu mỏ của Saudi cũng phát biểu sẽ không cắt giảm sản lượng cho dù dầu có ở mức $20/thùng.

Các nhà phân tích cũng cho rằng rất ít khả năng OPEC sẽ thay đổi chính sách về sản lượng. Ý định tổ chức cuộc họp khẩn không phải là của Saudi, thế lực thực sự đứng sau OPEC, hay thậm chí là các nước đồng minh trong khu vực khư Kuwait hay UAE.

Nếu một cuộc họp khẩn được mở ra thì sản lượng sẽ bị cắt giảm và giá sẽ được đẩy lên ở mức cao hơn. Thực tế thì viễn cảnh đó dường như là không thể. Ông Tom Kloza, nhà phân tích dầu tại Oil Prices Information Service cho biết: “Hoàn toàn không hề có dấu hiệu gì cho thấy OPEC sẽ triệu tập cuộc họp khẩn nào cả.” Thậm chí, nếu tổ chức này có họp sớm đi chăng nữa, thì chiến lược về sản lượng cũng sẽ không thay đổi.

Ả-rập Saudi quyết định không cắt giảm sản lượng để “hất cẳng” các nước sản xuất có chi phí cao hơn như dầu đá phiến Mỹ hay dầu cát Canada ra khỏi thị trường dầu mỏ. Rõ ràng, với giá dầu giảm sâu, Mỹ và Canada đều chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Khủng hoảng giá dầu: $35/thùng?


Edward Morse, chuyên gia phân tích hàng hóa của Citigroup, người đã dự đoán chính xác sự sụp đổ dầu trở lại trong năm 2008, đưa ra cảnh báo trong một báo cáo nghiên cứu công bố hôm thứ 2 rằng sự phục hồi gần đây của giá dầu chỉ là tạm thời.

Chính Morse cũng đánh giá “OPEC đang dần mất đi quyền lực thực sự”, cho rằng giá dầu có thể chìm xuống mức $35/thùng trong quý II và sẽ không quay lại mức $60/thùng cho đến năm sau.

Theo CNN Money
Bài dịch của Nhóm IF24h
Link: http://if24h.com/khong-he-co-dau-hieu-opec-se-hop-som/
 
DẦU THÔ TĂNG TRƯỚC TUYÊN BỐ CỦA FED VÀ SỐ LIỆU TỪ TRUNG QUỐC

Giá dầu Brent hôm qua tăng nhẹ, đạt $59/thùng, nhờ chỉ số công nghiệp của Trung Quốc khả quan. Thêm vào đó, việc Fed tuyên bố linh động trong việc nâng lãi suất, cùng với đề nghị cải cách tài chính của Hy Lạp được chấp thuận cũng góp phần đẩy giá đi lên.

Cụ thể là, giá Brent tăng 22 cents, lên $58.88/thùng, trong khi giá WTI tương lai giảm 2 cents, xuống còn $49.26/thùng.

Công bố số liệu cho biết HSBC/Markit Purchasing Managers’ Index của Trung Quốc đạt 50.1 điểm vào tháng 2 (cao nhất trong 4 tháng qua), cho thấy ngành công nghiệp trong nước đang mở rộng.

Ông Yusuke Seta, quản lý mua bán hàng hóa tại Newedge Japan nhận định: “Điều này cho thấy cầu về dầu sẽ tăng, tuy nhiên, chưa thể khẳng định điều gì cho đến khi cầu từ Trung Quốc (quốc gia tiêu thụ dầu mở thứ 2 thế giới) thật sự mạnh mẽ và ổn định.”

Số liệu từ một cuộc điều tra khác cho thấy số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của quốc gia này giảm mạnh nhất trong gần 2 năm qua.

Giá dầu cũng được hỗ trợ khi Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen cho biết ngân hàng này đang cân nhắc nâng lãi suất “trong vài cuộc họp tới.” Nhiều nhà đầu tư tin rằng lãi suất sẽ tăng cuối tháng 6 năm nay.

Đề xuất cải cách tài chính của Hy Lạp được chấp thuận, khiến nỗi lo quốc gia này dời khỏi Euro zone tạm thời lắng xuống, cũng góp phần đẩy giá đi lên.

Nhìn tổng thể, mặc dù thị trường kinh tế vĩ mô khá thuận lợi, nhưng những nghi ngại về phía cung dư thừa trên thị trường còn khá lớn, khiến giá chưa thể “tăng vọt” được.

Số liệu công bố bởi Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) hôm qua cho biết dự trữ dầu thô tuần trước tăng lên 8.9 triệu thùng. Trong khi đó, OPEC không hề có ý định tổ chức cuộc họp khẩn nàotrước tháng 6 năm nay, mặc dù Bộ trưởng dầu khí Nigeria đang nóng lòng mong đợi một cuộc họp như vậy.

Trong khi đó, Libya vừa hoạt động lại 2 mỏ dầu Sarir and Messla, bơm hơn 40,000 triệu thùng/ngày tới cảng Hariga.

 
Ngày 26/2/2015

NIGERIA THIỆT HẠI NẶNG NỀ DO GIÁ DẦU GIẢM

Doanh thu của chính phủ Nigeria đã giảm 15% trong tháng 1 do giá dầu giảm khiến ngành dầu khí quốc gia này chịu thua lỗ.

Trong tháng 1, chính phủ thất thu 416.1 tỷ Naira (2.1 tỷ Đô-la), theo kế toán trưởng Jonah Otunla. Kim ngạch xuất khẩu dầu giảm 33% trong tháng 11 và 12, kéo theo đó là nguồn thu bị giảm 159.88 triệu Đô-la.

Xuất khẩu dầu mỏ tạo ra hơn 90% thu nhập ngoại tệ và 70% doanh thu Nhà nước. “Nigeria đang phải gánh chịu tổn thất nặng nề do giá dầu lao dốc trên thị trường quốc tế.” Quốc gia Tây Phi đang chuẩn bj cho cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng tới.

Tài khoản dầu thô vượt mức của Nigeria hiện tại là khoảng 2.1 tỷ Đô-la, thấp hơn so với hồi tháng 12 (3.1 tỷ Đô-la).

Tổng doanh thu phân phối trong tháng 1 là 500.1 tỷ Naira, đã bao gồm cả tiền thuế VAT và các khoản hoàn trả của Tập đoàn dầu khí quốc gia Nigeria.

Trong bối cảnh đó, Thượng viện và Hạ viện Nigeria đã phải đề xuất điều chỉnh dự thảo ngân sách dựa trên mức giá dầu là $52, thay vì $65 như trước.

Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala cho biết bản đề xuất được Thượng viện và hầu hết các thành viên Hạ viện tán đồng, mặc dù Hạ viện vẫn chưa chính thức thông qua.

Enyinnaya Abaribe, Chủ tịch của Hội đồng Thượng viện về Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Việc điều chỉnh hạ giá dầu xuống $52 là do tình hình thực tế.”

Nền kinh tế lớn nhất và đông dân nhất châu Phi này đã phải hoãn cuộc bầu cử Tổng thống vào 28/3 do những lo ngại về an ninh.

Paul Nwabuikwu, phát ngôn viên của Bộ Tài chính cho viết, Quốc hội đang cố gắng để bản dự thảo ngân sách được thông qua trước cuộc bầu cử.

Bản dự thảo mới “sẽ cho thấy một bức tranh rõ ràng hơn về ngân sách chính phủ, phù hợp hơn với hiện thực trên thị trường dầu thô”, dẫn lời các chuyên gia phân tích của Ecobank Transnational Inc.

Theo Bloomberg
Bài dịch của Nhóm IF24h
Link: http://if24h.com/nigeria-thiet-hai-nang-ne-do-dau-giam/
 
Ả-RẬP SAUDI: CẦU VỀ DẦU SẼ TĂNG KHI THỊ TRƯỜNG "SÓNG YÊN BIỂN LẶNG"
"Cầu về dầu đang tăng, thị trường dầu mỏ đang dần bình lặng rồi", Bộ trưởng Dầu mỏ Ả-rập Saudi, ông Ali al-Naimi dõng dạc tuyên bố.
Phát biểu trước giới đưa tin sau một cuộc họp tại thành phố Red Sea, Jazan, ông nhận định: “Chúng tôi muốn thị trường lặng sóng”. Ông vẫn tự tin rằng Saudi sẽ duy trì ngôi vị “ông vua” xuất khẩu dầu mỏ số một thế giới.

Tính từ đầu năm tới nay, giá Brent tương lai tăng 3.6%, sau khi giảm gần một nửa vào năm ngoái. Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, giá tăng 91 cents, đạt $59.43/thùng lúc 2:04 chiều trên sàn ICE Futures Europe, London.

Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait cho biết cung dư thừa toàn cầu hiện thấp hơn ước tính của quốc gia này vào tháng trước (1.8 triệu thùng/ngày), điều này sẽ hỗ trợ cho giá. Báo cáo số liệu từ London-based Energy Aspects cho biết cầu về dầu tháng 12/2014 tăng 2.2 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều nhất trong gần 2 năm qua.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hôm 27/11 quyết định giữ nguyên sản lượng dầu nhằm “hất cẳng” những đối thủ cạnh tranh chi phí cao ra khỏi cuộc chơi. Baker Hughes Inc cho biết lượng giàn khoan dầu tại Mỹ giảm 35% kể từ ngày 5/12, xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Sản phẩm dầu tinh chế

Số liệu công bố bởi Cục Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy kim ngạch xuất khẩu dầu tinh chế của Mỹ đạt 2.66 triệu thùng/ngày năm 2013.

Ả-rập đang chi ra hàng tỷ Đô-la Mỹ nhằm đa dạng hóa nền kinh tế quốc dân, bao gồm mở rộng các nhà máy tinh chế và hóa dầu. Công ty Saudi Arabian Oil (hay Saudi Aramco) và Dow Chemical Co. có thể sẽ khai trương dự án hóa dầu trị giá 20 tỷ Đô-la Mỹ trong năm nay. Ông al-Naimi cho biết quốc gia này đang nỗ lực giảm cổ phiếu ngành dầu trong tỷ trọng GDP, nhưng không cho biết thông tin gì hơn.

Cũng trong hội thảo trên, ông Khalid A Al-Falih cho biết Ả-rập đang rót 70 tỷ Riyals (18.7 tỷ Đô-la Mỹ) vào các nhà máy lọc dầu, cảng dầu và nhà máy năng lượng 4,000 MW tại Jazan. Quản lý nhà máy lọc dầu Jazan, ông Suleman al-Bargan cho biết nhà máy này được dự kiến hoàn thành năm 2017.

Aramco và đối tác Petroleum & Chemical Corp (Trung Quốc) bắt tay vào một dự án lọc dầu tại nhà máy Yanbu thuộc Red Sea vào năm ngoái, với công suất lọc 400,000 thùng/ngày. Trong đó, Aramco chiếm tới 62.5% cổ phần.

Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 7 tuần liên tiếp Báo cáo số liệu từ EIA ngày hôm qua cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng 2% , lên 434 triệu thùng/ngày, cao nhất trong vòng 80 năm qua. Mức tăng 8.43 triệu thùng cao gấp đôi so với dự báo của các chuyên gia phân tích của Bloomberg và là bước tăng mạnh nhất trong tháng.


Dự trữ dầu thô của Mỹ. Nguồn: Bloomberg
Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng trong bối cảnh giá dầu tụt dốc thê thảm. Hiện sản lượng dầu thô của Mỹ đạt 9.29 triệu thùng/ngày, và chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sự tụt giảm trong ngắn hạn.
Theo Bloomberg
Bài dịch của Nhóm IF24h
Link: http://if24h.com/a-rap-saudi-cau-ve-dau-se-tang-khi-thi-truong-song-yen-bien-lang/
 
4 YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN GIÁ DẦU TRONG DÀI HẠN
Giá dầu thô lao dốc gần 1 nửa trong 7 tháng trở lại đây, xuống dưới $50/thùng, sau đó quay trở lại $60, khuấy động trạng thái cân bằng trên thị trường dầu trong suốt hơn 2 năm qua, đã đưa thị trường đi hết bất ngờ này sang bất ngờ khác. Tuy nhiên, nhìn lại diễn biến thị trường dầu nhiều năm trở lại đây, có thể thấy rằng thị trường này chưa bao giờ được yên ổn, bởi làn sóng cung, cầu, áp lực địa chính trị, cũng như sự can thiệp của OPEC. Điển hình là cuối những năm 1990, giá dầu có lúc giảm xuống dưới $20/thùng.

Liệu có chuyện cái gì giảm rồi cũng sẽ đi lên, đà sụt giảm của giá dầu gần đây sẽ có một cuộc “lội ngược dòng ngoạn mục”, chỉ là vấn đề về thời gian hay không? Tất nhiên là không. Triển vọng dài hạn cho giá dầu còn khá phức tạp, do tác động của 4 yếu tố chưa từng xuất hiện trong những lần đảo chiều trước đó.

Thứ nhất,
thị trường đang đứng trước ngày càng nhiều sự lựa chọn. Trước đây chỉ là sự lựa chọn giữa những nhiên liệu thay thế có tính kinh tế cao với dầu mỏ, thì giờ đây còn thêm cuộc chiến giữa nguồn cung dầu và nước xuất khẩu dầu, điển hình là dầu đá phiến của Mỹ.

Thứ hai,
xã hội hiện đại đang hướng tới mục tiêu điện khí hóa, tận dụng nguồn khí ga tự nhiên dồi dào, công nghệ cao ngày càng phát triển và công nghệ số hóa lưới điện. Giá dầu giảm có thể sẽ khiến lượng tiêu thụ xe điện giảm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong trung hạn, thì động cơ điện lại là một lựa chọn thông minh. Nếu xét đến con số 1 triệu thùng dầu hao phí do tắc nghẽn giao thông, thì càng có lý do để khẳng định cầu về dầu còn giảm sâu hơn nữa (do cầu động cơ chạy bằng dầu giảm).

Thứ ba
, áp lực hành động vì thay đổi khí hậu mạnh mẽ chưa từng có. Thị trường phản ứng ngày càng nhanh nhạy, với một loạt các đề xuất thân thiện với môi trường từ các công ty dầu khí, dịch vụ, công nghệ năng lượng và tái tạo. Nhiều công ty còn cam kết chính sách xử lý khí carbon rõ ràng. Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên hợp quốc COP21 tại Paris vào cuối năm nay có thể là một điểm mốc quan trọng.

Cuối cùng
, sức mạnh tiến bộ công nghệ vẫn còn là một ẩn số. Trong ngành năng lượng nói riêng, cũng như trên mọi mặt của cuộc sống nói chung, vẫn còn nhiều nghi ngại về những tác động của tiến bộ công nghệ trong những lĩnh vực như thông tin, công nghệ nano và trí tuệ nhân tạo. Những gì chúng ta có thể tưởng tượng ra lúc này là hiệu quả sử dụng nhiên liệu được nâng cao nhờ hệ thống giao thông hiện đại, tối ưu hóa mạng lưới điện và giảm thiểu những sai sót của con người. Tuy nhiên, những gì ngoài sức tưởng tượng của con người bao giờ cũng vĩ đại, mà điều này hoàn toàn có thể xảy ra, khi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão như hiện nay.

Những yếu tố này đều cho thấy về lâu về dài thì giá dầu giảm mấy đi chăng nữa cũng khó có thể thay đổi cấu trúc thị trường. Tuy nhiên, ít nhất là hiện tại, chúng ta thấy quyền lực khối OPEC đã thay đổi khi sản lượng dầu từ Mỹ và các quốc gia khác tăng chóng mặt. Từ góc độ này, thì đà giảm của giá dầu gần đây chỉ cho thấy những vấn đề về địa chính trị đang trở nên đa cực, nhiều khả năng, thị trường năng lượng cũng đang chuyển sang đa cực.

Theo World Economic Forum
B
ài dịch của Nhóm IF24h
Link: http://if24h.com/bon-yeu-to-anh-huong-toi-gia-dau-trong-dai-han/
 
IEA: CẦU VỀ DẦU ĐANG TĂNG. THỊ TRƯỜNG SẼ SỚM CÂN BẰNG TRỞ LẠI

Ngay sau khi Bộ trưởng Dầu khí Ả-rập Saudi, ông Ali Al-Naimi nhận định cầu về dầu đang tăng trở lại, Cục Năng lượng Quốc tế (IEA) một lần nữa khẳng định thị trường dầu sẽ sớm lấy lại trạng thái cân bằng, khi giá suy giảm kích cầu, đồng thời thu hẹp sản lượng.

Ông Fatih Birol, chuyên gia kinh tế tại IEA cho rằng giá dầu dưới $45 chỉ là ngắn hạn. Việc cắt giảm đầu tư tại Mỹ, Nga và Brazil sẽ sớm khiến nguồn cung yếu đi, lấy lại trạng thái cân bằng của cung cầu trên thị trường.

Ông còn nhận định: “Giá dầu thấp khiến cung suy yếu. Thị trường sẽ sớm quay trở về trạng thái cân bằng trong vài tháng nữa. Hơn nữa, giá giảm còn kích cầu lên.”

Kể từ giữa năm 2014, giá dầu bay hơi gần một nửa khi nguồn cung cả trong lẫn ngoài OPEC đều tăng mạnh, bất chấp giá dầu lao dốc thê thảm. Tuy nhiên, đầu tư vào ngành dầu suy yếu gần đây đã kéo giá quay dầu tăng nhẹ. Trong bài phát biểu ngày hôm qua, ông Ali Al-Naimi tự tin cho rằng cầu về dầu đang tăng, thị trường đang “sóng yên biển lặng” rồi.

Công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects (London) cũng tỏ ra lạc quan về trạng thái cân bằng cung cầu trong tương lai. Tiêu thụ dầu toàn cầu tháng 12/2014 tăng 2.2 triệu thùng so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất trong gần 2 năm qua. Bạo lực tại Libya và thời tiết xấu ở vùng Vịnh Ba tư cũng khiến nguồn cung dầu gián đoạn.

Giá tăng

Giá dầu Brent thanh toán vào tháng 4 được giao dịch tại $61.58/thùng trên sàn ICE Futures Europe, London lúc 2:58 chiều theo giờ địa phương, tăng 36 cents so với hôm 13/1 ($45.19/thùng, gần ngưỡng thấp nhất trong 6 năm qua).

Ông Birol trong bài phát biểu tại Diễn dàn Kinh tế Thế giới, Davos hôm 21/1 dự báo đầu tư vào ngành dầu có thể sẽ giảm 100 triệu Đô-la Mỹ trong năm nay. IEA hạ dự báo sản lượng dầu của Mỹ trong năm nay thêm 200,000 thùng.

Số liệu công bố bởi Baker Hughes Inc. hôm 20/1 cho biết số lượng giàn khoan tại Mỹ tuần trước giảm 37 giàn, xuống còn 1019 (thấp nhất kể từ tháng 7/2011). Kể từ ngày 5/12, lượng giàn khoan “đắp chiếu” lên tới 556. Nhiều công ty dầu, trong đó có Royal Dutch Shell Plc and Chevron Corp. đã tuyên bố cắt giảm đầu tư 50 triệu Đô-la Mỹ từ ngày 1/11.

Ông Birol hôm qua cho biết cầu về dầu tại Trung Quốc sẽ yếu đi trong vài năm tới. Iraq lại đang “đau đầu” với tình trạng quân Hồi giáo chiếm đóng tại nhiều vùng lãnh thổ tiếp tục kéo dài.

Theo Bloomberg
Bài dịch của Nhóm IF24h
Link: http://if24h.com/iea-thi-truong-dau-se-som-can-bang-khi-cau-dang-tang/
 
TIẾP THEO KẾ HOẠCH CỦA "ÔNG TRÙM" DẦU MỎ SAUDI

Giá dầu đã tăng trở lại, nhưng liệu sẽ kéo dài được bao lâu?

Giai đoạn 1 trong kế hoạch, mà đúng hơn là kỳ vọng của Ả-rập Saudi, dường như kéo dài hơn mong đợi của nhiều người. Trước tình trạng giá dầu lao dốc nghiêm trọng trong suốt nửa năm qua, “ông vua” xuất khẩu dầu khối OPEC này vẫn một mực giữ nguyên sản lượng, đẩy cung toàn cầu tăng vọt, ngầm tuyên bố với các đối thủ cạnh tranh rằng họ sẽ không đời nào để tuột lợi ích của mình vào tay người khác, bằng cách cắt giảm sản lượng.

Trữ lượng dầu thô thế giới năm ngoái tăng 265 triệu thùng. Ngân hàng Société Générale (Pháp) còn dự báo dự trữ dầu toàn cầu 6 tháng đầu năm nay tăng 1.6-1.8 triệu thùng/ngày, nâng dự trữ hiện tại thêm khoảng 300 triệu thùng . Người ta tăng cường dự trữ dầu với kỳ vọng giá sẽ “cất cánh” trong tương lai. Dự trữ dầu tăng, cùng với nỗi lo bất ổn chính trị (khi mỏ dầu lớn nhất của Libya lại một lần nữa gián đoạn do hành động phá hoại) đã kéo giá đi lên.

Tuy nhiên, việc dự trữ dầu không thể kéo dài mãi được, khi các kho dự trữ tại châu Âu và châu Á đã đầy đến 80-85% rồi. Trước tình trạng này, nhiều công ty buộc phải chứa dầu trong những tàu chở dầu cỡ lớn. Giá dầu hoàn toàn có thể giảm sâu hơn nữa khi các kho chứa cạn kiện.

Kịch bản này có xảy ra hay không còn phụ thuộc vào khi nào giai đoạn 2 kế hoạch của Saudi – hất cẳng đối thủ cạnh tranh ra khỏi cuộc chơi, nhằm tăng tầm ảnh hưởng của các quốc gia vùng vịnh – được tiến hành. Gần đây, thị trường đang để mắt tới số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ, cũng như nhiều quốc gia khác. Nhiều nhà phân tích cho rằng lượng giàn khoan suy giảm đồng nghĩa với việc cung dầu đá phiến yếu đi, ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận và đầu tư.

Số liệu công bố bởi Baker Hughes, một công ty tư vấn năng lượng, cho biết số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ tính đến giữa tháng 2/2015 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011, giảm 35% so với hồi cao điểm tháng 10/2014. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 9% đến từ khu vực dầu đá phiến chủ chốt (Bắc Dakota và Texas, chiếm 80% cung dầu của Mỹ trong 2 năm qua). Hơn nữa, các giếng dầu đang hoạt động lại tích cực tăng cường năng suất. Citibank nhận định cho dù lượng giàn khoan có giảm đi 1 nửa thì sản lượng dầu của Mỹ vẫn có thể tăng, nâng cao hiệu quả dòng tiền, từ đó khuyến khích mở rộng đầu tư.

Ông Antoine Halff, thuộc Cơ quan Năng lượng Thế giới (IEA) nhận định: “Tâm lý thị trường có thể đã thay đổi nhưng những chỉ số quan trọng thì không.” OPEC cho biết sản lượng dầu của khối sẽ tăng 400,000 thùng/ngày trong năm nay, thậm chí còn hơn. Sản lượng dầu từ các nước ngoài OPEC nhiều khả năng còn tăng gấp đôi như thế. Giá dầu giảm có kích cầu, nhưng không nhiều. IEA dự báo cầu dầu sẽ ổn định trong nửa đầu năm nay và tăng 2 triệu thùng/ngày trong 6 tháng cuối năm. Đa phần đều cho rằng cung còn vượt cầu trong một thời gian nữa.

Về lâu về dài, có nhiều dấu hiệu cho thấy đà giảm của dầu sẽ tiếp tục, buộc ngành dầu khí tính tới chuyện thay đổi cấu trúc rộng hơn nữa. Nhiều công ty dầu khí lớn đã tuyên bố cắt giảm đầu tư 20% trong năm nay. Điển hình là BP sẽ giảm đầu tư từ 23 tỷ năm 2014 xuống 20 tỷ Đô-la Mỹ trong năm nay. HƠn nữa, việc tìm kiếm, khai thác các nguồn dầu mới đang có dấu hiệu chững lại. Báo cáo số liệu từ HIS, một công ty nghiên cứu, các nguồn dầu khí mới cung cấp 16 triệu thùng vào sản lượng của Mỹ trong năm ngoái, thấp nhất trong vòng 60 năm qua. Saudi có vẻ như đang “mỉm cười sung sướng” trước thông tin này.

Theo Economist.com
Bài dịch của Nhóm IF24h
Link: http://if24h.com/ke-hoach-cua-ong-trum-dau-mo-saudi-phan-2/
 
IRAQ: DẦU CÓ THỂ QUAY LẠI MỨC $64-65/THÙNG

Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, ông Adel Abdel Mehdi hôm qua (1/3/2015) cho biết thị trường dầu đang phục hồi trở lại, giá dầu thô có thể chạm mốc $65/thùng.

Phát biểu trong một hội nghị tại Baghdad, ông cho biết: “Tôi khộng cho rằng giá dầu có thể cao như trước, nhưng hoàn toàn có thể đạt mức $64-65/thùng”.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ 6 (27/2), giá dầu Brent đạt $62.58/thùng, sau khi chạm đáy $45.19 vào tháng 1/2015, giảm hơn 1 nửa so với hồi cao điểm giữa năm ngoái.
Thành viên khối OPEC (Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ) này đang phải vật lộn với suy thoái, ngân sách quốc gia thâm hụt nặng nề do phải đối phó với quân Hồi giáo chiếm đóng tại nhiều vũng lãnh thổ suốt một thời gian dài. Cụ thể là, doanh thu từ dầu mỏ của Iraq trong tháng 2 chỉ gần 3.5 tỷ Đô-la Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu trung bình 2.535 triệu thùng/ngày. Dự toán ngân quỹ năm 2015 của quốc gia này dựa trên giá dầu $56/thùng.

“Năm 2014, chúng tôi đã trả hết nợ cho năm 2013 và hoãn lại một số khoản chi tiêu. Đó là những gì chúng tôi phải thực hiện nốt trong năm nay.”

Số lượng giàn khoan tại Mỹ tiếp tục suy giảm

Làn sóng này có thể đẩy lùi mối lo ngại từ đối thủ mang tên dầu đá phiến của Mỹ.

Số liệu công bố bởi Baker Hughes Inc. hôm thứ 6 (27/2) cho biết số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ tiếp tục giảm 33 giàn, xuống còn 982. Trong đó, Permian Basin ngừng hoạt động 7 giàn khoan, sau khi đã giảm 49 giàn vào đầu tháng 2. Eagle Ford, Texas tạm thời “đắp chiếu” thêm 3 giàn nữa.

Số lượng giàn khoan tiếp tục giảm, nhưng với tốc độ chậm hơn, khi giá dầu ghi nhận tháng lên giá đầu tiên trong suốt 7 tháng qua. Chỉ trong vòng 4 tháng, số lượng giàn khoan của Mỹ đã giảm 1/3. Trong khi đó, Ả-rập Saudi chưa bao giờ có dấu hiệu từ bỏ ý định “hất cẳng” những đối thủ cạnh tranh ngoài OPEC ra khỏi cuộc chơi.

Ông James Williams, Chủ tịch WTRG Economics nhận định: “Ba hay bốn tuần trước, số lượng giàn khoan giảm mạnh như ‘quả táo của Newton’ và giờ thì có chậm hơn chút. Điều đó cho thấy chính sách của Saudi đang phát huy tác dụng.”

Trước sức ép cạnh tranh khốc liệt từ bên ngoài, nhiều công ty dầu của Mỹ buộc phải sa thải hàng nghìn lao động và cắt giảm đầu tư hơn 86 tỷ Đô-la Mỹ.

Sản lượng kỷ lục

Số liệu điều tra từ cuộc khảo sát của Bloomberg cho biết sản lượng của OPEC trong tháng 2 tăng 163,000 thùng/ngày, lên 30.568 triệu thùng/ngày (cao hơn mục tiêu 30 triệu thùng của khối), trong đó sản lượng của Saudi tăng mạnh nhất.

Gần đây, thị trường dầu phần nhiều biến động theo số liệu giàn khoan tại Mỹ. Việc cắt giảm 589 giàn khoan chỉ trong 12 tuần vẫn chưa thể khiến sản lượng nhanh chóng giảm đi. Ngược lại, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) còn dự báo sản lượng dầu năm nay đạt mốc cao nhất trong 3 thập kỷ qua, tại 9.3 triệu thùng/ngày. Tính đến ngày 20/2, sản lượng của Mỹ tăng 5,000 thùng/ngày, đạt 9.29 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ năm 1983.

Thêm vào đó, trữ lượng dầu thô cũng tăng 8.43 triệu thùng, đạt ngưỡng kỷ lục 434.1 triệu thùng.

Ông Stephen Schork, Chủ tịch Schork Group Inc. nhận định: “Không thể chỉ dựa vào số lượng giàn khoan để phán đoán sản lượng được. Điển hình là chúng ta thấy sản lượng vẫn liên tục gia tăng.”

Tái cân bằng thị trường

Giá dầu WTI giao vào tháng 4 tăng $1.59, lên $49.76/thùng trên sàn New York Mercantile Exchange ngày 27/2. Giá dầu đã giảm gần 1 nửa kể từ giữa năm 2014. Mức chênh lệch giữa giá Brent và WTI trong tháng 2 tăng từ $4.75 lên $12.82.

Trong tuần này, Chesapeake Energy Corp. và Continental Resources Inc. gia nhập danh sách các công ty cắt giảm đầu tư. Evercore ISI trong một báo cáo có viết: “Việc mạnh tay cắt giảm đầu tư có thể khiến sản lượng của Bắc Mỹ năm nay giảm 1/4 so với năm ngoái.”

Giám đốc Điều hành tại Continental Resources, Harold Hamm nhận định: “Tôi rất ủng hộ phản ứng của ngành dầu khí trước thực trạng giá dầu thấp như hiện nay. Hành động này sẽ trả lại trạng thái cân bằng cho thị trường và kéo giá đi lên.”

Giới phân tích tại Wood Mackenzie Ltd. và Genscape Inc. còn dự báo số lượng giàn khoan tại Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm nay.

Báo cáo của Goldman Sachs Group Inc. có viết: “Số lượng giàn khoan suy giảm như hiện nay là cần thiết để hãm lại sản lượng của Mỹ và tái cân bằng thị trường. Chúng tôi cho rằng giá dầu vẫn nên thấp cho đến khi việc cắt giảm chi phí đầu tư và giàn khoan thực sự dẫn đến sự suy giảm về sản lượng.”

Theo Reuters & Bloomberg
Bài dịch của Nhóm IF24h
Link: http://if24h.com/iraq-dau-co-the-quay-lai-moc-64-65/
 
QUỐC VƯƠNG ARAB THAY ĐỔI BỘ MÁY NGÀNH DẦU MỎ

Quốc vương Arab mới đây đã có những thay đổi nhân sự trong bộ máy những nhà làm chính sách cho ngành năng lượng vào cuối tháng 1, cho thấy hoàng gia Arab đã có những can thiệp sâu hơn vào quyết định chiến lược dầu mỏ quốc gia.

Ông đã thăng chức con trai mình, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, từ trợ lý Bộ trưởng Dầu khí lên làm Phó Bộ Trưởng. Hoàng tử vốn là đại diện của Arab tại OPEC trong nhiều năm.

Cùng ngày, Quốc vương thành lập Hội đồng cấp cao về phát triển kinh tế, thay thế cho Hội đồng dầu mỏ cấp cao, và bổ nhiệm hoàng tử Mohammed bin Salman làm Chủ tịch Hội đồng.

Những động thái trên không cho thấy thay đổi cơ bản nào về cách thức ra quyết định trong ngành dầu khí, cũng như không làm giảm đi tầm ảnh hưởng của Bộ trưởng Dầu khí Ali al-Naimi.

Quốc vương đang trong giai đoạn đặt nền móng cho quá trình chuyển giao thế hệ trong chiến lược phát triển kinh tế và dầu mỏ quốc gia.

Sadad al-Husseini, Cựu Giám đốc Saudi Aramco cũng là cố vấn năng lượng cho chính phủ, cho biết: “Mặc dù các chính sách kinh tế và dầu mỏ được quyết định bởi hoàng tử Mohammed và Abdulaziz, nhưng vẫn chịu sự chỉ đạo của Quốc vương.”

Vẫn chưa biết khi nào Bộ trưởng Naimi mới nghỉ hưu, khi ông sẽ bước sang tuổi 80 vào tháng 8 năm nay. Và liệu Quốc vương Salman sẽ chọn ai để thay thế ông?

Nếu giao chức vụ này cho một người trong hoàng tộc sẽ phá vỡ thế cân bằng quyền lực vốn mỏng manh, các chính sách dầu mỏ sẽ chịu tác động từ sự tranh giành ảnh hưởng giữa các hoàng tử.

Từ năm 1960, Arab đã có 4 Bộ trưởng Dầu mỏ, họ đều là các chuyên gia trong ngành có kinh nghiệm lâu năm và không phải thành viên hoàng tộc.

Hoàng tử Abdulaziz có kinh nghiệm lâu năm trong ngành dầu khí. Có nguồn tin đặt câu hỏi: “Liệu hoàng tử Abdulaziz có trở sắp trở thành Bộ trưởng Dầu mỏ tiếp theo.”

Dù sao thì, hoàng tử sẽ vẫn giữ vai trò cốt cán trong ngành dầu khí cùng với một số nhân vật quan trọng như Giám đốc Saudi Aramco Falih.

Kể từ khi được bổ nhiệm làm CEO của Aramco, ông Falih rất được giới đầu tư chú ý đến, nhằm nắm bắt những tin tức về thị trường dầu mỏ.

Cơ chế ra quyết định của Arab khá mơ hồ, tuy nhiên, hiểu một cách chung nhất thì Quốc vương sẽ có tiếng nói cuối cùng, thống nhất ý kiến, dựa trên lời cố vấn của các chuyên gia cấp cao.

Dưới thời cựu Quốc vương Abdullah, bàn thảo chính sách dầu mỏ có cả sự tham gia của Hội đồng dầu mỏ cấp cao (SPC), bao gồm hoàng tử, các Bộ trưởng Tài chính trong và ngoài nước, ông Naimi và Giám đốc Aramco.

Tân Quốc vương giờ đây đã xóa bỏ cơ quan này, thành lập Hội đồng cấp cao về phát triển kinh tế (gồm 22 Bộ trưởng, tính cả ông Naimi) để thay thế cho SPC và các hội đồng cải cách kinh tế khác.

Động thái là một trong những nỗ lực nhằm tinh giảm biên chế trong quy trình ra quyết định.

Các quyết định liên quan đến OPEC cuối cùng đều sẽ do Quốc vương đưa ra.
Ông Husseini giải thích thêm: “Mỗi khi có thay đổi chính sách, không chỉ đơn giản là quyết định từ trên xuống, mà là kết quả của quá trình nghiên cứu, tham vấn, lấy ý kiến của các Bộ trưởng và các chuyên gia.”

Các chuyên gia phân tích cho rằng Hội đồng mới sẽ thiên về giải quyết các vấn đề chính sách trong nước, chứ không ảnh hưởng đến thị trường dầu toàn cầu.

Mohammad Al Sabban, Cựu cố vấn cấp cao cho ông Naimi, nhận định: “Hoàng tử còn trẻ, có sự tin tưởng của Quốc vương và là một doanh nhân thực tế. Vai trò của 22 Bộ trưởng thành viên sẽ vẫn duy trì. Cơ chế quyết sách của Hội đồng có thể là “đồng thuận tuyệt đối”.”

Chính sách của OPEC vẫn không có gì thay đổi từ sau cái chết của Quốc vương Abdullah.

Theo Reuters
Bài dịch của nhóm IF24h
Link: http://if24h.com/quoc-vuong-arab-thay-doi-bo-may-nganh-dau-mo/
 
MẶC GIÁ DẦU GIẢM, SẢN LƯỢNG CỦA TEXAS VẪN CAO KỶ LỤC


Sản lượng dầu thô vùng Texas, từ tháng 1/1981 đến 12/2014. Nguồn: American Enterprice Institute


Tỷ lệ thay đổi việc làm: US với US Minus Texas tháng 12/2007 đến tháng 12/2014. Nguồn: American Enterprice Institute

Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) vừa công bố dữ liệu về sản lượng dầu thô tháng 12 của Mỹ vào tuần trước, trong đó, một trong những tiêu điểm đáng chú ý nhất là sản lượng của vùng Texas (bang sản xuất dầu lớn nhất nước Mỹ) vẫn tăng chóng mặt, bất chấp giá dầu lao dốc thê thảm. Dưới đây là chi tiết về sản lượng dầu tại vùng “Saudi Texas” này trong tháng 12 vừa qua, cũng như những tác động của nó lên nền kinh tế.

1. Kể từ tháng 4/2014 đến nay, sản lượng của Texas liên tục đạt 3 triệu thùng/ngày. Trong đó, 3.44 triệu thùng/ngày trong tháng 12 là mức kỷ lục kể từ tháng 1/1981 (xem biểu đồ trên). So với năm ngoái, sản lượng năm nay tăng 24.8%.

2. Đặc biệt, sản lượng dầu của bang Lone Star State này đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 3 tháng qua, từ 1.68 triệu thùng (tháng 12/2011) lên 3.44 triệu thùng/ngày (tháng 12/2014) (xem biểu đồ trên). Mức tăng đáng kinh ngạc 1.76 triệu thùng/ngày trong vòng 36 tháng có được là nhờ vào kỹ thuật giàn khoan mới đi vào áp dụng tại các mỏ dầu Eagle Ford Shale và Permian Basin. Kết quả là, cả 2 mỏ dầu này đều nằm trong danh sách 10 mỏ dầu trên thế giới có sản lượng trên 1 triệu thùng/ngày.

3. Sản lượng dầu thô của Texas tăng theo cấp số nhân trong 4 năm qua đã đi ngược lại lịch sử sản lượng giảm 28 năm liên tiếp (1981-2009), phần lớn nhờ vào sản lượng dầu đá phiến tăng vọt.

4. Trở lại giữa năm 2009, sản lượng dầu của Texas chỉ đạt 20% tổng sản lượng trong nước. Sản lượng dầu đá phiến tăng kỷ lục tại Eagle Ford Shale Permian Basin đã nâng tỷ lệ này lên 37% trong vòng 5 tháng qua.

5. Sản lượng của Texas trong những năm gần đây tăng chóng mặt, đến mức nếu Texas là một quốc gia sản xuất dầu độc lập thì nước này sẽ đứng thứ 7 thế giới về sản lượng dầu thô trong tháng 11/2014, với 3.35 triệu thùng/ngày, đứng ngay sau Iraq (3.46 triệu thùng/ngày).

6. Sản lượng dầu và khí gas tăng mạnh tại Texas giúp tạo ra nhiều việc làm hơn, đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế. Ví dụ như, trong vòng 1 năm từ tháng 12/2013 đến 12/2014, số lượng việc làm tại Texas tăng kỷ lục, 457,900 việc làm, chiếm 4% lượng tăng mỗi năm, cao hơn tỷ lệ của cả nước Mỹ trong cùng thời kỳ. Như vậy, tuy chỉ chiếm 8.4% dân số nhưng Texas lại tạo ra 14.7% việc làm mới cho toàn nước Mỹ. Cứ mỗi ngày, khoảng 1,700 việc làm mới được tạo ra, phần lớn trong ngành năng lượng (5,700 việc làm mới). Cũng trong thời gian qua, các công ty dầu khí tại Texas thuê thêm 22 nhân công mới mỗi ngày cho hoạt động khai thác, cũng như nhiều nhân công mới cho các ngành phụ trợ.

7. Động năng tạo ra việc làm tạo mới gần đây tại bang Texas lớn đến mức nếu không có bang này, 49 bang khác, cũng như Đặc khu Columbia phải cắt giảm 275,209 việc làm so với tháng 12/2007, trong khi đó riêng Texas lại tạo ra 1.44 triệu việc làm mới. Do vậy, có thể nói Texas đã có công lớn trong công cuộc phục hồi thị trường lao động Mỹ và giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Tạm kết:

Sản lượng dầu của Texas tăng kỷ lục trong những năm gần đây là một hiện tượng lạ thường, khi kỹ thuật giàn khoan đã thay đổi luật chơi trên thị trường dầu mỏ. Cũng nhờ đó mà bang này sở hữu 2/10 mỏ dầu có sản lượng trên 1 triệu thùng/ngày (Eagle Ford và Permian Basin).

Có phải sản lượng dầu thô của Texas tăng hơn 1 nửa trong 3 năm qua và hiện chiếm 37% sản lượng toàn nước Mỹ là một trong những câu chuyện thành công nhất trên thị trường dầu mỏ nước Mỹ? Với bước tăng 25% mỗi năm, sản lượng của bang này hoàn toàn có thể vượt 4 triệu thùng/ngày vào tháng 7 năm nay. Khả năng sản lượng dầu thô của Mỹ có thể vượt cả Iraq, thậm chí là Canada, tiến tới ngôi vị nhà sản xuất dầu mỏ thứ 5 thế giới trong năm nay cũng không phải quá xa vời.

Cuộc bùng nổ dầu đá phiến tại Texas đã góp phần tạo thêm hơn 1.44 triệu việc làm mới kể từ Cuộc Đại Suy thoái, trong khi đó các bang khác lại đang phải đối mặt với cắt giảm việc làm kể từ năm 2007. Tựu chung lại, “Saudi Texas” xứng đáng là “ngôi sao sáng” trong cuộc bùng nổ này, cũng như của nước Mỹ trong đoạn trường phục hồi kinh tế.

Theo American Enterprise Institute
Bài dịch của Nhóm IF24h
Link: http://if24h.com/mac-gia-dau-giam-san-luong-cua-texas-van-cao-ky-luc/
 
Ả-RẬP TĂNG GIÁ DẦU CHO CHÂU Á MẠNH NHẤT TRONG 3 NĂM QUA

Saudi Arab, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, vừa quyết định nâng giá dầu cho khách hàng châu Á mạnh tay nhất trong 3 năm qua, khi cầu về dầu ở khu vực này có dấu hiệu gia tăng.

Công ty dầu khí quốc gia Saudi Arabian Oil Co hôm qua cho biết sẽ chiết khấu 90 cents cho mỗi thùng dầu Arab Light xuất khẩu sang châu Á , thấp hơn mức chiết khấu $1.40 trong tháng 3. Đây là đợt tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 1/2012. Công ty này cũng cho biết sẽ nâng giá dầu cho các nhà máy lọc dầu tại Mỹ.

Ông Eugene Lindell, chuyên gia phân tích cấp cao của JBC Energy GmbH tại Vienna nhận định: “Chúng ta đều mong giá sẽ tăng, nhưng mức tăng lần này còn cao hơn cả kỳ vọng. Cầu dầu tại châu Á đang phục hồi so với tháng trước.”

Giới phân tích từ các ngân hàng Standard Chartered Plc và Bank of America Corp. cho biết, chiến lược của Saudi, cương quyết bảo vệ thị phần, chứ nhất định không cắt giảm sản lượng, đang phát huy tác dụng. Nhiều công ty dầu khí ngoài OPEC đã phải ngậm ngùi cắt giảm đầu tư và đắp chiếu nhiều giàn khoan. Bộ trưởng Dầu khí Ả-rập, ông Ali Al-Naimi tuần trước cũng dõng dạc tuyên bố cầu về dầu đang tăng, thị trường dần “sóng yên biển lặng” rồi.

Ông John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC (quỹ đầu cơ năng lượng) nhận định: “Ả-rập kiên quyết bám lấy chiến lược khiến thị trường ‘tắm trong dầu’. Cơ chế giá của Ả-rập cho thấy điều đó.”

Sản lượng của Ả-rập

Báo cáo số liệu công bố bởi Bloomberg cho biết sản lượng của Ả-rập trong tháng 2 tăng 130,000 thùng/ngày, đạt 9.85 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 9/2013.

Ông Lindell cho biết cầu về dầu của châu Á gia tăng, trong khi điều kiện thời tiết bất lợi tại Iraq đang khiến nguồn cung gián đoạn. Bộ trưởng Dầu mỏ nước này cho biết xuất khẩu dầu trong tháng 2 đạt 2.3 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với tháng 1 (2.4 triệu thùng/ngày).

Những nhà sản xuất dầu vùng Trung Đông đang đẩy mạnh cạnh tranh trên thị trường châu Á với đối thủ Mỹ Latin, Bắc Phi và Nga. Trong đó, các quốc gia vùng vịnh đã ký những hợp đồng dài hạn với khách hàng châu Á với mức giá thấp hơn giá Oman và Dubai của vùng.

Chiết khấu tháng 3

Bloomberg cho biết mức chiết khấu $2.30/thùng trong tháng 3 của Ả-rập là lớn nhất trong vòng 14 năm qua. Iraq, Kuwait và Iran cũng theo chân đàn anh hạ giá dầu sang thị trường châu Á, châm ngòi cho một cuộc chiến bảo vệ thị phần ngay trong chính nội bộ OPEC.

Giá dầu Brent thanh toán vào tháng 4 tăng $1.48, lên $61.02/thùng trên sàn ICE Futures Europe, London. Trong khi đó, giá WTI giao vào tháng 4 tăng 93 cents, đạt $50.52/thùng trên sàn New York Mercantile Exchange.

Theo Bloomberg
Bài dịch của Nhóm IF24h
Link: http://if24h.com/a-rap-tang-gia-dau-cho-chau-a-manh-nhat-trong-3-nam-qua/
 
Cảm ơn bạn Alice Vũ, nếu dc, bạn cho thêm ngày tin public thì tốt quá vì đây là tin tức thơi sự.
anw, thank bạn đã tổng hợp và chuyển dịch.
 
Cảm ơn bạn Alice Vũ, nếu dc, bạn cho thêm ngày tin public thì tốt quá vì đây là tin tức thơi sự.
anw, thank bạn đã tổng hợp và chuyển dịch.
Ok bạn. Trước mình cũng có thêm ngày, nhưng phần lớn tin post lên đây trùng ngày với tin public nên mình ko thêm nữa. Bạn có thể vào trang if24h.com để cập nhật thêm nhiều tin mới hơn nhé. Cảm ơn bạn :)
 
Ngày 4/3/2015
NIGERIA: THỪA DẦU THIẾU XĂNG TRẦM TRỌNG, NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?
Một trong những quốc gia xuất khẩu dầu lớn trên thế giới đang rơi vào tình trạng “cạn xăng”.

Các thành phố lớn của Nigeria đang thiếu xăng trầm trọng, do các nhà nhập khẩu xăng dầu trong nước đang gặp khó khăn từ đồng nội tệ mất giá, tín dụng bị thắt chặt, trợ cấp từ chính phủ giảm.
Mỉa mai thay khủng hoảng tiền tệ tại Nigeria, nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt xăng tiêu dùng, lại là do giá dầu thô sụt giảm.

Nguyên nhân do đâu?

Giá dầu sụt giảm đã khiến ngân sách Nigeria thất thu 416.1 tỷ Naira (2.1 tỷ Đô-la) trong tháng 1. Dự thảo ngân sách năm tài khóa 2015 của Nigeria được lập dựa trên kỳ vọng mức giá dầu là $65/thùng, giờ đây nước này sẽ phải in tiền để đạt được mục tiêu trên. Do đó, đồng Naira sẽ mất giá, hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt hơn.
Xuất khẩu dầu thô giá rẻ, nhập khẩu xăng dầu với giá đắt đỏ, thêm nữa là chính phủ Nigeria không trả trợ cấp xăng dầu đúng hạn. Các hãng bán lẻ xăng dầu rơi vào khốn khó.
Hai dãy ô tô xếp hàng dài bên ngoài các cây xăng tại thủ đô Abuja, nhưng vẫn không đổ được xăng. Người tiêu dùng buộc phải tìm đến thị trường chợ đen.
Quốc gia này chủ yếu sản xuất dầu thô (khoảng 2 triệu thùng/ngày), các sản phẩm tinh lọc chỉ chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dầu khí. Trong khi đó, Nigeria phải nhập khẩu đến 40 triệu lít xăng/ngày cho tiêu dùng.
Bức tranh ảm đạm của Nigeria sẽ gây khó khăn cho Tổng thống Goodluck Jonathan trong cuộc chiến tranh cử với cựu Tư lệnh quân đội Muhammadu Buhari vào 28/3 tới.
Công ty dầu khí quốc gia Nigeria đã cố gắng giải quyết tình trạng hỗn loạn, tranh nhau đi đổ xăng vào thứ 6 bằng thông báo sẽ có thêm nguồn cung từ Femi Olawore, Tổng thư ký Hiệp hội Dầu Nigeria (MOMAN), nhưng không hiệu quả.
Xăng dầu vốn nhận được nhiều trợ cấp từ chính phủ thông qua chương trình Điều chỉnh giá xăng dầu PPPRA. Những nỗ lực của Tổng thống Jonathan nhằm dẹp bỏ chương trình vào năm 2012 đã gây ra nhiều rối loạn.
Vấn đề về tín dụng do khủng hoảng dầu mỏ và tiền tệ càng khiến Nigeria không thể mua được đủ xăng.
Một nhà đầu tư cho biết: “Có rắc rối lớn đối với tài chính. Tôi không nghĩ là sẽ có đủ xăng để đổ vào bình.”
Đồng Naira giảm 20% từ tháng 11, xuống thấp kỷ lục 206.60 NGN. Ngân hàng trung ương đã hủy bỏ các phiên đấu giá tiền tệ trong tháng 2 để tránh “chảy máu” dự trữ ngoại tệ.
Động thái trên đẩy nhà nhập khẩu không còn lựa chọn nào khác ngoài chịu lãi suất cao tại thị trường liên ngân hàng.
Một nguồn tin trong ngành dầu khí cho biết: “Các nhà nhập khẩu chiếm 50% thị phần đang không thể nhập hàng, do các ngân hàng không chịu mở L/C cho họ.”
Ông Olawore của MOMAN trấn an rằng tình trạng này sẽ chấm dứt ngay khi có trợ cấp, được kỳ vọng sẽ triển khai trong tháng 3.
“Chúng tôi đã được đảm bảo trong cuộc họp hôm thứ 6 với ngân hàng trung ương rằng L/C sẽ được mở lại khi có tiền trợ cấp.
Bộ Tài chính đã phải chi ra 345 tỷ Naira vào tháng 12 cho trợ cấp nhập khẩu xăng dầu, liên quan đến tỷ giá hối đoái và lãi suất.
Kể cả một số doanh nghiệp đã nhận được trợ cấp cũng không dám trữ thêm xăng do lo sợ phá sản vì sợ các khoản phạt chậm thanh toán.

Theo BusinessInsider
Bài dịch của Nhóm IF24h
Link: http://if24h.com/nigeria-thua-dau-thieu-xang/


http://if24h.com/
 
Ngày 5/3/2015

TRUNG QUỐC HẠN CHẾ TIÊU THỤ NĂNG LƯỢNG, GIÁ DẦU TIẾP TỤC ĐI XUỐNG

Trung Quốc vào hôm qua đã công bố mức tăng trưởng mục tiêu trong năm 2015 chỉ dừng ở 7%. Đồng thời Bắc Kinh cũng cho biết thêm một số mục tiêu khác bao gồm việc hạ 3.1% mức tiêu thụ năng lượng cho sản xuất GDP, quản lí chặt chẽ việc sử dụng năng lượng và tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch.

Nhà phân tích Daniel Ang tại Phillips Futures nhận định, thị trường hiện đang tập trung vào chênh lệch giá giữa dầu Brent và dầu thô Mỹ (WTI) cũng như ảnh hưởng của cuộc đình công tại các nhà máy lọc dầu Hoa Kỳ. Có lẽ phải mất vài ngày chúng ta mới thấy rõ tác động của dự đoán tăng trưởng từ Trung Quốc lên thị trường dầu. Ông cũng cho hay các nhà đầu tư tin rằng khoảng cách giữa Brent và WTI sẽ được thu hẹp.

Đình công tại các nhà máy lọc dầu Mỹ càng lúc càng trở nên nghiệm trọng và có thể tiếp diễn hết mùa xuân. Cuộc đình công cùng với dự trữ dầu thô lại tăng cao tiếp tục nới rộng khoảng cách giữa Brent và WTI. Cụ thể, chênh lệch giữa 2 loại dầu này hiện đang là $8.85/thùng.

Mức chênh lệch càng lúc càng lớn sẽ khiến các nhà sản xuất dầu Mỹ tiếp tục gặp khó khăn. Khả năng có thêm nhiều giàn khoan phải ngừng hoạt động, đầu tư đổ vào ngành dầu khí cũng bị hạn chế.

Trong khi đó, công ty National Oil của Libya vừa công bố bất khả kháng liên quan đến 11 giếng dầu tại trung tâm đất nước, đồng thời cho biết quốc gia này không còn khả năng đảm bảo an toàn cho các địa điểm khai thác dầu nói trên sau khi hứng chịu đợt tấn công của nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Bất ổn tại Libya cũng có thể phần nào giúp cải thiện dư cung trong ngắn hạn, nhưng có lẽ vẫn là chưa đủ khi “ông lớn” Ả Rập Saudi vẫn kiên quyết không nhượng bộ trong cuộc chiến giá dầu.

Bộ trưởng dầu Ả Rập Saudi vào thứ 4 đã tuyên bố: “Hiện tại, Ả Rập Saudi cũng như các nước OPEC khác không có nghĩa vụ phải hỗ trợ các nhà sản xuất dầu có chi phi sản xuất cao, đặc biệt là bằng cách chia sẻ thị phần.” Ông cho hay Ả Rập đang tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thấp như bất cứ nhà sản xuất nào để phục vụ khách hàng.

Phát ngôn trên cho thấy Ả Rập không có ý định cắt giảm sản lượng để đẩy giá đi lên khi nước này vẫn có thể đứng vững trước cuộc khủng hoảng giá dầu. Cũng có thể hiểu Ả Rập sẽ không khoan nhượng trong cuộc chiến tranh giành thị phần kể cả trong nội bộ OPEC. Như vậy, chúng ta có thể kì vọng giá dầu tiếp tục xuống thấp hơn nữa.

Theo Market Watch
Bài dịch của nhóm IF24h
Link: http://if24h.com/trung-quoc-han-che-...-tuc-di-xuong/
 
BIỂU ĐỒ: TẠI SAO GIÁ DẦU HOÀN TOÀN CÓ THỂ XUỐNG $30/THÙNG

Trước thực trạng Mỹ đang cạn kiệt kho chứa, kịch bản giá dầu xuống $30/thùng không còn nằm “ngoài sức tưởng tượng” nữa.

Ông Charles Perry, Giám đốc Điều hành cấp cao tại công ty tư vấn năng lượng Perry Management cho biết, khi thể tích các kho chứa dần cạn kiệt, thì áp lực lên các công ty chứa dầu tại các kho ngày càng cao. Việc thiếu hụt kho chứa dầu hoãn toàn có thể đẩy giá xuống $30-$40/thùng.

Giá dầu WTI đã bay hơi gần 1 nửa trong vòng 1 năm trở lại đây. Với mức giá $51/thùng hiện tại, giá dầu giảm xuống $30/thùng tương đương với mức giảm 30%. Tại Cushing, Oklahoma, “thánh địa” lưu trữ dầu tại Mỹ, thể tích kho dự trữ dầu chưa có dấu hiệu gì sẽ tăng trong tương lai.

Vậy tại sao vai trò của kho dự trữ lại quan trọng như vậy? Ông John Macaluso, chuyên gia phân tích tại Tyche Capital Advisors cho biết mặc dù lựa chọn về kho chứa không phải là ít, như ống dẫn dầu, tàu chở dầu cỡ lớn (VLLCs), tàu ngầm, nhưng chi phí lưu kho tại đây đã bị “thổi phồng”. Đứng trước hai ngã rẽ: bán dầu với giá thấp hay chịu chi phí lưu kho cao, nhiều công ty đã chọn “tống tháo” bớt trữ lượng dầu, gây áp lực nặng nề lên giá.

Chi phí các kho chứa tăng bao nhiêu thì chưa rõ, nhưng ông Perry, kỳ cựu trong ngành công nghiệp dầu khí, cho biết các kho chứa dầu trên mặt đất tăng thêm 50 cents/thùng mỗi tháng. Chi phí cho các tàu chứa là đắt nhất, dao động từ $1-1.25/thùng mỗi tháng.

Báo cáo từ Cục Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết tính đến ngày 20/2, 60% các kho dự trữ dầu tại Mỹ đã bị lấp đầy, còn ở Cushing, điểm giao dầu WTI tương lai là 67%.

Kho dự trữ là yếu tố khiến cung dầu của Mỹ tiến thoái lưỡng nan. Báo cáo số liệu từ EIA cho biết dự trữ dầu thô nước này hiện đạt mức cao nhất kể từ năm 1980. Cung dầu cũng tăng 8 tuần liên tiếp.

bieu-do-tai-sao-gia-dau-hoan-toan-co-the-xuong-30thung

Dự trữ dầu thô của Mỹ (20/2/2015) và thể tích kho chứa(tháng 9/2014). Nguồn: Market Watch

Ông Kerry dự báo nhiều kho chứa dầu sẽ được sử dụng hết trong vài tuần đến vài tháng nữa. Một khi hết kho chứa, dầu sẽ ‘ùn ùn’ đổ ra ngoài, đẩy giá xuống $45/thùng.

“Kịch bản này cho thấy giá dầu còn giảm nữa. Giá kho chứa vẫn tiếp tục tăng cao, cung dư thừa còn tiếp diễn, khi chưa có dấu hiệu nào cho thấy thể tích kho chứa sẽ tăng trong tương lai.”

Theo Market Watch
Bài dịch của Nhóm IF24h
Link: http://if24h.com/bieu-do-tai-sao-gia...xuong-30thung/
 
IRAQ TĂNG GIÁ DẦU THÔ CHÍNH THỨC CHO CHÂU Á KHI CẦU VỀ DẦU CÓ DẤU HIỆU TĂNG

Ngay sau khi các nước xuất khẩu dầu vùng Trung Đông hạ mức chiết khấu giá dầu cho khu vực châu Á, Iraq cũng quyết định nâng giá bán chính thức dầu thô cho khu vực này, khi cầu về dầu có dấu hiệu gia tăng.

Công ty dầu khí quốc gia Oil Marketing Co., hay SOMO, hôm nay cho biết sẽ bán dầu Basrah Light với giá thấp hơn chuẩn dầu Trung Đông Oman và Dubai là $2.80 bắt đầu từ tháng 4 này, thấp hơn so với mức chiết khấu tháng 3 là $1.30. Đây là mức tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 11/2011. Tuần trước, Ả-rập, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất khối OPEC, cũng vừa nâng giá bán chính thức dầu Arab Light cho khu vực châu Á, trong khi Abu Dhabi và Qatar cũng nâng giá xuất khẩu dầu.

Ông Mark Keenan, đứng đầu nghiên cứu hàng hóa tại châu Á của Societe Generale SA, Singapore nhận định: “Giá bán chính thức (OSP) của Ả-rập là yếu tố cho thấy cầu về dầu gia tăng gần đây. Động thái này lan sang cả Iraq và các nước khác, phần nào củng cố thêm nhận định của Ả-rập rằng cầu về dầu tại châu Á đang tăng.”

Công bố số liệu bởi Bloomberg cho biết công ty dầu khí quốc gia Saudi Arabian Oil Co. tuần trước chiết khấu 90 cents cho mỗi thùng dầu Arab Light cho khách hàng châu Á, thấp hơn mức chiết khấu tháng 3 tại $1.40. Đây là lần tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 1/2012.

Công ty Abu Dhabi National Oil Co. nâng giá bán chính thức dầu Murban từ $46.40 vào tháng 1 lên $56.55 vào tháng 2, đợt tăng giá đầu tiên kể từ tháng 6/2014. Báo cáo từ Cơ quan thông tin Qatar News Agency hôm 5/3 cũng cho biết đã nâng giá dầu Marine và Land vào tháng 2 vừa qua.

Tổng thư ký khối OPEC, ông Abdalla El-Badri nhận định thị trường dầu mỏ thế giới sẽ cân bằng trở lại vào nửa cuối năm nay, khi tình trạng dư cung được .

Ông El-Badri cho biết nhu cầu dầu trong năm 2014 dưới mức kì vọng, chỉ khoảng “chưa đến 1 triệu thùng/ngày” và sẽ tăng lên 1.2 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Theo Bloomberg
Bài dịch của Nhóm IF24h
Link: http://if24h.com/iraq-tang-gia-ban-d...dau-hieu-tang/
 
KUWAIT TIẾP TỤC ĐẦU TƯ 7 TỶ ĐÔ VÀO NGÀNH DẦU, BẤT CHẤP GIÁ GIẢM SÂU

Kuwait, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba OPEC, lên kế hoạch đầu tư khoảng 7 tỷ Đô-la Mỹ cho các nhà máy lọc dầu nặng (heavy crude oil), bất chấp giá dầu đang ở mức thấp nhất trong gần 5 năm qua.

Ông Hashem Hashem, Giám đốc Điều hành công ty Kuwait Oil Co. (KOC) cho biết, dự án nhà máy lọc dầu Lower Fars sẽ tiêu tốn 4.2 tỷ Đô-la Mỹ. KOC dự kiến sẽ khoan thên 900 giếng dầu, bơm ra 60,000 thùng/ngày cho đến năm 2018, trước khi tăng lên 180,000 thùng/ngày năm 2025 và 270,000 thùng/ngày năm 2030.

Ông còn cho biết: “Phát triển các nhà máy này tại Kuwait là hợp lý (do tạp chất dầu thô vùng Trung Đông ngày càng cao), mặc giá dầu có suy giảm gần đây. Sau Lower Fars và Ratqa Field, nhiều nhà máy khác lọc dầu khác cũng sẽ mọc lên.”

Kuwait đứng thứ 3 khối OPEC về sản lượng dầu xuất khẩu. Bloomberg dự báo sản lượng nước này có thể đạt 3.25 triệu thùng/ngày. Sản lượng của Kuwait hiện đạt 2.9 triệu thùng/ngày.

Ông Nizar Al-Adsani, Giám đốc Điều hành của Kuwait Petroleum Corp. dự báo giá dầu sẽ ổn định tại $65/thùng trong vòng 6 tháng tới.

Kuwait, cũng như Ả-rập và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống Nhất (UAE), đang nỗ lực tăng cường sản lượng dầu tinh chế, nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Ông Mohammad Ghazi Al-Mutairi, Giám đốc Điều hành công ty Kuwait National Petroleum Corp. (KNPC) cho biết, công ty này dự kiến tăng năng suất lọc dầu từ 937,000 thùng/ngày hiện tại lên 1.4 triệu thùng/ngày. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được khi công ty này hoàn thành xây dựng nhà máy lọc dầu lớn nhất Al-Zour (công suất lọc 615,000 thùng/ngày) và nâng cấp những nhà máy hiện tại.

Dự báo giá dầu $50-60

Cơ quan thông tin KUNA trích lời ông Ali al-Omair, Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait, cho biết: “Dự báo giá dầu năm nay sẽ tăng và ổn định tại $50-60/thùng.”

Ông cho rằng giá dầu hiện đang được hỗ trợ bởi tình trạng bất ổn tại Iraq và Libya, cũng như sản lượng dầu đá phiến và dầu cát suy giảm. Tuy nhiên, giá vẫn chưa phản ứng mạnh, do tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm lại khiến cầu về dầu suy giảm.

Theo oilandgasinvestor.com
Bài dịch của Nhóm If24h
Link: http://if24h.com/kuwait-tiep-tuc-dau...-gia-giam-sau/
 
NGA TIẾP TỤC DUY TRÌ SẢN LƯỢNG DẦU ĐẾN NĂM 2035, DỰ TRỮ CỦA MỸ CAO KỶ LỤC

Nga dự kiến sẽ duy trì sản lượng dầu thô hiện tại trong 2 thập kỷ nữa, bất chấp các lệnh trừng phạt tiếp diễn và giá dầu suy giảm, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố.

Ông Novak ngày hôm qua cho biết Nga sẽ duy trì sản xuất 525 triệu MT dầu thô mỗi năm, tương đương 10.5 triệu thùng/ngày cho tới năm 2035. Hiện nay, Nga đang được xếp trong hạng “top” các quốc gia sản xuất dầu mỏ, cùng với Ả-rậpMỹ, với sản lượng trong tháng 1 lên tới mức kỷ lục 10.71 triệu thùng/ngày.

Giá dầu đã giảm gần 1 nửa trong vòng 7 tháng qua, buộc nhiều công ty cắt giảm sản lượng do lợi nhuận suy giảm. Báo cáo của chính phủ Mỹ hôm thứ 2 dự báo tăng trưởng ngành dầu đá phiến của Mỹ trong tháng 4 sẽ chậm lại.

Ông Novak nhận định: “Chúng tôi hiện không có bất kỳ dự định nào về việc cắt giảm sản lượng. Nhiệm vụ và kế hoạch của chúng tôi là duy trì sản xuất 525 triệu MT/năm. Chiến lược phát triển hiện tại cũng dựa vào sản lượng 525 triệu MT”.

Chính phủ Nga đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Nga sẽ giảm 3% vào năm nay, do tác động của giá dầu lao dốc và các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới bất ổn tại Crimea và xung đột tại Ukraine.

Dự báo tăng trưởng

Giá dầu Brent được giao dịch tại $57.06/thùng trên sàn ICE Futures Europe lúc 3:37 tối tại London. Kể từ tháng 6/2014 tới nay, giá đã giảm 61%.

Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings hôm qua cho biết các công ty của Nga chỉ chống chọi được với giá dầu $55/thùng trong vài năm nữa, do tiếp cận với các nguồn tín dụng rủi ro cao.

Ông Maxim Edelson, Giám đốc Điều hành cấp cao của Fitch Ratings nhận định: “Lệnh trừng phạt đã ngăn các công ty dầu khí của Nga tiếp cận với thị trường vốn phương Tây. Nếu tình trạng này không được cải thiện và các lệnh hạn chế xuất khẩu vẫn còn, các công ty này sẽ không có đủ vốn để duy trì sản xuất.”

Ông Novak cho biết sản lượng của các công ty dầu khí ngoài khơi có thể tăng lên 50 triệu MT năm 2035, từ mức 16 triệu MT hiện tại.

Dự trữ dầu của Mỹ tiếp tục tăng

Hôm qua, giá dầu chạm ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 tuần qua, khi có thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ gia tăng 9 tuần liên tiếp.

Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) ngày hôm qua cho biết dự trữ dầu thô tăng 1%, đạt 449 triệu thùng. Sản lượng dầu của Mỹ cũng tăng 5 tuần liên tiếp, đạt 9.37 triệu thùng/ngày.

Dự trữ dầu của Mỹ đang leo lên mức cao nhất trong vòng 30 năm qua, khi các công ty lọc dầu đóng cửa bảo dưỡng, trong khi giới đầu tư lại tăng cường tích trữ chờ giá tăng.
Giá dầu giảm, dự trữ dầu liên tục gia tăng, số lượng giàn khoan dầu “đắp chiếu” ngày càng nhiều. Tuy nhiên, cuộc bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm tốc.

Theo Bloomberg
Bài dịch của Nhóm IF24h
Link: http://if24h.com/nga-tiep-tuc-duy-tri-san-luong-dau-den-nam-2035-du-tru-cua-my-cao-ky-luc/
 
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DẦU NGÀY 13/3/2015

Giá dầu hôm qua tiếp tục giảm 3%, từ $48.36 xuống còn $46.89, đánh dấu ngày giảm thứ 3 liên tiếp trong tuần.

Đầu phiên hôm nay, giá dầu có tăng nhẹ 0.47% từ $46.89, do các nhà đầu tư cắt lệnh của hôm qua, được giao dịch tại $47.11 vào 9:75 sáng GMT+7.

oil-13-3.png


Hôm 11/3, các nhà lãnh đạo của các công ty dầu mỏ lớn tại Mỹ đã đến Washington để thúc giục chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô. Trước yêu cầu của nhóm vận động hành lang ngành năng lượng PACE từ năm 2009 và quan điểm ủng hộ của nhiều quan chức chính phủ, Mỹ có thể sẽ phải thay đổi chính sách năng lượng, dỡ bỏ lệnh cấm. Cuối năm ngoái, Bộ Thương mại đã nới lỏng các điều luật xuất khẩu dầu thô nhẹ. Nếu lệnh cấm được dỡ bỏ, cung dầu sẽ ngày càng dư thừa, dầu sẽ tiếp tục mất giá.

Dường như việc đóng cửa 41% các giàn khoan và cắt giảm nhân công trong ngành dầu mỏ sẽ không thể khiến sản lượng giảm xuống. Các công ty dầu vẫn tiếp tục sản xuất đồng thời yêu cầu được tự do xuất khẩu dầu thô. Sản lượng dầu của Mỹ tháng 2 đã là 9.37 triệu thùng/ngày, dự trữ dầu thô tính đến hết tuần trước là 449 triệu thùng.

Nga tuyên bố sẽ duy trì sản xuất 525 triệu MT dầu thô mỗi năm, tương đương 10.5 triệu thùng/ngày cho tới năm 2035. Thị trường có lẽ cũng không thể trông chờ gì nhiều vào cuộc họp 18/3 tới đây của OPEC, bởi dường như Arab vẫn rất kiên quyết với quyết định duy trì mức sản lượng của khối.

Về phía cầu vẫn chưa thấy sự cải thiện nào đáng kể. Các nhà máy lọc dầu của Mỹ sắp kết thúc thời kỳ bảo dưỡng, dự kiến đến mùa hè này sẽ đạt công suất tối đa. Trung Quốc cũng cần nhập khẩu dầu thô cho 2 nhà máy lọc dầu mới. Tuy nhiên, các nhà máy tại châu Âu và châu Á vừa mới bắt đầu bảo dưỡng toàn bộ. Nhu cầu toàn cầu vẫn chưa đủ để có thể cân bằng thị trường.

Trong tình trạng cung dầu vẫn tràn trề còn cầu dầu thì vẫn hạn chế, giá dầu vẫn chưa thể phục hồi trong ngắn hạn.

Nguồn: http://if24h.com/phan-tich-ky-thuat-dau-ngay-1332015/
 
Back
Top